Đường xu hướng là gì?
Trong thị trường tài chính, đường xu hướng là các đường chéo được vẽ trên biểu đồ. Chúng kết nối các điểm dữ liệu cụ thể, giúp các nhà đồ thị học và người giao dịch dễ dàng hình dung các biến động giá cả và xác định xu hướng thị trường.
Chúng ta có thể chia các đường xu hướng thành hai loại cơ bản: đi lên (đường xu hướng tăng) và đi xuống (đường xu hướng giảm). Đường xu hướng tăng được vẽ từ điểm có vị thế thấp hơn đến điểm có vị thế cao hơn trên biểu đồ. Nó kết nối hai hoặc nhiều điểm đáy, như được minh họa trong hình ảnh dưới đây.
Ngược lại, đường xu hướng giảm được vẽ từ điểm có vị thế cao hơn đến điểm có vị thế thấp hơn trong biểu đồ. Nó kết nối hai hoặc nhiều điểm đỉnh.
Cách sử dụng đường xu hướng
Dựa trên các điểm đỉnh và đáy của biểu đồ, các đường xu hướng cho biết nơi mà mức giá có vẻ như tạm thời đi ngược lại xu hướng đang thịnh hành, kiểm định nó và sau đó quay trở lại theo hướng có lợi. Sau đó, đường này có thể được mở rộng để thử và dự đoán các mức giá quan trọng trong tương lai. Miễn là đường xu hướng không bị phá vỡ, nó được coi là hợp lệ.
Mặc dù có thể sử dụng đường xu hướng trong tất cả các loại biểu đồ dữ liệu, chúng thường được áp dụng cho các biểu đồ tài chính (dựa trên giá thị trường). Điều này có nghĩa là chúng cũng có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về cung và cầu thị trường. Một cách tự nhiên, các đường xu hướng tăng cho thấy lực mua ngày càng tăng (cầu cao hơn cung). Đường xu hướng giảm cho thấy giá giảm liên tục, cho thấy lực mua ngày càng giảm (cung cao hơn cầu).
Nói cách khác, xu hướng thị trường có thể được coi là không hợp lệ khi các mức giá hỗ trợ và mức kháng cự bị phá vỡ, theo hướng giảm (đối với đường xu hướng tăng) hoặc theo hướng tăng (đối với đường xu hướng giảm). Trong nhiều trường hợp, khi các mức giá chính yếu này không giữ được xu hướng, thị trường có thể đổi hướng.
Vẽ các đường xu hướng
Về mặt kỹ thuật, có thể vẽ đường xu hướng từ hai điểm bất kỳ trong biểu đồ. Nhưng hầu hết các nhà đồ thị học đều sẽ đồng ý rằng sử dụng từ ba điểm trở lên sẽ giúp đường xu hướng có độ chính xác cao hơn. Đôi khi có thể sử dụng hai điểm đầu tiên để xác định xu hướng tiềm năng và điểm thứ ba (mở rộng trong tương lai) được sử dụng để kiểm tra tính hợp lệ của đường xu hướng đã vẽ.
Vì vậy, khi giá chạm vào đường xu hướng từ ba lần trở lên mà không cắt nó, xu hướng có thể được coi là hợp lệ. Việc kiểm tra đường xu hướng nhiều lần cho thấy rằng xu hướng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên do biến động giá cả.
Cài đặt thang đo
Ngoài việc chọn đủ điểm để tạo đường xu hướng hợp lệ, điều quan trọng là phải xem xét các cài đặt phù hợp khi vẽ chúng. Trong số các cài đặt biểu đồ quan trọng nhất là cài đặt thang đo.
Trong biểu đồ tài chính, thang đo liên quan đến cách các thay đổi về giá được hiển thị. Hai thang đo phổ biến nhất là số học và bán logarit (bán log). Trên biểu đồ số học, sự thay đổi về giá được thể hiện đồng đều khi giá di chuyển lên hoặc xuống trục Y. Biểu đồ bán log thể hiện các biến đổi theo tỷ lệ phần trăm.
Ví dụ, trên biểu đồ số học, sự tăng giá từ 5 USD lên 10 USD sẽ được hiển thị bởi một khoảng cách tương tự như sự tăng giá từ 120 USD lên 125 USD. Tuy nhiên, trên biểu đồ bán log, mức tăng 100% (từ 5 USD lên 10 USD) sẽ chiếm khoảng lớn hơn trên biểu đồ so với mức tăng 4% của sự tăng giá từ 120 USD lên 125 USD.
Cần xem xét các cài đặt thang đo khi vẽ các đường xu hướng. Mỗi loại biểu đồ có thể dẫn đến các mức đỉnh và đáy khác nhau và do đó dẫn đến các đường xu hướng khác nhau.
Tổng kết
Mặc dù chúng là các công cụ hữu ích để phân tích kỹ thuật, các đường xu hướng không phải là hoàn hảo. Mức độ chính xác của các đường xu hướng phụ thuộc vào việc lựa chọn các điểm được sử dụng để vẽ các đường xu hướng, điều này khiến chúng có phần chủ quan.
Chẳng hạn, một số nhà đồ thị học vẽ các đường xu hướng dựa trên thân của biểu đồ hình nến và bỏ qua các điểm bấc. Một số người khác thích vẽ các đường theo các đỉnh và đáy của của bấc.