Tóm lược
Web3 mang tới các mô hình kinh doanh và chia sẻ doanh thu mới cho ngành công nghiệp giải trí.
Khi mức độ phổ biến của Web3 ngày càng tăng lên, các nghệ sĩ, đội thể thao, thương hiệu và nhà thiết kế đã tìm ra những cách mới để tương tác với người hâm mộ của mình.
Đồng thời, các nhạc sĩ, vận động viên và nhà thiết kế đang khám phá những phương pháp mới để kiếm tiền từ nội dung sáng tạo của mình.
Giới thiệu
Web3 đề cập đến thế hệ Internet tiếp theo được xây dựng trên công nghệ blockchain, phi tập trung và cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu của họ tốt hơn. Kể từ khi khái niệm này xuất hiện lần đầu vào năm 2014, việc sử dụng công nghệ này đã tăng vọt. Trên thực tế, dự kiến đến năm 2026, khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới sẽ dành ít nhất một giờ mỗi ngày trong metaverse để giao tiếp, làm việc, mua sắm hoặc đi học.
Các thương hiệu, cá nhân và đội nhóm đã phát hiện ra những cơ hội sáng tạo để không chỉ tương tác với người hâm mộ theo những cách mới lạ hơn mà còn kiếm được tiền từ công việc theo cách công bằng hơn mà không cần các bên trung gian.
Tại sao các thương hiệu lại tham gia Web3?
Được xây dựng trên blockchain, Web3 cung cấp cho người dùng tính minh bạch, độ xác thực và độ tin cậy cao hơn so với Web2. Công nghệ này cũng cho phép quyền sở hữu vĩnh viễn các tài sản kỹ thuật số dưới dạng token không thể thay thế (NFT). Nhờ đó, các thương hiệu có cơ hội kết nối sản phẩm và trải nghiệm thực tế với tài sản kỹ thuật số mà cộng đồng của họ sở hữu.
Chẳng hạn như dòng phiên bản giới hạn gồm 13 chiếc đồng hồ của Hublot đi kèm với 13 NFT tương ứng và Lễ hội âm nhạc Metaverse của Decentraland có màn trình diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới Soulja Boy và Ozzy Osbourne dưới dạng avatar.
Web3 đã mang đến cho các thương hiệu và cá nhân có cơ hội kết nối với người hâm mộ của họ theo những cách chưa từng có. Đặc biệt, ba ngành công nghiệp đã xây dựng các trải nghiệm và sản phẩm tinh vi bằng cách tận dụng công nghệ Web3 và blockchain là — âm nhạc, thời trang và thể thao.
Web3 trong lĩnh vực âm nhạc
Ngành công nghiệp âm nhạc đã phát triển nhanh chóng trong hai thập kỷ qua, khi chúng ta chuyển từ việc nghe đĩa CD bằng Discman sang việc truy cập hàng triệu bài hát trên điện thoại di động của mình. Web3 tiến thêm một bước nữa bằng cách mang đến những cơ hội mới cho các nhạc sĩ kết nối với người hâm mộ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IP) và tạo doanh thu từ tác phẩm của họ.
Luật sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu tạo thành cơ sở để ngành công nghiệp âm nhạc vận hành, với các hợp đồng và tài liệu ràng buộc xác định ai sẽ được chia phần trong ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu trị giá 26 tỷ USD.
Web3 đang ảnh hưởng đến phần pháp lý của ngành công nghiệp âm nhạc bằng cách tận dụng công nghệ blockchain để tạo nên hồ sơ an toàn, minh bạch, không thay đổi về quyền sở hữu và tiền bản quyền cho người sáng tạo âm nhạc cũng như chủ quyền sở hữu. Do đó, Web3 cho phép nghệ sĩ và các bên liên quan khác được hưởng lợi từ việc phân phối doanh thu công bằng hơn và kiểm soát tốt hơn đối với âm nhạc của họ.
