Giao dịch basis là gì và hoạt động như thế nào?
Trang chủ
Bài viết
Giao dịch basis là gì và hoạt động như thế nào?

Giao dịch basis là gì và hoạt động như thế nào?

Trung cấp
Đã cập nhật Nov 19, 2024
6m

Các điểm chính

  • Giao dịch basis là hình thức giao dịch tận dụng chênh lệch giữa giá hiện tại của một tài sản (giá giao ngay) với giá dự kiến sau này (giá tương lai) của tài sản đó.

  • Nông dân, nhà đầu tư và nhà giao dịch tiền mã hóa có thể sử dụng chiến lược giao dịch basis để phòng ngừa rủi ro hoặc kiếm lời. Giao dịch basis phổ biến trên thị trường hàng hóa, trái phiếu và Bitcoin.

  • Giao dịch basis tiềm ẩn rủi ro và có thể gây nhầm lẫn cho người mới bắt đầu. Điều này đòi hỏi phải hiểu rõ động lực thị trường và quản lý rủi ro do biến động giá bất ngờ hoặc các vấn đề thanh khoản có thể xảy ra.

Giao dịch basis là gì?

Giả sử bạn đang mua táo ở cửa hàng tạp hóa với giá 1,50 USD một quả. Nhưng người bạn của bạn đề nghị bán cho bạn một lô táo và sẽ giao vào tháng tới với giá 1,30 USD một quả. Phần chênh lệch 20 cent đó chính là basis. Trên thị trường tài chính, basis là chênh lệch giữa giá giao ngaygiá tương lai.

Trong giao dịch basis, nhà đầu tư cố gắng kiếm tiền bằng cách dự đoán phần chênh lệch (basis) này sẽ thay đổi như thế nào theo thời gian. Nếu bạn cho rằng chênh lệch sẽ tăng lên, bạn sẽ “long basis”. Nếu bạn cho rằng chênh lệch sẽ giảm xuống, bạn sẽ “short”. Đây là trò chơi đòi hỏi phải có chiến lược, phân tích và đôi khi là may mắn.

Cách thức hoạt động của giao dịch basis

Giá giao ngay và giá tương lai

Giá giao ngay là giá bạn phải trả ngay bây giờ còn giá tương lai là giá được thỏa thuận cho một ngày trong tương lai. Các mức giá này thường khác nhau vì chúng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như phí lưu trữ, lãi suất hoặc kỳ vọng về cung cầu.

Ví dụ: giả sử giá ngô hôm nay là 5 USD một giạ (giá giao ngay) còn giá ngô tương lai sau 3 tháng nữa là 5,50 USD. Trong trường hợp này, basis là -0,50 USD. Nếu bạn cho rằng giá giao ngay sẽ tăng nhanh hơn giá tương lai, bạn có thể "long" basis đó.

Các loại giao dịch basis

Nhà giao dịch có thể long hoặc short tùy vào phân tích của họ. Nhà giao dịch thường kết hợp xu hướng thị trường, dữ liệu trong quá khứ và các yếu tố kinh tế để đưa ra dự đoán.

  • Long: Đặt cược rằng giá giao ngay sẽ tăng so với giá tương lai.

  • Short: Đặt cược rằng giá giao ngay sẽ giảm hoặc giá tương lai sẽ tăng nhanh hơn.

Tại sao giao dịch basis lại quan trọng đến vậy?

Đối với người phòng ngừa rủi ro

Giao dịch basis có thể là giải pháp hữu hiệu với những người sản xuất hoặc dựa vào hàng hóa. Hãy tưởng tượng một nông dân trồng lúa mì. Người nông dân biết rằng họ sẽ thu hoạch được 10.000 giạ trong 3 tháng nhưng họ lo lắng giá sẽ giảm. Bằng cách bán hợp đồng tương lai ngay bây giờ, họ sẽ chốt giá và giảm rủi ro.

Mặt khác, một nhà máy bánh mì có thể sử dụng giao dịch basis để đảm bảo nguồn cung lúa mì trong tương lai với chi phí có thể dự đoán được. Cả hai bên đều đang bảo vệ mình khỏi những bất ngờ không mong muốn.

Đối với người đầu cơ

Người đầu cơ sử dụng chiến lược này để kiếm lời. Họ nghiên cứu xu hướng thị trường và đặt cược vào hướng đi của basis. Ví dụ: nếu một nhà giao dịch cho rằng nhu cầu mạnh sẽ đẩy giá dầu giao ngay lên, họ sẽ "long" và thu tiền nếu dự đoán của họ thành sự thật.

Nhà giao dịch sử dụng chiến lược giao dịch basis vào đâu?

1. Hàng hóa

Đây chính là nơi giao dịch basis phát huy tác dụng rõ nhất. Nông dân, thợ mỏ và nhà sản xuất năng lượng sử dụng giao dịch basis để phòng ngừa rủi ro còn người đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận. Giao dịch basis có thể được sử dụng cho ngũ cốc, dầu, vàng hoặc bất kỳ hàng hóa nào khác có thị trường giao ngayhợp đồng tương lai.

