Các điểm chính
Staking là hành động khóa tiền mã hóa để hỗ trợ tính bảo mật và chức năng của blockchain, đổi lại bạn sẽ kiếm được phần thưởng.
Staking là một hoạt động phổ biến đối với những người nắm giữ tiền mã hóa, cho phép các nhà đầu tư hỗ trợ các blockchain yêu thích của mình, đồng thời tăng tỷ lệ nắm giữ theo thời gian.
Chỉ một số blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận Bằng chứng cổ phần (PoS) mới hỗ trợ tính năng staking. Một số ví dụ bao gồm Ethereum, Solana, Cardano, Avalanche, Polkadot, Cosmos và nhiều blockchain khác.
Mặc dù hoạt động staking có thể giúp tăng lượng tiền mã hóa bạn nắm giữ, bạn cần phải xem xét các rủi ro tiềm ẩn, bao gồm mất tiền do biến động, phạt slashing hoặc lỗi kỹ thuật.
Staking trong lĩnh vực tiền mã hóa là gì?
Staking là quá trình khóa một lượng tiền mã hoá nhất định để giúp bảo mật và hỗ trợ hoạt động của mạng lưới blockchain. Bằng cách này, những người tham gia stake sẽ được thưởng thêm tiền mã hóa. Đây là một phương pháp phổ biến để các nhà đầu tư để kiếm thu nhập thụ động. Staking là một phần quan trọng của blockchain Bằng chứng cổ phần (PoS).
Bằng chứng cổ phần (PoS) là gì?
Bằng chứng cổ phần (PoS) là một cơ chế đồng thuận được sử dụng để xác minh và xác thực các giao dịch. PoS được tạo ra vào năm 2011 để thay thế cho cơ chế Bằng chứng xử lý (PoW) mà Bitcoin sử dụng.
Sự khác biệt chính giữa PoW và PoS là PoS không phụ thuộc vào hoạt động đào, một quá trình sử dụng nhiều tài nguyên. Thay vì để các thợ đào sử dụng sức mạnh tính toán để giải quyết các vấn đề toán học phức tạp, mạng lưới PoS dựa vào người xác thực được lựa chọn dựa trên số lượng coin mà họ nắm giữ và sẵn sàng stake.
Staking tiền mã hóa hoạt động như thế nào?
Về cơ bản, staking là hoạt động khóa tiền mã hoá của bạn để tham gia vào các hoạt động của mạng lưới blockchain. Quy trình này có thể thay đổi tùy thuộc vào blockchain nhưng đây là cách hoạt động cơ bản của cơ chế này:
1. Lựa chọn người xác thực: Trong blockchain PoS, người xác thực được lựa chọn dựa trên sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm số lượng coin đã stake, khoảng thời gian stake và đôi khi là lựa chọn ngẫu nhiên.
2. Xác thực giao dịch: Sau khi được chọn, người xác thực có trách nhiệm kiểm tra và xác thực giao dịch, đảm bảo tính hợp lệ của các giao dịch.
3. Tạo block: Các giao dịch đã được xác thực được gộp thành một block, rồi được thêm vào blockchain. Về cơ bản, đây chính là một sổ cái phân tán.
4. Phần thưởng: Những người xác thực kiếm được một phần phí giao dịch và trong một số trường hợp là đồng tiền mã hóa mới làm phần thưởng cho công sức bỏ ra.
Các hình thức staking
Có nhiều cách thức stake tùy thuộc vào trình độ chuyên môn kỹ thuật của bạn và số tiền mã hóa bạn muốn stake. Một số hình thức stake phổ biến nhất bao gồm:
Solo stake hoặc tự stake: Bao gồm hoạt động chạy một node xác thực. Tùy chọn này cung cấp cho bạn nhiều quyền kiểm soát nhất nhưng đòi hỏi kiến thức kỹ thuật và tinh thần trách nhiệm cao. Nếu không thực hiện đúng cách, bạn có thể mất tài sản của mình do bị phạt slashing (hủy cọc).
Staking sàn giao dịch: Một số sàn giao dịch tiền mã hoá cung cấp dịch vụ stake. Đây là cách thức stake dễ dàng nhất và bạn không cần tự xử lý các vấn đề kỹ thuật. Phương thức này còn được gọi là "staking as a service" (dịch vụ staking). Ví dụ: bạn có thể kiếm phần thưởng hàng ngày với Binance ETH Staking.
Stake ủy quyền: Bạn có thể ủy quyền tiền của mình cho một người xác thực hoặc dịch vụ stake đáng tin cậy, cho phép họ xử lý phần kỹ thuật. Một số altcoin cung cấp tùy chọn này trực tiếp từ ví tiền mã hóa gốc.
Staking pool: Stake trong bể cho phép bạn stake coin với những người dùng khác, tăng cơ hội kiếm được phần thưởng mà không cần phải chạy node riêng.
Staking pool là gì?
