Hợp Đồng Kỳ Hạn Và Hợp Đồng Tương Lai Là Gì?
Trang chủ
Bài viết
Hợp Đồng Kỳ Hạn Và Hợp Đồng Tương Lai Là Gì?

Hợp Đồng Kỳ Hạn Và Hợp Đồng Tương Lai Là Gì?

Nâng cao
Đã đăng Mar 21, 2019Đã cập nhật Dec 28, 2022
7m
Về cơ bản, hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai là những thỏa thuận cho phép nhà giao dịch, nhà đầu tư và nhà sản xuất hàng hóa đầu cơ vào giá tương lai của một tài sản. Những hợp đồng này đóng vai trò như một cam kết giữa hai bên để cho phép họ giao dịch một công cụ nào đó tại một thời điểm trong tương lai (ngày hết hạn), với mức giá đã được thỏa thuận tại thời điểm hợp đồng được tạo ra.

Công cụ tài chính cơ bản của một hợp đồng kỳ hạn hoặc hợp đồng tương lai có thể là bất kỳ tài sản nào, chẳng hạn như cổ phần, hàng hóa, tiền tệ, khoản tiền lãi hoặc thậm chí là trái phiếu.

Tuy nhiên, khác với hợp đồng kỳ hạn, các hợp đồng tương lai được tiêu chuẩn hóa, nhìn từ góc độ hợp đồng (có tư cách như các thỏa thuận pháp lý) và được giao dịch tại các địa điểm cụ thể (sàn giao dịch hợp đồng tương lai). Do đó, các hợp đồng trong tương lai phải tuân theo một bộ quy tắc cụ thể, ví dụ có thể bao gồm các quy tắc về quy mô của hợp đồng và lãi suất theo ngày. Trong nhiều trường hợp, việc thực hiện các hợp đồng tương lai được đảm bảo bởi một cơ quan thanh toán bù trừ, điều đó giúp các bên có thể giảm rủi ro đối tác khi giao dịch.

Mặc dù các hình thức đầu tiên của thị trường tương lai đã được tạo ra tại châu Âu vào thế kỷ 17, Sàn giao dịch gạo Dōjima (Nhật Bản) được coi là sàn giao dịch tương lai đầu tiên được thành lập. Tại Nhật Bản vào đầu thế kỷ 18, hầu hết các thanh toán được thực hiện bằng gạo. Do vậy, các hợp đồng tương lai đã bắt đầu được sử dụng để phòng ngừa rủi ro do sự biến động về giá gạo.

Với sự xuất hiện của các hệ thống giao dịch điện tử, các hợp đồng tương lai với nhiều trường hợp sử dụng của nó đã được sử dụng phổ biến trên toàn bộ ngành tài chính.


Các chức năng của hợp đồng tương lai

Trong bối cảnh ngành tài chính, hợp đồng tương lai thường có một số chức năng sau:

  • Phòng ngừa và quản lý rủi ro: có thể sử dụng hợp đồng tương lai để giảm tối đa rủi ro. Ví dụ, người nông dân có thể bán hợp đồng tương lai cho các sản phẩm của mình để đảm bảo họ bán được các sản phẩm ở một mức giá nhất định trong tương lai, bất chấp các sự kiện bất lợi và biến động của thị trường. Hoặc một nhà đầu tư Nhật Bản sở hữu Kho bạc Hoa Kỳ có thể các hợp đồng tương lai JPYUSD với số tiền bằng với khoản thanh toán trái phiếu hàng quý (lãi suất) như một cách để cố định giá trị của trái phiếu bằng đồng JPY tại một tỉ giá được xác định trước. Bằng cách đó, nhà đầu tư có được sự bảo đảm trước các rủi ro thiệt hại do biến động của đồng USD.
  • Đòn bẩy: hợp đồng tương lai cho phép các nhà đầu tư tạo ra các vị thế đòn bẩy. Do các hợp đồng được thanh toán vào ngày hết hạn, các nhà đầu tư có thể nâng cao vị thế của họ. Ví dụ, với tỷ lệ đòn bẩy 3:1, các nhà giao dịch ở tại một vị thế cao hơn gấp hơn ba lần so với số dư tài khoản giao dịch của họ.
  • Giảm thiểu rủi ro: hợp đồng tương lai cho phép các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro đối với tài sản. Khi một nhà đầu tư quyết định bán hợp đồng tương lai mà không sở hữu tài sản cơ bản, tình huống này thường được gọi là "vị thế trần".
  • Đa dạng tài sản: nhà đầu tư có thể giảm rủi ro với các tài sản khó giao dịch tại chỗ. Các hàng hóa như xăng dầu thường đòi hỏi chi phí vận chuyển và chi phí lưu trữ cao, tuy nhiên bằng cách sử dụng hợp đồng tương lai, các nhà đầu tư và nhà giao dịch có thể đầu cơ nhiều loại tài sản khác nhau mà không phải thực hiện trực tiếp các giao dịch.
  • Phát hiện giá: thị trường tương lai giống như cửa hàng một điểm đến, tại đó người bán và người mua có thể thực hiện các giao dịch đối với một số loại tài sản chẳng hạn như hàng hóa (tức là cung và cầu gặp nhau). Ví dụ, có thể xác định được giá dầu trong thị trường tương lai dựa trên các nhu cầu theo thời gian thực trên thị trường tương lai, thay vì thông qua các tương tác giữa người bán và người mua tại một trạm xăng.


