Tại sao Bitcoin lại có giá trị?
Trang chủ
Bài viết
Tại sao Bitcoin lại có giá trị?

Tại sao Bitcoin lại có giá trị?

Người mới
Đã đăng Jun 22, 2021Đã cập nhật Nov 16, 2023
10m

Tóm lược

Giá trị của Bitcoin bắt nguồn từ nhiều thuộc tính. Sau cùng, cả tiền mã hóa và tiền pháp định đều có giá trị nhờ vào niềm tin. Chừng nào xã hội còn tin vào hệ thống tiền pháp định, tiền sẽ tiếp tục có giá trị. Bitcoin cũng tương tự như vậy: đồng tiền này có giá trị bởi vì người dùng tin rằng nó có giá trị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần xem xét.

Không giống như tiền pháp định, Bitcoin không có ngân hàng trung ương. Cấu trúc phi tập trung của nó cho phép tạo ra hệ thống tài chính độc nhất. Công nghệ blockchain đem lại nhiều lợi ích về bảo mật, tính tiện ích và các lợi ích khác. Công nghệ này còn làm thay đổi hoàn toàn cách thức chuyển giá trị trên toàn cầu. Theo nhiều cách, Bitcoin cũng có thể đóng vai trò như phương tiện lưu trữ giá trị tương tự như vàng.


Giới thiệu

Một trong những khó khăn lớn nhất đối với những người mới làm quen với tiền mã hoá là hiểu được cách thức và lý do tại sao một đồng tiền mã hoá như Bitcoin (BTC) lại có giá trị. Đây là đồng coin kỹ thuật số, không được đảm bảo bởi bất kỳ tài sản vật lý nào và khái niệm đào (mining) có thể rất khó hiểu. Theo một nghĩa nào đó, bitcoin mới được tạo ra bằng cách đào. Tuy nhiên, trên thực tế, muốn đào thành công, bạn phải đầu tư rất nhiều tiền. Nhưng làm thế nào toàn bộ việc này lại làm cho BTC có giá trị?

Hãy nghĩ về tiền mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Tiền giấy của chúng ta không còn được đảm bảo bằng vàng hoặc tài sản. Tiền mà chúng ta vay thường chỉ tồn tại dưới dạng con số trên màn hình, nhờ vào hệ thống ngân hàng dự trữ một phần. Chính phủ và ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang có thể tạo ra tiền mới và tăng nguồn cung tiền thông qua các cơ chế kinh tế.

Mặc dù có những điểm khác biệt đáng chú ý, nhưng BTC, với tư cách là đồng tiền kỹ thuật số, có một số điểm tương đồng với tiền pháp định mà chúng ta vẫn thường sử dụng. Vì vậy, trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về giá trị của tiền pháp định trước khi đi sâu vào hệ sinh thái tiền mã hoá.


Tại sao tiền lại có giá trị?

Nói ngắn gọn, tiền có giá trị là nhờ vào niềm tin. Về bản chất, tiền là công cụ dùng để trao đổi giá trị. Bất kỳ đồ vật nào cũng có thể sử dụng làm tiền, miễn là cộng đồng địa phương chấp nhận nó là phương thức thanh toán hàng hóa và dịch vụ. Vào thời kỳ sơ khai của nền văn minh nhân loại, chúng ta sử dụng đủ loại đồ vật làm tiền - từ đá đến vỏ sò.


Tiền pháp định là gì?

Tiền pháp định là tiền do chính phủ phát hành và hợp thức hóa. Ngày nay, xã hội trao đổi giá trị thông qua việc sử dụng tiền giấy, tiền xu và những con số trên tài khoản ngân hàng (cũng cho biết cả mức tín dụng hoặc khoản nợ mà chúng ta có).

Trước đây, mọi người có thể đến ngân hàng để đổi tiền giấy lấy vàng hoặc các kim loại quý khác. Thời đó, cơ chế này đảm bảo các đồng tiền như đô la Mỹ có giá trị gắn với một lượng vàng tương đương. Tuy nhiên, chế độ bản vị vàng đã bị phần lớn các quốc gia từ bỏ và không còn là cơ sở của hệ thống tiền tệ nữa. 

