Tài chính phi tập trung (DeFi) là gì?
Trang chủ
Bài viết
Tài chính phi tập trung (DeFi) là gì?

Tài chính phi tập trung (DeFi) là gì?

Trung cấp
Đã đăng Dec 16, 2019Đã cập nhật Jul 8, 2024
11m

Các điểm chính

  • DeFi cho phép người dùng tiếp cận các dịch vụ tài chính tiền mã hóa chỉ với một chiếc ví và một số tiền mã hóa. Các ứng dụng phi tập trung (DApp) cho phép cho vay, cung cấp thanh khoản, swap, stake cùng các hoạt động khác trên nhiều blockchain.

  • Trong khi Ethereum là ngôi nhà ban đầu của DeFi, hầu hết các blockchain hiện có khả năng vận hành hợp đồng thông minh đều lưu trữ DApp DeFi, bao gồm các giải pháp Lớp 2 như Arbitrum và Optimism. Hợp đồng thông minh rất cần cho các dịch vụ mà DeFi cung cấp, bao gồm stake, đầu tư, cho vay, thu hoạch, v.v.

  • DeFi giúp mọi người tối ưu hóa lợi suất, tham gia các thị trường giao dịch phi tập trung, tiếp cận dịch vụ ngân hàng, cũng như vay và cho vay nhanh chóng. Tuy nhiên, DeFi không phải là không có rủi ro. Bạn phải luôn tìm hiểu kỹ trước khi mạo hiểm.

Giới thiệu

Bước vào thế giới tài chính phi tập trung (DeFi) có thể rất thú vị nhưng cũng hơi khó hiểu. Sau một thời gian HODL, thông thường bạn sẽ tự hỏi làm sao để kiếm thêm lợi nhuận từ danh mục đầu tư của mình. Tuy nhiên, có rất nhiều điểm để phân tích khi nói đến DeFi.

Khi được sử dụng một cách có trách nhiệm, các DApp và dự án DeFi có thể trở thành công cụ mạnh mẽ. Nhưng nếu tham gia quá sớm, bạn rất dễ bị choáng ngợp và đưa ra các quyết định đầu tư không khôn ngoan. Cách tốt nhất để tham gia là tìm hiểu những rủi ro và tìm ra những gì phù hợp với bạn. Do vậy, hãy cùng khám phá những kiến thức cơ bản cần thiết để bắt đầu hành trình DeFi.

Tài chính phi tập trung (DeFi) là gì?

Tài chính phi tập trung là một hệ sinh thái các ứng dụng DeFi được xây dựng trên các mạng blockchain. Cụ thể hơn, mục đích của DeFi là tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ tài chính nguồn mở, không cần cấp quyền, minh bạch, ai cũng có thể sử dụng và vận hành mà không cần cơ quan trung ương nào. Người dùng luôn có toàn quyền kiểm soát tài sản của mình và tương tác với hệ sinh thái này thông qua các ứng dụng ngang hàng (P2P) và ứng dụng phi tập trung (DApp).

Lợi ích cốt lõi của DeFi là cho phép tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách dễ dàng, đặc biệt là đối với những người không tiếp cận được hệ thống tài chính truyền thống. Ưu điểm khác của DeFi còn là kết cấu mô-đun, với các ứng dụng DeFi có thể tương tác trên các public blockchain. Các public blockchain này có khả năng tạo ra thị trường tài chính, sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới.

Ưu điểm chính của DeFi

Tài chính truyền thống có các tổ chức như ngân hàng hay tòa án để làm trung gian để phân xử trọng tài. Ứng dụng DeFi không cần bất kỳ trung gian hoặc trọng tài nào. Code đã xác định sẵn cách giải quyết mọi tranh chấp tiềm tàng và người dùng luôn duy trì quyền kiểm soát tiền của họ. Quá trình tự động hóa này làm giảm chi phí và giúp hệ thống tài chính hoạt động ổn định hơn.