Một nền tảng âm nhạc Web3 tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát hành và mua các bản nhạc mà người viết lời có thể áp dụng giọng hát của họ dưới dạng NFT. Chủ sở hữu của những NFT này sau đó được cấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bản nhạc họ đã mua, thiết lập những con đường mới cho các nghệ sĩ và người sáng tạo sản xuất âm nhạc nguồn mở.
Nhờ đó, các nhạc sĩ có cơ hội tránh được những bên trung gian như hãng thu âm hoặc dịch vụ phát trực tuyến thường nhận được phần lớn doanh thu. Với Web3, nhạc sĩ ở tất cả các cấp độ nghề nghiệp đều có cơ hội tạo ra luồng doanh thu tự kiểm soát thông qua quá trình token hóa và tương tác với người hâm mộ.
Web3 trong lĩnh vực thể thao
Tương tự như ngành công nghiệp âm nhạc, Web3 cũng mang đến cho các đội thể thao, vận động viên và người hâm mộ của họ nhiều cơ hội để tương tác với nhau theo những cách chưa từng có trước đây. Phương thức tương tác bao gồm các trò chơi thể thao giả tưởng kỹ thuật số hoạt động dựa trên thẻ trò chơi dưới dạng NFT.
Ví dụ như một nền tảng NFT kết hợp Web3 và các bộ môn thể thao bằng cách số hóa thẻ vận động viên bóng đá, bóng chày và bóng rổ để cho phép người dùng tạo ra các đội ảo của mình. Người chơi cũng có thể gửi đội hình của mình đến các giải đấu toàn cầu để tham gia thi đấu, mang đến cho người chơi một cách mới để kết nối với những người hâm mộ khác. Nhờ đó, người chơi cá nhân hóa được các trận đấu trong mơ của họ trên những nền tảng được đảm bảo bởi những tên tuổi lớn nhất trong giới thể thao.
Sự kết nối và ý thức cộng đồng ngày càng cao với người hâm mộ mới chỉ là bước khởi đầu. Web3 có tiềm năng biến đổi ngành thể thao bằng cách tạo ra sự minh bạch, quyền sở hữu và sự tự chủ hơn. Quá trình này bao gồm tận dụng các hợp đồng thông minh để bán vé sự kiện thể thao và ký kết các thỏa thuận tài trợ trên blockchain để đảm bảo tính minh bạch và tính bất biến.
Web3 trong lĩnh vực thời trang
Bản chất minh bạch của Web3 cho phép các thương hiệu thời trang tạo ra những mô hình kinh doanh mới, triển khai các biện pháp chống hàng giả và tương tác với khách hàng cũng như cộng đồng thông qua trải nghiệm được cá nhân hóa. Các thương hiệu hiện đang tung ra những chiến lược Web3, với trọng tâm chuyển từ lợi nhuận ngắn hạn sang liên kết giá trị dài hạn hơn cho những người nắm giữ NFT của họ.
Louis Vuitton, Paco Rabanne, Gucci và Prada nằm trong số những thương hiệu đã phát hành hệ thống NFT của riêng họ. Một số dự án NFT thời trang này cũng được phát hành cùng với sản phẩm từ các bộ sưu tập cổ điển hoặc phiên bản giới hạn của họ.
Trên thực tế, bộ sưu tập SUPERGUCCI NFT gồm hai phần của Gucci đã được đón nhận nồng nhiệt đến nỗi công ty Web3 mà công ty này hợp tác để ra mắt bộ sưu tập đã tiếp tục huy động được hơn 38 triệu USD và đạt được thỏa thuận với các thương hiệu lớn khác đang muốn tung ra bộ sưu tập của riêng họ.
Thương hiệu trang sức cao cấp Tiffany and Co. là một ví dụ điển hình về nhãn hiệu đã kết nối lĩnh vực NFT với các mặt hàng ngoài đời thực. Chủ sở hữu của các NFT phổ biến như CryptoPunks nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ cho phép họ kiếm tiền từ tài sản của mình. Hãng đã tận dụng cơ hội này bằng cách thiết kế mặt dây chuyền NFTiff nạm đá quý thiết kế riêng cho các chủ sở hữu CryptoPunk, làm nổi bật Punk đặc biệt của mỗi chủ sở hữu như một món đồ trang sức.
