Tiền Mã Hóa Là Gì?
Trang chủ
Bài viết
Tiền Mã Hóa Là Gì?

Tiền Mã Hóa Là Gì?

Người mới
Đã đăng Apr 3, 2023Đã cập nhật Nov 4, 2024
11m

Tóm lược

  • Tiền mã hóa là một loại tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain, cho phép thực hiện các giao dịch ngang hàng (P2P).

  • Bitcoin, ether, BNB và USDT là các ví dụ điển hình về các loại tiền mã hóa hàng đầu theo vốn hóa thị trường.

  • Tiền mã hóa được truy cập thông qua các ví tiền mã hóa hoặc các sàn giao dịch. Mọi người thường nói rằng chúng được “lưu trữ” trong ví, nhưng thực ra chúng được lưu trữ trên một blockchain.

  • Các đồng tiền mã hóa có các đặc điểm cụ thể, bao gồm phi tập trung, minh bạch và bất biến.

Tiền mã hóa là gì?

Tiền mã hóa là một loại tiền kỹ thuật số phi tập trung sử dụng mật mã để bảo mật. Nó có thể hoạt động độc lập với các trung gian như các ngân hàng và bộ xử lý thanh toán.

Bản chất phi tập trung này tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch ngang hàng (P2P) trực tiếp giữa các cá nhân. Thay vì thông qua ví tiền vật lý và tài khoản ngân hàng, mọi người truy cập tiền mã hóa của họ thông qua các ví tiền mã hóa riêng biệt hoặc các sàn giao dịch tiền mã hóa.

Bạn có thể đã nghe rằng tiền mã hóa được “lưu trữ” trong các ví. Tuy nhiên, các đồng tiền mã hóa không thực sự tồn tại trong ví hoặc các sàn giao dịch tiền mã hóa — trên thực tế, chúng luôn tồn tại trên blockchain. Với một sàn giao dịch tiền mã hóa, sàn giao dịch giữ các khóa riêng tư cho phép người dùng truy cập vào các khoản tiền đó.

Tiền mã hóa đầu tiên và nổi tiếng nhất là Bitcoin, được tạo ra vào năm 2009 bởi một cá nhân hoặc một nhóm người lấy tên là Satoshi Nakamoto. Kể từ đó, hàng ngàn loại tiền mã hóa đã xuất hiện, mỗi loại có những đặc điểm và mục đích riêng.

Giống như các loại tiền pháp định truyền thống, tiền mã hóa có thể được sử dụng làm phương tiện trao đổi. Tuy nhiên, các trường hợp sử dụng của tiền mã hóa đã mở rộng đáng kể trong những năm qua bao gồm các hợp đồng thông minh, tài chính phi tập trung (DeFi), kho lưu trữ giá trị, quản trị và các token không thể thay thế (NFT). 

Tiền mã hóa hoạt động như thế nào?

Chúng ta đã đề cập rằng tiền mã hóa sử dụng mật mã cho mục đích bảo mật, nhưng điều đó thực sự có nghĩa là gì? Nói một cách đơn giản, tiền mã hóa sử dụng các thuật toán toán học tiên tiến để bảo mật các giao dịch và bảo vệ dữ liệu khỏi bị truy cập hoặc thao tác trái phép. Các thuật toán này phục vụ hai chức năng chính: duy trì quyền riêng tư của danh tính người dùng và xác minh tính xác thực của các giao dịch.

Các giao dịch blockchain được công khai và các địa chỉ ( các khóa công khai) là bí danh, mặc dù không hoàn toàn ẩn danh. Nói cách khác, trong khi các giao dịch có thể nhìn thấy trên blockchain, thì không dễ dàng nhận dạng được những người dùng đằng sau chúng. Tiền mã hóa đạt được điều này thông qua việc sử dụng các kỹ thuật mã hóa như các hàm băm mật mã và chữ ký số.

Tiền mã hóa đạt được quyền tự chủ thông qua một mạng máy tính phân tán được gọi là blockchain, về cơ bản là công nghệ sổ cái phân tán lưu trữ dữ liệu giao dịch trên nhiều máy tính chuyên dụng trên mạng.

Mỗi máy tính này — còn được gọi là các node — duy trì một bản sao của sổ cái và thuật toán đồng thuận bảo vệ blockchain bằng cách đảm bảo các bản sao giả mạo hoặc không nhất quán sẽ bị từ chối. Kiến trúc phân tán này làm tăng tính bảo mật của mạng vì không có điểm lỗi duy nhất nào, chẳng hạn như một kho tiền ngân hàng, để các tác nhân độc hại khai thác.