Khi các dịch vụ tài chính mới này được triển khai trên blockchain, những lỗi đơn lẻ cũng sẽ bị loại bỏ. Dữ liệu được ghi lại trên blockchain và trải rộng trên hàng nghìn node. Nhờ đó, quá trình kiểm duyệt hoặc khả năng ngừng hoạt động của dịch vụ trở thành một công việc phức tạp.

Một ưu điểm lớn khác của hệ sinh thái mở là các cá nhân đáng lẽ không có quyền truy cập vào bất kỳ dịch vụ tài chính nào sẽ có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Vì hệ thống tài chính truyền thống dựa vào các trung gian để tạo ra lợi nhuận, các dịch vụ của họ thường không dành cho các địa điểm có cộng đồng thu nhập thấp. Tuy nhiên, với DeFi, chi phí được giảm đáng kể và các cá nhân có thu nhập thấp cũng được hưởng lợi từ nhiều loại dịch vụ tài chính.

Trường hợp sử dụng tiềm năng của DeFi

Vay và cho vay

Giao thức cho vay là một trong những loại ứng dụng phổ biến nhất trong hệ sinh thái DeFi. Hệ thống vay và cho vay mở, phi tập trung có nhiều ưu điểm hơn so với hệ thống tín dụng truyền thống, bao gồm giải quyết tức thì các giao dịch, không cần kiểm tra tín dụng và cho phép thế chấp tài sản kỹ thuật số.

Vì được xây dựng trên các blockchain public, các dịch vụ cho vay này giảm thiểu các yêu cầu về độ tin cậy và cung cấp xác minh mật mã. Thị trường cho vay trên blockchain giảm rủi ro đối ứng, làm cho việc vay và cho vay rẻ hơn, nhanh hơn và thêm nhiều người tiếp cận được.

Các dịch vụ ngân hàng liên quan đến tiền tệ

Theo định nghĩa, ứng dụng DeFi là các ứng dụng tài chính, dịch vụ ngân hàng tiền tệ là một trường hợp sử dụng rõ ràng. Điều này bao gồm cả việc phát hành stablecoins, thế chấp và bảo hiểm.

Lĩnh vực blockchain càng phát triển, mức đầu tư vào việc tạo ra các stablecoin càng tăng. Stablecoin là một loại tài sản tiền mã hoá, thường được gắn với tài sản trong thế giới thực, có thể được chuyển giao kỹ thuật số một cách dễ dàng. Vì giá tiền mã hóa có thể biến động nhanh, các stablecoin phi tập trung có thể được sử dụng hàng ngày như tiền kỹ thuật số, dù không được cơ quan trung ương phát hành hay giám sát.

Với hợp đồng thông minh, phí bảo lãnh phát hành và chi phí pháp lý cho các khoản thế chấp có thể giảm đáng kể. Bảo hiểm trên blockchain có thể loại bỏ các trung gian và giúp phân bổ rủi ro giữa nhiều người tham gia. Điều này có thể dẫn đến phí bảo hiểm thấp hơn với cùng chất lượng dịch vụ.

Các sàn phi tập trung

Một số ứng dụng DeFi phổ biến nhất là sàn giao dịch phi tập trung (DEX), như UniswapPancakeSwap. Các nền tảng này giúp người dùng giao dịch tài sản kỹ thuật số mà không cần một trung gian đáng tin cậy để giữ tiền. Giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa của người dùng với sự trợ giúp của hợp đồng thông minh. 

Một số sàn giao dịch được gọi là Market Maker tự động (AMM) sử dụng bể thanh khoản để hỗ trợ giao dịch mà không cần đối tác trực tiếp khớp với giao dịch của bạn. Vì ít yêu cầu bảo trì, các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) thường có phí giao dịch thấp hơn các sàn giao dịch tập trung.

Công nghệ blockchain cũng có thể được sử dụng để phát hành và cho phép sở hữu một loạt các loại công cụ tài chính thông thường. Các ứng dụng này sẽ hoạt động theo cách phi tập trung, giảm tải những bên giám sát và loại bỏ các lỗi đơn lẻ.

