Giải Thích Về Ngày Thứ Hai Đen Tối Và Sự Sụp Đổ Của Thị Trường Chứng khoán
Trang chủ
Bài viết
Giải Thích Về Ngày Thứ Hai Đen Tối Và Sự Sụp Đổ Của Thị Trường Chứng khoán

Giải Thích Về Ngày Thứ Hai Đen Tối Và Sự Sụp Đổ Của Thị Trường Chứng khoán

Người mới
Đã đăng May 4, 2020Đã cập nhật Feb 9, 2023
7m

Thứ Hai Đen Tối là gì?

Thứ Hai Đen Tối là tên gọi được dùng để mô tả sự sụp đổ đột ngột và nghiêm trọng của thị trường chứng khoán vào ngày 19/10 /1987. Chỉ số Trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA), một chỉ số đo lường hoạt động của thị trường chứng khoán Mỹ, đã giảm hơn 22%. Trước khi sự sụp đổ xảy ra, đã có hai đợt giảm mạnh khác xảy ra một tuần trước đó.


Hiệu suất của Chỉ số Công nghiệp Dow Jones vào khoảng thời gian của Thứ Hai Đen Tối.


Ngày Thứ Hai Đen Tối được nhớ đến là ngày khởi đầu cho sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu. Cho đến nay, đó là một trong những ngày "đen tối" nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán.

Tổng khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch cao đến mức các máy tính thời đó không có khả năng xử lý lượng giao dịch cao đột ngột. Các lệnh không được thực hiện trong nhiều giờ và việc chuyển các khoản tiền lớn đã bị trì hoãn.
Sự sụp đổ bắt đầu từ thị trường tương laiquyền chọn . Thứ Hai Đen Tối cũng có tác động đáng kể đến các thị trường toàn cầu. Hầu hết các chỉ số chính trên thế giới đã giảm từ 20-30% vào cuối tháng đó.

Thuật ngữ "Thứ Hai Đen Tối" thường đề cập đến vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1987. Tuy nhiên, nó cũng được dùng để chỉ những sự sụp đổ nghiêm trọng của các thị trường khác.


Điều gì đã gây ra sự sụp đổ trên thị trường?

Nhìn chung, nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán không thể do một yếu tố duy nhất. Nhưng thật thú vị, không có sự kiện hay tin tức lớn nào diễn ra trước ngày Thứ Hai Đen Tối, năm 1987. Tuy nhiên, một số yếu tố khác đã kết hợp với nhau, tạo ra một bầu không khí hoảng loạn và không chắc chắn. Vậy, những yếu tố này là gì?

Đầu tiên là sự ra đời của các hệ thống giao dịch trên máy tính. Ngày nay, hầu hết các hoạt động giao dịch được hỗ trợ bởi máy tính, nhưng trước đây không như vậy. Trước những năm 1980, thị trường chứng khoán thường là những địa điểm ồn ào và đông đúc, nơi các nhà giao dịch trao đổi tài sản trực tiếp trên tầng giao dịch của sàn giao dịch.


Sàn giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào năm 1963, trước khi hệ thống giao dịch trên máy vi tính ra đời. Nguồn: Thư viện Quốc hội Mỹ. Hình ảnh được sửa đổi từ bản gốc.


Tuy nhiên, trong suốt những năm 1980, hoạt động giao dịch bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào phần mềm máy tính. Việc chuyển sang giao dịch trên máy tính cho phép hoạt động giao dịch diễn ra nhanh hơn đáng kể, khi các hệ thống có khả năng đặt hàng nghìn lệnh trong vài giây. Đương nhiên, những tiến bộ này cũng tạo ra tốc độ di chuyển giá lớn. Tuy vậy, các bot giao dịch ngày nay có thể di chuyển hàng nghìn tỷ USD trong vòng vài giây sau một sự kiện tin tức bất ngờ.

Các yếu tố khác, chẳng hạn như thâm hụt thương mại ở Hoa Kỳ, căng thẳng quốc tế và các hoàn cảnh địa chính trị khác cũng được xem là nguyên nhân. Trên hết, phạm vi tiếp cận ngày càng tăng của các phương tiện truyền thông chắc chắn đã khuếch đại tác động và mức độ nghiêm trọng của sự kiện.

Cần lưu ý rằng mặc dù tất cả những yếu tố này có thể góp phần vào sự sụp đổ, nhưng các quyết định vẫn là do con người đưa ra. Vì vậy, tâm lý thị trường đóng một vai trò quan trọng trong việc bán tháo và chúng thường đơn giản là kết quả của hàng loạt sự hoảng loạn.