Tiền mã hóa cho phép các cá nhân chuyển tiền trực tiếp cho nhau. Trong một giao dịch tiền mã hóa điển hình, người gửi bắt đầu chuyển tiền bằng cách tạo chữ ký số bằng khóa riêng của họ. Giao dịch sau đó được gửi đến mạng, nơi các nút xác thực nó bằng cách xác minh chữ ký số và đảm bảo người gửi có đủ tiền.

Sau khi được xác minh, giao dịch này sẽ được thêm vào một khối mới, khối này sau đó sẽ được thêm vào blockchain hiện có. Mặc dù điều này có vẻ phức tạp, nhưng những thợ đào sẽ thực hiện các bước này để người dùng không phải lo lắng về chúng.

Điều gì làm cho tiền mã hoá trở nên độc đáo?

Tiền mã hóa đã tác động đến nhiều hệ sinh thái khác nhau, từ tài chính đến công nghệ, bằng cách giới thiệu các tính năng sáng tạo giúp phân biệt chúng với các giao thức và tiền tệ truyền thống. Một số khía cạnh độc đáo của tiền mã hóa bao gồm:

1. Tính phi tập trung

Kiến trúc phi tập trung của tiền mã hóa loại bỏ sự cần thiết của một cơ quan trung ương. Điều này cho phép quyền tự chủ cao hơn, cũng như ít bị lỗ hổng hơn trước sự thao túng hoặc kiểm soát của một thực thể duy nhất.

2. Tính minh bạch và bất biến

Công nghệ blockchain ghi lại tất cả các giao dịch trên một sổ cái minh bạch và chống giả mạo. Do đó, khi một giao dịch được thêm vào blockchain, bất kỳ ai cũng có thể xem giao dịch đó nhưng nó không thể bị thay đổi hoặc bị xóa.

3. Khả năng lập trình

Các loại tiền mã hóa, chẳng hạn như ETH, có thể lập trình được, cho phép các nhà phát triển triển khai các hợp đồng thông minh để tạo ra các ứng dụng phi tập trung (DApp) và các giải pháp sáng tạo khác trên các blockchain. Ngoài ra, vì các blockchain không cần cấp phép là mã nguồn mở, nên bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu triển khai code trên blockchain và tạo các DApp của riêng họ.

4. Không biên giới

Tiền mã hóa dễ dàng được chuyển và trao đổi trên toàn cầu, cho phép mọi người sử dụng chúng cho các giao dịch và chuyển tiền quốc tế.

5. Nguồn cung tiền được xác định trước

Nhiều loại tiền mã hóa có nguồn cung tiền hạn chế, có nghĩa là các đội ngũ đằng sau chúng sẽ chỉ tạo ra một số lượng tiền hữu hạn. Khía cạnh giảm phát này của tiền mã hóa có thể có tác động tích cực theo thời gian, vì sự khan hiếm thúc đẩy cầu.

Ngược lại, các đồng tiền pháp định thường gây lạm phát vì các ngân hàng trung ương có thể in thêm tiền. Tuy nhiên, với nguồn cung hạn chế, lạm phát tiền mã hóa có thể được kiểm soát tốt hơn vì tổng số tiền được xác định trước. 

Các loại tiền mã hóa

Trong vô số loại tiền mã hóa, bốn ví dụ điển hình bao gồm Bitcoin (BTC) và các altcoin phổ biến như ether (ETH), Binance Coin (BNB) và Tether (USDT).

Bitcoin (BTC)

BTC là loại tiền mã hóa phổ biến nhất. Nó sử dụng một cơ chế đồng thuận được gọi là proof-of-work (PoW), trong đó những thợ đào cạnh tranh để xác thực các giao dịch và duy trì hoạt động của mạng. Ngoài ra, nguồn cung hạn chế 21 triệu coin khiến BTC tương đối khan hiếm và giúp duy trì giá trị của nó theo thời gian.

Ether (ETH)

ETH là loại tiền mã hóa phổ biến thứ hai, được Vitalik Buterin và đội ngũ của anh ra mắt vào năm 2015. Ngoài việc chuyển giao giá trị, ETH cho phép lập trình thông qua các hợp đồng thông minh. 

