Các điểm chính
Giao dịch đòn bẩy là hành động sử dụng vốn vay để thực hiện các giao dịch lớn hơn. Giao dịch đòn bẩy có thể gia tăng sức mua hoặc bán của bạn, cho phép bạn có nhiều vốn hơn thực tế để giao dịch.
Giao dịch đòn bẩy thường được thực hiện thông qua giao dịch Ký quỹ, Hợp đồng tương lai và hợp đồng Quyền chọn. Trong lĩnh vực tiền mã hóa, Hợp đồng tương lai và Ký quỹ là những lựa chọn phổ biến nhất.
Giao dịch đòn bẩy là một chiến lược giao dịch phổ biến nhưng rủi ro. Mặc dù giao dịch đòn bẩy có thể gia tăng lợi nhuận, nhưng nó cũng có thể khiến bạn tổn thất nhiều hơn, đặc biệt trong những thời kỳ biến động mạnh. Hãy đảm bảo rằng bạn hiểu cách hoạt động của giao dịch đòn bẩy trước khi chấp nhận rủi ro.
Giao dịch đòn bẩy là gì?
Giao dịch đòn bẩy là việc sử dụng một lượng vốn ban đầu nhỏ hơn để tiếp cận với các vị thế lớn hơn. Giao dịch đòn bẩy bao gồm việc sử dụng tiền vay để giao dịch các tài sản tài chính, chẳng hạn như tiền mã hóa, chỉ số, hàng hóa và tiền tệ (forex).
Nói cách khác, giao dịch đòn bẩy gia tăng sức mua hoặc bán để bạn có thể giao dịch với nhiều vốn hơn bạn thực có trong ví. Tùy thuộc vào sàn giao dịch bạn sử dụng, bạn có thể vay số tiền có giá trị gấp 100 lần số dư tài khoản của mình.
Mức đòn bẩy thường được mô tả theo tỷ lệ — chẳng hạn như 1:5 (5x), 1:10 (10x) hoặc 1:20 (20x). Tỷ lệ đòn bẩy cho biết số vốn ban đầu của bạn được nhân lên bao nhiêu lần. Ví dụ: Nếu bạn có 100 USD trong tài khoản giao dịch của mình nhưng muốn mở một vị thế trị giá 1.000 USD bằng bitcoin (BTC), đòn bẩy 10x sẽ mang lại cho 100 USD của bạn sức mua tương đương với 1.000 USD.
Giao dịch đòn bẩy hoạt động như thế nào?
Trong lĩnh vực tiền mã hóa, Hợp đồng tương lai vĩnh cửu và giao dịch Ký quỹ là những phương thức phổ biến nhất để giao dịch bằng đòn bẩy.
Khái niệm giao dịch đòn bẩy hoạt động tương tự với cả hai phương thức. Điểm khác biệt chính ở đây là Ký quỹ bao gồm việc vay tiền từ một sàn giao dịch để giao dịch một tài sản bạn chọn, trong khi đòn bẩy Hợp đồng tương lai dựa trên mối quan hệ giữa vị thế Long và Short của mỗi hợp đồng (cặp giao dịch).
Ký quỹ ban đầu
Trước khi bạn có thể vay tiền và bắt đầu giao dịch bằng đòn bẩy, bạn cần nạp tiền vào tài khoản giao dịch của mình. Tài khoản này sẽ hoạt động như tài sản thế chấp. Số tiền cần thiết để mở một vị thế Hợp đồng Tương lai được gọi là ký quỹ ban đầu. Giá trị thực tế phụ thuộc vào đòn bẩy bạn sử dụng và quy mô của vị thế bạn muốn mở.
Giả sử bạn muốn đầu tư 1.000 USD vào Ethereum (ETH) với đòn bẩy 10x. Số tiền ký quỹ phải bằng 1/10 của 1.000 USD, có nghĩa là bạn phải có 100 USD trong tài khoản của mình làm thế chấp cho số tiền đã vay. Nếu bạn sử dụng đòn bẩy 20x, mức ký quỹ yêu cầu sẽ là 50 USD (1/20 của 1.000 USD). Nhưng hãy nhớ rằng đòn bẩy càng cao thì rủi ro thanh lý càng cao.
