Tóm lược
Công nghệ blockchain có tiềm năng cách mạng hóa việc chăm sóc sức khỏe bằng việc quản lý dữ liệu an toàn và tính minh bạch được cải thiện.
Việc tích hợp blockchain trong chăm sóc sức khỏe phải đối mặt với những thách thức như chi phí ban đầu, khả năng mở rộng, tiêu chuẩn hóa và tuân thủ quy định.
Việc phi tập trung và phân phối dữ liệu của blockchain có thể giúp hồ sơ bệnh nhân được bảo mật và đồng bộ hóa.
Việc tích hợp blockchain có thể tăng cường khả năng tương tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ y tế, cho phép chăm sóc bệnh nhân theo cách dễ tiếp cận và minh bạch.
Giới thiệu
Mặc dù thường được nhắc đến với Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác, công nghệ blockchain cũng đã được sử dụng để lưu trữ và bảo vệ dữ liệu trong một loạt các ngành công nghiệp khác nhau. Cùng với lĩnh vực từ thiện và chuỗi cung ứng, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là một trong những trường hợp sử dụng được thảo luận nhiều nhất. Nhưng những khía cạnh nào của blockchain làm cho nó phù hợp với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe?
Lợi ích của việc sử dụng blockchain trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Một số tính năng cho phép các blockchain tiền mã hóa hoạt động như một bản ghi an toàn cho các giao dịch tài chính cũng có thể áp dụng để lưu trữ dữ liệu y tế. Vì hầu hết các blockchain được thiết kế như các hệ thống phân tán ghi lại và bảo vệ các tệp thông qua việc sử dụng mật mã, nên rất khó để phá vỡ hoặc thay đổi dữ liệu mà không có sự chấp thuận của tất cả những người tham gia mạng khác. Do đó, tính bất biến là một trong những tính năng cho phép tạo cơ sở dữ liệu không thể xóa dành cho hồ sơ y tế.
Hơn nữa, kiến trúc ngang hàng được sử dụng trong các blockchain cho phép tất cả các bản sao hồ sơ của bệnh nhân được đồng bộ hóa với nhau khi các bản cập nhật được thực hiện, mặc dù chúng được lưu trữ trên các máy tính khác nhau. Trên thực tế, mỗi node mạng giữ một bản sao của toàn bộ blockchain và chúng liên lạc thường xuyên để đảm bảo dữ liệu được cập nhật và xác thực. Do đó, phi tập trung và phân phối dữ liệu cũng là những khía cạnh quan trọng.
Điều đáng nói là các blockchain được phân tán nhưng không phải lúc nào cũng phi tập trung (về mặt quản trị). Phi tập trung không phải là một thứ đen trắng rõ ràng, việc này còn tùy thuộc vào cách các node được phân phối và trên kiến trúc tổng thể, các hệ thống phân tán có thể tạo ra các mức độ phi tập trung khác nhau. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, các blockchain thường được xây dựng như một mạng riêng, trái ngược với các mạng công cộng thường được sử dụng làm sổ cái tiền mã hóa. Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể tham gia và đóng góp vào sự phát triển của blockchain công khai, nhưng các phiên bản riêng tư đều cần có sự cho phép và được quản lý bởi một số lượng nhỏ các node hơn.
Lợi thế tiềm năng của việc sử dụng blockchain trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Sức mạnh của blockchain vượt ra ngoài tài chính và ứng dụng được trong cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Chúng ta có thể sử dụng blockchain để bảo mật dữ liệu bệnh nhân và đảm bảo tính xác thực của dược phẩm. Dưới đây là một số trường hợp sử dụng tiềm năng nêu bật cách công nghệ blockchain có thể cách mạng hóa việc chăm sóc sức khỏe.
1. Tăng cường bảo mật
Như đã đề cập, một trong những trường hợp sử dụng quan trọng nhất của blockchain trong ngành chăm sóc sức khỏe là tận dụng công nghệ để tạo ra một cơ sở dữ liệu ngang hàng (phi tập trung) an toàn và thống nhất. Nhờ tính bất biến của blockchain, việc dữ liệu bị hỏng không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa. Công nghệ blockchain có thể được sử dụng để đăng ký và theo dõi hiệu quả dữ liệu y tế của hàng ngàn bệnh nhân.