Sau khi đồng tiền không còn ràng buộc với vàng, giờ đây chúng ta sử dụng tiền pháp định mà không có bất kỳ tài sản đảm bảo nào. Điều này cho phép chính phủ và ngân hàng trung ương tự do hơn trong việc áp dụng các chính sách tiền tệ và ảnh hưởng đến nguồn cung tiền. Một số đặc điểm chính của tiền pháp định là:
  1. Do cơ quan trung ương hoặc chính phủ phát hành.
  2. Không có giá trị tự thân. Không được đảm bảo bằng vàng hay bất kỳ loại hàng hóa nào.
  3. Có nguồn cung tiềm năng không giới hạn.


Tại sao tiền pháp định lại có giá trị?

Sau khi từ bỏ chế độ bản vị vàng, dường như chúng ta có một loại tiền tệ không có giá trị. Tuy nhiên, tiền vẫn trả cho thực phẩm, hóa đơn, thuê nhà và các khoản khác. Như đã thảo luận ở trên, giá trị của tiền đến từ niềm tin của tập thể. Do đó, chính phủ cần hỗ trợ và quản lý hiệu quả đồng tiền pháp định để đạt được thành công và duy trì mức độ tin tưởng cao. Có thể dễ dàng thấy cơ chế này đổ vỡ như thế nào một khi người dân không còn niềm tin vào chính phủ hoặc ngân hàng trung ương do tình trạng siêu lạm phát và chính sách tiền tệ kém hiệu quả, như bạn có thể thấy ở Venezuela và Zimbabwe.


Tại sao tiền mã hóa lại có giá trị?

Tiền mã hóa có một số điểm chung với khái niệm chuẩn của chúng ta về tiền, nhưng cũng có một số điểm khác biệt đáng chú ý. Mặc dù một số đồng tiền mã hóa như PAXG được neo vào các loại hàng hóa như vàng, thì hầu hết tiền mã hóa đều không có tài sản cơ sở. Thay vào đó, niềm tin một lần nữa lại đóng vai trò quan trọng đối với giá trị của tiền mã hóa. Ví dụ: mọi người thấy việc đầu tư vào Bitcoin đem lại giá trị. Họ biết rằng những người khác cũng tin tưởng Bitcoin và chấp nhận BTC là hệ thống thanh toán và phương tiện trao đổi.
Đối với một số loại tiền mã hóa, tính tiện ích cũng là yếu tố quan trọng. Để truy cập một số dịch vụ hoặc nền tảng, có thể bạn sẽ cần sử dụng token tiện ích. Do đó, một dịch vụ có cầu cao sẽ đem lại giá trị cho token tiện ích của mình. Không phải tất cả các loại tiền mã hóa đều giống nhau, do đó, giá trị của chúng còn phụ thuộc vào tính năng của từng coin, token hoặc dự án.

Khi nói đến Bitcoin, chúng ta có thể thu hẹp thành sáu tính năng sẽ được thảo luận chi tiết hơn như sau: tính tiện ích, tính phi tập trung, tính phân tán, hệ thống niềm tin, tính khan hiếm và tính bảo mật.


Giá trị nội tại là gì?

Giá trị của Bitcoin được bàn luận rất nhiều, rằng liệu đồng tiền này có giá trị nội tại nào hay không. Điều này có nghĩa là gì? Nếu chúng ta nhìn vào một loại hàng hóa như dầu, giá trị nội tại của nó là sản xuất ra năng lượng, nhựa và các vật liệu khác.

Cổ phiếu cũng có giá trị nội tại, vì chúng đại diện cho vốn chủ sở hữu trong một công ty sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư thực hiện phân tích cơ bản để tính toán giá trị nội tại của tài sản. Trong khi đó, tiền pháp định không có giá trị nội tại do nó chỉ là một tờ giấy. Như chúng ta đã thấy, giá trị của tiền pháp định bắt nguồn từ niềm tin.

Hệ thống tài chính truyền thống có nhiều lựa chọn đầu tư mang giá trị nội tại, từ hàng hóa cho đến cổ phiếu. Thị trường Forex là trường hợp ngoại lệ, do thị trường này giao dịch tiền pháp định và trader thường kiếm lời từ biến động tỷ giá ngắn hạn hoặc trung hạn. Nhưng còn Bitcoin thì sao?


