Cách thức hoạt động của biện pháp phòng hộ trong lĩnh vực tiền mã hóa và bảy chiến lược phòng hộ mà bạn cần biết
Trang chủ
Bài viết
Cách thức hoạt động của biện pháp phòng hộ trong lĩnh vực tiền mã hóa và bảy chiến lược phòng hộ mà bạn cần biết

Cách thức hoạt động của biện pháp phòng hộ trong lĩnh vực tiền mã hóa và bảy chiến lược phòng hộ mà bạn cần biết

Trung cấp
Đã đăng Jun 29, 2023Đã cập nhật Oct 13, 2023
9m

Tóm lược

  • Phòng hộ là một chiến lược quản lý rủi ro dùng để giảm thiểu những tổn thất tiềm ẩn mà một cá nhân hoặc tổ chức có thể phải gánh chịu. 

  • Một số cách phổ biến để phòng hộ là hợp đồng tương lai và quyền chọn, hợp đồng chênh lệch (CFD) và hợp đồng swap vĩnh cửu. 

  • Các chiến lược phòng hộ có rủi ro và chi phí khác nhau. Bạn cần xem xét nhiều rủi ro, bao gồm rủi ro đối tác và rủi ro pháp lý trước khi triển khai chiến lược phòng hộ. 

Phòng hộ là gì?

Phòng hộ là một chiến lược quản lý rủi ro được các cá nhân và tổ chức sử dụng để giảm thiểu những tổn thất tiềm ẩn có thể xảy ra khi đầu tư. 

Khái niệm này tương tự như việc mua một hợp đồng bảo hiểm. Nếu sở hữu một căn nhà ở khu vực dễ bị lụt lội, bạn sẽ muốn bảo vệ tài sản đó khỏi rủi ro ngập nước bằng cách mua bảo hiểm lũ lụt. Trong thị trường tài chính và tiền mã hóa, phòng hộ hoạt động theo cùng một cách. Chiến lược này liên quan đến việc thực hiện một khoản đầu tư được thiết kế để giảm rủi ro biến động giá bất lợi của một tài sản. 

Phòng hộ hoạt động như thế nào?

Có nhiều phương thức phòng hộ khác nhau nhưng thường bao gồm các bước sau: 

Bước 1: Thiết lập một vị thế chính 

Bạn có vị thế hiện tại với một tài sản cụ thể, chẳng hạn như Bitcoin hoặc Ether. Bạn sở hữu tiền mã hóa hoặc hiểu rõ giá của nó. 

Bước 2: Xác định rủi ro

Bước tiếp theo là xác định các rủi ro liên quan đến vị thế chính. Chẳng hạn như rủi ro khi sở hữu Bitcoin có thể là biết đâu giá sẽ giảm. 

Bước 3: Tìm đối trọng

Bạn có thể phòng hộ bằng cách nắm giữ một vị thế trong một công cụ liên quan được dự kiến sẽ di chuyển theo hướng ngược lại với rủi ro đã xác định. 

Mục tiêu phòng hộ không phải là kiếm tiền mà là để phòng ngừa thua lỗ. Lợi nhuận từ vị thế phòng hộ sẽ bù đắp khoản lỗ từ vị thế chính. Điều quan trọng cần lưu ý là không có chiến lược phòng hộ nào là hoàn hảo. Đồng thời, biện pháp phòng hộ thường liên quan đến chi phí. Vì vậy, ta cần xem xét tính hiệu quả về mặt chi phí của biện pháp phòng hộ.

Phòng hộ hoạt động như thế nào trong lĩnh vực tiền mã hóa?

Phòng hộ trong lĩnh vực tiền mã hóa tuân theo nguyên tắc tương tự như phòng hộ trong thị trường tài chính truyền thống. Điều này liên quan đến việc nắm giữ một vị thế trong một tài sản có liên quan dự kiến sẽ diễn biến theo hướng ngược lại với vị thế chính. 

Dưới đây là bảy cách mà nhà đầu tư có thể phòng hộ trên thị trường tiền mã hóa. Có thể không có một số hoặc tất cả cách này ở một số vùng lãnh thổ nhất định. Vì vậy, bạn cần đảm bảo rằng mọi chiến lược phòng hộ mà mình sử dụng đều tuân thủ các quy định của địa phương. 

Mỗi chiến lược này đều có rủi ro và chi phí khác nhau nên cần phải nắm rõ những điểm này trước khi tiếp tục. 

