Các điểm chính
Ví tiền mã hóa cho phép bạn tương tác với mạng lưới blockchain để gửi, nhận và quản lý các tài sản kỹ thuật số như Bitcoin, Ethereum và Solana.
Ví cũng được sử dụng để tạo và lưu trữ khóa riêng tư cũng như cụm từ ghi nhớ. Về cơ bản, cụm từ này là mật khẩu cho phép bạn truy cập tiền mã hóa của mình.
Hầu hết ví tiền mã hóa là ví lưu ký hoặc ví không lưu ký. Ví lưu ký được quản lý bởi bên thứ ba. Ví không lưu ký cho phép bạn nắm toàn quyền kiểm soát khóa và tài sản của mình.
Ví tiền mã hóa có thể được chia thành 3 nhóm: Ví mềm, ví cứng và ví giấy. Tùy vào cách thức hoạt động mà ví tiền mã hóa còn được phân loại là ví nóng hoặc ví lạnh.
Ví mềm dễ sử dụng hơn, nhưng ví cứng nhìn chung là lựa chọn an toàn hơn. Ví giấy, là những mảnh giấy viết hoặc in mã trên đó, được coi là lỗi thời và không đáng tin cậy.
Ví tiền mã hóa là gì?
Ví tiền mã hóa là công cụ mà bạn có thể sử dụng để tương tác với mạng lưới blockchain để quản lý tiền mã hóa và các tài sản kỹ thuật số khác. Ví tiền mã hóa theo dõi số lượng tiền mã hóa bạn có và cho phép bạn gửi và nhận tài sản kỹ thuật số.
Có nhiều loại ví tiền mã hóa. Một số có thể sử dụng trên nhiều thiết bị trong khi số khác được thiết kế riêng cho một loại thiết bị duy nhất.
Ngoài lưu trữ và quản lý tiền mã hóa, ví tiền mã hóa còn cho phép bạn kết nối với các ứng dụng phi tập trung (DApp) như sàn giao dịch phi tập trung (DEX) và trò chơi chơi để kiếm tiền. Bạn cũng cần có ví tiền mã hóa để lưu trữ và quản lý non-fungible token (NFT).
Ví tiền mã hóa hoạt động như thế nào?
Trái với mọi người thường nghĩ, ví tiền mã hóa không lưu trữ tài sản kỹ thuật số. Thay vào đó, ví tiền mã hoá cung cấp các công cụ cần thiết để truy cập và tiêu tiền mã hóa mà bạn nắm giữ. Nói cách khác, ví tiền mã hóa tạo ra thông tin cần thiết để gửi và nhận tài sản thông qua các giao dịch trên blockchain.
Ví tiền mã hóa cũng chứa một hoặc nhiều cặp khóa công khai và khóa riêng tư cùng một địa chỉ vốn là giá trị định danh gồm các chữ cái và số được tạo ra dựa trên các khóa đó. Trên thực tế, bạn có thể coi địa chỉ ví như một "vị trí cụ thể" trên blockchain, nơi mà coin có thể được gửi đến. Tương tự như cách bạn chia sẻ địa chỉ email của mình với người khác để nhận tin nhắn, bạn có thể chia sẻ địa chỉ công khai của ví với người khác để nhận tiền.
Khóa riêng tư giống như mật khẩu của ví. Khóa riêng tư cho phép bạn truy cập tiền mã hóa của mình bất kể bạn sử dụng ví nào. Vì vậy, ngay cả khi làm mất máy tính hoặc điện thoại thông minh, bạn vẫn có thể truy cập tiền của mình trên một thiết bị khác — miễn là bạn có khóa riêng tư hoặc cụm từ ghi nhớ thích hợp. Bạn phải luôn giữ bí mật khóa riêng tư và cụm từ ghi nhớ.
Khi bạn muốn gửi tiền mã hóa cho người khác hoặc thực hiện một hành động trên ứng dụng phi tập trung (DApp), ví tiền mã hóa sẽ tạo ra một chữ ký số đặc biệt. Chữ ký này giống như dấu vân tay kỹ thuật số chứng minh giao dịch là hợp lệ và do bạn thực hiện.
