Nội dung
- Giới thiệu
- Không cắt lỗ
- Giao dịch quá mức
- Giao dịch phục thù
- Quá cứng nhắc, không chịu thay đổi tư duy
- Phớt lờ các điều kiện thị trường biến động bất thường
- Quên rằng Phân tích kỹ thuật (TA) là một trò chơi xác suất
- Hùa theo các trader khác một cách mù quáng
- Tổng kết
Giới thiệu
Tuy các khái niệm cơ bản của phân tích kỹ thuật tương đối dễ nắm bắt nhưng để thành thạo kỹ thuật này lại không hề dễ dàng. Khi học một kỹ năng mới nào đó, việc mắc sai lầm là điều bình thường. Nhưng trong lĩnh vực đầu tư hoặc giao dịch, điều này có thể vô cùng nguy hại. Nếu không cẩn trọng và rút kinh nghiệm từ những sai lầm đã mắc phải, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất một phần vốn đáng kể. Học hỏi từ sai lầm là điều tốt, nhưng tránh mắc sai lầm còn quan trọng hơn.
Vậy những sai lầm phổ biến nhất trong Phân tích kỹ thuật mà người mới bắt đầu thường mắc phải khi giao dịch là gì?
1. Không cắt lỗ
Hãy bắt đầu với lời trích dẫn của trader Ed Seykota:
"Các yếu tố của hoạt động giao dịch hiệu quả là: (1) cắt lỗ, (2) cắt lỗ và (3) cắt lỗ. Nếu bạn có thể tuân thủ ba quy tắc này, bạn sẽ có cơ hội”.
Đây có vẻ là một quy tắc đơn giản nhưng việc nhấn mạnh tầm quan trọng của nó không bao giờ thừa. Khi nói đến giao dịch và đầu tư, bảo toàn vốn phải luôn là ưu tiên hàng đầu.
2. Giao dịch quá mức
Nếu là một trader hoạt động thường xuyên, bạn sẽ thường mắc sai lầm phổ biến khi cho rằng mình cần luôn giao dịch. Giao dịch liên quan rất nhiều phân tích và cả việc kiên nhẫn chờ đợi! Với một số chiến lược giao dịch, bạn có thể phải đợi một thời gian dài để nhận được tín hiệu đáng tin cậy trước khi bước vào giao dịch. Một số trader tham gia không quá hai giao dịch mỗi năm mà vẫn thu về lợi nhuận đáng kể.
Hãy tham khảo lời khuyên của trader Jesse Livermore, một trong những nhân vật tiên phong của hoạt động giao dịch trong ngày:
"Tiền kiếm được từ việc ngồi chờ chứ không phải từ giao dịch."
Một lỗi giao dịch tương tự là quá chú trọng vào khung thời gian ngắn. Nhìn chung, phân tích được thực hiện trong khung thời gian dài sẽ đáng tin cậy hơn so với phân tích được thực hiện trong khung thời gian ngắn. Khung thời gian ngắn có nhiều thông tin gây nhiễu thị trường và có thể khiến bạn tham gia giao dịch thường xuyên hơn. Mặc dù có nhiều trader lướt sóng thành công và thu lợi nhuận ngắn hạn nhưng giao dịch theo các khung thời gian ngắn thường có tỷ lệ rủi ro cao. Bởi vậy, người mới bắt đầu chắc chắn không nên áp dụng chiến lược giao dịch nhiều rủi ro này.
3. Giao dịch phục thù
Rất dễ giữ bình tĩnh khi mọi việc đều tốt đẹp hoặc ngay cả khi bạn mắc phải những sai lầm nhỏ nhặt. Nhưng liệu bạn có giữ được bình tĩnh khi tình hình vô cùng tệ hại? Liệu bạn có kiên trì bám sát kế hoạch giao dịch của mình ngay cả khi những người khác đang hoảng loạn?
Hãy lưu ý từ "phân tích" trong phân tích kỹ thuật. Tất nhiên, từ này dùng để chỉ một phương thức tiếp cận thị trường theo hướng phân tích , phải không nào? Vậy tại sao bạn lại muốn đưa ra những quyết định cảm tính, vội vàng trong tình huống như vậy? Nếu muốn trở thành một trong những trader giỏi nhất, bạn nên giữ bình tĩnh ngay cả sau khi mắc phải những sai lầm lớn nhất. Tránh đưa ra các quyết định cảm tính và tập trung tư duy phân tích và logic.
Nôn nóng giao dịch ngay sau khi bị thua lỗ nặng sẽ dễ khiến bạn thua lỗ nhiều hơn. Do đó, một số trader thậm chí còn dừng toàn bộ giao dịch trong một khoảng thời gian sau khi thua lỗ nặng. Bằng cách này, họ có thể khởi đầu theo cách mới và quay lại giao dịch khi đầu óc thông suốt.