Không giống như các cơ sở dữ liệu truyền thống dựa trên một máy chủ tập trung, việc sử dụng một hệ thống phi tập trung cho phép trao đổi dữ liệu với mức độ bảo mật cao hơn đồng thời cắt giảm chi phí quản trị mà hệ thống hiện tại áp đặt. Bản chất phi tập trung của blockchain cũng làm cho chúng ít bị tổn thương hơn trước các lỗi kỹ thuật và các cuộc tấn công bên ngoài thường làm tổn hại đến các thông tin có giá trị. Bảo mật được cung cấp bởi các mạng blockchain có thể đặc biệt hữu ích cho các bệnh viện, nơi thường phải đối phó với các cuộc xâm lược của tin tặc và các cuộc tấn công ransomware.
2. Khả năng tương tác
Một lợi thế khác của hồ sơ y tế dựa trên blockchain là khả năng tăng cường khả năng tương tác giữa các phòng khám, bệnh viện và các nhà cung cấp dịch vụ y tế khác. Sự khác biệt về công nghệ trong hệ thống lưu trữ dữ liệu thường gây khó khăn cho các tổ chức trong việc chia sẻ tài liệu.
Tuy nhiên, các blockchain có thể giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép các bên được ủy quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu thống nhất về các tệp bệnh nhân hoặc thậm chí là hồ sơ phân phối thuốc. Vì vậy, thay vì cố gắng giao tiếp với bộ nhớ trong của nhau, các nhà cung cấp dịch vụ có thể làm việc cùng nhau trên một bộ nhớ duy nhất.
3. Khả năng tiếp cận và tính minh bạch
Ngoài việc đơn giản hóa quá trình chia sẻ hồ sơ, các hệ thống blockchain cũng có thể cung cấp cho bệnh nhân mức độ tiếp cận và minh bạch cao hơn đối với thông tin sức khỏe của chính họ. Trong một số trường hợp, yêu cầu xác nhận các thay đổi được thực hiện đối với các tài liệu của bệnh nhân có thể đảm bảo tính chính xác của hồ sơ. Nếu được sử dụng đúng cách, điều này có thể cung cấp thêm một lớp bảo mật chống lại lỗi của con người và sự giả mạo có chủ ý.
4. Quản lý chuỗi cung ứng đáng tin cậy
Blockchain có thể cung cấp một phương pháp đáng tin cậy để theo dõi dược phẩm thông qua toàn bộ quy trình sản xuất và phân phối, do đó cắt giảm vấn đề phổ biến của thuốc giả. Kết hợp với các thiết bị IoT được sử dụng để đo các yếu tố như nhiệt độ, công nghệ blockchain cũng có thể được sử dụng để xác minh điều kiện bảo quản và vận chuyển thích hợp hoặc để xác thực chất lượng thuốc.
5. Bảo vệ chống gian lận bảo hiểm
Blockchain cũng có thể được sử dụng để chống gian lận bảo hiểm y tế, ước tính gây thiệt hại cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ hơn 100 tỷ đô la mỗi năm. Các hồ sơ bất biến được lưu trữ trên blockchain và được chia sẻ với nhà cung cấp bảo hiểm có thể ngăn chặn một số loại gian lận phổ biến nhất, bao gồm thanh toán cho các thủ tục chưa bao giờ diễn ra và tính phí cho các dịch vụ không cần thiết.
6. Hỗ trợ cho Hoạt động thí nghiệm lâm sàng
Một ứng dụng khác của blockchain trong chăm sóc sức khỏe là cải thiện chất lượng và hiệu quả của các thí nghiệm lâm sàng. Dữ liệu y tế trên blockchain có thể được sử dụng bởi các thực hiện thí nghiệm để xác định những bệnh nhân có thể hưởng lợi từ các loại thuốc đang được thử nghiệm.
Một hệ thống tìm kiếm như vậy có thể cải thiện đáng kể việc đăng ký thử nghiệm lâm sàng, vì nhiều bệnh nhân không bao giờ biết về các thử nghiệm thuốc có liên quan và do đó, không bao giờ có cơ hội tham gia vào chúng. Bên cạnh đó, khi các thí nghiệm được tiến hành, các blockchain có thể được sử dụng để đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu được thu thập.
Những thách thức của việc ứng dụng blockchain vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Việc triển khai công nghệ blockchain trong chăm sóc sức khỏe thực sự đầy hứa hẹn, nhưng nó đi kèm với một số thách thức. Hãy cùng đi sâu vào một số điều đáng lo ngại.
1. Tuân thủ
Lấy Hoa Kỳ làm ví dụ, các công ty chăm sóc sức khỏe quan tâm đến việc áp dụng công nghệ blockchain được yêu cầu tuân thủ các quy định dữ liệu hiện hành, chẳng hạn như Đạo luật về trách nhiệm giải trình và cung cấp thông tin bảo hiểm y tế năm 1996 (HIPAA).
