Polkadot (DOT) Là Gì?
Trang chủ
Bài viết
Polkadot (DOT) Là Gì?

Polkadot (DOT) Là Gì?

Người mới
Đã đăng Dec 15, 2020Đã cập nhật Dec 7, 2023
5m

Tóm lược

Polkadot tự định vị mình là giao thức blockchain thế hệ tiếp theo, có khả năng kết nối nhiều chuỗi chuyên biệt thành một mạng chung. Với việc tập trung mạnh mẽ xây dựng cơ sở hạ tầng cho Web 3.0 - và được thành lập bởi Web3 Foundation – mục tiêu của Polkadot là phá vỡ sự độc quyền của Internet và trao quyền cho những người dùng cá nhân. 


Giới thiệu

Blockchain đã xuất hiện kể từ khi Bitcoin ra đời. Mặc dù nó là một công nghệ được đánh giá là đột phá, nhưng vẫn tồn tại một số nhược điểm nhất định cần lưu ý. Về cơ bản, các blockchain riêng lẻ không thể giao tiếp với một blockchain khác. Việc mở rộng  khả năng tương tác giữa các chuỗi khác nhau có thể dẫn đến việc trao đổi dữ liệu và cuối cùng là các ứng dụng và dịch vụ mạnh mẽ hơn.

Trong quá khứ, các nhà phát triển đã cố gắng "bắc cầu" các blockchain. Đó là cách để chuỗi A làm việc với chuỗi B và ngược lại. Tuy nhiên, việc kết nối nhiều (hàng trăm hoặc hàng nghìn) blockchain cùng một lúc vẫn là một thách thức. Các nhà phát triển từ Polkadot và phần mở rộng là tổ chức Web3 Foundation tin tưởng rằng một giải pháp dễ dàng hơn có thể được tạo ra trong những năm tới.


Polkadot là gì?

Theo tuyên bố, Polkadot là một giao thức mã nguồn mở được xây dựng cho tất cả mọi người, Polkadot là bước tiếp theo trong sự phát triển của công nghệ blockchain. Khái niệm ban đầu về Polkadot được sáng tạo bởi Tiến sĩ Gavin Wood, người đồng sáng lập Ethereum . Đội ngũ Polkadot muốn tập trung nỗ lực vào bảo mật, khả năng mở rộng và đổi mới. Để làm như vậy, cơ sở hạ tầng cần thiết cần được tạo ra để không chỉ hỗ trợ các ý tưởng và khái niệm mới mà còn đảm bảo rằng có thể đạt được khả năng tương tác thích hợp.

Một blockchain riêng lẻ trong hệ sinh thái Polkadot được gọi là parachain (chuỗi song song), trong khi chuỗi chính được gọi là Relay Chain (chuỗi chuyển tiếp). Ý tưởng là các parachain và Relay Chain có thể dễ dàng trao đổi thông tin mọi lúc. Bạn có thể nghĩ các parachain tương tự như các phân đoạn riêng lẻ trong tiến trình triển khai ETH 2.0 theo kế hoạch.

Bất kỳ nhà phát triển, công ty hoặc cá nhân nào cũng có thể tạo ra các parachain tùy chỉnh của họ thông qua Substrate, một framework giúp tạo tiền mã hoá và các hệ thống phi tập trung. Khi chuỗi tùy chỉnh được kết nối với mạng Polkadot, nó sẽ trở nên tương thích với tất cả các parachain khác trên mạng. 

Việc xây dựng các ứng dụng, sản phẩm và dịch vụ xuyên chuỗi sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều với thiết kế này. Trước đây, việc chuyển dữ liệu hoặc tài sản giữa các blockchain không thể thực hiện được trên quy mô lớn.

Việc bảo mật và xác thực dữ liệu trên các parachain khác nhau được thực hiện thông qua những người xác thực mạng, nơi một nhóm nhỏ những người xác thực này có thể bảo mật nhiều parachain. Những người xác thực này cũng sẽ đảm bảo các giao dịch có thể được trải rộng trên nhiều parachain để cải thiện khả năng mở rộng.


Lợi ích của Polkadot

Có nhiều lý do để các nhà phát triển nên tìm hiểu hệ sinh thái Polkadot. Về cơ bản, công nghệ blockchain hiện tại vẫn gặp phải nhiều vấn đề về khả năng mở rộng, tùy chỉnh, tương tác, quản trị và nâng cấp.

Về mặt quy mô, Polkadot có rất nhiều không gian để phát triển. Nó hoạt động như một mạng đa tuyến, cho phép xử lý việc chuyển giao song song trên các chuỗi riêng lẻ khác nhau. Điều này giúp loại bỏ một trong những rào cản lớn nhất của công nghệ blockchain ngày nay. Xử lý song song là một cải tiến đáng kể và có thể mở đường cho việc áp dụng blockchainrộng rãi hơn trên toàn cầu.

Những người tìm kiếm sự tùy chỉnh có thể khai thác một số tính năng khác do Polkadot cung cấp. Hiện tại, không có "một cơ sở hạ tầng blockchain nào thống trị tất cả". Mọi dự án đều có nhu cầu và yêu cầu riêng và Polkadot cho phép mọi chuỗi riêng được thiết kế và tối ưu hóa cho các chức năng cụ thể. Với sự trợ giúp của Substrate, các nhà phát triển có thể điều chỉnh các chuỗi riêng của họ một cách hiệu quả để phù hợp với nhu cầu của dự án.