Lưu ký và không lưu ký
Hầu hết ví tiền mã hóa là ví lưu ký hoặc ví không lưu ký, chủ yếu khác nhau về quyền sở hữu và quyền kiểm soát khóa riêng tư.
Ví lưu ký được quản lý bởi bên thứ ba, chẳng hạn như sàn giao dịch tiền mã hóa lưu trữ và quản lý khóa riêng tư thay bạn. Các ví này ưu tiên sự tiện lợi, cho phép bạn lấy lại tiền dễ dàng hơn nếu bạn quên mật khẩu hoặc mất quyền truy cập. Tuy nhiên, ví lưu ký đòi hỏi bạn phải tin tưởng vào khả năng bảo mật và độ tin cậy của nền tảng lưu ký vì bạn sẽ không hoàn toàn kiểm soát tài sản của mình.
Trong khi đó, ví không lưu ký cho phép bạn nắm toàn quyền kiểm soát cụm từ ghi nhớ và khóa riêng tư, đảm bảo bạn hoàn toàn sở hữu tiền mã hóa của mình. Tính độc lập này giúp tăng cường bảo mật và quyền riêng tư nhưng đi kèm với trách nhiệm lớn hơn. Nếu khóa của bạn bị mất hoặc bị xâm phạm, việc lấy lại tiền gần như là không thể.
Tóm lại, mỗi loại ví phù hợp với nhu cầu khác nhau của người dùng: ví lưu ký dành cho những người ưa sự tiện lợi còn ví không lưu ký dành cho những người ưu tiên quyền tự chủ và bảo mật.
Tại sao ví tiền mã hóa lại quan trọng?
Ví tiền mã hóa là công cụ cần thiết để lưu trữ và quản lý an toàn tài sản kỹ thuật số. Ví không lưu ký cho phép người dùng nắm toàn quyền kiểm soát, quyền sở hữu và quyền truy cập trực tiếp vào tiền của mình, từ đó thúc đẩy độc lập tài chính và loại bỏ sự cần thiết phải có tổ chức trung gian.
Quyền sở hữu và quyền kiểm soát
Không giống như các hệ thống tài chính truyền thống nơi mà ngân hàng hoặc tổ chức trung gian lưu trữ tiền cho bạn, ví tiền mã hóa không lưu ký cho phép bạn nắm toàn quyền kiểm soát việc lưu trữ và quản lý tiền của bạn. Bạn giữ khóa riêng tư vốn là bằng chứng về quyền sở hữu và cho phép bạn ủy quyền giao dịch.
Người dùng có thể thực hiện giao dịch peer-to-peer trực tiếp với nhau, điều này có thể mang lại lợi thế về tốc độ và hiệu quả chi phí. Ví tiền mã hóa cũng cho phép các cá nhân ở những khu vực chưa tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tài chính hoặc không được cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính tiếp cận các dịch vụ tài chính và tham gia vào nền kinh tế toàn cầu.
Khả năng tiếp cận
Ví tiền mã hóa cho phép bạn truy cập tiền của mình mọi lúc, mọi nơi miễn là bạn có kết nối Internet. Bạn có thể gửi và nhận tiền mã hóa, kiểm tra số dư và tương tác với DApp mọi lúc. Khả năng tiếp cận này đặc biệt hữu ích với những cá nhân không có tài khoản ngân hàng nhưng muốn kiểm soát tài chính của mình hoặc tham gia vào nền kinh tế phi tập trung.
Khả năng tương tác
Ví tiền mã hóa thường tương thích với nhiều loại tiền mã hóa và mạng lưới blockchain. Khả năng tương tác này cho phép bạn quản lý nhiều tài sản kỹ thuật số trên một giao diện duy nhất. Bạn có thể giao dịch nhiều loại tiền mã hóa, tham gia các đợt airdrop và các hoạt động cộng đồng, cũng như khám phá DApp trên các hệ sinh thái blockchain khác nhau.
