Trang chủ
Bảng thuật ngữ
Giá trị tài sản ròng (NAV)

Giá trị tài sản ròng (NAV)

Trung cấp

NAV là gì?

NAV hay Giá trị tài sản ròng là thuật ngữ được dùng để mô tả giá trị tài sản của một quỹ trừ đi nợ phải trả. NAV giúp nhà đầu tư biết được giá trị của mỗi chứng chỉ quỹ mà họ sở hữu trong một quỹ tương hỗ hoặc quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Có thể coi NAV là mệnh giá của mỗi cổ phiếu của quỹ.

NAV được tính như thế nào?

NAV được tính bằng cách lấy tài sản của quỹ trừ đi nợ phải trả, sau đó chia kết quả cho tổng số chứng chỉ quỹ. Công thức như sau:

NAV = (Tổng tài sản - Tổng nợ phải trả)/Số lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành

Tổng tài sản bao gồm tất cả các loại chứng khoán mà quỹ nắm giữ, chẳng hạn như cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt.
Tổng nợ phải trả bao gồm bất kỳ khoản nợ hoặc nghĩa vụ nào mà quỹ nợ. Bằng cách chia tài sản ròng cho số lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành, chúng ta sẽ biết được NAV trên mỗi chứng chỉ quỹ.
Chứng chỉ quỹ đang lưu hành là tổng số chứng chỉ quỹ của một công ty đã được phát hành và hiện đang được tất cả các cổ đông của công ty nắm giữ, bao gồm chứng chỉ quỹ do nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư cá nhân và người trong công ty nắm giữ. Các chứng chỉ quỹ này được phân biệt với cổ phiếu quỹ, là cổ phiếu mà công ty đã mua lại và được nắm giữ trong quỹ của công ty.

Tại sao NAV lại quan trọng?

Đối với quỹ tương hỗ và quỹ ETF, NAV được cập nhật mỗi ngày giao dịch. Vào cuối ngày, NAV cho bạn biết mỗi chứng chỉ quỹ có giá trị bao nhiêu, vì vậy bạn biết được chi phí mua hoặc bán chứng chỉ quỹ là bao nhiêu.

1. Theo dõi hiệu suất: NAV cho phép nhà đầu tư nắm được tình hình hoạt động của quỹ theo thời gian. Bằng cách so sánh giá trị NAV ở các giai đoạn khác nhau, bạn có thể kiểm tra xem quỹ có hoạt động tốt hay không.
2. Xác lập giá chứng chỉ quỹ: NAV quyết định mức giá bạn phải trả khi mua hoặc bán chứng chỉ quỹ của quỹ tương hỗ. Giá trị này được cập nhật hằng ngày để phản ánh giá trị hiện tại của quỹ.
3. Minh bạch: NAV mang lại sự minh bạch bằng cách hiển thị giá trị thực tế của tài sản mà quỹ nắm giữ, giúp nhà đầu tư hiểu được giá trị thực sự của khoản đầu tư.

Ví dụ về NAV

Giả sử một quỹ tương hỗ nắm giữ tài sản trị giá 500 triệu USD nhưng có chi phí là 50 triệu USD. Nếu có 20 triệu chứng chỉ quỹ đang lưu hành, NAV sẽ là:

NAV = (500 triệu − 50 triệu)/20 triệu = 22,50

Điều đó nghĩa là mỗi chứng chỉ quỹ trị giá 22,50 USD. Vì vậy, khi bạn mua hoặc bán chứng chỉ quỹ, giá của chứng chỉ quỹ sẽ ở khoảng con số này (cộng với mọi khoản phí).

NAV trong quỹ đóng

Quỹ đóng hoạt động hơi khác so với quỹ tương hỗ và quỹ ETF. Trong khi quỹ tương hỗ và quỹ ETF có thể phát hành hoặc mua lại chứng chỉ quỹ dựa trên nhu cầu thì quỹ đóng có số lượng chứng chỉ quỹ cố định ngay từ đầu. Sau khi được phát hành trong đợt phát hành công khai lần đầu (IPO), các chứng chỉ quỹ này sẽ được giao dịch trên thị trường chứng khoán, tương tự như cổ phiếu riêng lẻ.