Cơ chế ngắt mạch là gì?

Sau các sự kiện của Thứ Hai Đen, một số cơ chế đã được đưa ra bởi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) để ngăn chặn các sự kiện tương tự xảy ra một lần nữa. Hoặc, nếu không ngăn chặn hoàn toàn, ít nhất các cơ chế này có thể cố gắng giảm thiểu tác động tiêu cực của sự sụp đổ.
Một trong những phương pháp này được gọi là ngắt mạch (circuit breaker). Đó là một quy định nhằm tạm dừng giao dịch khi giá đạt đến các mức phần trăm nhất định so với mức mở cửa hàng ngày. Mặc dù chúng ta đang chủ yếu nói về thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, nhưng cơ chế này cũng đã được triển khai ở nhiều thị trường khác.
Cơ chế ngắt mạch áp dụng cho các chỉ số chính như Dow hoặc S&P 500, cũng như các chứng khoán riêng lẻ. Đây là cách chúng hoạt động.

Nếu S&P 500 giảm hơn 7% trong một ngày giao dịch, hoạt động giao dịch sẽ bị tạm dừng trong 15 phút, sau đó bắt đầu lại. Đây được gọi là bộ ngắt mạch Cấp 1. Nếu thị trường giảm sâu hơn và đạt 13% so với mức mở cửa hàng ngày, nó sẽ bị tạm dừng một lần nữa. Đây được gọi là bộ ngắt mạch Cấp 2. Sau 15 phút nghỉ, giao dịch được bắt đầu lại. Nếu giá giảm 20% so với thời điểm thị trường mở, giao dịch sẽ bị tạm dừng trong suốt thời gian còn lại của ngày. Đây được gọi là bộ ngắt mạch Cấp 3.


Ưu nhược điểm của cơ chế ngắt mạch

Mặc dù cơ chế ngắt mạch này có thể có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự cố diễn ra nhanh chóng, nhưng chúng vẫn là một giải pháp gây tranh cãi.

Một số nhà phê bình cho rằng các cơ chế ngắt mạch có tác động tiêu cực đến thị trường và thực sự làm tăng mức độ nghiêm trọng của sự cố. Tại sao lại như vậy? Vì các mức tỷ lệ phần trăm được xác định trước này dựa trên thị trường mở, chúng là những kiến thức công khai. Do đó, chúng có thể ảnh hưởng đến việc đặt lệnh và làm giảm tính thanh khoản trong sổ lệnh ở các mức giá nhất định.

Thanh khoản giảm có thể dẫn đến nhiều biến động hơn, vì có thể không có đủ lệnh để hấp thụ nguồn cung tăng đột biến bất ngờ. Các nhà phê bình cho rằng nếu không có ảnh hưởng của cơ chế ngắt mạch lên các khu vực thanh khoản, thị trường có nhiều khả năng đạt đến trạng thái cân bằng tự nhiên.

Khi nói đến các chỉ số thị trường toàn cầu như S&P 500, cơ chế ngắt mạch chỉ được kích hoạt khi có những chuyển động giảm giá. Mặt khác, chúng cũng có thể được kích hoạt trên các chứng khoán riêng lẻ, khi xuất hiện xu hướng tăng giá.


Điều gì gây ra sự sụp đổ trên thị trường

Do bản chất của thị trường và tâm lý đám đông, gần như không thể tránh khỏi các vụ sụp đổ. Vậy, bạn có thể làm gì để chuẩn bị cho sự sụp đổ trên thị trường? 

Bạn cần xây dựng một kế hoạch đầu tư hoặc một chiến lược giao dịch tổng thể. Khi thị trường sụp đổ và nhiều nhà đầu tư hoảng loạn bán ra, điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh, lý trí và tránh đưa ra những quyết định theo cảm tính. Việc lập kế hoạch đầu tư hoặc chiến lược giao dịch dài hạn là điều cần thiết, vì nó không cho phép bạn đưa ra các quyết định bồng bột.

Một điều khác cần xem xét là đặt mức cắt lỗ. Thiết lập một mức rủi ro có thể chịu được khi giao dịch ngắn hạn là điều tuyệt đối bắt buộc để bạn trở thành một nhà giao dịch thành công. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư dài hạn, việc này lại ít được thực hiện. Ngay cả khi lệnh cắt lỗ của bạn chừa chỗ cho các động thái giá lớn hơn, nó vẫn có thể giúp bạn tránh khỏi những tổn thất nặng nề khi thị trường sụp đổ nghiêm trọng.