Hợp đồng tương lai 

Hợp đồng tương lai tiền mã hóa cho phép các nhà đầu tư mua hoặc bán tiền mã hóa ở mức giá định trước vào một ngày cụ thể trong tương lai. Chiến lược này có thể dùng để phòng ngừa những thay đổi có thể xảy ra với giá. Ví dụ: Nếu bạn sở hữu Bitcoin và lo sợ giá của Bitcoin sẽ giảm, bạn có thể bán hợp đồng tương lai Bitcoin. Nếu giá Bitcoin thật sự giảm, lợi nhuận từ hợp đồng tương lai sẽ bù đắp khoản lỗ do bạn nắm giữ Bitcoin.

Hợp đồng quyền chọn

Quyền chọn tiền mã hóa cung cấp cho người nắm giữ quyền, chứ không phải nghĩa vụ mua (quyền chọn mua) hoặc bán (quyền chọn bán) tiền mã hóa cơ sở ở một mức giá đã định trong một khoảng thời gian cụ thể. Nếu bạn nắm giữ Bitcoin và lo lắng giá sẽ giảm, bạn có thể mua quyền chọn bán. Nếu giá Bitcoin giảm, việc tăng giá trị của quyền chọn bán sẽ bù đắp cho việc giảm giá trị của Bitcoin.

Hợp đồng chênh lệch (CFD) 

CFD có thể dùng như một công cụ phòng hộ trong lĩnh vực tiền mã hóa. CFD là một sản phẩm phái sinh cho phép bạn suy đoán biến động giá của một tài sản cơ sở mà không cần thực sự sở hữu tài sản đó. Bạn thường ký hợp đồng với một nhà môi giới để trao đổi chênh lệch giá của tài sản kể từ thời điểm mở cho đến khi đóng hợp đồng.

Ví dụ: Nếu bạn nắm giữ Bitcoin và muốn phòng hộ việc giảm giá, bạn sẽ mở một vị thế (bán) Short trên CFD Bitcoin. Lợi nhuận bạn kiếm được từ vị thế CFD sẽ bù đắp khoản lỗ phát sinh khi bạn nắm giữ Bitcoin trong trường hợp giá giảm.

Hợp đồng swap vĩnh cửu

Hợp đồng swap vĩnh cửu theo dõi giá của một tài sản cơ sở như Bitcoin và nhằm mục đích cung cấp cơ hội giao dịch liên tục mà không lo ngày hết hạn. Các hợp đồng này thường sử dụng đòn bẩy, cho phép các trader mở các vị thế lớn hơn với yêu cầu ký quỹ ban đầu nhỏ hơn.

Ví dụ: Nếu bạn dự đoán giá Bitcoin sẽ giảm, bạn có thể mở một vị thế Short trên hợp đồng swap vĩnh cửu Bitcoin. Nếu giá Bitcoin giảm, lợi nhuận từ hợp đồng swap vĩnh cửu sẽ bù đắp cho khoản lỗ khi nắm giữ Bitcoin.

Bán khống

Một số nền tảng cho phép bán khống, tức là bạn có thể vay tiền mã hóa, bán đi rồi mua lại để hoàn trả. Nếu giá giảm như bạn dự đoán, bạn sẽ kiếm được lợi nhuận, có thể bù đắp khoản lỗ trong các khoản đầu tư khác.

Stablecoin 

Stablecoin là tiền mã hóa có giá được neo với một khoản dự trữ tài sản, thường là tiền pháp định. Nếu lo sợ thị trường suy thoái, bạn có thể chuyển đổi một số tài sản tiền mã hóa dễ biến động của mình thành stablecoin. Mặc dù bạn sẽ không được hưởng lợi từ xu hướng tăng của thị trường nhưng bạn sẽ được bảo vệ trước sự suy thoái của thị trường.

Đa dạng hóa

Việc nắm giữ nhiều loại tiền mã hóa hay đa dạng hóa cũng có thể được coi là một biện pháp phòng hộ. Các loại tiền mã hóa khác nhau có thể phản ứng khác nhau trước những thay đổi của thị trường. Nếu đồng tiền mã hóa này giảm, đồng tiền mã hóa khác có thể tăng và bù đắp sự thua lỗ đó. 