Tại sao Bitcoin lại có giá trị?

Giá trị của Bitcoin là một chủ đề mang tính chủ quan với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tất nhiên, người ta có thể nói giá thị trường của Bitcoin chính là giá trị của nó. Tuy nhiên, điều đó không trả lời chính xác câu hỏi của chúng ta. Điều quan trọng hơn là tại sao mọi người đánh giá nó có giá trị ngay từ đầu. Hãy cùng tìm hiểu thông tin chi tiết hơn nữa về một số đặc điểm khiến Bitcoin có giá trị.


Giá trị về tính tiện ích của Bitcoin

Một trong những lợi ích chính của Bitcoin là khả năng nhanh chóng chuyển một lượng lớn giá trị trên toàn thế giới mà không cần qua trung gian. Mặc dù chi phí gửi một lượng nhỏ BTC có thể tương đối đắt đỏ do phí, nhưng bạn cũng có thể gửi hàng triệu đô la với giá rẻ. Dưới đây, bạn có thể thấy một giao dịch Bitcoin trị giá khoảng 45.000.000 USD được gửi với mức phí chỉ chưa đầy 50 USD (tính đến tháng 6 năm 2021).


Mặc dù không phải là mạng lưới duy nhất làm được điều này, nhưng Bitcoin vẫn là mạng lưới lớn nhất, an toàn nhất và phổ biến nhất. Là ứng dụng layer 2, Lightning Network cũng cho phép người dùng thực hiện các giao dịch nhỏ. Tuy nhiên, bất kể số tiền là bao nhiêu, việc có thể thực hiện giao dịch xuyên biên giới chắc chắn đem lại giá trị.


Giá trị về tính phi tập trung của Bitcoin

Phi tập trung là một trong những tính năng chính của tiền mã hóa. Bằng cách loại bỏ các cơ quan trung ương, blockchain mang lại nhiều quyền lực và tự do hơn cho cộng đồng người dùng. Bất kỳ ai cũng có thể giúp cải tiến mạng lưới Bitcoin do bản chất mã nguồn mở của nó. 
Ngay cả chính sách tiền tệ của tiền mã hóa cũng hoạt động theo cách phi tập trung. Ví dụ: công việc của các thợ đào là xác minh và xác thực giao dịch, đồng thời đảm bảo bitcoin mới được thêm vào hệ thống với tốc độ ổn định, có thể dự đoán được.
Tính phi tập trung mang lại cho Bitcoin một hệ thống mạnh mẽ và an toàn. Không một nút nào trên mạng lưới có thể thay mặt mọi người đưa ra quyết định. Việc xác thực giao dịch và cập nhật giao thức đều cần có sự đồng thuận của nhóm. Điều này giúp bảo vệ Bitcoin khỏi sự quản lý yếu kém và lạm dụng.


Giá trị về tính phân tán của Bitcoin

Bằng cách cho phép nhiều người tham gia nhất có thể, mạng lưới Bitcoin cải thiện tính bảo mật tổng thể. Càng nhiều nút kết nối với mạng phân tán của Bitcoin, nó càng nhận được nhiều giá trị. Nhờ phân tán sổ cái giao dịch cho nhiều người dùng khác nhau, người ta không cần dựa vào một nguồn tin cậy duy nhất.

Nếu không phân tán, sẽ có nhiều phiên bản tin cậy khiến chúng ta khó xác minh được. Hãy tưởng tượng một tài liệu được gửi qua email mà một nhóm đang thao tác. Khi nhóm gửi tài liệu cho nhau, họ tạo ra các phiên bản khác nhau với các trạng thái khác nhau khó mà theo dõi được.

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu tập trung dễ bị tấn công mạng và ngừng hoạt động hơn cơ sở dữ liệu phân tán. Việc gặp sự cố khi sử dụng thẻ tín dụng do lỗi máy chủ không phải là hiếm. Một hệ thống dựa trên đám mây như hệ thống của Bitcoin được duy trì bởi hàng nghìn người dùng trên khắp thế giới, giúp nó hiệu quả và an toàn hơn nhiều.


