Tâm lý trong các chu kỳ thị trường
Trang chủ
Bài viết
Tâm lý trong các chu kỳ thị trường

Tâm lý trong các chu kỳ thị trường

Người mới
Đã đăng Oct 14, 2019Đã cập nhật Nov 16, 2023
7m

Tâm lý thị trường là gì?

Tâm lý thị trường là ý tưởng cho rằng biến động thị trường phản ánh (hoặc bị ảnh hưởng bởi) trạng thái cảm xúc của những người tham gia thị trường. Đây là một trong những chủ đề chính của kinh tế học hành vi - một lĩnh vực liên ngành tìm hiểu về các yếu tố khác nhau dẫn đến các quyết định kinh tế.

Nhiều người cho rằng cảm xúc là động lực chính thúc đẩy thị trường tài chính biến động. Chính tâm lý dao động chung của nhà đầu tư đã tạo ra cái gọi là chu kỳ thị trường tâm lý.

Nói tóm lại, tâm lý thị trường là cảm giác chung của nhà đầu tư và trader có liên quan đến biến động giá của một tài sản. Khi tâm lý thị trường tích cực và giá tăng liên tục, người ta nói rằng thị trường có xu hướng bull (thường được gọi là thị trường bull). Ngược với của thị trường bull là thị trường bear, là khi giá sụt giảm liên tục.

Do đó, tâm lý được tạo thành từ quan điểm và cảm nhận cá nhân của tất cả trader và nhà đầu tư trên thị trường tài chính. Một cách khác để xem xét tâm lý thị trường là mức độ trung bình về cảm nhận chung của những người tham gia thị trường. 

Nhưng, cũng như mọi nhóm, không có ý kiến nào chiếm đa số. Dựa trên lý thuyết về tâm lý thị trường, giá của một tài sản có xu hướng thay đổi liên tục để phản ánh tâm lý chung của thị trường - vốn cũng luôn biến động. Nếu không, việc giao dịch thành công sẽ khó hơn nhiều. 

Trên thực tế, khi thị trường đi lên, có thể là do thái độ và niềm tin của trader được cải thiện. Tâm lý thị trường tích cực sẽ khiến cầu tăng và cung giảm. Kết quả là, cầu tăng có thể dẫn đến tâm lý tích cực hơn nữa. Tương tự, xu hướng giảm mạnh thường tạo ra tâm lý tiêu cực, làm giảm cầu và tăng cung hiện có.

 

Cảm xúc thay đổi như thế nào trong các chu kỳ thị trường?

Xu hướng tăng

Tất cả thị trường đều trải qua chu kỳ mở rộng và thu hẹp. Khi thị trường ở trong giai đoạn mở rộng (thị trường bull), tâm lý thị trường sẽ lạc quan, tràn đầy niềm tin và lòng tham. Thông thường, đây là những cảm xúc chính dẫn đến hoạt động mua sôi nổi.

Thường thì chúng ta sẽ thấy một loại hiệu ứng theo chu kỳ hoặc hồi tố trong các chu kỳ thị trường. Ví dụ: tâm lý thị trường sẽ trở nên tích cực hơn khi giá tăng, sau đó sẽ trở nên tích cực hơn nữa, thúc đẩy giá thị trường tăng cao hơn.

Đôi khi, lòng tham và niềm tin quá lớn sẽ lấn át thị trường theo cách mà bong bóng tài chính hình thành. Trong tình huống như vậy, nhiều nhà đầu tư không còn suy nghĩ sáng suốt, quên mất giá trị thực tế và mua một tài sản chỉ vì họ tin rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng. 

Họ trở nên tham lam và mù quáng quá mức theo đà thị trường với hy vọng kiếm được lợi nhuận. Giá tăng quá mức sẽ tạo nên đỉnh. Nhìn chung, đây được coi là điểm rủi ro tài chính tối đa.

Trong một số trường hợp, thị trường sẽ đi ngang trong một thời gian do tài sản được bán dần. Đây còn được gọi là giai đoạn phân phối. Tuy nhiên, một số chu kỳ không thể hiện giai đoạn phân phối rõ ràng và xu hướng giảm bắt đầu ngay sau khi đạt đến đỉnh.

