Các điểm chính
Sổ lệnh hiển thị lệnh mua và lệnh bán (giá mua và giá bán) hiện tại, cho biết động lực cung và cầu của thị trường đối với một cặp giao dịch cụ thể.
Ở các thị trường có thanh khoản cao, sổ lệnh liên tục được cập nhật và khi một giao dịch được thực hiện, các lệnh tương ứng sẽ được xóa ngay khỏi sổ lệnh. Điều này làm cho sổ lệnh trở thành một công cụ linh hoạt để theo dõi hoạt động thị trường.
Sổ lệnh có thể giúp xác định mức hỗ trợ và mức kháng cự tiềm năng cũng như phân tích độ sâu thị trường. Tuy nhiên, do tường mua và tường bán có thể tạo ra ấn tượng sai lệch về cung và cầu nên cần sử dụng sổ lệnh cùng với các công cụ khác để phân tích thị trường chính xác hơn.
Sổ lệnh là gì?
Sổ lệnh giống như một danh sách được cập nhật về tất cả lệnh mua và lệnh bán hiện tại cho một tài sản cụ thể, chẳng hạn như cổ phiếu, hàng hóa hoặc tiền mã hoá. Sổ lệnh cung cấp thông tin nhanh về số tiền mà người mua sẵn sàng trả (giá mua) và số tiền mà người bán yêu cầu (giá bán), giúp bạn nắm bắt được cung và cầu của thị trường.
Trong Ứng dụng Binance, sổ lệnh nằm bên dưới đồ thị giao dịch và trông như thế này:
Trên Trang web Binance, sổ lệnh nằm ở bên trái hoặc bên phải của giao diện giao dịch (bên trái nếu là Giao ngay và Ký quỹ; bên phải nếu là Hợp đồng tương lai). Sổ lệnh trông như thế này:
Cơ chế hoạt động của sổ lệnh
Ở các thị trường có thanh khoản cao, bạn sẽ thấy sổ lệnh luôn hoạt động và được cập nhật liên tục. Khi có lệnh mua hoặc lệnh bán mới, các lệnh này sẽ được thêm vào danh sách. Khi một giao dịch diễn ra, các lệnh có liên quan sẽ bị xóa khỏi sổ lệnh. Về cơ bản, sổ lệnh là nơi bạn thấy các lệnh đang mở thể hiện người mua và người bán đang thương lượng với nhau.
Nếu bạn là người mua, lệnh của bạn sẽ được thêm vào dựa trên mức giá tối đa bạn sẵn sàng trả. Nếu bạn là người bán, lệnh của bạn sẽ được thêm vào dựa trên mức giá tối thiểu mà bạn sẵn sàng chấp nhận.
Các thành phần chính trong sổ lệnh
Lệnh mua (giá mua): Thành phần này cho biết mức giá mà người mua sẵn sàng trả. Thông thường, lệnh mua được niêm yết từ giá mua cao nhất đến giá mua thấp nhất.
Lệnh bán (giá bán): Thành phần này cho biết số tiền người bán muốn nhận được khi bán tài sản của họ. Lệnh bán được niêm yết từ giá bán thấp nhất đến giá bán cao nhất.
Giá và số lượng: Đối với mỗi lệnh, sổ lệnh sẽ hiển thị số lượng tài sản mà nhà giao dịch muốn mua hoặc bán và ở mức giá nào.
Chênh lệch: Đây là khoảng cách giữa giá mua cao nhất và giá bán thấp nhất. Chênh lệch thấp nghĩa là thị trường có thanh khoản cao.
Khớp lệnh: Khi lệnh mua và lệnh bán xuất hiện, công cụ khớp lệnh sẽ thực hiện giao dịch. Nói cách khác, nếu người mua đồng ý trả giá mà người bán yêu cầu (hoặc nếu người bán đồng ý với giá mua), giao dịch sẽ được thực hiện.
Trực quan hóa sổ lệnh: Đồ thị độ sâu
Nhiều nhà giao dịch sử dụng đồ thị độ sâu, là hình ảnh trực quan của sổ lệnh. Trên đồ thị, trục x biểu thị các điểm giá còn trục y biểu thị khối lượng lệnh mua và lệnh bán ở mỗi mức giá.