Cơ chế thanh toán 

Ngày hết hạn của hợp đồng tương lai là ngày cuối cùng của hoạt động giao dịch cho hợp đồng cụ thể đó. Sau đó, việc giao dịch bị tạm dừng và các hợp đồng được thanh toán. Có hai cơ chế chính để thanh toán hợp đồng tương lai:

  • Thanh toán bằng tài sản: tài sản cơ bản được trao đổi ở một mức giá được xác định trước đã được thỏa thuận giữa hai bên. Bên bán (short) có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua (long).
  • Thanh toán bằng tiền mặt: tài sản cơ sở không được trao đổi trực tiếp. Thay vào đó, bên mua thanh toán cho bên bán một số tiền phản ánh giá trị tài sản hiện tại. Một ví dụ điển hình của hợp đồng tương lai thanh toán bằng tiền mặt là các hợp đồng tương lai của mặt hàng dầu, trong đó tiền được trao đổi thay vì các thùng dầu, vì việc trao đổi hàng nghìn thùng dầu sẽ rất phức tạp.

Hợp đồng tương lai thanh toán bằng tiền mặt thuận tiện hơn, bởi vậy chúng phổ biến hơn các hợp đồng thanh toán bằng tài sản, kể cả khi đối tượng giao dịch là các chứng khoán tài chính thanh khoản hoặc các công cụ thu nhập cố định, mà việc chuyển nhượng quyền sở hữu có thể được thực hiện khác nhanh chóng (ít nhất là so với tài sản vật lý như các thùng dầu).

Tuy nhiên, các hợp đồng tương lai thanh toán bằng tiền mặt có thể dẫn đến sự thao túng giá của tài sản cơ bản. Kiểu thao túng thị trường này thường được gọi là “neo giá đóng cửa” - đây là một thuật ngữ mô tả các hoạt động giao dịch bất thường, cố ý gây xáo trộn các sổ đặt hàng khi hợp đồng tương lai sắp đến ngày hết hạn.


Các chiến lược thoát ra khỏi hợp đồng tương lai

Sau khi nắm giữ một vị thế hợp đồng tương lai, các nhà giao dịch có thể thực hiện ba kiểu hành động như sau:

  • Đền bù: đề cập đến hành động đóng hợp đồng tương lai bằng cách tạo ra một giao dịch ngược lại có cùng giá trị. Vì vậy, nếu một nhà giao dịch ở vị thế short 50 hợp đồng tương lai, họ có thể mở một vị thế long có kích cỡ tương đương, để làm trung hòa vị thế ban đầu của họ. Chiến lược đền bù cho phép các nhà giao dịch hiện thực hóa các lợi nhuận hoặc thua lỗ trước ngày thanh toán.
  • Đáo hạn: xảy ra khi một nhà giao dịch quyết định mở một vị thế hợp đồng tương lai mới sau khi đền bù vị thế ban đầu của họ, về cơ bản là gia hạn ngày hết hạn. Chẳng hạn, nếu một nhà giao dịch ở vị thế long với 30 hợp đồng tương lai hết hạn vào tuần đầu tiên vào tháng 1, nhưng họ muốn gia hạn vị thế của mình trong sáu tháng, họ có thể đền bù vị thế ban đầu và mở một vị thế mới có cùng kích cỡ, với ngày hết hạn được đặt thành tuần đầu tiên của tháng Bảy.
  • Thanh toán: nếu một nhà giao dịch tương lai không đền bù hoặc đáo hạn vị thế của họ, hợp đồng sẽ được thanh toán vào ngày hết hạn. Tại thời điểm này, các bên liên quan có nghĩa vụ pháp lý thực hiện trao đổi tài sản (hoặc tiền mặt) theo vị thế của họ.



Các mô thức giá trong hợp đồng tương lai: bù hoãn mua và bù hoãn bán

Kể từ thời điểm hợp đồng tương lai được tạo ra cho đến khi chúng được thanh toán, giá thị trường hợp đồng sẽ liên tục thay đổi để phản hồi lại các lực mua và lực bán.

