Tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) là gì?
Trang chủ
Bài viết
Tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) là gì?

Tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) là gì?

Trung cấp
Đã đăng Apr 6, 2020Đã cập nhật Jun 10, 2024
9m

Các điểm chính

  • Công nghệ blockchain cho phép tạo ra các loại cấu trúc tổ chức mới. Các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) chính là những ví dụ điển hình.

  • Là dạng mạng lưới phân bổ, blockchain cho phép DAO tự hoạt động mà không cần cơ quan trung ương. 

  • DAO đại diện cho một mô hình tổ chức tập trung vào việc phát triển và quản lý hướng tới cộng đồng.

Giới thiệu

Sự xuất hiện của công nghệ blockchain tạo điều kiện cho các loại cấu trúc tổ chức mới. Các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) là ví dụ điển hình về các tổ chức sáng tạo có thể tự vận hành mà không cần bộ phận có quyền hành tập trung. 

DAO lần đầu ra mắt vào năm 2016 với mục tiêu để tất cả các thành viên trong DAO đóng vai trò quản lý. DAO có thể phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, từ việc tập hợp vốn của các thành viên để đầu tư mạo hiểm đến xác thực tính toàn vẹn của dữ liệu off-chain.

DAO là gì?

DAO là viết tắt của tổ chức tự trị phi tập trung (Decentralized Autonomous Organization). Đó là một khái niệm bắt nguồn từ công nghệ blockchain, cho phép tạo ra các tổ chức được quản lý bằng code thay vì các tổ chức hoặc cá nhân tập trung.

Nói cách khác, DAO là một thực thể do cộng đồng lãnh đạo và được quản lý bởi code máy tính. Do các quy tắc dùng để xác định hành vi của tổ chức được xây dựng sẵn trong thiết kế, DAO có thể hoạt động tự chủ mà không cần bộ phận lãnh đạo tập trung.

Khác với các tổ chức truyền thống, DAO không cho phép một người hoặc một nhóm đơn phương thực thi các quyết định. Thay vào đó, mọi người trong cộng đồng có thể đề xuất ý tưởng và bình chọn. Điều này đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra bởi cả tập thể thay vì chỉ một vài người nắm quyền lực trong tay.

Những người đam mê tiền mã hóa thích DAO vì mô hình này công bằng hơn. Thay vì một vài người nắm quyền lực chính quyết định tất cả, mọi người đều có tiếng nói về cách hoạt động. Đây là một sự thay đổi lớn so với các công ty thông thường, nơi các giám đốc điều hành cấp cao và cổ đông lớn thường nắm toàn bộ quyền lực.

DAO hoạt động như thế nào? 

Trong DAO, các quy tắc và nguyên tắc về cách tổ chức hoạt động được viết thành code, thường là sử dụng các hợp đồng thông minh trên blockchain. Các hợp đồng thông minh này tự động thực hiện các hành động dựa trên các điều kiện được xác định trước, đảm bảo rằng tổ chức hoạt động theo các quy tắc đã thỏa thuận mà không cần sự can thiệp của con người.

Thông thường, các thành viên của DAO tham gia vào việc ra quyết định bằng cách sở hữu token hoặc cổ phần trong tổ chức. Các token này đi kèm quyền bình chọn. Trong đó, ảnh hưởng của mỗi thành viên trong quá trình ra quyết định tỷ lệ thuận với số lượng token mà họ nắm giữ. 

Khi cần đưa ra quyết định, chẳng hạn như phê duyệt đề xuất hoặc phân bổ vốn, các thành viên có thể bình chọn về những vấn đề này bằng cách sử dụng token của họ. Quá trình dân chủ này giúp đảm bảo rằng các quyết định phản ánh ý chí tập thể của cộng đồng.

Các DAO thường có ngân quỹ hoặc quỹ được quản lý chung bởi các thành viên. Các quỹ này có thể dùng để tài trợ cho các dự án, đầu tư vào các dự án mới hoặc hỗ trợ các sáng kiến cộng đồng. 