Staking pool là một nhóm những người nắm giữ tiền mã hoá cùng kết hợp khả năng staking của mình để tăng cơ hội được chọn làm người xác thực. Bằng cách tổng hợp tài nguyên, người tham gia có thể kiếm được phần thưởng stake tương ứng với đóng góp của họ vào bể.
Tùy chọn này đặc biệt có lợi cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, có thể không có đủ tiền để đáp ứng các yêu cầu stake tối thiểu. Tuy nhiên, người dùng cần phải nghiên cứu và chọn một staking pool có uy tín, vì phí và mức độ bảo mật có thể khác nhau giữa các bể.
So sánh Staking và Liquid Staking
Liquid Staking là hình thức staking mới, cho phép người dùng stake tài sản mà không mất đi tính thanh khoản. Khác với hoạt động stake thông thường (tài sản thường bị khóa và không thể tiếp cận được trong thời gian staking), Liquid Staking giới thiệu các cơ chế cho phép người dùng duy trì thanh khoản trong khi vẫn kiếm được phần thưởng stake.
Phương thức phổ biến là phát hành các token Liquid Staking (LST), tức là các token đại diện cho các tài sản đã stake. Ví dụ: Khi bạn stake ETH trên Binance, bạn sẽ nhận lại được WBETH. Đồng này có thể được giao dịch hoặc sử dụng ở nơi khác mà không ảnh hưởng đến phần thưởng staking ETH. Tương tự, khi bạn stake ETH trên một nền tảng như Lido, bạn sẽ nhận được một LST gọi là stETH.
Ngoài ra còn có các nền tảng cho phép stake trực tiếp mà không cần phát hành LST, được gọi là Liquid Staking gốc, như với ADA trên blockchain Cardano. Bước tiến này mang tới cho người dùng những lợi ích của hoạt động stake trong khi vẫn duy trì khả năng sử dụng tài sản tự do của họ.
Lợi ích của việc stake tiền mã hóa
Stake là một cách để làm cho tài sản nhàn rỗi sinh lời, có nghĩa là bạn có thể tạo ra phần thưởng khi giúp bảo mật các mạng lưới blockchain yêu thích của mình. Việc stake tiền mã hóa đặc biệt phổ biến đối với những người nắm giữ tiền mã hóa dài hạn muốn tận dụng tối đa tài sản của mình.
Tại sao nên stake?
Kiếm phần thưởng: Stake cho phép bạn kiếm thêm tiền mã hóa bằng cách giữ tiền trong ví staking. Đây có thể là một cách tuyệt vời để tạo thu nhập thụ động.
Hỗ trợ mạng lưới: Bằng cách staking, bạn giúp bảo mật mạng lưới và đảm bảo mạng lưới hoạt động bình thường, góp phần vào sức khỏe tổng thể của mạng lưới.
Tham gia quản trị: Trong một số mạng lưới, khi stake, bạn sẽ nhận được quyền bình chọn, cho phép bạn tác động đến hướng đi trong tương lai của mạng lưới.
Hiệu quả về năng lượng: Không giống như hoạt động đào trong Bằng chứng xử lý (PoW), stake đòi hỏi ít năng lượng hơn đáng kể, khiến lựa chọn này trở nên thân thiện với môi trường hơn.
Staking tiền mã hóa có lợi ích gì không?
Có. Bạn nên stake tài sản tiền mã hóa nhàn rỗi để tạo thu nhập thụ động – đặc biệt nếu bạn là người nắm giữ lâu dài và muốn hỗ trợ cho dự án. Tuy nhiên, phần thưởng và rủi ro tiềm năng tùy thuộc vào đồng tiền mã hóa và nền tảng bạn lựa chọn.
Ví dụ: nếu một nền tảng stake DeFi mang lại lợi nhuận lớn nhưng không thể đảm bảo về bảo mật, tài sản đã stake của bạn có thể bị đánh cắp hoặc bị mất. Biến động thị trường là một yếu tố rủi ro khác có thể ảnh hưởng đến phần thưởng hoặc gây ra tổn thất.
Rủi ro khi stake
Mặc dù việc stake tiền mã hóa có thể tạo ra phần thưởng nhưng nó cũng tiềm ẩn rủi ro. Một số rủi ro tiềm ẩn của hoạt động stake bao gồm:
1. Biến động thị trường: Nếu giá của tiền mã hóa bạn đang stake giảm đáng kể, rất có thể phần thưởng stake sẽ không đủ để bù đắp khoản lỗ của bạn.
2. Rủi ro slashing: Nếu trở thành người xác thực của PoS, bạn cần đảm bảo các hoạt động staking của mình tuân thủ quy định. Những người xác thực có hành động ác ý hoặc không duy trì được node của họ có thể bị phạt, dẫn đến mất phần tiền đã stake.
3. Rủi ro tập trung hóa: Nếu một số lượng nhỏ người xác thực kiểm soát hầu hết các coin đã stake, điều đó có thể dẫn đến việc tập trung hóa và đe dọa đến an ninh của mạng lưới.
