Blockchain

Người mới
Nói một cách ngắn gọn, blockchain là một danh sách bản ghi dữ liệu kỹ thuật số ngày càng mở rộng. Danh sách này gồm nhiều block dữ liệu được sắp xếp theo thứ tự thời gian và được liên kết và bảo mật bằng các bằng chứng mật mã.
Nguyên mẫu đầu tiên của blockchain có từ đầu những năm 1990 khi nhà khoa học máy tính Stuart Haber và nhà vật lý W. Scott Stornetta áp dụng các kỹ thuật mật mã trong một chuỗi các block nhằm mục đích bảo vệ tài liệu kỹ thuật số khỏi bị giả mạo dữ liệu. Công việc của Haber và Stornetta chắc chắn đã truyền cảm hứng cho Dave Bayer, Hal Finney cùng nhiều nhà khoa học máy tính và người đam mê mật mã khác - từ đó dẫn đến sự ra đời của Bitcoin, hệ thống tiền điện tử phi tập trung đầu tiên (hay đơn giản là đồng tiền mã hoá đầu tiên). Sách trắng Bitcoin được xuất bản vào năm 2008 bởi một nhân vật có biệt danh là Satoshi Nakamoto.

Mặc dù ra đời trước cả Bitcoin nhưng công nghệ blockchain lại là thành phần cốt lõi cơ bản của hầu hết các mạng lưới tiền mã hoá và đóng vai trò là sổ cái kỹ thuật số công khai, phi tập trung và phân tán, chịu trách nhiệm lưu giữ bản ghi vĩnh viễn (chuỗi các block) của tất cả các giao dịch đã được xác nhận trước đó.

Các giao dịch trên blockchain diễn ra trong một mạng lưới máy tính ngang hàng nằm rải rác trên toàn cầu (node). Mỗi node duy trì một bản sao của blockchain và đóng góp vào hoạt động cũng như bảo mật của mạng lưới. Đây là yếu tố khiến Bitcoin trở thành một loại tiền kỹ thuật số phi tập trung, xuyên biên giới, chống kiểm duyệt và không cần trung gian bên thứ ba.

Là một công nghệ sổ cái phân tán (DLT), blockchain được thiết kế để có khả năng chống lại hành vi sửa đổi và gian lận (chẳng hạn như lặp chi) ở mức độ cao. Điều này đúng vì blockchain Bitcoin – đóng vai trò là cơ sở dữ liệu bản ghi – không thể bị thay đổi hoặc bị can thiệp nếu không có một lượng điện năng và công suất tính toán khổng lồ - nghĩa là mạng lưới có thể thực thi khái niệm về tài liệu kỹ thuật số "nguyên gốc", khiến mỗi Bitcoin trở thành một dạng tiền kỹ thuật số độc đáo và không thể sao chép.

Thuật toán đồng thuận Bằng chứng xử lý (Proof of Work) chính là thứ giúp Bitcoin trở thành hệ thống kháng lỗi Byzantine (BFT), nghĩa là blockchain của Bitcoin có thể hoạt động liên tục như một mạng lưới phân tán, ngay cả khi một số người tham gia (node) có hành vi không trung thực hoặc hoạt động không hiệu quả. Thuật toán đồng thuận Bằng chứng xử lý là một thành phần quan trọng trong quy trình đào Bitcoin.
Công nghệ blockchain cũng có thể được áp dụng và triển khai trong các hoạt động khác như chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, chuỗi cung ứng, IOT, v.v. Mặc dù được thiết kế là sổ cái phân tán (trên các hệ thống phi tập trung) nhưng công nghệ blockchain cũng có thể được triển khai trên các hệ thống tập trung để đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu hoặc để giảm chi phí vận hành.