Phần lớn các cá nhân đầu tư vào Bitcoin hay các loại tiền mã hóa khác - hoặc quyết định đầu tư vào các chương trình Gọi Vốn Lần Đầu (Initial Coin Offering - ICO) - thường quan tâm đến 2 vấn đề. Đầu tiên là Hệ số Thu nhập trên Đầu tư (Return of Investment - ROI) đại diện cho số lợi nhuận họ có thể thu về từ khoản đầu tư ban đầu. Sau đến vấn đề thứ hai là tỷ lệ rủi ro có thể khi thực hiện khoản đầu tư đó. Khi tỷ lệ rủi ro quá cao, các nhà đầu tư có thể mất một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư của mình, khi đó chỉ số ROI sẽ có giá trị âm .
Về bản chất, bất cứ khoản đầu tư nào đều mang một tỷ lệ rủi ro nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ này đối với các khoản đầu tư vào các mô hình Ponzi hay Kim tự tháp bất hợp pháp là cao hơn rất nhiều so với kỳ vọng. Do đó, việc tìm hiểu về bản chất và cách thức hoạt động của mô hình này là cực kỳ quan trọng.
Mô hình Ponzi là gì?
Mô hình Ponzi - đặt theo tên của Charles Ponzi - một kẻ lừa đảo người Ý sống tại Bắc Mỹ đã trở nên rất nổi tiếng sau khi nghĩ ra mô hình lừa đào tài sản này. Đầu những năm 1920, Ponzi với mô hình của hắn tồn tại hơn một năm đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm nạn nhân. Về cơ bản, mô hình Ponzi là một hình thức lừa đảo đầu tư hoạt động theo cách lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước. Điểm mấu chốt của nó là những người đến sau cùng thường sẽ không nhận được một xu nào cả.
Một mô hình Ponzi thường sẽ hoạt động theo cách như sau:
Sẽ có một thành viên khởi xướng đầu tiên đứng ra quảng cáo về cơ hội đầu tư trong đó người tham gia phải đóng góp $1000. Người này được hứa hẹn sẽ nhận được lại toàn bộ khoản đầu tư ban đầu kèm theo đó là 10% lợi nhuận sau một chu kỳ đầu tư nhất định (90 ngày chẳng hạn).
Giả sử nhà đầu tư này kêu gọi được thêm 2 nhà đầu tư nữa tham gia trước khi thời hạn 90 ngày kết thúc. Khi đó người khởi xướng sẽ trích $1100 từ khoản $2000 thu được từ người thứ 2 và thứ 3 để trả lại cho người thứ nhất. Khi đó, nhà đầu tư thứ nhất sẽ bị hấp dẫn và nhiều khả năng tái đầu tư tiếp với khoản $1000 ban đầu.
Bằng cách lấy tiền từ những nhà đầu tư mới, kẻ lừa đảo sẽ có đủ khả năng tài chính để chi trả cho những nhà đầu tư đến sớm và thuyết phục họ tái đầu tư kèm theo việc kêu gọi theo nhiều người khác tham gia.
Khi hệ thống đã phát triển, người khởi xướng bắt buộc phải tìm kiếm thêm các nhà đầu tư mới gia nhập mô hình để có thể duy trì được khả năng trả lãi đã hứa.
Cuối cùng khi hệ thống đạt tới mức không thể duy trì được nữa, người khởi xướng hoặc sẽ bị bắt hoặc sẽ biến mất cùng với số tiền thu được từ các nhà đầu tư.
Mô hình kim tự tháp là gì?
Mô hình kim tự tháp (hay hình thức lừa đảo Kim tự tháp) là một mô hình hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh trong đó các thành viên được hứa hẹn về lợi nhuận hoặc các phần thưởng bằng cách gia nhập mô hình và giới thiệu thêm người mới gia nhập.
Ví dụ, một người khởi xướng (lừa đảo) giới thiệu tới Alice và Bob một cơ hội mua lại quyền phân phối trong một công ty với giá $1000 mỗi người. Khi đó họ sẽ có quyền tự mình bán lại các quyền phân phối này và kiếm được hoa hồng khi giới thiệu được thêm thành viên mới gia nhập. Số tiền $1000 họ kiếm được từ mỗi lần bán được quyền phân phối sẽ được chia đều 50/50 giữa họ và người khởi xướng.
Trong ví dụ trên, Alice và Bob mỗi người cần phải bán được quyền phân phối 2 lần nhằm thu lại được khoản đầu tư ban đầu của họ, vì mỗi lần họ sẽ thu lại được $500. Khi đó, gánh nặng phải bán lại 2 quyền phân phối khác nhằm thu lại số vốn ban đầu sẽ được chuyển sang các khách hàng của họ. Mô hình này cuối cùng cũng sẽ sụp đổ bởi sẽ càng ngày càng có nhiều người phải tham gia vào quy trình đó. Sự phát triển không bền vững là nguyên nhân chính làm cho mô hình này mang tính bất hợp pháp.