Giống như BTC, ETH ban đầu sử dụng cơ chế đồng thuận PoW nhưng đã chuyển sang mô hình proof-of-stake (PoS) thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng hơn. Sự thay đổi này đã cho phép những người dùng xác thực các giao dịch và bảo mật mạng bằng cách tham gia stake ETH của họ thay vì thông qua các node sử dụng sức mạnh tính toán.

BNB

Trước đây được gọi là Binance Coin, BNB (viết tắt của Build and Build) đã được sàn giao dịch tiền mã hóa Binance giới thiệu vào năm 2017 dưới dạng token ERC-20 trên blockchain Ethereum. Vào năm 2019, nó đã chuyển sang blockchain của riêng mình - BNB Chain, dưới dạng token BEP-2.

Sau đó, Binance Smart Chain (BSC; hiện có tên là BNB Smart Chain) đã được tạo ra và ngày nay tiền mã hóa BNB tồn tại trên cả BNB Chain dưới dạng token BEP-2 và BSC dưới dạng token BEP-20. Cũng cần lưu ý rằng BNB Chain bao gồm hai chuỗi: BSC tương thích với EVM, cũng như BNB Beacon Chain (trước đây được gọi là Binance Chain) - chuỗi được dùng để quản trị, stake và bỏ phiếu.

BNB Chain cung cấp một môi trường để tạo các hợp đồng thông minh và các DApp, đồng thời có phí giao dịch thấp hơn và thời gian xử lý nhanh hơn nhiều blockchain khác.

BNB có nhiều trường hợp sử dụng khác nhau, một số trường hợp bao gồm thanh toán phí giao dịch trên BNB Chain và phí giao dịch trên Binance, tham gia các đợt mở bán token và stake để xác thực mạng trên BNB Chain. Binance cũng sử dụng cơ chế đốt token định kỳ, điều này hạn chế nguồn cung tổng thể của BNB.

Tether (USDT)

USDT là một loại stablecoin được neo bằng USD do Tether Limited Inc. ra mắt vào năm 2014. Stablecoin là ccs loại tiền mã hóa được thiết kế để duy trì giá trị nhất quán so với tài sản dự trữ, chẳng hạn như tiền pháp định. Trong trường hợp USDT, mỗi token này được đảm bảo bởi một lượng tài sản tương đương được giữ trong kho dự trữ của công ty. Do đó, USDT mang lại lợi ích như một đồng tiền mã hóa đồng thời giảm thiểu biến động giá.

Vốn hóa thị trường tiền mã hóa là gì?

Thuật ngữ “vốn hóa thị trường tiền mã hóa” là bản dịch của “cryptocurrency market capitalization”, đây là một số liệu được sử dụng để xác định quy mô và giá trị tương đối của tiền mã hóa. Bạn có thể tính toán nó đơn giản bằng cách nhân giá hiện tại của một coin với tổng số coin đang lưu hành. Tuy nhiên, bạn thậm chí không cần phải làm như vậy vì đã có nhiều nền tảng tiền mã hóa đã tính toán thay cho bạn.

Vốn hóa thị trường tiền mã hóa thường được sử dụng để xếp hạng các loại tiền mã hóa. Vốn hóa thị trường cao hơn thường cho thấy một loại tiền mã hóa ổn định hơn và được chấp nhận rộng rãi hơn. Ngược lại, giá trị vốn hóa thị trường thấp hơn thường báo hiệu một tài sản có tính đầu cơ hoặc biến động hơn.

Tuy nhiên, xin lưu ý rằng đây chỉ là một trong nhiều yếu tố cần xem xét khi đánh giá tiềm năng của tiền mã hóa. Một số yếu tố khác, chẳng hạn như công nghệ, đội ngũ, token và các trường hợp sử dụng, cũng nên được xem xét khi nghiên cứu về tiền mã hóa.

Cách đầu tư an toàn vào tiền mã hóa

Giống như các tài sản tài chính khác, đầu tư vào tiền mã hóa có thể gặp rủi ro và có thể dẫn đến tổn thất tài chính. Dưới đây là năm mẹo cần thiết để mua và bán tiền mã hóa an toàn hơn:

1. DYOR

Từ viết tắt DYOR là viết tắt của “do your own research”(tự mình nghiên cứu). Điều quan trọng là phải hiểu những kiến thức cơ bản về công nghệ blockchain — chẳng hạn như các loại tiền mã hóa khác nhau và động lực thị trường — trước khi đầu tư vào bất kỳ loại tiền mã hóa nào.