Giá trị về hệ thống niềm tin của Bitcoin

Tính phi tập trung của Bitcoin là một lợi ích rất lớn về mạng lưới, nhưng nó vẫn cần một số biện pháp bảo vệ. Việc làm sao để người dùng hợp tác trên mạng lưới phi tập trung lớn luôn là một thách thức. Để giải quyết bài toán này, còn có tên là Bài toán các vị tướng Byzantine, Satoshi Nakamoto đã triển khai cơ chế đồng thuận Proof of Work, theo đó, cơ chế này thưởng cho những người dùng có hành vi tích cực. 

Niềm tin là một phần thiết yếu của mọi món hàng hoặc hàng hóa có giá trị. Việc mất lòng tin vào ngân hàng trung ương là thảm họa đối với đồng tiền của một quốc gia. Tương tự như vậy, để sử dụng chức năng chuyển tiền quốc tế, chúng ta phải tin tưởng vào các tổ chức tài chính có liên quan. Bitcoin tạo dựng được nhiều lòng tin vào cơ chế hoạt động của mình hơn các hệ thống và tài sản khác mà chúng ta sử dụng hàng ngày.

Tuy nhiên, người dùng Bitcoin không cần phải tin tưởng lẫn nhau. Người dùng chỉ cần tin tưởng vào công nghệ của Bitcoin, đã được chứng minh là rất đáng tin cậy và an toàn và bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy mã nguồn mở. Proof of Work là cơ chế minh bạch mà mọi người đều có thể tự xác minh và kiểm tra. Rõ ràng là cơ chế tạo ra sự đồng thuận gần như không bao giờ bị lỗi đã đem lại giá trị cho Bitcoin.


Giá trị về tính khan hiếm của Bitcoin

Bitcoin có nguồn cung hạn chế là 21.000.000 BTC. Sẽ không có thêm một BTC nào một khi các thợ đào Bitcoin khai thác đồng coin cuối cùng vào khoảng năm 2140. Mặc dù nguồn cung các loại hàng hóa truyền thống như vàng, bạc và dầu có hạn, nhưng chúng ta vẫn tìm ra nguồn dự trữ mới hàng năm. Việc tìm ra nguồn dự trữ mới như vậy sẽ gây khó khăn khi muốn tính toán chính xác độ khan hiếm của chúng. 
Một khi chúng ta đã đào tất cả BTC, về lý thuyết, Bitcoin sẽ giảm phát. Khi người dùng mất hoặc đốt coin, nguồn cung sẽ giảm và có khả năng dẫn đến tình trạng tăng giá. Vì lý do này, những người nắm giữ nhận thấy tính khan hiếm của Bitcoin đem lại nhiều giá trị.
Tính khan hiếm của Bitcoin cũng dẫn đến mô hình Stock to Flow nổi tiếng. Mô hình này cố gắng dự đoán giá trị tương lai của BTC dựa trên hoạt động đào Bitcoin hằng năm và tổng trữ lượng. Khi được kiểm định, mô hình này dự đoán khá chính xác đường cong giá mà chúng ta đã thấy cho đến nay. Theo mô hình này, động lực chính thúc đẩy giá Bitcoin là tính khan hiếm. Bằng cách tìm ra mối tương quan tiềm tàng giữa giá và tính khan hiếm, người nắm giữ nhận thấy việc sử dụng Bitcoin làm phương tiện lưu trữ giá trị sẽ đem lại giá trị. Chúng ta sẽ đi sâu hơn vào khái niệm này ở cuối bài viết.


Giá trị về tính bảo mật của Bitcoin

Khi xét đến chức năng bảo vệ khoản đầu tư, không có nhiều lựa chọn cung cấp khả năng bảo mật như Bitcoin. Nếu bạn làm theo các phương pháp hay nhất, tiền của bạn sẽ cực kỳ an toàn. Tại các nước phát triển, bạn có thể dễ dàng coi tính bảo mật mà ngân hàng đem lại là điều đương nhiên. Nhưng với nhiều người, các tổ chức tài chính không thể cung cấp cho họ mức độ bảo vệ mà họ cần và việc nắm giữ một lượng lớn tiền mặt có thể rất rủi ro.

Các cuộc tấn công bằng mã độc vào mạng lưới Bitcoin đòi hỏi phải sở hữu trên 51% công suất đào hiện tại, khiến việc điều phối ở quy mô này gần như là không thể. Xác suất thành công của một cuộc tấn công Bitcoin là cực kỳ thấp và ngay cả nếu xảy ra, nó cũng sẽ không tồn tại lâu.