Mức độ tiếp cận
Ví tiền mã hóa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc chấp nhận và sử dụng tiền mã hóa bằng cách cung cấp một công cụ cho các cá nhân tham gia vào lĩnh vực tiền mã hóa. Mục đích của ví tiền mã hóa là đơn giản hóa các khía cạnh phức tạp của tiền mã hóa, giúp mọi người, kể cả người dùng không chuyên, dễ dàng nắm được và quản lý tài sản kỹ thuật số của mình hơn. Ví thân thiện với người dùng thu hút những người mới gia nhập lĩnh vực tiền mã hóa, tạo điều kiện cho họ tham gia vào hệ sinh thái.
Loại ví tiền mã hóa nào là tốt nhất?
Việc chọn ví tiền mã hoá tốt nhất cần dựa trên một số yếu tố như nhu cầu và sở thích cụ thể của người dùng. Ví tiền mã hoá tốt nhất cũng có thể phụ thuộc vào loại tiền mã hóa cụ thể mà bạn muốn nắm giữ và sử dụng.
Ví dụ: ví Bitcoin tốt nhất có thể khác với ví cần thiết để lưu trữ tài sản chạy trên Ethereum. Trong một số trường hợp, ví tiền mã hóa có thể không được thiết kế cho mạng lưới blockchain mà bạn quan tâm, vì vậy thậm chí bạn có thể không sử dụng được.
Có nhiều loại ví khác nhau, mỗi loại cung cấp các tính năng, mức độ bảo mật và trải nghiệm người dùng khác nhau.
1. Ví cứng
Ví cứng là thiết bị điện tử sử dụng trình tạo số ngẫu nhiên (RNG) để tạo khóa công khai và khóa riêng tư. Sau đó, các khóa này được lưu trữ trên chính thiết bị. Ví cứng là một loại ví lạnh, nghĩa là ví cứng hoạt động ngoại tuyến và không được kết nối với Internet khi lưu trữ và ký các giao dịch tiền mã hóa.
Việc tách biệt khỏi mạng trực tuyến này giúp tăng cường tính bảo mật của khóa riêng tư và bảo vệ khóa riêng tư khỏi các mối đe dọa trực tuyến tiềm ẩn, chẳng hạn như tin tặc hoặc tấn công phần mềm độc hại. Bằng cách giữ khóa riêng tư ở chế độ ngoại tuyến, ví cứng giúp tăng thêm mức độ bảo vệ nên đây là lựa chọn ưa thích của những người đang tìm cách tăng cường bảo mật cho tài sản kỹ thuật số của mình.
Mặc dù các ví này cung cấp mức độ bảo mật cao hơn do có thể chống lại các cuộc tấn công trực tuyến, nhưng ngay cả ví cứng tiền mã hóa tốt nhất cũng có thể gặp rủi ro nếu việc triển khai chương trình cơ sở không được thực hiện đúng cách. Ví cứng cũng thường kém thân thiện với người dùng. Tùy thuộc vào từng loại ví mà tiền có thể khó truy cập hơn khi so sánh với ví nóng (những ví kết nối với Internet).
Bạn nên cân nhắc sử dụng ví cứng nếu có kế hoạch giữ tài sản trong một thời gian dài hoặc nếu bạn đang nắm giữ một lượng lớn tiền mã hoá. Hiện tại, hầu hết các ví phần cứng đều cho phép bạn thiết lập mã PIN để bảo vệ thiết bị và thiết lập cụm từ ghi nhớ trong trường hợp bạn quên mã PIN hoặc mất thiết bị ví.
Các ví cứng phổ biến có thể kể đến Ledger, Trezor, Tangem và SafePal.
2. Ví mềm
Ví mềm có nhiều dạng khác nhau, bao gồm ví web, ví máy tính và ví di động. Ví mềm cung cấp sự tiện lợi và khả năng truy cập, nhưng hầu hết là ví nóng, nghĩa là ví được kết nối với Internet theo một cách nào đó.
Để rõ ràng, chúng tôi sẽ đề cập riêng đến các loại ví mềm khác nhau, nhưng hãy nhớ rằng nhiều ví web cũng có dưới dạng ứng dụng di động.
Ví web
Bạn có thể sử dụng ví web để truy cập blockchain thông qua giao diện trình duyệt mà không cần tải về hoặc cài đặt phần mềm trên thiết bị của mình. Ví web bao gồm cả ví sàn giao dịch và ví trên trình duyệt khác.