Về khả năng tương tác, việc các dự án và ứng dụng có khả năng chia sẻ dữ liệu một cách liền mạch là một yếu tố quan trọng. Trong khi vẫn còn phải xem loại sản phẩm và dịch vụ nào sẽ được tạo ra, có rất nhiều trường hợp sử dụng có thể xảy ra. Polkadot có thể tạo ra một hệ sinh thái tài chính hoàn toàn mới, với mỗi parachain riêng lẻ đảm nhận một khía cạnh cụ thể tại một thời điểm.

Bất kỳ cộng đồng nào được liên kết với một parachain riêng rẻ đều có thể quản lý mạng của họ khi họ cảm thấy cần thiết. Nhìn chung, tất cả các cộng đồng đều rất quan trọng đối với việc quản lý Polkadot trong tương lai. Việc thu thập phản hồi từ cộng đồng có thể mang lại những hiểu biết sâu sắc có giá trị giúp phát triển dự án theo thời gian.

Ngoài ra, Polkadot còn giúp bạn dễ dàng nâng cấp các parachain riêng lẻ. Đặc biệt là không cần hard fork, vì điều này có thể gây chia rẽ cộng đồng. Thay vào đó, chuỗi gốc có thể được nâng cấp một cách dễ dàng.  

Về token DOT

Giống như hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng blockchain khác, Polkadot sở hữu token gốc của riêng mình. Token đó được gọi là DOT, nó đóng vai trò là token của mạng, tương tự như ETH là token cho Ethereum và BTC là token của Bitcoin.

Token này được sử dụng trong rất nhiều trường hợp. Trước hết, nó cấp cho chủ sở hữu token một phần quyền quản trị của toàn bộ nền tảng Polkadot. Điều này bao gồm xác định phí trên mạng, bỏ phiếu về việc nâng cấp mạng tổng thể, triển khai hoặc loại bỏ các parachain.

DOT cũng được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho sự đồng thuận của mạng thông qua việc stake. Tương tự như các mạng khác có liên quan đến stake, tất cả chủ sở hữu DOT đều được khuyến khích tuân thủ quy tắc tại mọi thời điểm. Nhưng trong thực tế, đâu mới là cách để thực hiện được những điều này? Thực tế, nếu không tuân thủ, người dùng sẽ bị mất tiền.

Tùy chọn thứ ba là sử dụng DOT để liên kết. Điều này là bắt buộc khi các parachain mới được thêm vào hệ sinh thái Polkadot. Trong thời gian liên kết, DOT dùng để liên kết sẽ bị khóa. Nó sẽ được trả lại sau khi thời hạn liên kết kết thúc và parachain bị xóa khỏi hệ sinh thái. 


Stake và liên kết trên Polkadot

Khả năng tương tác mà Polkadot tiếp cận đã vượt ra ngoài việc chỉ trao đổi dữ liệu và tài sản. Đây cũng là một cách để giới thiệu các khái niệm mới, chẳng hạn như khuyến khích việc stake và liên kết token trung thực.

Stake token trên mạng blockchain không phải là một khái niệm mới. Các blockchain sử dụng mô hình đồng thuận  Proof of Stake (PoS) hoạt động bằng cách thưởng cho những người dùng stake trên mạng. Với Polkadot, những người stake trung thực sẽ được thưởng, trong khi những kẻ xấu có thể mất toàn bộ tiền cược.

Như chúng ta đã đề cập, mọi parachain mới đều được thêm vào bằng cách liên kết các token DOT. Liên kết là việc cam kết khoá các token vào mạng trong một khoảng thời gian cụ thể. Các chuỗi không hữu ích hoặc các dự án không còn được duy trì sẽ bị xóa và các token liên kết của chúng sẽ được trả lại.


Tổng kết

Trên lý thuyết, có rất nhiều lý do khiến Polkadot trở nên hấp dẫn đối với các nhà phát triển. Đó là một hệ sinh thái có khả năng phục vụ các lập trình viên riêng lẻ, các doanh nghiệp nhỏ và cả các tập đoàn lớn. Người dùng có thể tuỳ chỉnh một blockchain của riêng mình để phù hợp với các nhu cầu cụ thể và nâng cấp chúng mà không gặp phải quá nhiều khó khăn và phức tạp trên Polkadot. Đó là một bước tiến mới, có giá trị đối với toàn ngành tiền mã hoá.

Tuy vậy, Polkadot vẫn là một hệ sinh thái còn rất trẻ. Các dự án vẫn đang được phát triển trên Polkadot. Vì vậy, sẽ mất một khoảng thời gian cho đến khi những dự án lớn đầu tiên được ra mắt. Theo PolkaProject, có hàng trăm dự án đang được phát triển trên hệ sinh thái này, trải dài từ các ví tiền mã hoá đến các dự án cơ sở hạ tầng, công cụ, các DApp, v.v.

Về token DOT, những người tạo ra Polkadot đã tuyên bố đây không phải là một token được thiết kế để đầu cơ. Mặc dù DOT có giá trị như tiền tệ trên các sàn giao dịch, nhưng nó chủ yếu được thiết kế để phục vụ cho các mục đích đã nêu ở trên.