Giải Thích Về Rủi Ro Tài Chính
Trang chủ
Bài viết
Giải Thích Về Rủi Ro Tài Chính

Giải Thích Về Rủi Ro Tài Chính

Trung cấp
Đã đăng Oct 28, 2019Đã cập nhật Feb 9, 2023
6m

Rủi ro tài chính là gì?

Nói một cách ngắn gọn, rủi ro tài chính là nguy cơ mất tiền hoặc các tài sản có giá trị. Trong bối cảnh thị trường tài chính, rủi ro là nguy cơ thua lỗ khi giao dịch hoặc đầu tư. Vì vậy, rủi ro không phải là tổn thất thực tế, mà là số tiền có thể bị mất đi.

Nói cách khác, nhiều dịch vụ hoặc giao dịch tài chính về bản chất có tính rủi ro, điều này được gọi là rủi ro tài chính. Nói rộng hơn, khái niệm này có thể được áp dụng cho nhiều hoàn cảnh khác nhau, chẳng hạn như trong các thị trường tài chính, quản trị kinh doanh và các cơ quan quản lý. 

Quá trình đánh giá và xử lý rủi ro tài chính thường được gọi là quản lý rủi ro. Tuy nhiên, trước khi đi sâu vào vấn đề quản lý rủi ro, chúng ta cần có kiến thức cơ bản về rủi ro tài chính và các loại rủi ro tài chính khác nhau.

Có nhiều cách khác nhau để phân loại và định nghĩa rủi ro tài chính. Rủi ro tài chính có thể được phân loại bao gồm rủi ro đầu tư, rủi ro trong quá trình hoạt động, rủi ro pháp lý và rủi ro trên toàn hệ thống.


Các loại rủi ro tài chính

Như đã đề cập, có nhiều cách khác nhau để phân loại rủi ro tài chính và rủi ro tài chính có thể được định nghĩa theo các cách khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh. Bài viết này đưa ra giới thiệu khái quát ngắn gọn về các loại rủi ro tài chính bao gồm rủi ro đầu tư, rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý và rủi ro trên toàn hệ thống.


Rủi ro đầu tư

Rủi ro đầu tư là những rủi ro liên quan đến các hoạt động đầu tư và giao dịch. Có nhiều loại rủi ro đầu tư khác nhau, nhưng hầu hết chúng đều liên quan đến những biến động của giá cả thị trường. Có thể xem rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng nằm trong nhóm rủi ro đầu tư.


Rủi ro thị trường

Rủi ro thị trường là rủi ro liên quan đến sự biến động về giá của một tài sản. Chẳng hạn, khi Alice mua Bitcoin, cô sẽ phải chịu rủi ro thị trường vì biến động của thị trường có thể khiến giá giảm. 

Chúng ta có thể quản lý rủi ro thị trường bằng cách xem xét liệu Alice có thể thua lỗ bao nhiêu tiền nếu giá Bitcoin biến động theo hướng bất lợi cho cô ấy. Bước tiếp theo, chúng ta cần lên một chiến lược để xác định cách Alice nên hành động để đáp ứng với các biến động của thị trường.

Thông thường, các nhà đầu tư phải đối mặt với cả rủi ro thị trường trực tiếp và gián tiếp. Rủi ro thị trường trực tiếp là nguy cơ thua lỗ do giá của một tài sản thay đổi theo hướng bất lợi. Ví dụ trước là ví dụ về rủi ro thị trường trực tiếp (giá Bitcoin đã giảm sau khi Alice mua).

Mặt khác, rủi ro thị trường gián tiếp là rủi ro gây ra bởi một yếu tố thứ cấp hoặc phụ trợ (tức là rủi ro ít rõ ràng hơn). Trong thị trường chứng khoán, lãi suất thường ảnh hưởng gián tiếp đến giá cổ phiếu, do vậy nó là một rủi ro gián tiếp.