HIPAA phác thảo các tiêu chuẩn về lưu trữ, chia sẻ và bảo vệ dữ liệu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, để tuân thủ đầy đủ, các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ sẽ cần triển khai các hệ thống hồ sơ blockchain tùy chỉnh với các tính năng bảo mật tăng cường và khả năng truy cập hạn chế.
2. Chi phí ban đầu và tốc độ
Về phía nhà cung cấp, các giải pháp blockchain có thể yêu cầu khoản đầu tư ban đầu cao, một thực tế chắc chắn ngăn cản việc áp dụng rộng rãi. Ngoài ra, các hệ thống phân tán có xu hướng chậm hơn đáng kể so với các hệ thống tập trung về số lượng giao dịch trên mỗi giây.
Một mạng blockchain lớn với nhiều node có lẽ sẽ cần nhiều thời gian hơn để truyền và đồng bộ hóa dữ liệu khi so sánh với các hệ thống tập trung. Điều này đặc biệt liên quan đến cơ sở dữ liệu khổng lồ mà cuối cùng sẽ cần lưu trữ và theo dõi thông tin của hàng triệu bệnh nhân. Vấn đề sẽ còn tồi tệ hơn đối với các tệp hình ảnh có kích thước lớn, chẳng hạn như chụp cắt lớp vi tính hoặc quét MRI.
3. Khoảng cách giáo dục
Sự phức tạp của công nghệ blockchain tạo ra những thách thức giáo dục trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Khoảng cách hiểu biết này có thể dẫn đến việc sử dụng không đúng mức và triển khai không đúng cách các giải pháp blockchain.
Đào tạo và giáo dục liên tục là cần thiết để trang bị cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe kiến thức về các trường hợp sử dụng tiềm năng, chiến lược triển khai phù hợp và nhận thức về các quy định đang phát triển và các mối đe dọa trên mạng.
4. Khả năng mở rộng
Lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra bởi lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đặt ra một thách thức đáng kể về khả năng mở rộng cho các mạng blockchain. Khi khối lượng dữ liệu tăng lên, thời gian giao dịch và chi phí vận hành trên một số blockchain cũng tăng theo.
Hạn chế này có thể trì hoãn việc truy xuất thông tin hoặc xác minh giao dịch, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của hệ thống và chăm sóc bệnh nhân. Ngoài ra, những lo ngại này có thể ngăn cản các tổ chức chăm sóc sức khỏe áp dụng blockchain, ngăn chặn những đổi mới và tiến bộ trong lĩnh vực này.
5. Chuẩn hóa dữ liệu
Blockchain cần dữ liệu đầu vào thống nhất để thúc đẩy việc giao tiếp hiệu quả và khả năng tương tác trong mạng. Tuy nhiên, điều này lại đặc biệt khó khăn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vốn có nhiều loại và định dạng dữ liệu.
Nếu không có một giao thức dữ liệu được chuẩn hóa, việc trao đổi thông tin có thể dẫn đến hiểu sai hoặc lỗi, làm gián đoạn hệ thống. Do đó, việc đạt được tiêu chuẩn hóa dữ liệu mà không làm mất các chi tiết quan trọng của thông tin sức khỏe đặt ra một trở ngại lớn cho việc sử dụng blockchain trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Tổng kết
Blockchain có tiềm năng lớn cho ngành chăm sóc sức khỏe, từ việc quản lý an toàn dữ liệu bệnh nhân đến tăng cường tính minh bạch và an toàn. Tuy nhiên, khoảng cách về giáo dục, các vấn đề về khả năng mở rộng và khung pháp lý hiện tại là một số yếu tố cần được giải quyết. Việc cân bằng những rào cản này với các lợi ích của blockchain sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận tỉ mỉ và hợp tác giữa tất cả các bên liên quan trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Đọc thêm:
Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Nội dung này được cung cấp cho bạn trên cơ sở “nguyên trạng” chỉ nhằm mục đích thông tin chung và giáo dục mà không có đại diện hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Nó không nên được hiểu là lời khuyên về tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác, cũng như không nhằm mục đích khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên của riêng bạn từ các cố vấn chuyên môn thích hợp. Trong trường hợp bài viết được đóng góp bởi người đóng góp bên thứ ba, xin lưu ý rằng những quan điểm thể hiện đó thuộc về người đóng góp bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc tuyên bố từ chối trách nhiệm đầy đủ của chúng tôi ở đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể giảm hoặc tăng và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất nào bạn có thể phải gánh chịu. Tài liệu này không nên được hiểu là lời khuyên về tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụng và Cảnh báo rủi ro của chúng tôi.