Khi sử dụng sàn giao dịch tiền mã hóa, bạn sẽ có một ví không lưu ký do công ty quản lý. Mặc dù ví sàn giao dịch thuận tiện hơn cho người dùng thiếu kinh nghiệm, nhưng bạn đang ủy thác cho nhà cung cấp dịch vụ chìa khóa và tài sản của mình. Vì vậy, điều quan trọng là phải chọn một nhà cung cấp đáng tin cậy và an toàn như Binance.
Khi sử dụng các sàn giao dịch tiền mã hóa, hãy cân nhắc sử dụng các công cụ bảo vệ, chẳng hạn như tính năng xác thực đa yếu tố, mã chống tấn công giả mạo và quản lý địa chỉ rút tiền.
Nếu muốn nắm toàn quyền kiểm soát khóa và tài sản của mình, bạn có thể sử dụng các loại ví không lưu ký như MetaMask hoặc Trust Wallet. Một lựa chọn tuyệt vời khác là Ví Binance. Đây là ví tiền mã hóa kết hợp cho phép bạn nắm toàn quyền kiểm soát tài sản của mình đồng thời có dịch vụ hỗ trợ khách hàng 24/7 và công cụ khôi phục mật khẩu.
Ví desktop
Đúng như tên gọi, ví máy tính là ứng dụng phần mềm mà người dùng tải về và chạy trên máy tính. Không giống như một số phiên bản chạy trên web, ví máy tính cho phép người dùng nắm toàn quyền kiểm soát khóa và tiền của mình.
Khi ví máy tính mới được tạo, một tệp có tên "wallet.dat" được lưu trữ trên máy tính. Tệp này chứa thông tin khóa riêng tư được sử dụng để truy cập vào các địa chỉ tiền mã hóa của bạn. Vì vậy, bạn nên mã hóa tệp này bằng mật khẩu cá nhân.
Nếu mã hóa ví máy tính của mình, bạn sẽ cần nhập mật khẩu mỗi khi chạy phần mềm để đọc tệp wallet.dat. Nếu bạn làm mất tệp này hoặc quên mật khẩu, rất có thể bạn sẽ mất quyền truy cập vào tiền của mình.
Hãy nhớ sao lưu tệp wallet.dat rồi giữ ở nơi an toàn. Ngoài ra, bạn có thể xuất và sao lưu khóa riêng tư hoặc cụm từ ghi nhớ của ví tương ứng. Nhờ đó, bạn có thể truy cập tiền trên các thiết bị khác nếu máy tính của bạn ngừng hoạt động hoặc không thể truy cập được.
Nhìn chung, các ví máy tính uy tín được coi là an toàn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo máy tính của bạn không có vi-rút và phần mềm độc hại trước khi thiết lập và sử dụng ví máy tính. Electrum là một ví dụ phổ biến về ví tiền mã hoá trên máy tính.
Ví di động
Ví di động hoạt động giống như ví tiền mã hóa trên web và máy tính nhưng được thiết kế đặc biệt như các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Ví di động khá thuận tiện vì chúng cho phép bạn sử dụng tiền mã hóa mọi lúc, mọi nơi. Bạn cũng có thể gửi và nhận tài sản kỹ thuật số bằng mã QR.
Ví di động rất phù hợp để thực hiện các giao dịch và thanh toán hằng ngày, nên đây là lựa chọn khả thi để tiêu bitcoin, BNB và các loại tiền mã hóa khác trong thế giới thực. Các ví di động phổ biến có thể kể đến MetaMask, Trust Wallet và Phantom.
Tuy nhiên, cũng giống như máy tính, thiết bị di động dễ bị nhiễm ứng dụng độc hại và phần mềm độc hại. Bạn nên mã hóa ví di động bằng mật khẩu. Hãy nhớ sao lưu cụm từ ghi nhớ (hoặc khóa riêng tư) trong trường hợp bạn mất quyền truy cập vào điện thoại của mình.
3. Ví giấy
Ví giấy là một mảnh giấy trên đó in địa chỉ tiền mã hóa và khóa riêng tư. Do đó, những chiếc ví này có khả năng cao trong việc chống lại các cuộc tấn công hack trực tuyến và có thể được coi là một giải pháp thay thế cho lưu trữ lạnh. Tuy nhiên, ví giấy đòi hỏi người dùng phải xử lý cẩn thận và lưu trữ an toàn để tránh mất mát hoặc hư hỏng.
Ví giấy tương đối phổ biến trước năm 2016, nhưng hiện không còn được khuyến khích sử dụng do những rủi ro cố hữu của nó. Ví giấy có khả năng bị hư hỏng hoặc phá hủy khá dễ dàng. Ngoài ra, còn có các rủi ro bảo mật liên quan đến dữ liệu có thể được lưu trữ trong máy tính và máy in sau khi tạo ví giấy.
Một mối nguy hiểm khác của việc sử dụng ví giấy đến từ quan niệm sai lầm rằng tiền có thể được gửi nhiều lần từ cùng một địa chỉ. Ví dụ: nếu bạn gửi 4 trong số 10 BTC từ ví giấy của mình, 6 BTC còn lại sẽ được tự động chuyển đến "địa chỉ tiền thừa" khác với địa chỉ ví giấy của bạn. Trong hầu hết các trường hợp, người dùng sẽ mất quyền truy cập vào số tiền còn lại (tiền thừa) vì đó không phải là địa chỉ mà họ kiểm soát.
Bắt đầu sử dụng ví tiền mã hóa
Để thiết lập ví tiền mã hóa, hãy làm theo hướng dẫn từng bước sau:
1. Nghiên cứu và chọn ví
Nghiên cứu các loại ví khác nhau và xem xét các yếu tố như bảo mật ví, khả năng tương thích, trải nghiệm người dùng, lưu ký và niềm tin của cộng đồng. Tìm kiếm các nhà cung cấp ví có uy tín và đọc các bài đánh giá để đưa ra quyết định sáng suốt.
Sau khi chọn ví, hãy truy cập trang web chính thức của nhà cung cấp ví. Đảm bảo bạn đang truy cập trang web thật bằng cách xác minh URL. Điều này rất quan trọng vì có những trang web lừa đảo trông gần giống với những trang web thật.
Nếu quyết định sử dụng ví cứng tiền mã hóa, bạn cũng nên đảm bảo rằng ví còn nguyên tem của nhà sản xuất khi đến tay bạn và bao bì của ví không bị giả mạo. Tốt nhất, bạn nên mua ví cứng trực tiếp từ nhà sản xuất ví để giảm bớt rủi ro.
2. Cài đặt ví
Nếu là ví mềm, hãy tìm mục tải về trên trang web rồi chọn phiên bản thích hợp cho hệ điều hành. Sau khi tải về, hãy làm theo hướng dẫn cài đặt do nhà cung cấp ví cung cấp.
Nếu đã mua ví cứng, bạn sẽ cần làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất ví để thiết lập. Điều này thường liên quan đến việc kết nối thiết bị với máy tính hoặc điện thoại thông minh bằng cáp đi kèm (hoặc Bluetooth), cài đặt phần mềm cần thiết và cập nhật chương trình cơ sở.
3. Thiết lập ví và các biện pháp bảo mật
Khi khởi chạy phần mềm ví lần đầu, thường thì bạn có thể chọn tạo ví mới hoặc nhập ví hiện có. Nếu thiết lập ví mới, hãy làm theo hướng dẫn để tạo địa chỉ ví và khóa riêng tư mới. Nếu bạn đã có ví, hãy chọn tùy chọn nhập và cung cấp thông tin cần thiết như cụm từ khôi phục hoặc khóa riêng tư.
Hãy nhớ sao lưu ví trong bước này để bảo vệ ví khỏi bị mất mát hoặc hư hỏng. Làm theo hướng dẫn của nhà cung cấp ví để sao lưu cụm từ khôi phục của ví hoặc tạo tệp sao lưu ví. Lưu trữ bản sao lưu này một cách an toàn ở một vị trí riêng biệt.