Ví dụ, nếu Bob mua cổ phiếu của một công ty, biến động về lãi suất có thể tác động gián tiếp đến giá trị cổ phần của anh ấy. Công ty sẽ khó tăng trưởng hoặc duy trì lợi nhuận do lãi suất tăng. Ngoài ra, khi lãi suất cao hơn thì các nhà đầu tư cũng có xu hướng bán ra các cổ phiếu của mình. Họ thường làm như vậy để có nguồn tiền trả nợ vì các khoản nợ khi đó sẽ mất nhiều chi phí để duy trì hơn.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là lãi suất tác động đến thị trường tài chính theo cả hai cách, trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong khi lãi suất ảnh hưởng gián tiếp đến cổ phiếu, thì chúng lại có tác động trực tiếp đến trái phiếu và các chứng khoán có thu nhập cố định khác. Vì vậy, tùy thuộc vào tài sản, rủi ro lãi suất có thể được coi là rủi ro trực tiếp hoặc gián tiếp.


Rủi ro thanh khoản

Rủi ro thanh khoản là rủi ro khi các nhà đầu tư và nhà giao dịch không thể mua hoặc bán một tài sản nào ngay lập tức mà không làm thay đổi giá của tài sản đó.

Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng Alice đã mua 1.000 đồng tiền mã hóa với giá 10 USD mỗi đồng. Giả sử giá vẫn ổn định sau một vài tháng và tiền mã hoá vẫn giao dịch quanh mốc 10 USD.

Nếu trong một thị trường lớn và có tính thanh khoản cao, Alice có thể nhanh chóng bán khoản 10.000 đồng tiền mã hóa đó của mình vì sẽ có đủ số lượng người mua sẵn sàng trả 10 USD cho mỗi đồng tiền mã hóa. Tuy nhiên, nếu thị trường có tính thanh khoản thấp, sẽ chỉ có một vài người mua sẵn sàng trả giá 10 USD cho mỗi đồng. Vì vậy, có thể Alice sẽ phải bán một số lượng lớn tiền mã hóa ở mức giá thấp hơn nhiều.


Rủi ro tín dụng

Rủi ro tín dụng là rủi ro xảy ra đối với người cho vay khi đối tác của họ vỡ nợ. Chẳng hạn, nếu Bob mượn tiền của Alice và Alice đang đối mặt với rủi ro tín dụng. Nói cách khác, có khả năng Bob sẽ không thể trả nợ cho Alice, và đây là điều mà chúng ta gọi là rủi ro tín dụng. Nếu Bob bị vỡ nợ thì Alice sẽ mất tiền.

Trên phạm vi vĩ mô, một quốc gia có thể gặp khủng hoảng kinh tế nếu rủi ro tín dụng của quốc gia đó xảy ra trên quy mô lớn. Cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong 90 năm qua xảy ra một phần do rủi ro tín dụng lan rộng trên toàn cầu.

Vào thời điểm đó, các ngân hàng Mỹ đã có hàng triệu giao dịch bù trừ với hàng trăm đối tác của mình. Khi Lehman Brothers vỡ nợ, rủi ro tín dụng lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu, tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến cuộc Đại suy thoái.


Rủi ro trong quá trình hoạt động

Rủi ro trong quá trình hoạt động là rủi ro tổn thất tài chính do thất bại trong các quy trình, hệ thống hoặc thủ tục nội bộ. Những thất bại này thường xảy ra như hậu quả từ những sai lầm không mong muốn của con người hoặc do các hoạt động lừa đảo có chủ ý. 

Để giảm thiểu rủi ro hoạt động, mọi công ty nên thực hiện các kiểm định bảo mật định kỳ, cùng với việc áp dụng các quy trình mạnh mẽ và quản lý nội bộ hiệu quả.

Đã có nhiều trường hợp các nhân viên công ty thực hiện các giao dịch trái phép bằng tiền công ty. Hoạt động này thường được gọi là giao dịch giả mạo, và nó gây ra tổn thất tài chính lớn trên toàn thế giới - đặc biệt là trong ngành ngân hàng.

Các sự kiện bên ngoài cũng dẫn đến sự kém hiệu quả trong vận hành, ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động của một công ty, chẳng hạn như các sự kiện động đất, giông bão và các thảm họa tự nhiên khác.