Một ví dụ về phòng hộ cho vị thế Bitcoin

Giả sử bạn sở hữu lượng BTC tương đương 10.000 USD và bạn muốn phòng hộ khả năng giá của BTC sẽ giảm. Bạn có thể cân nhắc thực hiện những điều sau để phòng hộ cho vị thế của mình. 

Giả sử Bitcoin đang giao dịch ở mức 50.000 USD. Bạn có thể mua một quyền chọn bán cho phép bạn có quyền bán Bitcoin với giá 50.000 USD vào một thời điểm trong tương lai. Giả sử bạn phải trả phí quyền chọn là 500 USD cho quyền chọn này (giá thực tế sẽ phụ thuộc vào điều kiện thị trường). 

Nếu giá Bitcoin giảm xuống còn 40.000 USD, bạn có thể thực hiện quyền chọn của mình và bán Bitcoin của mình với giá 50.000 USD, giúp giảm đáng kể khoản lỗ mà bạn phải gánh chịu. Chi phí phòng hộ sẽ là mức phí bạn phải trả cho quyền chọn này. Trong ví dụ này, bạn sẽ cần 0,2 BTC để chi trả cho danh mục đầu tư của mình. Chi phí sẽ là 0,01 BTC (500 USD/50.000 USD).

Hoặc bạn có thể bán hợp đồng tương lai lấy Bitcoin. Giả sử bạn bán hợp đồng tương lai lấy 0,2 BTC, hợp đồng này thỏa thuận bán Bitcoin với giá 50.000 USD trong một tháng. Nếu giá Bitcoin giảm xuống mức 40.000 USD, bạn có thể mua 0,2 BTC với giá thấp hơn để thực hiện hợp đồng của mình, rồi bán Bitcoin của bạn ở mức 50.000 USD và bù đắp khoản lỗ trong danh mục đầu tư của bạn. Tuy nhiên, nếu giá Bitcoin tăng, bạn vẫn có nghĩa vụ phải bán ở mức 50.000 USD và có thể sẽ mất phần lợi nhuận do giá tăng.

Rủi ro phòng hộ trong lĩnh vực tiền mã hóa

Các chiến lược phòng hộ thường có rủi ro và chi phí. Phí quyền chọn có thể khá đắt, hợp đồng tương lai có thể hạn chế lợi nhuận tiềm năng của bạn và stablecoin phụ thuộc vào khả năng thanh toán của tổ chức phát hành. Đa dạng hóa có thể giúp phân tán rủi ro nhưng không nhất thiết sẽ ngăn chặn được các khoản thua lỗ. 

Hãy nhớ cân nhắc những rủi ro sau đây trước khi bạn triển khai biện pháp phòng hộ. 

Chi phí

Chiến lược phòng hộ thường có chi phí. Ví dụ: Mua quyền chọn yêu cầu thanh toán phí quyền chọn, khoản phí này có thể khá cao tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Tương tự như vậy, hợp đồng tương lai có thể có phí môi giới và các khoản phí khác.

Hạn chế tăng trưởng

Chiến lược phòng hộ thường hạn chế lợi nhuận tiềm năng. Ví dụ: Nếu bạn sử dụng hợp đồng tương lai để phòng hộ trường hợp giá giảm nhưng giá lại tăng thì lợi nhuận tối đa của bạn chỉ bằng mức giá hợp đồng tương lai.

Không có rủi ro đến từ đối tác

Rủi ro đối tác là khá đáng kể với các công cụ phái sinh giao ngay hoặc khi stablecoin được sử dụng làm công cụ phòng hộ. Nếu đối tác không thực hiện đúng thỏa thuận, người dùng có thể bị thua lỗ. Trong trường hợp sử dụng stablecoin, có rủi ro là nhà phát hành có thể không duy trì được tỷ giá neo với tài sản cơ sở.

Rủi ro thực hiện

Có nguy cơ chiến lược phòng hộ của bạn có thể không hoạt động như mong đợi do điều kiện thị trường. Ví dụ: Trong các thị trường biến động mạnh, quyền chọn và hợp đồng tương lai có thể không mang lại sự bảo vệ như mong đợi do biến động giá quá lớn.

Rủi ro quy định

Môi trường pháp lý cho tiền mã hóa và các công cụ tài chính liên quan vẫn đang dần hoàn thiện và khác nhau tùy theo vùng lãnh thổ. Quy định thay đổi có thể ảnh hưởng đến giá trị và tính sẵn có của một số công cụ phòng hộ. Bạn phải hiểu rõ các yêu cầu quy định tại vùng lãnh thổ của mình và luôn tuân thủ các quy định đó. 