Điều quan trọng là phải ưu tiên tính bảo mật của ví tiền mã hóa. Đặt mật khẩu mạnh cho phần mềm ví và bật mọi tính năng bảo mật bổ sung do nhà cung cấp ví cung cấp, chẳng hạn như xác thực sinh trắc học hoặc xác thực 2 lớp (2FA).
4. Làm quen với giao diện ví
Hãy dành chút thời gian dùng thử và tìm hiểu về giao diện ví cũng như các tính năng của ví. Làm quen với các chức năng như gửi và nhận tiền, xem lịch sử giao dịch và truy cập mục cài đặt bổ sung.
5. Nạp tiền vào ví
Để bắt đầu sử dụng ví, bạn cần chuyển tiền mã hóa vào ví để thanh toán phí giao dịch và phí gas. Phí được thanh toán bằng đồng tiền gốc của mạng lưới. Ví dụ: nếu bạn muốn sử dụng ví Solana để giao dịch NFT trên Magic Eden, bạn cần có một ít SOL để mua NFT và thanh toán phí giao dịch.
Một cách để nạp tiền vào ví mới là gửi tiền mã hóa từ tài khoản Binance của bạn:
Truy cập trang rút tiền trên Binance rồi chọn đơn vị tiền bạn muốn chuyển.
Chuyển đến ví mới rồi lấy địa chỉ công khai. Địa chỉ này thường được hiển thị cùng với mã QR. Sao chép địa chỉ ví đích rồi dán vào trường địa chỉ của trang rút tiền Binance.
Chọn đúng mạng lưới blockchain.
Ví dụ: Bitcoin cho BTC, BNB Smart Chain cho BNB và các token và BEP20, Ethereum cho ETH và các token ERC20, Solana cho SOL và các token SPL, v.v.
Nhớ đừng gửi nhầm đến mạng lưới khác vì việc này có thể khiến bạn mất tiền vĩnh viễn. Nếu bạn không chắc chắn, hãy nghiên cứu trước và bắt đầu gửi số tiền nhỏ để thử và làm quen với quy trình.
Ngay khi tiền đến nơi, bạn có thể bắt đầu sử dụng ví tiền mã hóa mới của mình.
Chọn ví tiền mã hóa như thế nào?
Không có câu trả lời chắc chắn. Nếu bạn thường xuyên giao dịch, việc sử dụng ví di động hoặc ví trên web sẽ cho phép bạn truy cập tiền của mình một cách nhanh chóng và giao dịch thuận tiện. Giả sử bạn có thiết bị không nhiễm vi-rút và bạn bảo mật tài khoản bằng các phương thức 2FA thì tiền mã hóa của bạn nhìn chung sẽ an toàn.
Tuy nhiên, nếu bạn đang nắm giữ một lượng lớn tiền mã hóa mà bạn không có kế hoạch bán trong một thời gian dài, ví lạnh có thể là giải pháp tốt hơn vì chúng có khả năng chống hack, tấn công giả mạo và lừa đảo tốt hơn.
Tổng kết
Ví tiền mã hóa là một công cụ thiết yếu để quản lý tài sản kỹ thuật số một cách an toàn. Dù bạn đang giao dịch, nắm giữ tiền mã hóa hay khám phá các ứng dụng phi tập trung, việc chọn ví phù hợp là cực kỳ quan trọng.
Luôn ưu tiên bảo mật bằng cách bảo vệ cụm từ ghi nhớ và khóa riêng tư của bạn. Nếu bạn đang sử dụng dịch vụ lưu ký, hãy tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy và có uy tín.
Đọc thêm:
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở “nguyên trạng” chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và phổ biến kiến thức mà không phải là sự cam đoan hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Nội dung này không nên hiểu là lời khuyên tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác, cũng như không nhằm khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ các đơn vị tư vấn chuyên môn phù hợp. Trong trường hợp bài viết do cộng tác viên bên thứ ba đóng góp, xin lưu ý rằng những quan điểm thể hiện đó thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và có thể bạn sẽ không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Tài liệu này không nên hiểu là lời khuyên tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụng và Cảnh báo rủi ro của chúng tôi.