Xu hướng giảm

Khi thị trường bắt đầu chuyển sang hướng khác, tâm trạng hưng phấn có thể nhanh chóng chuyển thành tự mãn, do nhiều trader từ chối tin rằng xu hướng tăng đã kết thúc. Khi giá tiếp tục giảm, tâm lý thị trường sẽ nhanh chóng chuyển sang mặt tiêu cực. Tâm lý này thường bao gồm cảm giác lo lắng, phủ nhận và hoảng sợ.

Trong bối cảnh này, chúng tôi có thể mô tả sự lo lắng là thời điểm mà các nhà đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi tại sao giá lại giảm, điều này sẽ sớm dẫn đến giai đoạn phủ nhận. Giai đoạn phủ nhận được thể hiện qua cảm giác không chấp nhận được. Nhiều nhà đầu tư khăng khăng giữ vị thế thua lỗ hoặc vì "đã quá muộn để bán" hoặc vì họ muốn tin rằng "thị trường sẽ sớm tăng trở lại."

Nhưng khi giá càng giảm, làn sóng bán ra càng mạnh. Tại thời điểm này, sự sợ hãi và hoảng loạn thường dẫn đến việc từ bỏ thị trường (là khi người nắm giữ từ bỏ và bán tài sản gần với mức đáy).
Cuối cùng, xu hướng giảm sẽ dừng lại khi biến động giảm và thị trường bình ổn. Thông thường, thị trường trải qua giai đoạn đi ngang trước khi cảm giác hy vọng và lạc quan bắt đầu xuất hiện trở lại. Giai đoạn đi ngang như vậy còn được gọi là giai đoạn tích lũy.

 

Các nhà đầu tư sử dụng tâm lý thị trường như thế nào?

Giả sử lý thuyết tâm lý thị trường có hiệu quả, việc hiểu rõ lý thuyết này có thể giúp trader vào và thoát vị thế tại những thời điểm thuận lợi hơn. Tâm lý chung của thị trường có tác dụng ngược lại: thời điểm xuất hiện cơ hội tài chính cao nhất (cho người mua) thường đến khi hầu hết mọi người đều tuyệt vọng và thị trường đang ở mức rất thấp. Ngược lại, thời điểm rủi ro tài chính cao nhất thường xuất hiện khi phần lớn những người tham gia thị trường quá hưng phấn và quá tự tin.

Do đó, một số trader và nhà đầu tư cố gắng đọc tâm lý thị trường để tìm ra các giai đoạn khác nhau trong chu kỳ tâm lý. Lý tưởng nhất là họ sẽ sử dụng thông tin này để mua khi tâm lý thị trường hoảng loạn (giá thấp hơn) và bán khi tâm lý thị trường tham lam (giá cao hơn). Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhận ra những điểm tối ưu này thường không dễ dàng gì. Khi mà giá tưởng chừng đã rơi xuống đáy (mức hỗ trợ) nhưng có thể không giữ được, mà giảm xuống mức thấp hơn nữa.

 

Phân tích kỹ thuật và tâm lý thị trường

Có thể dễ dàng nhìn lại các chu kỳ thị trường và nhận ra tâm lý chung của thị trường đã thay đổi như thế nào. Phân tích dữ liệu trước đó sẽ giúp bạn thấy rõ những hành động và quyết định nào sẽ mang lại lợi nhuận cao nhất.

Tuy nhiên, sẽ khó hơn nhiều để hiểu thị trường thay đổi như thế nào - thậm chí việc dự đoán điều gì xảy ra tiếp theo còn khó hơn nữa. Nhiều nhà đầu tư sử dụng phương pháp phân tích kỹ thuật (TA) để cố gắng dự đoán xem thị trường sẽ đi về đâu.
Theo một phương diện nào đó, chúng ta có thể nói rằng chỉ báo TA là công cụ có thể được sử dụng khi cố gắng đo lường trạng thái tâm lý của thị trường. Ví dụ: Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) có thể cho biết khi nào một tài sản được mua quá mức do tâm lý thị trường cực kỳ tích cực (ví dụ: tham lam quá mức).
MACD là một ví dụ khác về chỉ báo có thể được sử dụng để phát hiện các giai đoạn tâm lý khác nhau của chu kỳ thị trường. Nói tóm lại, mối tương quan giữa các đường MACD có thể cho biết khi nào đà thị trường thay đổi (ví dụ: sức mua đang yếu đi).