Rủi ro thanh khoản

Một số công cụ phòng hộ có thể có tính thanh khoản kém, nghĩa là không thể dễ dàng mua hoặc bán mà không gây ra sự thay đổi đáng kể về giá. Điều này có thể gây khó khăn cho việc vào hoặc thoát vị thế.

Tính phức tạp

Cuối cùng, chiến lược phòng hộ có thể khá phức tạp và đòi hỏi mức độ hiểu biết sâu sắc về thị trường tài chính, đặc biệt là những chiến lược có đòn bẩy. Những sai lầm hoặc hiểu lầm có thể dẫn đến tổn thất đáng kể.

Lời khuyên về phòng hộ trong lĩnh vực tiền mã hóa

Phòng hộ rất phức tạp và đòi hỏi kiến thức sâu sắc về thị trường tài chính. Biện pháp này chắc chắn không dành cho người mới bắt đầu và ngay cả những trader có kinh nghiệm cũng cần phải thận trọng khi sử dụng. Dưới đây là một số lời khuyên khi sử dụng chiến lược phòng hộ trong lĩnh vực tiền mã hóa. 

Hiểu rõ rủi ro

Trước khi triển khai bất kỳ chiến lược phòng hộ nào, hãy đảm bảo bạn hiểu rõ các rủi ro liên quan và những nhược điểm tiềm ẩn. Mọi công cụ và chiến lược tài chính đều có ưu điểm và nhược điểm. Quan trọng là bạn phải biết mình sắp tham gia vào giao dịch gì.

Đa dạng hóa

Đừng bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Hãy cân nhắc đầu tư vào nhiều loại tiền mã hóa và thậm chí mở rộng khoản đầu tư của bạn sang các loại tài sản khác nhau. Điều này có thể bảo vệ bạn trước sự biến động của bất kỳ tài sản cụ thể nào.

Đừng quá phức tạp hóa quy trình

Việc sử dụng các chiến lược phòng hộ phức tạp nhằm cố gắng tối đa hóa lợi nhuận hoặc giảm thiểu tổn thất có thể nghe rất hấp dẫn. Tuy nhiên, sự phức tạp thường mang lại rủi ro bổ sung. Nếu bạn không phải là một nhà đầu tư sành sỏi, các chiến lược đơn giản thường sẽ hiệu quả hơn.

Tổng kết 

Phòng hộ có hiệu quả trong việc bù đắp những tổn thất tiềm ẩn mà danh mục đầu tư của bạn có thể gặp phải trong trường hợp được sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, phòng hộ đòi hỏi kiến thức sâu rộng và không dành cho tất cả mọi người. Bạn cần nghiên cứu kỹ các điều khoản và điều kiện, yêu cầu ký quỹ, phí và các tùy chọn đòn bẩy khi sử dụng chiến lược phòng hộ. 

Hãy đảm bảo rằng bạn hiểu rõ về những rủi ro liên quan và chi phí tiềm ẩn. Bạn cần liên tục theo dõi các điều kiện thị trường và quản lý rủi ro trong khi liên tục điều chỉnh vị thế của mình. 

Bạn cũng nên sử dụng các công cụ quản lý rủi ro như lệnh cắt lỗ để hạn chế tổn thất tiềm ẩn hoặc đảm bảo lợi nhuận. Cuối cùng, hãy cân nhắc tìm kiếm lời khuyên từ cố vấn tài chính trước khi tham gia vào các hoạt động giao dịch này.

Đọc thêm: 


Tuyên bố từ chối trách nhiệm và Cảnh báo rủi ro: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích thông tin chung và giáo dục, không có bất kỳ hình thức đại diện hay bảo đảm nào. Nó không nên được hiểu là tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên nghiệp khác, cũng như không nhằm khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên của riêng bạn từ các cố vấn chuyên nghiệp thích hợp. Trong trường hợp bài viết được đóng góp bởi cộng tác viên bên thứ ba, xin lưu ý rằng những quan điểm thể hiện đó thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc tuyên bố từ chối trách nhiệm đầy đủ của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ tổn thất nào mà bạn có thể phải gánh chịu. Tài liệu này không nên được hiểu là tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên nghiệp khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụng Cảnh báo rủi ro của chúng tôi.