2. Thu nhập cố định (trái phiếu)

Trên thị trường trái phiếu, nhà giao dịch thường xem xét chênh lệch giữa trái phiếu tiền mặt và các sản phẩm phái sinh như hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS). "Giao dịch basis âm" xảy ra khi chênh lệch của CDS nhỏ hơn chênh lệch của trái phiếu. Điều này tạo ra cơ hội kinh doanh chênh lệch giá cho nhà giao dịch.

3. Tiền mã hóa

Trong lĩnh vực tiền mã hóa, giao dịch basis dựa trên chênh lệch giữa giá của tài sản tiền mã hoá trên thị trường giao ngay và giá hợp đồng tài sản tiền mã hoá trên thị trường hợp đồng tương lai. 

Giao dịch basis tiền mã hoá trở nên phổ biến hơn đáng kể sau khi các quỹ ETF Bitcoin giao ngay ra mắt vào đầu năm 2024. Kể từ đó, nhiều nhà giao dịch bắt đầu tìm hiểu chênh lệch giá giữa các quỹ ETF giao ngay và các thị trường hợp đồng tương lai lớn như CME Bitcoin Futures.

Ví dụ về giao dịch basis bitcoin

Nhà giao dịch basis Bitcoin tìm kiếm chênh lệch giá giữa thị trường giao ngay (nơi BTC được giao dịch ngay lập tức) và hợp đồng tương lai (theo dõi giá tương lai của tiền mã hóa). 

Ví dụ: nếu BTC được giao dịch ở mức 80.000 USD trên thị trường giao ngay nhưng hợp đồng tương lai giao sau 3 tháng có giá là 82.000 USD thì Alice có thể mua bitcoin trên thị trường giao ngay đồng thời bán lượng BTC tương tự trên thị trường hợp đồng tương lai.

  • Giá giao ngay: 80.000 USD một BTC.

  • Giá tương lai: 82.000 USD một BTC giao sau 3 tháng.

  • Basis: 2.000 USD.

  • Cơ sở: Alice tin rằng chênh lệch 2.000 USD này (basis) sẽ thu hẹp trong vài tuần tới do nhu cầu giao ngay tăng hoặc phí premium hợp đồng tương lai giảm.

  • Chiến lược: Alice thực hiện giao dịch kinh doanh chênh lệch giá, mua BTC trên thị trường giao ngay với giá 80.000 USD và bán hợp đồng tương lai BTC với giá 82.000 USD. 

  • Kết quả: Nếu chênh lệch giá thu hẹp như mong đợi, Alice sử dụng BTC đã mua trên thị trường giao ngay để thực hiện hợp đồng tương lai, về cơ bản là chốt phần lợi nhuận 2.000 USD một BTC trừ đi phí và chi phí hoạt động.

Rủi ro và thách thức của giao dịch basis

1. Rủi ro của basis

Một trong những vấn đề đau đầu nhất đối với nhà giao dịch basis là khi giá giao ngay và giá tương lai không biến động như mong đợi. Ví dụ: một người nông dân mua ngô để phòng ngừa rủi ro có thể bị lỗ nếu thời tiết khó lường làm gián đoạn cung cầu.

2. Thanh khoản thị trường

Nếu thị trường không có đủ thanh khoản, nhà giao dịch có thể gặp khó khăn khi vào hoặc thoát vị thế ở mức giá mong muốn. Điều này đặc biệt đúng khi thị trường biến động hoặc trong giai đoạn khủng hoảng tài chính.

3. Độ phức tạp

Giao dịch basis đôi khi có thể phức tạp. Hiểu được động lực thị trường, phân tích xu hướng và quản lý rủi ro hiệu quả đòi hỏi phải có chuyên môn. Người mới bắt đầu có thể gặp khó khăn.

Tổng kết

Giao dịch basis có vẻ phức tạp nhưng về bản chất đây là việc đặt cược thông minh vào chênh lệch giá. Dù bạn đang quản lý rủi ro trên thị trường hàng hóa, tìm kiếm lợi nhuận từ trái phiếu hay đang tìm hiểu về thế giới tiền mã hoá thì chiến lược này đều mang lại nhiều cơ hội.

Nếu bạn là nhà đầu tư, việc hiểu rõ giao dịch basis có thể mở ra những cơ hội mới để bảo vệ danh mục đầu tư hoặc tăng lợi nhuận. Nếu bạn là nhà sản xuất và chế tạo, giao dịch basis là cách đảm bảo sự ổn định trong thị trường khó lường. Còn nếu bạn là người đầu cơ, giao dịch basis có thể là chiến lược hấp dẫn (và sinh lời)—miễn là bạn biết mình đang làm gì.

Đọc thêm:

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở “nguyên trạng” chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và phổ biến kiến thức mà không phải là sự cam đoan hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Nội dung này không nên hiểu là lời khuyên tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác, cũng như không nhằm khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn chuyên môn phù hợp. Trong trường hợp bài viết do cộng tác viên bên thứ ba đóng góp, xin lưu ý rằng những quan điểm thể hiện đó thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và có thể bạn sẽ không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Tài liệu này không nên hiểu là lời khuyên tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụngCảnh báo rủi ro của chúng tôi.