Mối quan hệ giữa thời gian đáo hạn và giá biến đổi của các hợp đồng tương lai tạo ra các mô thức giá khác nhau, thường được gọi là bù hoãn mua (contango) (1) và bù hoãn bán (normal backwardation) (3). Các mô thức giá này có liên quan trực tiếp đến giá giao ngay dự kiến (2) của một tài sản tại ngày hết hạn (4), như được minh họa dưới đây.

  • Bù hoãn mua (1): một điều kiện thị trường trong đó giá của hợp đồng tương lai cao hơn giá giao ngay dự kiến trong tương lai.
  • Giá giao ngay dự kiến (2): giá tài sản dự kiến tại thời điểm thanh toán hợp đồng (ngày hết hạn). Lưu ý, giá giao ngay dự kiến không bất biến, nghĩa là nó có thể thay đổi để đáp ứng với cung và cầu thị trường.
  • Bù hoãn bán (3): một điều kiện thị trường trong đó giá của hợp đồng tương lai thấp hơn giá giao ngay dự kiến trong tương lai.
  • Ngày hết hạn (4):  ngày cuối cùng để thực hiện các hoạt động giao dịch cho một hợp đồng tương lai cụ thể, trước khi thanh toán.

Trong khi điều kiện thị trường bù hoãn mua thuận lợi cho người bán (vị thế short) hơn là cho người mua (vị thế long), các thị trường hoãn bán thông thường thì có lợi cho người mua hơn.

Khi gần đến ngày hết hạn, giá hợp đồng tương lai dự kiến sẽ dần tiến về giá giao ngay cho đến khi cuối cùng chúng có cùng giá trị. Nếu hợp đồng tương lai và giá giao ngay không bằng nhau vào ngày hết hạn, các nhà giao dịch sẽ có thể kiếm lợi nhuận nhanh chóng từ các cơ hội kinh doanh chênh lệch giá.

Trong trường hợp thị trường bù hoãn mua, hợp đồng tương lai được giao dịch ở mức giá cao hơn giá giao ngay dự kiến, thường là vì lý do thuận tiện. Chẳng hạn, một nhà giao dịch tương lai có thể quyết định trả phí bảo hiểm cho các hàng hóa vật chất sẽ được giao tại một thời điểm trong tương lai để họ không cần phải lo lắng về việc thanh toán các chi phí như chi phí lưu kho và bảo hiểm (ví dụ như vàng). Ngoài ra, các công ty có thể sử dụng hợp đồng tương lai để cố định các chi phí tương lai của họ ở các giá trị có thể dự đoán được khi mua các hàng hóa không thể thiếu cho dịch vụ của họ (ví dụ: nhà sản xuất bánh mì mua các hợp đồng tương lai cho lúa mì).

Mặt khác, thị trường bù hoãn bán thường xảy ra khi các hợp đồng tương lai được giao dịch dưới mức giá giao ngay dự kiến. Các nhà đầu cơ mua hợp đồng tương lai với hy vọng kiếm được lợi nhuận nếu giá tăng như mong đợi. Ví dụ, trong hôm nay, một nhà giao dịch tương lai có thể mua các hợp đồng các thùng dầu với giá $30 mỗi thùng, trong khi giá giao ngay dự kiến là $45 cho năm kế tiếp.


Tổng kết

Là một loại hợp đồng kỳ hạn được tiêu chuẩn hóa, hợp đồng tương lai là một trong những công cụ được sử dụng nhiều nhất trong ngành tài chính và chúng phù hợp với nhiều trường hợp sử dụng nhờ có nhiều chức năng đa dạng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần hiểu rõ về các cơ chế cơ bản của hợp đồng tương lai và thị trường cụ thể của chúng trước khi đầu tư.

Mặc dù “cố định” giá tài sản trong tương lai là có ích trong một số trường hợp nhất định, nhưng điều này không phải lúc nào cũng an toàn - đặc biệt là khi các hợp đồng được giao dịch ký quỹ. Do đó, các chiến lược quản lý rủi ro thường được sử dụng để giảm thiểu rủi ro không thể tránh khỏi liên quan đến giao dịch hợp đồng tương lai. Một số nhà đầu cơ cũng sử dụng các chỉ báo phân tích kỹ thuật cùng với các phương pháp phân tích cơ bản như một cách để hiểu rõ hơn về các hành động giá của thị trường tương lai.
Chia sẻ bài đăng
Đăng ký tài khoản
Áp dụng kiến thức vào thực tế bằng cách mở tài khoản Binance ngay hôm nay.