Bạn muốn bắt đầu cùng tiền mã hoá? Mua Bitcoin trên Binance ngay hôm nay!
4. Cứng nhắc, không chịu thay đổi tư duy
Hãy đọc những gì trader huyền thoại Paul Tudor Jones nói về những vị thế của mình:
"Mỗi ngày tôi đều giả định quan điểm của mình là sai."
Học cách phản biện lập luận của chính mình là cách tốt để nhìn ra điểm yếu tiềm ẩn của chúng. Bằng cách này, các luận điểm (và quyết định) đầu tư của bạn sẽ trở nên toàn diện hơn.
Điều này cũng dẫn đến một vấn đề khác: định kiến về nhận thức. Định kiến có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ra quyết định của bạn, làm lu mờ khả năng phán đoán và hạn chế các khả năng mà bạn có thể xem xét. Hãy đảm bảo chí ít bạn hiểu được rằng những định kiến về nhận thức có thể ảnh hưởng đến kế hoạch giao dịch của bạn, nhờ đó bạn có thể giảm thiểu hậu quả của chúng một cách hiệu quả hơn.
5. Phớt lờ các điều kiện thị trường biến động bất thường
Chỉ số RSI có thể đạt ngưỡng cực đỉnh trong điều kiện thị trường bất thường. Nó thậm chí có thể giảm xuống một chữ số đơn lẻ – gần với mức điểm số thấp nhất có thể (0). Ngay cả khi điểm số quá bán ở ngưỡng cực đỉnh như vậy cũng không nhất thiết dự báo một sự đảo chiều sắp xảy ra.
6. Quên rằng Phân tích kỹ thuật (TA) là một trò chơi xác suất
Phân tích kỹ thuật không đưa ra dự báo dựa trên cơ sở tuyệt đối. Nó đưa ra dự báo dựa trên cơ sở xác suất. Điều này nghĩa là dù bạn chọn bất kỳ phương pháp kỹ thuật nào làm cơ sở cho chiến lược của mình, không bao giờ có gì đảm bảo rằng thị trường sẽ biến động y như bạn kỳ vọng. Có thể phân tích của bạn cho thấy xác suất thị trường tăng hoặc giảm rất cao, nhưng đó vẫn không phải là điều chắc chắn.
Bạn cần tính đến điều này khi thiết lập chiến lược giao dịch của mình. Dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, đừng bao giờ nghĩ rằng thị trường sẽ biến động theo đúng phân tích của bạn. Nếu không, bạn sẽ có xu hướng đầu tư quá nhiều và đặt cược quá lớn vào một kết quả giao dịch và đối mặt với nguy cơ thua lỗ tài chính nặng nề.
7. Hùa theo các trader khác một cách mù quáng
Nếu bạn muốn thành thạo bất kỳ kỹ năng nào, điều quan trọng là phải không ngừng "nâng cao tay nghề". Điều này đặc biệt đúng khi nói đến giao dịch trên thị trường tài chính. Trên thực tế, điều kiện thị trường thay đổi khiến các trader buộc phải nâng cao kỹ năng giao dịch. Một trong những cách học tốt nhất là học hỏi từ các chuyên gia phân tích kỹ thuật và trader giàu kinh nghiệm.
Tuy nhiên, nếu muốn trở nên lão luyện, bạn cũng cần tìm và phát huy điểm mạnh của bản thân. Chúng tôi gọi đây là lợi thế khiến bạn khác biệt với những trader khác.
Tham gia giao dịch dựa trên phân tích của người khác có thể hiệu quả một vài lần. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ a dua theo các trader khác một cách mù quáng mà không hiểu nguyên tắc giao dịch cơ bản, cách làm này sẽ không hiệu quả về lâu về dài. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không nên làm theo và học hỏi từ những người khác. Điều quan trọng là bạn có hiểu rõ ý đồ giao dịch đó hay không và ý đồ giao dịch đó có phù hợp với hệ thống giao dịch của bạn không. Bạn không nên mù quáng hùa theo những trader khác ngay cả khi họ giàu kinh nghiệm và có uy tín.
Tổng kết
Bạn sẽ cần thời gian để trở thành một trader "bách chiến bách thắng". Bạn cần thường xuyên tinh chỉnh các chiến lược giao dịch và học cách hình thành ý đồ giao dịch của riêng mình. Bằng cách này, bạn có thể tìm ra điểm mạnh và điểm yếu, đồng thời kiểm soát được các quyết định đầu tư và giao dịch của mình.