Đối với sự sụp đổ của thị trường toàn cầu, cho đến nay tất cả hiện tượng này đều là tạm thời. Mặc dù thời gian suy thoái kinh tế có thể kéo dài nhiều năm, nhưng thị trường thường có xu hướng phục hồi sau đó. Nếu bạn thu nhỏ đủ xa, nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng ổn định trong nhiều thế kỷ, và những điều chỉnh này chỉ là những bước lùi tạm thời.


Hiệu suất của Chỉ số Công nghiệp Dow Jones từ năm 1915 đến năm 2020.


Mặc dù quan sát này có thể đúng đối với các thị trường toàn cầu gắn liền với tăng trưởng kinh tế, nhưng nó không được áp dụng đối với thị trường tiền mã hóa. Ngành công nghiệp blockchain vẫn còn non trẻ và tiền mã hóa là một loại tài sản rủi ro cao. Do đó, một số loại tiền mã hóa có thể không bao giờ phục hồi sau một sự cố thị trường nghiêm trọng.


Bạn muốn bắt đầu cùng tiền mã hoá? Mua Bitcoin trên Binance ngay hôm nay!


Các ngày Thứ Hai Đen Tối đáng chú ý khác

28 tháng 10 năm 1929

Thị trường chứng khoán sụp đổ, trước cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930. Xét về ảnh hưởng kinh tế lâu dài của nó, sự sụp đổ trong suốt mùa thu năm 1929 là sự sụp đổ thị trường chứng khoán có sức hủy diệt lớn nhất cho đến nay.

Ngày 30 tháng 9 năm 2021

Ngay sau khi bong bóng nhà đất ở Mỹ tan vỡ, thị trường chứng khoán bắt đầu sụp đổ. Điều này đã dẫn đến cuộc Đại suy thoái vào cuối những năm 2000 và đầu những năm 2010. Nếu bạn muốn đọc thêm về sự kiện này, hãy đọc bài viết Giải thích Khủng hoảng Tài chính 2008.

Ngày 9 tháng 3 năm 2020

Ngày tồi tệ nhất đối với thị trường chứng khoán Mỹ kể từ cuộc Đại suy thoái, được thúc đẩy bởi đại dịch virus corona và cuộc chiến giá dầu. Vào thời điểm đó, đây là mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ năm 2008. Nhưng, như bạn sẽ thấy trong đoạn tiếp theo, kỷ lục này chỉ giữ được trong một tuần duy nhất.

Ngày 16 tháng 3 năm 2020

Nỗi lo sợ về những tác động kinh tế tiềm tàng của đại dịch coronavirus tiếp tục gia tăng. Kết quả là thị trường Hoa Kỳ đã trải qua mức giảm kỷ lục trong một ngày - thậm chí còn lớn hơn so với vụ sụp đổ một tuần trước đó. Ngày này có thể được xem là đỉnh điểm của cú sốc về hiệu ứng virus corona trên thị trường tài chính.


Tổng kết

Tóm lại, Thứ Hai Đen Tối là từ ngữ dùng để chỉ sự sụp đổ nghiêm trọng của thị trường chứng khoán vào năm 1987. Như đã đề cập, thuật ngữ này còn được sử dụng để chỉ các sự cố khác của thị trường chứng khoán, chẳng hạn như các năm 1929, 2008 và 2020.

Sau các sự kiện của Thứ Hai Đen Tối, các quy định mới đã được thực hiện để cố gắng giảm thiểu tác động của các đợt sụp đổ chóng vánh trên thị trường chứng khoán. Một trong những quy định có tác động và gây tranh cãi nhất là việc thiết lập cơ chế ngắt mạch, tính năng này sẽ tạm dừng giao dịch khi đạt mức lỗ phần trăm được xác định trước.

Vậy, bạn có thể làm gì để chuẩn bị cho sự sụp đổ của thị trường? Hãy nghĩ đến các tình huống có thể xảy ra để lập một kế hoạch đầu tư hoặc một chiến lược giao dịch phù hợp. Quản lý rủi ro, đa dạng hóa danh mục đầu tưtâm lý thị trường là một vài chủ đề có thể giúp bạn tránh thua lỗ lớn trong thời gian thị trường sụp đổ.