Khoảng dao động thực tế trung bình là gì?
Trang chủ
Bài viết
Khoảng dao động thực tế trung bình là gì?

Khoảng dao động thực tế trung bình là gì?

Trung cấp
Đã đăng Sep 21, 2022Đã cập nhật Dec 23, 2022
4m

Tóm lược

Khoảng dao động thực tế trung bình (ATR) là một chỉ báo phân tích kỹ thuật thường dùng để ước tính sự biến động của thị trường trong một kỳ nhất định. ATR là công cụ xác định sự biến động do nhà phân tích kỹ thuật J. Welles Wilder Jr. tạo ra trong cuốn sách "New Concepts in Technical Trading Systems" (tạm dịch: Các khái niệm mới trong hệ thống giao dịch kỹ thuật). Cuốn sách này của ông được xuất bản vào năm 1978. 

Trong kỳ 14 ngày, ATR có thể được dùng để tính toán và cung cấp mức biến động giá ước tính trong nhiều khoảng dao động thực tế nhằm xác định giá trị trung bình. Mặc dù ATR mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cả việc hỗ trợ các trader xác định giá cắt lỗ, nhưng công cụ này vẫn có một số hạn chế.

Giới thiệu

Sự biến động là đặc trưng của hoạt động giao dịch, đặc biệt là những giao dịch liên quan đến tiền mã hóa. Các trader thường tìm cách tận dụng và cố gắng dự đoán những sự kiện biến động giá này. Phân tích kỹ thuật và các chỉ báo biến động giá như Khoảng dao động thực tế trung bình (ATR) là một phương thức khả thi để làm việc này. Với nhiều trader, đây quả là một công cụ hữu ích và đáng để thêm vào bộ công cụ phân tích kỹ thuật. 

Khoảng dao động thực tế trung bình là gì? 

Năm 1978, nhà phân tích kỹ thuật J. Welles Wilder Jr. tạo ra ATR như một công cụ để đo lường sự biến động. Kể từ đó, ATR đã trở thành một trong những dạng chỉ báo kỹ thuật phổ biến nhất để dự đoán biến động

Giờ đây, ATR là một phần quan trọng của các chỉ báo khác và được dùng để xác định chuyển động định hướng của thị trường, chẳng hạn như Chỉ số chuyển động định hướng trung bình (ADX) và Xếp hạng chỉ số chuyển động định hướng trung bình (ADXR). Với ATR, các trader cố gắng xác định một kỳ tối ưu để giao dịch trong giai đoạn biến động.

Chỉ báo này tính giá tài sản trung bình của thị trường trong phạm vi 14 ngày. Thay vì cung cấp thông tin về xu hướng hoặc định hướng giá, ATR đưa ra tầm nhìn về sự biến động của giá trong kỳ đó. Trong kỳ nhất định, ATR cao tức là mức độ biến động giá cao, còn ATR thấp tức là mức độ biến động giá thấp. 

Khi xác định muốn mua hay bán tài sản trong một kỳ, mức biến động giá thấp hay cao này chính là điều mà các trader cân nhắc. Điều quan trọng cần lưu ý là ATR chỉ ước tính sự biến động về giá và chỉ nên dùng như một biện pháp hỗ trợ.

Tính Khoảng dao động thực tế trung bình bằng cách nào?

Để tính ATR, bạn phải tìm khoảng dao động thực tế (TR) lớn nhất của một kỳ nhất định, tức là tính 3 khoảng dao động khác nhau và chọn ra khoảng dao động lớn nhất trong số đó:

  1. Mức cao nhất của kỳ gần nhất trừ đi mức thấp nhất của kỳ gần nhất

  2. Giá trị tuyệt đối (bỏ qua bất kỳ dấu hiệu âm nào) của mức cao nhất trong kỳ gần nhất trừ đi giá đóng cửa trước đó

  3. Giá trị tuyệt đối của mức thấp nhất trong kỳ gần nhất trừ đi giá đóng cửa trước đó

Kỳ có thể thay đổi theo khoảng thời gian tập trung của trader. Ví dụ: Với tiền mã hóa, một kỳ có thể là 24 giờ, trong khi đối với cổ phiếu, một kỳ có thể là một ngày giao dịch. Để xác định khoảng dao động thực tế trung bình trong một khoảng thời gian (thường là 14 ngày), hãy tính khoảng dao động thực tế trong từng kỳ và tổng hợp lại, rồi dễ dàng tính ra giá trị trung bình. 

Thông qua cách xác định ATR của kỳ nói trên, các trader có thể tìm hiểu cả về sự biến động của giá tài sản trong khoảng thời gian đó. Thông thường, trader sẽ thấy ATR hiển thị dưới dạng đường thẳng trên biểu đồ. Dưới đây, bạn có thể thấy đường ATR tăng khi mức biến động tăng (theo cả hai hướng giá).

Tại sao các trader tiền mã hóa lại sử dụng Khoảng dao động thực tế trung bình?

Trader tiền mã hóa thường sử dụng ATR để xác định mức biến động giá trong một khoảng thời gian. Đối với tiền mã hóa, ATR cực kỳ hữu ích do tính biến động mạnh của thị trường này. Một chiến lược phổ biến là dùng ATR để đặt lệnh chốt lời và cắt lỗ.

Khi sử dụng ATR theo cách này, bạn có thể hạn chế việc những thông tin nhiễu loạn trong thị trường gây ảnh hưởng đến chiến lược giao dịch của mình. Nếu đang cố gắng giao dịch một xu hướng dài hạn không chắc chắn, bạn sẽ không muốn sự biến động hàng ngày khiến các vị thế của mình bị đóng sớm.

Một phương pháp điển hình khác là nhân ATR với 1,5 hoặc 2, rồi sử dụng số này để đặt mức cắt lỗ thấp hơn giá nhập của bạn. Sự biến động hàng ngày sẽ không đạt đến mức giá kích hoạt cắt lỗ của bạn; nếu trường hợp cắt lỗ xảy ra, đó là một chỉ báo hiệu quả cho thấy thị trường đang đi xuống đáng kể.

Hạn chế khi sử dụng Khoảng dao động thực tế trung bình là gì?

Mặc dù ATR mang lại lợi ích cho người dùng về khả năng thích ứng và phát hiện sự thay đổi giá, nhưng công cụ này lại có 2 nhược điểm chính:

1. ATR có nhiều cách hiểu. Đây có thể là một bất lợi vì không có một giá trị ATR nào có thể xác định rõ liệu xu hướng có bị thay đổi hay không. 

2. Vì ATR chỉ đo lường sự biến động về giá nên công cụ này không thông báo cho các trader về sự thay đổi về định hướng giá của tài sản. Ví dụ: Khi ATR tăng đột ngột, một số trader có thể cho rằng chỉ báo này đang xác nhận xu hướng tăng hoặc giảm cũ, nhưng điều này chưa chắc đúng.

Tổng kết 

Trong bộ công cụ của nhiều trader, ATR có vai trò quan trọng, giúp họ hiểu nắm được các mô hình biến động. Vì sự biến động là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc trong giao dịch tiền mã hóa nên công cụ này đặc biệt phù hợp với các tài sản tiền mã hóa kỹ thuật số. Ưu điểm của ATR nằm ở sự đơn giản, nhưng hãy cân nhắc những hạn chế của công cụ này nếu bạn quyết định thử nghiệm trong các hoạt động giao dịch của mình.