Tối ưu hóa lợi suất

Các DApp DeFi có thể được sử dụng để tự động hóa và tối ưu hóa lợi suất gộp thu được từ stake, quỹ thưởng và các sản phẩm có lãi suất khác. Điều này đôi khi được gọi là khai thác lợi suất.

Ví dụ: Bạn có thể nhận được phần thưởng tiêu chuẩn từ việc đào Bitcoin, ủy quyền BNB hoặc cung cấp thanh khoản. Một hợp đồng thông minh có thể lấy phần thưởng của bạn, mua thêm và tái đầu tư tài sản cơ sở. Quá trình này sẽ tạo lãi kép và thường làm tăng đáng kể lợi nhuận.

Sử dụng hợp đồng thông minh giúp tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa lãi kép. Tiền của bạn thường được gộp chung với tiền của người dùng khác, nghĩa là phí gas được chia cho tất cả các thành viên của hợp đồng thông minh tối ưu hóa lợi suất.

Vai trò của hợp đồng thông minh trong DeFi

Hầu hết các ứng dụng hiện có và tiềm năng của tài chính phi tập trung liên quan đến việc tạo và thực hiện các hợp đồng thông minh. Trong khi hợp đồng thông thường sử dụng thuật ngữ pháp lý để xác định các điều khoản của mối quan hệ giữa các pháp nhân tham gia thì hợp đồng thông minh sử dụng code máy tính.

Vì hợp đồng thông minh có các điều khoản viết bằng code, các điều khoản đó có thể thực thi tự động. Điều này giúp thực thi và tự động hóa một cách đáng tin cậy nhiều quy trình kinh doanh hiện cần có sự giám sát thủ công.

Sử dụng hợp đồng thông minh nhanh hơn, dễ dàng hơn và giảm rủi ro cho cả hai bên. Tuy nhiên, hợp đồng thông minh cũng tạo ra các loại rủi ro mới. Vì code máy tính dễ bị lỗi và có lỗ hổng, giá trị và thông tin bí mật được khóa trong hợp đồng thông minh cũng sẽ gặp rủi ro.

Những thách thức mà DeFi phải đối mặt

Hiệu suất kém

Các blockchain vốn đã chậm hơn so với các hệ thống tập trung nên các ứng dụng được xây dựng trên đó bị ảnh hưởng. Các nhà phát triển ứng dụng DeFi cần tính đến những hạn chế này và tối ưu hóa sản phẩm cho phù hợp. Các giải pháp Lớp 2 như Arbitrum và Optimism đang giải quyết vấn đề này bằng cách cung cấp giao dịch nhanh hơn và rẻ hơn.

Rủi ro cao từ lỗi người dùng

Các ứng dụng DeFi chuyển trách nhiệm từ trung gian sang người dùng. Đây có thể là một khía cạnh tiêu cực với nhiều người. Việc thiết kế các sản phẩm giảm thiểu rủi ro do lỗi người dùng là một thách thức khó khăn khi phát triển các sản phẩm trên các blockchain bất biến.

Trải nghiệm tệ cho người dùng

Việc sử dụng các ứng dụng DeFi hiện vẫn đòi hỏi người dùng thực hiện nhiều thao tác phức tạp. Để trở thành yếu tố cốt lõi của hệ thống tài chính toàn cầu, các ứng dụng DeFi phải mang lại lợi ích rõ rệt mới có thể khuyến khích người dùng chuyển đổi từ hệ thống truyền thống. Những cải tiến gần đây trong giao diện người dùng và tài nguyên giáo dục đang giảm thiểu vấn đề này.

Hệ sinh thái lộn xộn

Việc tìm kiếm ứng dụng phù hợp nhất cho một trường hợp sử dụng cụ thể có thể gây khó khăn và người dùng phải có khả năng tìm ra các lựa chọn tốt nhất. Tạo nên các ứng dụng đã khó nhưng làm cho ứng dụng đó dễ dùng trong hệ sinh thái DeFi rộng lớn còn là một thách thức gắt gao hơn. 

Rủi ro của DeFi

Mặc dù thế giới DeFi có thể cung cấp các APY hấp dẫn nhưng cũng sẽ có rủi ro. Mặc dù DeFi phi tập trung nhưng về cơ bản, bạn đang sử dụng các dịch vụ tài chính và có thể gặp một số rủi ro khá quen thuộc:

Không có rủi ro đến từ đối tác

Nếu bạn cho vay tiền mã hóa hoặc cho vay dưới bất kỳ hình thức nào khác, có nguy cơ đối tác sẽ không trả nợ cho bạn.

Rủi ro quy định

Tính hợp pháp của một số dịch vụ và dự án có thể khó xác định. Nếu bạn đang đầu tư vào một hợp đồng thông minh và về sau bị hủy do các vấn đề về quy định thì tiền của bạn có thể gặp rủi ro. Các hành động và hướng dẫn gần đây từ các cơ quan quản lý trên toàn cầu đang ảnh hưởng đến sự phát triển và áp dụng DeFi.

Rủi ro token

Các tài sản bạn nắm giữ có các mức độ rủi ro khác nhau bị ảnh hưởng bởi tính thanh khoản, độ tin cậy, bảo mật hợp đồng thông minh của token cũng như dự án và đội ngũ liên quan. Khi lĩnh vực DeFi có nhiều token có vốn hóa thị trường thấp, rủi ro của token có thể đặc biệt cao.

Rủi ro phần mềm

Các lỗ hổng trong code có thể làm suy yếu tính bảo mật của hợp đồng thông minh mà bạn đã đầu tư. Ví của bạn cũng có thể bị xâm phạm do kết nối với các DApp DeFi và cấp cho chúng một số quyền nhất định. Các biện pháp bảo mật như ví đa chữ ký và quỹ bảo hiểm đang phát triển mạnh mẽ để giải quyết những rủi ro này.

Lỗ tạm thời

Nếu bạn đang stake vào các bể thanh khoản, phân kỳ xa khỏi tỷ lệ giá bạn đã nhập sẽ khiến bạn mất một số token đã nạp vào bể nếu bạn rút tiền.

Tiếp cận các dự án DeFi

Ethereum từ lâu đã trở thành ngôi nhà truyền thống của DeFi. Tuy nhiên, hiện nay nhiều blockchain có hệ sinh thái DeFi lành mạnh. Các mạng lưới có khả năng vận hành hợp đồng thông minh như BNB Chain, Solana, Polkadot, Avalanche và các giải pháp lớp 2 mới hơn trên Ethereum là những lựa chọn phổ biến.

Việc tìm kiếm các dự án và giao thức DeFi đòi hỏi sự nghiên cứu. Các diễn đàn, người đưa tin và trang web trực tuyến có thể giúp bạn tìm hiểu về các cơ hội mới. Tuy nhiên, hãy cực kỳ thận trọng với bất kỳ thông tin nào bạn tìm thấy. Luôn kiểm tra kỹ mức độ an toàn của bất kỳ dự án nào mà bạn đọc được hoặc nghe nói.

Tôi cần những gì để tiếp cận các dự án DeFi?

Để bắt đầu sử dụng DApp DeFi, bạn cần có:

  • Ví tương thích: Ví tiện ích mở rộng trên trình duyệt của bạn như MetaMask hoặc ví di động như Trust Wallet đều được. Ví lưu ký (nơi bạn không sở hữu khóa riêng tư) ít có khả năng cho phép bạn kết nối với DApp.

  • Tài sản tiền mã hóa: Điều này có vẻ hiển nhiên nhưng bạn có thể cần kết hợp nhiều tài sản. Ví dụ: Nếu muốn sử dụng DApp trên Ethereum, bạn sẽ cần ETH cho phí gas và một token khác cho bất kỳ dịch vụ nào bạn sử dụng.

DeFi so với Tài chính truyền thống (TradFi)

DeFi là một hệ thống tài chính mở cho bất kỳ ai có kết nối Internet, trái ngược với tài chính truyền thống (dựa vào các tổ chức tập trung và cơ quan quản lý). Tuy nhiên, DeFi và tài chính truyền thống đang tăng cường tương tác với nhau. Ngân hàng và tổ chức tài chính đang bắt đầu khám phá các giao thức DeFi, tạo ra các mô hình lai kết hợp các lợi ích của cả hai hệ thống.