Web3 cũng giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất của ngành thời trang: tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc của chuỗi cung ứng. Với Web3, mọi bước của chuỗi cung ứng có thể được ghi lại trên sổ cái blockchain chống giả mạo, cho phép theo dõi hàng hóa một cách an toàn và phi tập trung từ nguồn sản xuất đến điểm bán hàng. Tính bất biến này là chìa khóa để giải quyết các vấn đề như vi phạm nhân quyền và hàng giả.
Mức độ minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc được nâng cao này có thể góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm nhân quyền, vi phạm về môi trường và các hành vi phi đạo đức khác phổ biến trong ngành thời trang. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào việc mọi người tham gia vào chuỗi cung ứng có thể và sẵn sàng nhập dữ liệu này vào blockchain hay không.
Các hạn chế
Mặc dù Web3 có thể mang lại sự thay đổi tích cực trong các ngành nói trên nhưng công nghệ này cũng đi kèm với một số thách thức và hạn chế. Việc triển khai công nghệ Web3 và blockchain đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật vượt quá khả năng của nhiều nhạc sĩ, vận động viên và nhà thiết kế thời trang và cả đội ngũ của họ.
Hơn nữa, việc thuê các nhà phát triển Web3 vô cùng tốn kém. ≈ Vấn đề này có thể tạo ra một rào cản tham gia, ngăn cản các thương hiệu nhỏ hơn và các cá nhân có ngân sách thấp hơn được hưởng đầy đủ các lợi ích của Web3.
Việc áp dụng Web3 cũng mang đến thách thức vì đại đa số mọi người chưa tương tác với Web3, từ đó dẫn đến hai yếu tố cần cân nhắc. Thứ nhất, các thương hiệu và cá nhân muốn bắt tay vào các dự án Web3 sẽ cần đánh giá xem doanh thu ước tính từ việc áp dụng Web3 có bù đắp được các chi phí kèm theo hay không.
Thứ hai, việc truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng sẽ phụ thuộc vào vấn đề liệu mọi người tham gia thiết kế và sản xuất có khả năng và sẵn sàng sử dụng hệ thống theo dõi quá trình trên chuỗi này ngay từ đầu hay không.
Tổng kết
Web3 có tiềm năng cách mạng hóa ngành công nghiệp thời trang, âm nhạc và thể thao theo vô số cách. Công nghệ này không chỉ cho phép người hâm mộ và cộng đồng tương tác trực tiếp với các thương hiệu và cá nhân mình yêu thích, mà còn mang đến cho người tiêu dùng sự minh bạch chưa từng có về các chuỗi cung ứng và việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách bất biến.
Nhìn chung, tiềm năng của Web3 trong lĩnh vực thời trang, âm nhạc và thể thao là rất lớn và chúng ta mới chỉ bắt đầu khám phá "bề nổi của tảng băng chìm". Khi Web3 tiếp tục phát triển, chúng ta có thể mong đợi nhiều cải tiến thú vị hơn để giúp những ngành công nghiệp này tiến lên.
Đọc thêm:
Tuyên bố từ chối trách nhiệm và Cảnh báo rủi ro: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích thông tin chung và giáo dục, không có bất kỳ hình thức đại diện hay bảo đảm nào. Nó không nên được hiểu là tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên nghiệp khác, cũng như không nhằm khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên của riêng bạn từ các cố vấn chuyên nghiệp thích hợp. Trong trường hợp bài viết được đóng góp bởi cộng tác viên bên thứ ba, xin lưu ý rằng những quan điểm thể hiện đó thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc tuyên bố từ chối trách nhiệm đầy đủ của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ tổn thất nào mà bạn có thể phải gánh chịu. Tài liệu này không nên được hiểu là tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên nghiệp khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụng và Cảnh báo rủi rocủa chúng tôi.