Sách, blog, podcast và các khóa học trực tuyến đều là những phương tiện tốt để bắt đầu học hỏi. Bạn cũng nên tìm hiểu về các dự án, đội ngũ và công nghệ đằng sau các loại tiền mã hóa khác nhau để đưa ra quyết định sáng suốt.

2. Bắt đầu từ quy mô nhỏ và đa dạng hóa

Thị trường tiền mã hóa có thể biến động và không thể đoán trước, đặc biệt là khi nói đến các đồng tiền ít phổ biến hơn. Do đó, bắt đầu với những khoản đầu tư nhỏ sẽ không ảnh hưởng đến túi tiền của bạn là điều khôn ngoan. Cách tiếp cận này cho phép một người có được kinh nghiệm và phát triển sự hiểu biết tốt hơn về xu hướng thị trường mà không gặp rủi ro tổn thất tài chính đáng kể.

Sự đa dạng hóa cũng có thể hữu ích khi đầu tư vào tiền mã hóa. Thay vì tập trung vào một loại tiền mã hóa duy nhất, đầu tư vào các loại tiền mã hóa khác nhau có thể giảm thiểu rủi ro tổng thể của bạn và tăng cơ hội tăng trưởng dài hạn cho các khoản nắm giữ của bạn.

3. Luôn tham gia

Vì bối cảnh tiền mã hóa luôn thay đổi, chúng ta nên cập nhật tin tức, tiến bộ công nghệ và cập nhật quy định để có thể đưa ra quyết định kịp thời. Tham gia một cộng đồng tiền mã hóa là một cách tuyệt vời để làm điều này.

4. Chọn một sàn giao dịch tiền mã hóa uy tín

Ưu tiên hàng đầu của bạn về các biện pháp bảo mật là chọn một sàn giao dịch tiền mã hóa nổi tiếng và an toàn cho các khoản đầu tư tiền mã hóa của bạn. Bạn có thể tìm thấy sàn giao dịch tiền mã hóa phù hợp bằng cách nghiên cứu các tùy chọn khác nhau và so sánh phí, hỗ trợ khách hàng, giao diện và các loại tiền mã hóa có sẵn.

5. Thực hành quản lý rủi ro

Trước khi đầu tư vào bất kỳ loại tiền mã hóa nào, điều cần thiết là phải thực hiện một số kỹ thuật quản lý rủi ro. Ví dụ, các nhà đầu tư chỉ nên đầu tư những gì họ có thể chấp nhận để mất. Ngoài ra, việc đặt các lệnh dừng lỗ (stop-loss) để hạn chế các khoản lỗ tiềm ẩn và chốt lời ở các mức định sẵn để đảm bảo lợi nhuận có thể tạo ra sự khác biệt lớn. 

Tổng kết

Hệ sinh thái tiền mã hóa đại diện cho một cách tiếp cận mang tính cách mạng đối với tài chính và công nghệ. Tuy nhiên, tương lai của tiền mã hóa phụ thuộc vào người mà bạn hỏi.

Một số người tin rằng bitcoin sẽ thay thế vàng và phá vỡ hệ thống tài chính hiện tại, trong khi những người khác cho rằng tiền mã hóa sẽ luôn là hệ thống thứ cấp và là thị trường ngách. Cũng có những người tin rằng Ethereum sẽ trở thành một máy tính phi tập trung đóng vai trò là xương sống của một mạng Internet mới.

Mặc dù có rất nhiều khả năng có thể xảy ra, nhưng vẫn còn quá sớm để xác định những điều sẽ đến dù là chỉ trong một năm tới. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận tác động của tiền mã hóa đối với các ngành công nghiệp khác nhau và nó có khả năng sẽ phát triển hơn nữa trong những năm tới.

Đọc thêm:

Tuyên bố từ chối trách nhiệm và Cảnh báo rủi ro: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích thông tin chung và giáo dục, không có bất kỳ hình thức đại diện hay bảo đảm nào. Nó không nên được hiểu là tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên nghiệp khác, cũng như không nhằm khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên của riêng bạn từ các cố vấn chuyên nghiệp thích hợp. Trong trường hợp bài viết được đóng góp bởi cộng tác viên bên thứ ba, xin lưu ý rằng những quan điểm thể hiện đó thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc tuyên bố từ chối trách nhiệm đầy đủ của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ tổn thất nào mà bạn có thể phải gánh chịu. Tài liệu này không nên được hiểu là tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên nghiệp khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụng Cảnh báo rủi rocủa chúng tôi.