Ký quỹ duy trì
Ngoài khoản nạp ký quỹ ban đầu, bạn cũng phải duy trì một ngưỡng ký quỹ cho các giao dịch của mình. Nếu thị trường di chuyển theo hướng bất lợi cho vị thế của bạn và số tiền ký quỹ giảm xuống dưới ngưỡng ký quỹ duy trì, bạn sẽ cần nạp thêm tiền vào tài khoản của mình để tránh bị thanh lý.
Tóm lại, ký quỹ ban đầu là số dư bắt buộc để mở một vị thế Hợp đồng tương lai và ký quỹ duy trì là số dư ký quỹ tối thiểu cần thiết để giữ cho các vị thế của bạn luôn mở.
Trên giao diện Binance Futures, bạn có thể kiểm tra chi tiết Tỷ lệ ký quỹ của mình ở góc dưới cùng bên phải màn hình.
Ví dụ về giao dịch đòn bẩy
Nếu bạn mới sử dụng giao dịch đòn bẩy, hãy lưu ý rằng việc mở một vị thế Long có nghĩa là bạn kỳ vọng giá của một tài sản sẽ tăng, trong khi mở một vị thế Short có nghĩa là bạn tin rằng giá sẽ giảm.
Giao dịch đòn bẩy cho phép bạn mua hoặc bán tài sản chỉ dựa trên giá trị tài sản thế chấp của bạn (không phải tài sản nắm giữ thực tế). Điều này có nghĩa là bạn có thể mở một vị thế Short ngay cả khi bạn hiện không sở hữu tài sản cơ sở và có thể kiếm lợi nhuận nếu giá giảm.
Ví dụ về một vị thế mua khống sử dụng đòn bẩy
Nếu bạn muốn mở một vị thế mua BTC trị giá 10.000 USD với đòn bẩy gấp 10 lần, bạn sẽ sử dụng 1.000 USD làm tài sản thế chấp. Nếu giá BTC tăng 20%, bạn sẽ kiếm được lợi nhuận ròng là 2.000 USD (đã trừ phí), cao hơn nhiều so với 200 USD bạn sẽ kiếm được nếu giao dịch số vốn 1.000 USD của mình nếu không sử dụng đòn bẩy.
Tuy nhiên, nếu giá BTC giảm 20%, vị thế của bạn sẽ giảm xuống còn 2.000 USD. Vì ký quỹ ban đầu của bạn chỉ là 1.000 USD nên việc giảm 20% sẽ kích hoạt thanh lý (số dư của bạn về 0). Trên thực tế, bạn có thể gặp rủi ro thanh lý ngay cả khi thị trường chỉ giảm 10%. Giá trị thanh lý chính xác sẽ phụ thuộc vào sàn giao dịch bạn đang sử dụng.
Để tránh thanh lý, bạn cần nạp thêm tiền vào ví để tăng tài sản thế chấp. Bạn cần đảm bảo số dư duy trì của bạn cao hơn số ký quỹ duy trì. Trong hầu hết các trường hợp, sàn giao dịch sẽ gửi cho bạn một cuộc gọi ký quỹ trước khi thanh lý, nhưng điều quan trọng là phải theo dõi các vị thế mở của bạn. Sử dụng lệnh Cắt lỗ cũng có thể giúp bảo vệ tiền của mình.
Ví dụ về vị thế bán khống sử dụng đòn bẩy
Nếu bạn muốn mở một vị thế Short BTC trị giá 10.000 USD với đòn bẩy 10x, bạn có thể vay BTC để bán (giao dịch ký quỹ) hoặc bán Hợp đồng Tương lai (giao dịch Hợp đồng Tương lai) trị giá 10.000 USD. Trong cả hai trường hợp, bạn sẽ sử dụng tài sản thế chấp 1.000 USD (đòn bẩy 10x), nhưng hãy tập trung vào tình huống giao dịch ký quỹ.
Giả sử giá BTC hiện tại là 40.000 USD, bạn đã vay 0,25 BTC và bán với giá 10.000 USD. Nếu giá BTC giảm 20% xuống còn 32.000 USD, bạn có thể mua lại 0,25 BTC chỉ với 8.000 USD. Sau đó, bạn có thể hoàn trả khoản nợ 0,25 BTC và giữ khoản chênh lệch 2.000 USD (đã trừ phí) làm lợi nhuận.