DeFi so với Tài chính tập trung (CeFi)

Trong thế giới tiền mã hóa, không phải mọi dịch vụ tài chính đều phi tập trung. Ví dụ: Stake thông qua một sàn giao dịch tập trung như Binance thường yêu cầu bạn bỏ quyền lưu ký token của mình. Trong trường hợp này, bạn phải tin tưởng vào pháp nhân đã tập trung hóa đang xử lý tiền của bạn.

Phần lớn các dịch vụ được cung cấp sẽ giống nhau. Chúng có thể được thực hiện thông qua cùng một nền tảng DeFi mà người dùng có thể truy cập trực tiếp. Tuy nhiên, CeFi loại bỏ bản chất phức tạp thường thấy của việc tự quản lý các khoản đầu tư DeFi. Bạn cũng có thể tăng khoản đảm bảo cho tiền gửi của mình.

CeFi tuy không tệ, nhưng cũng không tốt hơn DeFi. Độ phù hợp của chúng phụ thuộc vào mong muốn và nhu cầu của bạn. Mặc dù bạn có thể hy sinh một số quyền kiểm soát trong CeFi nhưng bạn thường nhận được sự đảm bảo chắc chắn hơn, cũng như giảm bớt một số trách nhiệm xử lý tài sản và thực hiện giao dịch.

Sự khác biệt giữa DeFi và Ngân hàng mở là gì?

Ngân hàng mở là hệ thống ngân hàng mà các nhà cung cấp dịch vụ tài chính thuộc bên thứ ba được cấp quyền truy cập an toàn vào dữ liệu tài chính thông qua các API. Điều này cho phép kết nối các tài khoản và dữ liệu giữa các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Về cơ bản, nó cũng tạo ra các loại sản phẩm và dịch vụ mới trong hệ thống tài chính truyền thống. 

Tuy nhiên, DeFi đề xuất một hệ thống tài chính hoàn toàn mới, độc lập với cơ sở hạ tầng hiện tại. Đôi khi, DeFi cũng được gọi là tài chính mở.

Ví dụ: Ngân hàng mở có thể cho phép quản lý tất cả các công cụ tài chính truyền thống trong một ứng dụng bằng cách lấy dữ liệu từ một số ngân hàng và tổ chức. 

Trong khi đó, Tài chính phi tập trung cũng có thể cho phép quản lý các công cụ tài chính hoàn toàn và các cách tương tác hoàn toàn mới.

Tổng kết

DeFi đã nhanh chóng tạo ra một hệ sinh thái giá trị tự lực giúp thu hút vốn, nhà phát triển và sản phẩm mới. Mặc dù DeFi hứa hẹn sẽ cách mạng hóa lĩnh vực tài chính nhưng đó vẫn là một lĩnh vực mới nổi. Tương lai của DeFi nằm ở sự tiến bộ công nghệ không ngừng, sự phát triển về quy định và ngày càng được áp dụng rộng rãi. Hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, cần đổi mới liên tục để giải quyết những hạn chế và rủi ro liên quan đến DeFi.

Đọc thêm:


Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Nội dung này được cung cấp cho bạn trên cơ sở “nguyên trạng” chỉ nhằm mục đích thông tin chung và giáo dục mà không có đại diện hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Nó không nên được hiểu là lời khuyên về tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác, cũng như không nhằm mục đích khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên của riêng bạn từ các cố vấn chuyên môn thích hợp. Trong trường hợp bài viết được đóng góp bởi người đóng góp bên thứ ba, xin lưu ý rằng những quan điểm thể hiện đó thuộc về người đóng góp bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc tuyên bố từ chối trách nhiệm đầy đủ của chúng tôi ở đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể giảm hoặc tăng và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất nào bạn có thể phải gánh chịu. Tài liệu này không nên được hiểu là lời khuyên về tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụngCảnh báo rủi rocủa chúng tôi.