Rủi ro pháp lý

Rủi ro pháp lý liên quan đến những tổn thất có thể phát sinh khi một công ty hoặc tổ chức không tuân thủ luật pháp và quy định trong khu vực pháp lý của họ. Để tránh những rủi ro như vậy, nhiều công ty áp dụng các quy trình cụ thể, như các quy trình Rủi ro pháp lý (AML)Xác minh danh tính khách hàng (KYC).

Nếu một nhà cung cấp dịch vụ hoặc công ty không tuân thủ pháp luật, họ có thể bị đóng cửa hoặc đối mặt với các hình phạt nghiêm trọng. Nhiều công ty đầu tư và ngân hàng đã phải đối mặt với các vụ kiện và lệnh trừng phạt do không tuân thủ pháp luật (ví dụ, hoạt động mà không có giấy phép hợp lệ). Giao dịch nội gián và tham nhũng cũng là những ví dụ phổ biến về các rủi ro pháp lý.


Rủi ro trên toàn hệ thống

Rủi ro trên toàn hệ thống đề cập đến một sự kiện nào đó xảy ra và có thể dẫn đến sự sụp đổ của một thị trường hoặc ngành công nghiệp nào đó. Ví dụ, sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008 đã gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng ở Mỹ, kết cục đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác.

Rủi ro trên toàn hệ thống là minh chứng cho thấy sự tương quan mạnh mẽ giữa các công ty trong cùng một ngành. Nếu công ty của Lehman Brothers không đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ hệ thống tài chính của Mỹ, thì việc phá sản của nó có lẽ sẽ có ít ảnh hưởng hơn.

Một cách dễ dàng để ghi nhớ khái niệm rủi ro trên toàn hệ thống là liên hệ nó với hiệu ứng domino, trong đó một quân bài ngã xuống sẽ kéo theo tất cả các quân bài khác.

Đáng chú ý, ngành công nghiệp kim loại quý đã tăng trưởng đáng kể sau Cuộc khủng hoảng Tài chính năm 2008. Vì vậy, đa dạng hóa là một cách để giảm thiểu rủi ro trên toàn hệ thống.


Rủi ro trên toàn hệ thống và rủi ro có tính hệ thống

Rủi ro trên toàn hệ thống (systemic risk) khác với rủi ro có tính hệ thống (systematic risk) hoặc rủi ro tổng hợp. Loại rủi ro thứ hai khó xác định hơn và bao gồm nhiều loại rủi ro khác, ngoài rủi ro tài chính. 

Rủi ro có tính hệ thống có thể liên quan đến một số yếu tố kinh tế và chính trị xã hội, như lạm phát, lãi suất, chiến tranh, thiên tai và những thay đổi lớn trong chính sách của chính phủ.

Về cơ bản, rủi ro có tính hệ thống liên quan đến các sự kiện tác động đến một quốc gia hoặc xã hội trong nhiều lĩnh vực. Điều này có thể bao gồm các ngành công nghiệp nông nghiệp, xây dựng, khai thác, sản xuất, tài chính, và nhiều hơn nữa. Vì vậy, trong khi rủi ro trên toàn hệ thống có thể được giảm thiểu bằng cách đầu tư vào nhiều tài sản có tương quan với nhau thấp, rủi ro có tính hệ thống không thể được giảm thiểu bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư.


Tổng kết

Trong bài viết này chúng ta đã thảo luận về một số loại rủi ro tài chính, bao gồm rủi ro đầu tư, rủi ro trong quá trình hoạt động, rủi ro tuân thủ và rủi ro trên toàn hệ thống. Trong nhóm rủi ro đầu tư, chúng ta đã trình bày các khái niệm về rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng.

Rủi ro là một tất yếu và không thể tránh khỏi của thị trường tài chính. Điều tốt nhất mà một nhà giao dịch hoặc nhà đầu tư có thể làm là giảm thiểu hoặc kiểm soát những rủi ro này bằng các cách nào đó. Vì vậy, việc hiểu biết về các loại rủi ro tài chính cơ bản là bước đầu tiên và quan trọng để có một chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả.