ICO (Initial Coin Offering) Là Gì?
Trang chủ
Bài viết
ICO (Initial Coin Offering) Là Gì?

ICO (Initial Coin Offering) Là Gì?

Người mới
Đã đăng Jan 30, 2019Đã cập nhật Dec 12, 2022
6m

ICO là gì?

Phát hành tiền mã hóa lần đầu (hoặc ICO) là một phương pháp để các nhóm dự án huy động vốn trong thế giới tiền mã hóa. Trong một đợt ICO, các nhóm dự án tạo ra các token trên blockchain để bán cho những người ủng hộ sớm. Đây là giai đoạn gây quỹ cộng đồng – người dùng nhận được token mà họ có thể sử dụng (ngay lập tức hoặc trong tương lai) và dự án nhận được tiền để phát triển. 
Phương pháp này bắt đầu phổ biến từ năm 2014 khi nó được sử dụng để huy động vốn cho sự phát triển của Ethereum. Kể từ đó, hàng trăm dự án blockchain đã áp dụng nó (đặc biệt là năm 2017), với các mức độ thành công khác nhau. Mặc dù từ cái tên, ICO có vẻ tương tự như Phát hành lần đầu ra công chúng (IPO), nhưng về cơ bản, cả hai đều là những phương pháp huy động vốn rất khác nhau.

IPO thường áp dụng cho các doanh nghiệp đã hoạt động và kinh doanh, họ bán cổ phần như một cách để huy động vốn. Ngược lại, ICO được sử dụng như một cơ chế gây quỹ cho phép các công ty huy động vốn cho dự án của họ trong giai đoạn rất sớm. Khi các nhà đầu tư ICO mua token, họ không mua bất kỳ quyền sở hữu nào trong công ty.

ICO có thể là một giải pháp thay thế khả thi cho việc gọi vốn truyền thống đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ. Thông thường, rất khó để có thể huy động vốn nếu chưa hình thành một sản phẩm có chức năng. Trong không gian blockchain, các công ty thành lập hiếm khi đầu tư vào các dự án dựa trên giá trị từ sách trắng. Hơn nữa, việc thiếu các quy định về tiền mã hóa ngăn cản nhiều người xem xét các công ty blockchain khởi nghiệp.

Tuy nhiên, phương pháp này không chỉ được sử dụng bởi các công ty khởi nghiệp mới. Các doanh nghiệp đã thành lập đôi khi chọn khởi chạy một ICO đảo ngược, có chức năng rất giống với một ICO thông thường. Trong trường hợp này, một doanh nghiệp đã có sản phẩm hoặc dịch vụ và phát hành token để phi tập trung hóa hệ sinh thái của nó. Ngoài ra, họ có thể tổ chức một ICO để tiếp xúc nhiều nhà đầu tư hơn và huy động vốn cho một sản phẩm mới được xây dựng trên blockchain.


So sánh ICO với IEO (Phát hành trên sàn lần đầu)

Phát hành tiền mã hóa lần đầu và Phát hành lần đầu trên sàn có nhiều điểm tương đồng. Sự khác biệt chính là IEO không chỉ được tổ chức bởi đội ngũ dự án, mà còn cùng với một sàn giao dịch tiền mã hoá.

Sàn giao dịch làm việc với nhóm dự án để cho phép người dùng mua trực tiếp token dự án trên nền tảng của họ. Điều này có lợi cho tất cả các bên liên quan. Khi một sàn giao dịch có uy tín hỗ trợ IEO, thông thường dự án sẽ được kiểm tra chặt chẽ. Đội ngũ dự án hưởng lợi từ cơ sở người dùng của sàn giao dịch và sàn sẽ thu được lợi nhuận từ sự thành công của dự án.


So sánh ICO với STO (Phát hành token chứng khoán)

Phát hành token chứng khoán đã từng được gọi là một cách “ICO mới”. Từ quan điểm công nghệ, chúng giống hệt nhau – các token được tạo và phân phối theo cùng một cách. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, chúng hoàn toàn khác nhau.

Do một số mơ hồ về pháp lý, không có sự đồng thuận của các cơ quan quản lý về việc như thế nào là đủ điều kiện cho ICO (được thảo luận chi tiết hơn bên dưới). Kết quả là, vẫn chưa có bất kỳ quy định có ý nghĩa nào đối với ngành công nghiệp này.

Một số công ty quyết định sử dụng con đường STO như một cách để cung cấp vốn chủ sở hữu dưới dạng token. Ngoài ra, điều này có thể giúp họ tránh khỏi bất kỳ sự không chắc chắn nào. Tổ chức phát hành đăng ký việc chào bán của họ như một đợt chào bán chứng khoán với cơ quan chính phủ có liên quan và cơ quan này buộc họ phải tuân thủ những quy định như chứng khoán truyền thống.


ICO hoạt động như thế nào?

Có nhiều hình thức ICO. Đôi khi, nhóm dự án sẽ dùng một blockchain chức năng mà họ sẽ tiếp tục phát triển trong những tháng và năm tới. Trong trường hợp này, người dùng có thể mua token được gửi từ địa chỉ của họ trên chuỗi đó. 

Ngoài ra, nếu blockchain chưa được khởi chạy, trong trường hợp đó, các token sẽ được phát hành trên một nền tảng đã được thiết lập (chẳng hạn như Ethereum). Sau khi chuỗi mới hoạt động, chủ sở hữu có thể hoán đổi token của họ lấy các các token mới được phát hành trên chuỗi của dự án.

Tuy nhiên, thực tiễn phổ biến nhất là phát hành các token trên một chuỗi có hợp đồng thông minh . Một lần nữa, điều này được thực hiện chủ yếu trên Ethereum – nhiều ứng dụng sử dụng tiêu chuẩn token ERC-20. Mặc dù không phải tất cả đều bắt nguồn từ ICO, nhưng ước tính ngày nay có tới 200.000 token khác nhau trên Ethereum.

Ngoài Ethereum, có những chuỗi khác có thể được sử dụng – Waves, NEO, NEM hoặc Stellar là một số ví dụ phổ biến. Với mức độ linh hoạt của các giao thức này, nhiều tổ chức không có kế hoạch di dời mà thay vào đó chọn xây dựng trên đó các nền tảng mới. Cách tiếp cận này cho phép họ khai thác các hiệu ứng mạng của một hệ sinh thái đã được thiết lập và cung cấp cho các nhà phát triển quyền truy cập vào các công cụ đã được thử và kiểm tra.

ICO thường được công bố sớm và được chỉ định sẵn các quy tắc hoạt động. Một đợt ICO sẽ đưa ra các thông tin về khung thời gian mà nó sẽ hoạt động, giới hạn cứng cho số lượng token sẽ được bán hoặc kết hợp cả hai. Nó còn có thể gồm một danh sách trắng mà người tham gia phải đăng ký trước. 

Sau đó, người dùng gửi tiền đến một địa chỉ được chỉ định – thường là Bitcoin hoặc Ethereum vì tính phổ biến của chúng. Người mua cung cấp địa chỉ mới để nhận token hoặc token được tự động gửi đến địa chỉ mà người dùng dùng để thanh toán.


Ai có thể tổ chức một đợt ICO?

Công nghệ tạo và phân phối token hiện đã có thể truy cập rộng rãi bởi tất cả mọi người. Nhưng trên thực tế, có nhiều vấn đề pháp lý cần tính đến trước khi tổ chức ICO. 

Nhìn chung, không gian tiền mã hóa đang thiếu các hướng dẫn và quy định, một số câu hỏi pháp lý quan trọng vẫn chưa được trả lời. Một số quốc gia hoàn toàn cấm ICO và ngay cả những khu vực pháp lý thân thiện với tiền mã hóa nhất vẫn chưa đưa ra luật rõ ràng. Do đó, bạn bắt buộc phải hiểu luật pháp quốc gia của mình trước khi xem xét tổ chức một đợt ICO.


Có các quy định nào liên quan đến ICO?

Thật khó để đưa ra một câu trả lời phù hợp với tất cả vì có rất nhiều biến số cần xem xét. Các quy định khác nhau giữa các khu vực tài phán và mỗi dự án có thể có những sắc thái riêng có thể ảnh hưởng đến cách các cơ quan chính phủ nhìn nhận về dự án đó. 

Cần lưu ý rằng việc không có quy định ở một số nơi không đồng nghĩa với việc dự án được tự do huy động vốn từ cộng đồng thông qua ICO. Vì vậy, điều quan trọng là phải tìm kiếm lời khuyên pháp lý chuyên nghiệp trước khi chọn hình thức huy động vốn từ cộng đồng này. 

Trong một số trường hợp, các cơ quan quản lý đã xử phạt các nhóm gây quỹ trong lĩnh vực bởi vì nhà lập pháp sau đó cho rằng đó là dịch vụ chứng khoán. Nếu các nhà chức trách nhận thấy token là chứng khoán, thì tổ chức phát hành phải tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt áp dụng cho các tài sản truyền thống thuộc loại này. Về mặt này, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã cung cấp một số thông tin chi tiết.

Nhìn chung, sự phát triển của quy định thường diễn ra chậm chạp hơn so với tốc độ phát triển của blockchain, và đó cũng là thực trạng chung của ngành công nghệ với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, nhiều tổ chức chính phủ đã và đang thảo luận về việc triển khai một khuôn khổ minh bạch hơn cho công nghệ blockchain và tiền mã hóa.

Mặc dù nhiều người đam mê blockchain đang cảnh giác với khả năng có sự tiếp cận quá mức của chính phủ (có thể cản trở sự phát triển), hầu hết họ đều nhận ra sự cần thiết của việc bảo vệ nhà đầu tư. Không giống như tài chính truyền thống, việc huy động vốn từ bất kỳ ai trên toàn cầu sẽ luôn tồn tại những thách thức đáng kể.


Những rủi ro với ICO là gì?

Triển vọng về một token mới mang lại lợi nhuận khổng lồ là một sức hấp dẫn không nhỏ. Nhưng không phải tất cả các đồng tiền mã hóa đều có thể đáp ứng kỳ vọng này. Như với bất kỳ khoản đầu tư tiền mã hóa nào, không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ có lợi tức đầu tư (ROI) dương.
Rất khó để xác định liệu một dự án có khả thi hay không, vì còn có nhiều yếu tố để đánh giá. Các nhà đầu tư nên thực hiện thẩm định và tiến hành nghiên cứu sâu rộng về các token mà họ đang xem xét. Quá trình này nên bao gồm việc phân tích cơ bản một cách kỹ lưỡng. Dưới đây là danh sách một số câu hỏi cần hỏi nhà đầu tư có thể tham khảo:
  • Mô hình này có khả thi không? Dự án giải quyết những vấn đề gì?
  • Nguồn cung token được phân bổ như thế nào?
  • Dự án có cần blockchain/token để thực hiện hay không ?
  • Đội ngũ có uy tín không? Họ có kỹ năng để đưa dự án trở thành hiện thực?

Quy tắc quan trọng nhất là không bao giờ đầu tư nhiều hơn số tiền bạn có thể để mất. Thị trường tiền mã hóa vô cùng biến động và có rủi ro lớn là số tiền mà bạn nắm giữ sẽ giảm mạnh về giá trị.


Tổng kết

ICO đã rất hiệu quả như một phương tiện cho các dự án trong giai đoạn đầu để có được nguồn vốn tài trợ. Sau sự thành công từ đợt ICO của Ethereum vào năm 2014, nhiều tổ chức đã có thể thu được vốn để phát triển các giao thức và hệ sinh thái mới.

Tuy nhiên, người mua nên có ý thức về những gì họ đang đầu tư. Không có khoản lợi nhuận nào được đảm bảo 100%. Với sự mới mẻ của không gian tiền mã hóa, các khoản đầu tư vào ICO có rủi ro cao và sẽ có rất ít sự bảo vệ cho nhà đầu tư nếu dự án không cung cấp được sản phẩm khả thi.