Vì lý do này, giá chứng chỉ quỹ của quỹ đóng được xác định bởi cung cầu trên thị trường, chứ không phải bởi NAV. Điều này nghĩa là chứng chỉ quỹ của quỹ đóng có thể giao dịch ở mức giá cao hơn (cao hơn NAV) hoặc thấp hơn (thấp hơn NAV), tùy thuộc vào số tiền mà nhà đầu tư sẵn sàng trả.

Ví dụ: nếu một quỹ đóng có NAV là 20 USD nhưng nhu cầu cao khiến chứng chỉ quỹ của quỹ được giao dịch ở mức 22 USD thì chứng chỉ quỹ đang giao dịch ở mức cao hơn NAV. Ngược lại, nếu NAV là 20 USD nhưng chứng chỉ quỹ chỉ giao dịch ở mức 18 USD do nhu cầu thấp thì chứng chỉ quỹ đang được giao dịch ở mức thấp hơn NAV.

Chênh lệch giá như vậy có thể tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư mua vào với giá thấp hơn hoặc bán ra với giá cao hơn. Tuy nhiên, chênh lệch giá cũng tạo ra sự phức tạp vì giá chứng chỉ quỹ không phải lúc nào cũng phản ánh đúng giá trị thực tế của tài sản mà quỹ nắm giữ.

So sánh NAV trong quỹ tương hỗ và NAV trong quỹ ETF

Cả quỹ tương hỗ và quỹ ETF đều có NAV nhưng được sử dụng khác nhau:

  • Quỹ tương hỗ: NAV rất quan trọng đối với quỹ tương hỗ vì nó quyết định giá mà nhà đầu tư mua hoặc bán chứng chỉ quỹ trực tiếp từ quỹ. Chứng chỉ quỹ tương hỗ thường chỉ được mua hoặc bán một lần mỗi ngày theo NAV được tính sau khi thị trường đóng cửa.  
  • Quỹ ETF: Mặc dù quỹ ETF cũng có NAV nhưng chúng được giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán suốt cả ngày theo giá thị trường vốn có thể khác với NAV. Tuy nhiên, NAV vẫn quan trọng đối với quỹ ETF vì NAV cung cấp giá trị chuẩn cho tài sản cơ sở của quỹ.

Các yếu tố ảnh hưởng đến NAV

Đương nhiên, biến động thị trường đóng vai trò lớn trong việc tính toán NAV. Giá trị tài sản mà quỹ nắm giữ sẽ khiến NAV tăng hoặc giảm tùy thuộc vào hiệu quả hoạt động của những tài sản đó. Thu nhập từ cổ tức hoặc lãi cũng có thể làm tăng NAV, tăng thêm giá trị cho quỹ. 

Mặt khác, các chi phí như phí quản lý và chi phí hoạt động được khấu trừ vào tài sản của quỹ, sẽ làm giảm giá trị NAV. Do cả hiệu suất thị trường và chi phí nội bộ đều ảnh hưởng đến NAV nên giá trị này liên tục thay đổi, giúp nhà đầu tư nắm được thông tin chi tiết theo thời gian thực về hiệu suất của quỹ.

Tổng kết

Việc nắm được NAV rất quan trọng đối với nhà đầu tư vì dữ liệu này giúp nhà đầu tư hiểu rõ giá trị và hiệu quả hoạt động của quỹ. Khi biết cách tính NAV và những yếu tố ảnh hưởng đến NAV, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn về khoản đầu tư vào quỹ tương hỗ và quỹ ETF. Dù bạn đang mua hay bán chứng chỉ quỹ, theo dõi hiệu suất hoặc so sánh các quỹ thì NAV là một khái niệm cơ bản đóng vai trò quan trọng trong thế giới quỹ đầu tư góp vốn chung.