Tuy nhiên, nếu BTC tăng 20% lên 48.000 USD, bạn sẽ cần thêm 2.000 USD để mua lại 0,25 BTC. Trong trường hợp này, vị thế của bạn sẽ bị thanh lý vì bạn chỉ có 1.000 USD trong số dư tài khoản của mình. Một lần nữa, để tránh bị thanh lý, bạn cần nạp thêm tiền vào ví để tăng tài sản thế chấp trước khi đạt đến giá thanh lý.
Tại sao các nhà giao dịch sử dụng đòn bẩy để giao dịch tiền mã hóa?
Như đã đề cập, các nhà giao dịch sử dụng đòn bẩy để tăng quy mô vị thế và lợi nhuận tiềm năng của họ. Nhưng như các ví dụ trên, giao dịch đòn bẩy cũng có thể dẫn đến khả năng thua lỗ lớn hơn.
Một lý do khác để các nhà giao dịch sử dụng đòn bẩy là để tăng cường tính thanh khoản cho vốn của họ. Ví dụ: thay vì giữ vị thế đòn bẩy 2x trên một sàn giao dịch duy nhất, họ có thể sử dụng đòn bẩy 4x để duy trì cùng kích thước vị thế với tài sản thế chấp thấp hơn.
Điều này sẽ cho phép họ sử dụng số tiền còn lại ở một nơi khác, chẳng hạn như giao dịch tài sản khác, stake, cung cấp thanh khoản cho các nền tảng DeFi, v.v.
Cách quản lý rủi ro từ giao dịch đòn bẩy
Giao dịch với đòn bẩy cao có thể sẽ yêu cầu vốn ban đầu ít hơn nhưng lại làm tăng rủi ro thanh lý của bạn. Đòn bẩy càng cao, khả năng chịu biến động của bạn càng thấp — nếu đòn bẩy của bạn quá cao, ngay cả biến động giá 1% cũng có thể dẫn đến thua lỗ lớn.
Mặt khác, sử dụng đòn bẩy thấp hơn sẽ mang lại cho bạn biên độ sai số lớn hơn. Đây là lý do tại sao Binance và các sàn giao dịch tiền mã hóa khác đã giới hạn đòn bẩy tối đa với những người dùng mới.
Các chiến lược quản lý rủi ro như lệnh Cắt lỗ và Chốt lời giúp giảm thiểu thiệt hại và chốt lời trong giao dịch đòn bẩy. Bạn có thể sử dụng các lệnh Cắt lỗ để tự động đóng vị thế của mình ở một mức giá cụ thể. Điều này rất hữu ích khi thị trường biến động theo hướng bất lợi cho bạn. Lệnh Chốt lời có thể đảm bảo rằng vị thế của bạn được đóng khi lợi nhuận của bạn đạt đến một giá trị nhất định.
Giao dịch đòn bẩy là con dao hai lưỡi có thể gia tăng cả lãi và lỗ của bạn theo cấp số nhân. Giao dịch đòn bẩy có rủi ro cao, đặc biệt trong thị trường tiền mã hóa đầy biến động. Do đó, Binance khuyến khích người dùng giao dịch có trách nhiệm bằng cách chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Tổng kết
Đòn bẩy cho phép bạn dễ dàng thu được lợi nhuận cao từ khoản đầu tư ban đầu khiêm tốn. Tuy nhiên, đòn bẩy kết hợp với sự biến động của thị trường có thể khiến việc thanh lý diễn ra nhanh chóng, đặc biệt nếu bạn đang sử dụng đòn bẩy nhân 100 lần để giao dịch.
Luôn giao dịch thận trọng và đánh giá rủi ro trước khi thực hiện giao dịch đòn bẩy. Bạn không bao giờ nên giao dịch với số tiền mà bạn không thể để mất, đặc biệt khi sử dụng đòn bẩy. Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu rõ các sản phẩm trước khi chấp nhận rủi ro.
Đọc thêm:
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và hướng dẫn, không phải là sự cam đoan hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không nên coi nội dung này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Đây cũng không phải khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn chuyên môn phù hợp. Trong trường hợp bài viết do cộng tác viên bên thứ ba đóng góp, xin lưu ý rằng những quan điểm được đưa ra thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Không nên coi tài liệu này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụng và Cảnh báo rủi rocủa chúng tôi.