Trên Binance, bạn có thể tìm thấy đồ thị độ sâu ở góc trên bên phải của giao diện đồ thị. Bạn cũng có thể sử dụng đồ thị Độ sâu để kiểm tra chênh lệch giá mua - giá bán hiện tại của một thị trường cụ thể.
Bạn sẽ thấy 2 đường cong: một đường cong thể hiện giá mua (lệnh mua màu xanh lá cây) và một đường cong thể hiện giá bán (lệnh bán màu đỏ). Bằng cách phân tích các đường cong này, nhà giao dịch có thể biết được thị trường có nhiều khả năng di chuyển đến đâu hoặc phát hiện "tường mua" hoặc "tường bán" vốn có thể ngăn giá vượt qua một số mức nhất định.
Cách nhà giao dịch sử dụng sổ lệnh
Sổ lệnh có thể cung cấp những thông tin hữu ích về thanh khoản và xu hướng của thị trường. Một số cách nhà giao dịch sử dụng sổ lệnh bao gồm:
Xác định mức hỗ trợ và mức kháng cự: Lệnh mua lớn (tường mua) ở một mức giá nhất định có thể cho thấy mức hỗ trợ mạnh còn lệnh bán lớn (tường bán) có thể cho thấy mức kháng cự ở mức giá đó.
Phân tích thanh khoản: Sổ lệnh sâu có nhiều lệnh giúp việc mua hoặc bán dễ dàng hơn mà không đẩy giá lên hoặc xuống quá nhiều.
Độ sâu thị trường: Nhà giao dịch thường xem có bao nhiêu lệnh đang “chờ” ở các mức giá khác nhau để dự đoán các động thái tiềm năng của thị trường. Ví dụ: nếu có nhiều lệnh mua quanh các mức giá nhất định, khả năng các mức đó đóng vai trò hỗ trợ sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, lệnh có thể được đặt và xóa một cách dễ dàng. Đôi khi, tường mua và tường bán được sử dụng để tạo ra ấn tượng sai lệch về cung và cầu. Vì vậy, đừng phụ thuộc quá nhiều vào sổ lệnh. Sổ lệnh có thể cung cấp một số thông tin hữu ích, nhưng nó không hoàn hảo.
Các loại lệnh trong sổ lệnh
Lệnh thị trường: Những lệnh này được thực hiện ngay lập tức ở mức giá tốt nhất hiện có. Ví dụ: nếu người mua gửi lệnh thị trường, lệnh sẽ được khớp với giá bán thấp nhất có trong sổ lệnh.
Lệnh limit: Lệnh limit cho phép nhà giao dịch chỉ định mức giá mà họ sẵn sàng mua hoặc bán. Lệnh này chỉ được thực hiện nếu giá thị trường đạt đến giá giới hạn của nhà giao dịch, đảm bảo kiểm soát được giá thực hiện nhưng không đảm bảo rằng giao dịch sẽ được thực hiện.
Lệnh dừng: Đây là lệnh có điều kiện được đặt để mua hoặc bán một tài sản khi giá của tài sản vượt qua một điểm cụ thể, từ đó kích hoạt lệnh thị trường hoặc lệnh limit. Lệnh dừng thường được sử dụng để giảm thiểu tổn thất nên lệnh này phù hợp để quản lý rủi ro.
Tổng kết
Tóm lại, sổ lệnh là công cụ hữu ích để hiểu cung và cầu trên thị trường tài chính. Dù bạn đang giao dịch cổ phiếu, hàng hóa hay tiền mã hoá, việc biết cách đọc sổ lệnh có thể giúp bạn đưa ra quyết định giao dịch sáng suốt hơn.
Tuy nhiên, lệnh vẫn có thể được tạo và xóa nhanh chóng. Hãy nhớ rằng tường mua và tường bán đôi khi được sử dụng để tạo ra ấn tượng sai lệch về cung và cầu. Để giảm bớt rủi ro, bạn nên kết hợp phân tích sổ lệnh với các công cụ và chỉ báo kỹ thuật khác.
Đọc thêm:
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và hướng dẫn, không phải là sự cam đoan hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không nên coi nội dung này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Đây cũng không phải khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn chuyên môn phù hợp. Trong trường hợp bài viết do cộng tác viên bên thứ ba đóng góp, xin lưu ý rằng những quan điểm được đưa ra thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Không nên coi tài liệu này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụng và Cảnh báo rủi rocủa chúng tôi.