Những mối đe dọa thực sự khi lưu trữ BTC là:

  1. Các cuộc tấn công gian lận và lừa đảo
  2. Làm mất khóa riêng tư
  3. Lưu trữ BTC trong một lưu ký bị xâm phạm mà bạn không sở hữu khóa riêng tư
Bằng cách làm theo các phương pháp hay nhất để đảm bảo sự cố trên không xảy ra, bạn sẽ đạt được mức độ bảo mật vượt xa cả ngân hàng. Nhưng điều tuyệt vời nhất là bạn không phải trả tiền để tiền mã hóa của mình luôn an toàn. Không giống như ngân hàng, không có hạn mức hằng ngày hoặc hằng tháng. Bitcoin cho phép bạn toàn quyền kiểm soát tiền của mình.


Bitcoin là phương tiện lưu trữ giá trị

Hầu hết những đặc điểm mô tả ở trên cũng khiến Bitcoin trở thành phương tiện lưu trữ giá trị phù hợp. Kim loại quý, đô la Mỹ và trái phiếu chính phủ là những lựa chọn truyền thống hơn. Tuy nhiên, Bitcoin đang trở nên nổi tiếng như một dạng vàng kỹ thuật số và giải pháp thay thế hiện đại. Điều kiện để trở thành phương tiện lưu trữ giá trị hiệu quả gồm:
  1. Tính bền vững: Chừng nào vẫn còn máy tính duy trì mạng lưới, thì Bitcoin vẫn bền vững 100%. BTC không thể phá hủy như tiền mặt và trên thực tế còn bền hơn tiền pháp định và kim loại quý.
  2. Tính di động: Là đồng tiền kỹ thuật số, Bitcoin cực kỳ dễ di chuyển. Bạn chỉ cần có kết nối Internet và khoá riêng tư là có thể tiếp cận số BTC mà bạn nắm giữ từ bất cứ nơi đâu.
  3. Tính phân chia: Mỗi BTC có thể chia thành 100.000.000 satoshi , cho phép người dùng thực hiện giao dịch ở mọi quy mô.
  4. Tính có thể thay thế: Mỗi BTC hoặc satoshi đều có thể hoán đổi cho nhau. Đặc tính này cho phép tiền mã hoá có thể dùng làm phương tiện trao đổi giá trị với những đồng tiền khác trên toàn cầu.
  5. Tính khan hiếm: Sẽ chỉ có 21.000.000 BTC tồn tại và hàng triệu BTC đã bị mất vĩnh viễn. Nguồn cung Bitcoin hạn chế hơn nhiều so với các đồng tiền pháp định lạm phát có nguồn cung tăng lên theo thời gian.
  6. Khả năng chấp nhận: BTC đã được chấp nhận rộng rãi làm phương thức thanh toán cho cá nhân và công ty và ngành công nghiệp blockchain đang tiếp tục phát triển từng ngày.
Nếu bạn muốn khám phá thêm chủ đề này, hãy xem bài viết Bitcoin có phải là phương tiện lưu trữ giá trị không?.


Tổng kết

Thật không may, không có câu trả lời duy nhất và ngắn gọn cho câu hỏi tại sao Bitcoin lại có giá trị. Tiền mã hóa có những đặc tính quan trọng của nhiều loại tài sản có giá trị, như kim loại quý và tiền pháp định, nhưng không phù hợp với một khuôn mẫu dễ xác định. Nó hoạt động giống như tiền nhưng không có sự hỗ trợ của chính phủ và khan hiếm như một loại hàng hóa dù là tài sản kỹ thuật số. 

Sự thiếu hiểu biết và hiểu lầm đã khiến một số người đặt câu hỏi liệu Bitcoin có bất kỳ giá trị nào hay không. Khi người ta sử dụng những cụm từ như "lừa đảo" và "đa cấp", thật dễ dàng nhận thấy một số người có nỗi sợ hãi vô căn cứ. Tuy nhiên, sau cùng, Bitcoin chạy trên một mạng lưới cực kỳ an toàn và cộng đồng, nhà đầu tư cũng như trader đều tin tưởng đồng tiền mã hóa này có giá trị đáng kể.