 

Bitcoin và tâm lý thị trường

Thị trường bull Bitcoin năm 2017 là một ví dụ rõ ràng về cách tâm lý thị trường ảnh hưởng đến giá và ngược lại. Từ tháng 1 đến tháng 12, Bitcoin đã tăng từ mức xấp xỉ 900 USD lên mức cao kỷ lục là 20.000 USD. Trong quá trình tăng giá, tâm lý thị trường ngày càng trở nên tích cực hơn. Hàng nghìn nhà đầu tư mới đã tham gia, bắt kịp sự phấn khích của thị trường bull. FOMO, sự lạc quan quá mức và lòng tham đã nhanh chóng đẩy giá lên cao cho đến khi không tăng nữa.
Xu hướng bắt đầu đảo ngược vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Động thái điều chỉnh sau đó khiến nhiều người tham gia muộn bị thiệt hại đáng kể. Ngay cả khi xu hướng giảm đã diễn ra, sự tự tin và tự mãn giả tạo đã khiến nhiều người khăng khăng GIỮ
Vài tháng sau, tâm lý thị trường trở nên cực kỳ tiêu cực khi niềm tin của các nhà đầu tư xuống mức thấp kỷ lục. FUD và sự hoảng loạn đã khiến nhiều người mua gần đỉnh bán gần đáy, dẫn đến thua lỗ lớn. Một số người trở nên mất niềm tin vào Bitcoin, mặc dù về cơ bản công nghệ là giống nhau. Trên thực tế, công nghệ đang được cải tiến liên tục.

 

Thiên kiến nhận thức

Thiên kiến nhận thức là những lối suy nghĩ phổ biến khiến con người thường đưa ra những quyết định bất hợp lý. Những lối suy nghĩ này có thể ảnh hưởng đến cả trader cá nhân và thị trường nói chung. Một số ví dụ phổ biến bao gồm:

  • Thiên kiến xác nhận: xu hướng đánh giá quá cao thông tin cùng chiều với niềm tin của chúng ta, đồng thời bỏ qua hoặc loại bỏ những thông tin trái ngược với niềm tin đó. Ví dụ: nhà đầu tư trong thị trường bull có thể tập trung nhiều hơn vào các tin tức tích cực, trong khi bỏ qua các tin tức xấu hoặc các dấu hiệu cho thấy xu hướng thị trường sắp đảo ngược.
  • Không thích mất mát: xu hướng phổ biến của con người là sợ mất mát hơn việc tận hưởng những gì có được, ngay cả khi thứ có được bằng hoặc lớn hơn. Nói cách khác, nỗi đau mất mát thường lớn hơn niềm vui về những gì có được. Điều này có thể khiến trader bỏ lỡ cơ hội tốt hoặc hoảng sợ bán ra trong thời gian thị trường đi xuống.
  • Hiệu ứng sở hữu: Đây là xu hướng mọi người đánh giá quá cao những thứ mà họ sở hữu, đơn giản chỉ vì họ sở hữu nó. Ví dụ: nhà đầu tư sở hữu một lượng tiền mã hóa nhiều khả năng sẽ tin rằng số tiền này có giá trị hơn là một người không giữ đồng nào.

 

Tổng kết

Hầu hết trader và nhà đầu tư đều đồng ý rằng tâm lý có tác động đến giá thị trường và chu kỳ. Mặc dù các chu kỳ thị trường tâm lý đã được biết rõ, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng kiểm soát. Từ Cơn sốt hoa tulip tại Hà Lan vào những năm 1600 cho đến bong bóng dotcom vào những năm 90, có thể thấy ngay cả những trader lão luyện cũng phải cố gắng để không bị ảnh hưởng bởi tâm lý chung của thị trường. Thách thức đối với nhà đầu tư là phải hiểu rõ không chỉ tâm lý thị trường mà còn cả tâm lý của chính mình và mức độ ảnh hưởng của yếu tố này đến quá trình ra quyết định.