Đề xuất về cách sử dụng các quỹ này do các thành viên đệ trình và thông qua bình chọn của cộng đồng. Sau khi đề xuất được phê duyệt, các hợp đồng thông minh sẽ tự động thực hiện các hành động cần thiết, chẳng hạn như chuyển tiền hoặc đúc token mới.

Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là những nguyên tắc chính của DAO. Tất cả các giao dịch và quyết định được ghi lại trên blockchain, cho phép mọi người có thể truy cập công khai và xác minh. Sự minh bạch này giúp đảm bảo rằng các thành viên có thể tin tưởng vào tính toàn vẹn của tổ chức và buộc mọi người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. 

Ngoài ra, vì các DAO hoạt động trên một mạng lưới phi tập trung nên có khả năng chống kiểm duyệt và chống giả mạo, nâng cao hơn nữa lòng tin và mức độ tin cậy. Ở một số khía cạnh, DAO hoạt động tương tự như một công ty hoặc một quốc gia nhưng theo kiểu phi tập trung.

Vấn đề người nhậm thác và người đại diện trong DAO

Các DAO giúp giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa người ủy nhiệm và người đại diện trong kinh tế học. Tình huống này xảy ra khi một người hoặc tổ chức (“người đại diện”) có quyền đưa ra quyết định và thực hiện các hành động thay mặt cho một cá nhân hoặc tổ chức khác (“người ủy nhiệm”). Nếu người đại diện có hành động tư lợi thì lợi ích của những những người ủy nhiệm sẽ bị coi nhẹ.

Vấn đề này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu có sự bất cân xứng về thông tin giữa người ủy nhiệm và người đại diện. Người ủy nhiệm có thể không biết rằng mình đang bị lợi dụng và không có cách nào để đảm bảo rằng người đại diện đang hành động vì lợi ích của họ.

Có thể kể đến một số ví dụ phổ biến của vấn đề này như việc quan chức đại diện cho công dân, nhà môi giới đại diện cho nhà đầu tư hoặc nhà quản lý đại diện cho cổ đông.

Với tính minh bạch cao của blockchain, các DAO được thiết kế tốt có thể loại bỏ một phần vấn đề này. Đặc biệt là nếu DAO quản lý để tránh sự bất cân xứng về thông tin và điều chỉnh các cơ chế khuyến khích trong cộng đồng. Vì tất cả các giao dịch được ghi lại trên một blockchain, hoạt động của DAO là hoàn toàn minh bạch và có khả năng chống gian lận tốt hơn.

Lợi ích của DAO

Phi tập trung

Trong một tổ chức truyền thống, một cơ quan trung ương sẽ đưa ra các quyết định trọng yếu nhất. Trong một DAO, các quyết định tác động đến tổ chức được đưa ra bởi cộng đồng.

Minh bạch

Để đạt được tính minh bạch, mọi thành viên trong DAO đều có trách nhiệm giải trình. Việc bình chọn trong DAO được thực hiện thông qua blockchain và có thể xem công khai. Bất kỳ ai cũng có thể tra cứu hồ sơ giao dịch. Điều này thúc đẩy các thành viên cộng đồng hành động một cách thiện chí và không khuyến khích các hành vi chống lại cộng đồng.

Xây dựng trên cộng đồng 

Một DAO có thể tập hợp mọi người từ khắp nơi trên thế giới để cùng làm việc, hướng tới một mục tiêu chung. Mọi thành viên đều có cơ hội đóng góp cho dự án. Không giống như cấu trúc doanh nghiệp truyền thống, mọi người đều có thể bày tỏ ý tưởng của mình và đề xuất các hành động của tổ chức thông qua các cơ chế quản trị phi tập trung.

Các ví dụ về DAO

  • MakerDAO: MakerDAO là một dự án DeFi gắn liền với một stablecoin được thế chấp bằng tiền mã hoá có tên là DAI và được neo giá với đồng USD.

  • Aave: Aave là một thị trường tiền tệ xây dựng trên Ethereum, nơi người dùng có thể vay và cho vay nhiều loại tài sản kỹ thuật số, từ stablecoin đến altcoin. Giao thức Aave được quản lý bởi những người nắm giữ AAVE.

  • Uniswap: Uniswap là một giao thức sàn giao dịch phi tập trung (DEX), hoạt động như một DAO, cho phép người dùng swap các loại tiền mã hóa khác nhau mà không cần qua trung gian.

  • Yearn.Finance: Yearn.Finance (YFI) là một nền tảng DeFi tự động hóa các chiến lược khai thác lợi suất và các cơ hội DeFi khác. Nền tảng này hoạt động như một DAO, các thành viên trong cộng đồng có thể quản lý việc nâng cấp và quyết định giao thức.

Bitcoin có phải là DAO không?

Một số người xem mạng lưới Bitcoin là một ví dụ ban đầu về DAO. Mạng lưới này hoạt động theo kiểu phi tập trung và được điều phối bởi một giao thức đồng thuận, đồng thời không có sự phân cấp giữa những người tham gia.

Giao thức Bitcoin định hình các quy tắc của tổ chức, trong khi Bitcoin (BTC) đóng vai trò là tiền tệ để khích lệ người dùng tham gia công tác bảo mật cho mạng lưới. Điều này đảm bảo rằng những người tham gia khác nhau có thể cùng làm việc để giữ cho Bitcoin hoạt động như một tổ chức tự trị phi tập trung. Mục tiêu chung trong trường hợp của Bitcoin là lưu trữ và chuyển giá trị mà không cần một thực thể trung tâm điều phối hệ thống. 

Tuy nhiên, ta cũng cần lưu ý rằng DAO không có cách định nghĩa duy nhất. Ngày nay, thuật ngữ này thường dùng để mô tả các tổ chức hoạt động trên blockchain hiện tại và do cộng đồng quản lý thông qua các hợp đồng thông minh. Định nghĩa như vậy làm cho DAO trở nên khác với Bitcoin.

DAO còn có thể dùng cho mục đích nào khác?

Các DAO phức tạp hơn có thể được triển khai cho các trường hợp sử dụng khác nhau, chẳng hạn như các quỹ đầu tư mạo hiểm phi tập trung hoặc các nền tảng mạng xã hội. DAO cũng có thể ứng dụng để điều phối hoạt động của các thiết bị được kết nối với Internet vạn vật (IoT).

Một nhánh con của DAO đã xuất hiện được gọi là các doanh nghiệp tự trị phi tập trung (DAC). Một DAC có thể cung cấp các dịch vụ tương tự như một công ty truyền thống, ví dụ: dịch vụ đi chung xe. Sự khác biệt là nó hoạt động mà không có cấu trúc quản trị doanh nghiệp thường thấy ở các mô hình truyền thống.

Ví dụ: ứng dụng DAC trên một chiếc xe cung cấp dịch vụ đi chung xe. Chiếc xe này có thể vận hành tự chủ, thực hiện các giao dịch với con người và các thiết bị thông minh khác. Thông qua việc sử dụng các oracle trên blockchain, nó thậm chí còn có thể kích hoạt các hợp đồng thông minh và tự thực hiện một số tác vụ nhất định.

Ethereum và “DAO”

Một trong những ví dụ đầu tiên về DAO là “The DAO”. The DAO được tạo thành từ các hợp đồng thông minh phức tạp chạy trên blockchain Ethereum và được cho là hoạt động như một quỹ đầu tư mạo hiểm tự trị.

Vào tháng 5 năm 2016, các token của The DAO được bán trong Phát hành coin lần đầu (ICO). Người tham gia quỹ phi tập trung này có cổ phần sở hữu và quyền bình chọn. Tuy nhiên, ngay sau khi ra mắt, khoảng một phần ba số tiền trong quỹ đã bị mất và đây là một trong những vụ hack lớn nhất trong lịch sử tiền mã hóa.

Kết quả của sự kiện này là Ethereum đã tách thành hai chuỗi sau một đợt hard fork. Trong đó, có một chuỗi đã đảo ngược các giao dịch gian lận như thể vụ hack như chưa bao giờ xảy ra. Chuỗi này bây giờ được gọi là blockchain Ethereum. Chuỗi còn lại trung thành với nguyên tắc "code là luật", không thay đổi các giao dịch gian lận. Blockchain này hiện được gọi là Ethereum Classic

Hạn chế của DAO

Pháp lý

Môi trường pháp lý đối với các DAO vẫn còn thiếu vững chắc vì hầu hết các khu vực pháp lý vẫn chưa xác định cách tiếp cận đối với loại hình tổ chức mới này. Tình trạng pháp lý không chắc chắn liên tục có thể trở thành một rào cản đáng kể đối với việc áp dụng DAO.

Các cuộc tấn công phối hợp

Về mặt bản chất, các đặc tính của DAO (phi tập trung, bất biến, không cần lòng tin) sẽ dẫn tới những hạn chế đáng kể về hiệu suất và bảo mật cho tổ chức. Ví dụ về DAO đã chứng minh rằng hình thức tổ chức mới này có thể gây ra những rủi ro đáng kể nếu không được thiết kế đúng cách.

Các điểm tập trung

Nhiều người lập luận rằng phi tập trung không phải là một trạng thái, mà là một dải cấp độ. Trong đó mỗi cấp độ sẽ phù hợp cho một loại trường hợp sử dụng khác nhau. Trong một số trường hợp, tự trị hoặc phi tập trung hoàn toàn có thể là điều bất khả thi.

DAO có thể cho phép nhiều người tham gia hợp tác hơn bao giờ hết, nhưng tùy thuộc vào cách DAO được thiết kế, các quy tắc quản trị được đặt ra trong giao thức có thể trở thành một điểm mang tính tập trung.

Tổng kết 

Nhìn chung, DAO đại diện cho một cách tiếp cận mới đối với quản trị tổ chức, tận dụng công nghệ blockchain để tạo ra các cộng đồng không phân biệt, dân chủ và minh bạch. 

DAO cho phép các tổ chức thoát khỏi sự phụ thuộc vào hệ thống phân cấp và cấu trúc truyền thống. Thay vì một thực thể trung tâm điều phối hành động của những người tham gia, các quy tắc quản trị được đặt hoàn toàn tự động và sẽ điều hướng thành viên tới những kết quả có lợi nhất cho mạng lưới.

Chìa khóa để thiết kế một DAO chất lượng là đưa ra một bộ quy tắc đồng thuận hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề phối hợp phức tạp giữa những người tham gia. Thách thức thực sự đối với việc thực hiện các DAO có thể không phải là công nghệ mà là các vấn đề xã hội.

Đọc thêm:

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Nội dung này được cung cấp cho bạn trên cơ sở “nguyên trạng” chỉ nhằm mục đích thông tin chung và giáo dục mà không có đại diện hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Nó không nên được hiểu là lời khuyên về tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác, cũng như không nhằm mục đích khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên của riêng bạn từ các cố vấn chuyên môn thích hợp. Trong trường hợp bài viết được đóng góp bởi người đóng góp bên thứ ba, xin lưu ý rằng những quan điểm thể hiện đó thuộc về người đóng góp bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc tuyên bố từ chối trách nhiệm đầy đủ của chúng tôi ở đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể giảm hoặc tăng và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất nào bạn có thể phải gánh chịu. Tài liệu này không nên được hiểu là lời khuyên về tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụngCảnh báo rủi ro của chúng tôi.