Hầu hết các mô hình kim tự tháp đều không cung cấp sản phẩm hay dịch vụ nào cả mà chỉ duy trì dựa trên số tiền thu được từ việc tiếp nhận thêm người mới. Tuy nhiên, có một số mô hình kim tự tháp được giới thiệu dưới danh nghĩa các công ty ‘tiếp thị đa cấp’ (multi-level marketing MLM) bán sản phẩm và dịch vụ một cách hợp pháp. Đây chỉ là một cách che giấu bản chất lừa đảo vốn có của mô hình này mà thôi. Vì vậy, mặc dù có rất nhiều công ty MLM có vấn đề sử dụng mô hình kim tự tháp, nhưng không phải công ty MLM nào cũng là lừa đảo.
Ponzi vs Pyramid
Điểm chung
Cả 2 mô hình này đều là một dạng lừa đảo tín thuyết phục nạn nhân đầu tư bằng cách hứa hẹn mức lợi nhuận rất cao.
Cả hai đều cần có dòng tiền liên tục đến từ các nhà đầu tư mới để có thể duy trì hoạt động và thành công.
Thông thường đều không cung cấp sản phẩm hay dịch vụ nào cả.
Khác biệt
Mô hình Ponzi thường được giới thiệu là dịch vụ quản lý đầu tư, trong đó người tham gia tin rằng lợi nhuận họ nhận được là kết quả có được từ các khoản đầu tư hợp pháp. Kẻ lừa đảo thực chất là cướp tiền của người này để trả cho người khác.
Mô hình kim tự tháp dựa nên nền tảng marketing mạng lưới và yêu cầu người tham gia phải tuyển thêm người mới vào hệ thống thì mới kiếm được tiền. Từ đó, mỗi thành viên sẽ nhận được một khoản hoa hồng trước khi toàn bộ số tiền còn lại được chuyển dần lên đỉnh kim tự tháp.
Bảo vệ chính mình!
Luôn đặt ra nghi vấn. Bất cứ cơ hội đầu tư nào hứa hẹn lợi nhuận ở mức cao và chóng gọn với khoản đầu tư ban đầu không lớn đều có dấu hiệu không trung thực. Điều này đặc biệt đúng với những vấn đề ít phổ thông hoặc khó nắm bắt. Cơ hội không thể tin nổi, thường là không thể tin được thật!
Cẩn trọng trước các cơ hội trên trời rơi xuống. Luôn thận trọng đặc biệt trước những lời mời trời ơi đất hỡi vào các cơ hội đầu tư dài hạn.
Phải điều tra thật kỹ người bán. Thực thế đứng ra quảng bá cơ hội đầu tư cần phải được tìm hiểu thật kỹ lưỡng. Một cố vấn tài chính danh tiếng, một broker, hay công ty môi giới chứng khoán sẽ được đăng ký và quản lý tại các tổ chức hợp pháp.
Không dựa vào niềm tin, dựa vào xác thực. Các khoản đầu tư hợp pháp cần được đăng ký một cách hợp pháp. Việc đầu tiên cần phải thực hiện là yêu cầu các thông tin đăng ký kinh doanh. Nếu cơ hội đầu tư này không có đăng ký thì cần có lời giải thích và bằng chứng hợp lí cho việc đó.
Hiểu rõ bản chất khoản đầu tư. Không bao giờ đầu tư vào những gì bạn không nắm rõ. Phải tận dụng hết các tài nguyên có thể và thận trọng với các khoản đầu tư “bí mật”.
Tố cáo. Khi phát hiện có người bị dụ dỗ tham gia mô hình Ponzi, cần báo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền nhằm bảo vệ nhà đầu tư trước hình thức lừa đảo này.
Bitcoin có phải một mô hình kim tự tháp không?
Một số người cho rằng Bitcoin chính là một mô hình kim tự tháp khổng lồ, điều này đơn giản là hoàn toàn sai lầm. Bitcoin cơ bản chỉ là tiền, một loại tiền tệ số phân tán được bảo mật bằng các thuật toán và mã hóa được nhiều người sử dụng để mua hàng hóa và dịch vụ. Cũng giống như tiền giấy, tiền mã hóa cũng được sử dụng trong các mô hình kim tự tháp (hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác), nhưng không phải vì thế mà tiền mã hóa hay tiền giấy lại trở thành mô hình kim tự tháp được.