4. Rủi ro kỹ thuật: Một số hình thức staking yêu cầu khóa coin trong một khoảng thời gian cụ thể. Các vấn đề kỹ thuật, như lỗi hợp đồng thông minh hoặc lỗi phần mềm, có thể dẫn đến mất quyền truy cập hoặc đóng băng tiền.
5. Rủi ro từ bên thứ ba: Nếu bạn stake thông qua dịch vụ của bên thứ ba, bạn đang đưa tiền của mình cho người khác. Nếu nền tảng bị tấn công, tiền của bạn có thể gặp rủi ro. Các nền tảng DeFi cũng có thể tiềm ẩn những rủi ro tương tự, đặc biệt là khi bạn được yêu cầu phải cấp toàn quyền truy cập vào ví tiền mã hóa của mình.
Cách stake tiền mã hóa vào năm 2024
1. Chọn tiền mã hóa sử dụng cơ chế Bằng chứng cổ phần (PoS): Chọn đồng tiền mã hóa có hỗ trợ stake. Đảm bảo bạn hiểu các yêu cầu và phần thưởng stake.
2. Thiết lập ví: Sử dụng ví tương thích để staking. Sẽ an toàn hơn nếu bạn sử dụng các ví phổ biến, chẳng hạn như Ví Web3 của Binance, MetaMask hoặc TrustWallet.
3. Bắt đầu stake: Làm theo hướng dẫn của mạng lưới để stake tiền của bạn, bằng cách chạy node xác thực, ủy quyền cho người xác thực hoặc tham gia staking pool.
Hãy nhớ rằng ví Web3 chỉ là giao diện của các dịch vụ stake và không kiểm soát các giao thức cơ sở. Hãy ưu tiên cho các blockchain đã được thiết lập tốt như Ethereum và Solana và tự nghiên cứu trước khi chấp nhận rủi ro về tài chính.
Phần thưởng staking được tính như thế nào?
Phần thưởng staking sẽ tùy thuộc mạng lưới và thường được xác định bởi các yếu tố như:
Số lượng tiền mã hóa bạn stake.
Khoảng thời gian bạn stake.
Tổng số coin đã stake trong mạng lưới.
Phí giao dịch của mạng lưới và tỷ lệ lạm phát của coin.
Trong một số blockchain, phần thưởng được phân bổ theo tỷ lệ phần trăm cố định, giúp bạn dễ dàng dự đoán thu nhập của mình. Phần thưởng stake thường được đo bằng lợi nhuận ước tính hàng năm, tức là tỷ lệ phần trăm lãi suất năm (APR).
Tôi có thể rút tiền mã hóa đã stake không?
Thông thường, câu trả lời là có. Bạn có thể rút tiền mã hóa đã stake của mình bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, các cơ chế và quy tắc chính xác có thể sẽ khác nhau, tùy vào các nền tảng stake. Trong một số trường hợp, việc rút sớm tài sản đã stake có thể dẫn đến việc mất một phần hoặc toàn bộ phần thưởng stake. Kiểm tra các quy tắc stake của blockchain hoặc nền tảng bạn đang sử dụng.
Cần lưu ý rằng bản nâng cấp Ethereum Shanghai năm 2023 đã cho phép rút tài sản đã stake trên mạng lưới Ethereum. Việc nâng cấp này cho phép những người đã stake ETH chọn tham gia để tự động nhận phần thưởng staking và rút ETH đã khóa của họ bất kỳ lúc nào.
Tại sao bạn không thể stake tất cả các loại tiền mã hóa?
Staking là hoạt động dành riêng cho các blockchain PoS. Các loại tiền mã hóa như Bitcoin, hoạt động theo cơ chế đồng thuận PoW, không thể stake được. Ngay cả trong mạng lưới PoS, không phải tất cả các loại tiền mã hóa đều hỗ trợ tính năng staking, vì chúng có thể sử dụng các cơ chế khác nhau để khuyến khích sự tham gia của người dùng.
Tổng kết
Việc stake tiền mã hóa cho phép người dùng tham gia vào các mạng lưới blockchain, đồng thời kiếm phần thưởng. Tuy nhiên, cần phải hiểu những rủi ro liên quan, bao gồm biến động thị trường, rủi ro của bên thứ ba, hình phạt slashing và rủi ro kỹ thuật. Bằng cách lựa chọn cẩn thận phương thức staking và nghiên cứu kỹ lưỡng mạng lưới, bạn có thể đóng góp hiệu quả cho hệ sinh thái blockchain và có khả năng kiếm được thu nhập thụ động.
Đọc thêm:
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và hướng dẫn, không phải là sự cam đoan hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không nên coi nội dung này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Đây cũng không phải khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn chuyên môn phù hợp. Trong trường hợp bài viết do cộng tác viên bên thứ ba đóng góp, xin lưu ý rằng những quan điểm được đưa ra thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Không nên coi tài liệu này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụng và Cảnh báo rủi rocủa chúng tôi.