Trong cuốn sách của mình - Tiền Động Lực Học và Siêu Lạm Phát - nhà kinh tế học Philip Cagan đã chỉ ra rằng các thời kỳ siêu lạm phát thường xảy ra khi giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng lên hơn 50% trong vòng 1 tháng. Ví dụ, khí giá một túi gạo tăng từ $10 lên $15 trong vòng 30 ngày, và từ $15 lên $22,5 trong tháng tiếp theo, thì ở đây chúng ta đã có siêu lạm phát. Và nếu chiều hướng này tiếp diễn, giá một túi gạo có thể đạt ngưỡng $114 trong vòng 6 tháng, và hơn $1,000 trong vòng 1 năm.
Tuy nhiên, rất hiếm khi tỷ lệ siêu lạm phát luôn được giữ cố định ở mức 50%. Trong hầu hết các trường hợp, các tỷ lệ này thường gia tốc nhanh đến nỗi mà giá cả hàng hóa và dịch vụ khác nhau có thể tăng một cách chóng mặt chỉ trong 1 ngày, có khi là vài giờ. Hậu của của nó chính là, niềm tin của người tiêu dùng bị giảm sút, kéo theo là giá trị đồng tiền của quốc gia cũng bị giảm sút theo. Cuối cùng, siêu lạm phát sẽ tạo ra hiệu ứng domino, các doanh nghiệp phải đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nguồn thu từ thuế bị thu hẹp. Các thời kỳ siêu lạm phát nổi tiếng nhất trong lịch sử từng xảy ra tại Đức, Venezuela và Zimbabuê, ngoài ra còn có ở một số nước như Hungary, Yugoslavia, Hy Lạp và nhiều quốc gia khác.
Siêu lạm phát ở Đức
Một ví dụ nổi tiếng nhất về siêu lạm phát đã diễn ra tại nước Cộng hòa Weimar Đức sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nước Đức đã đi vay một số tiền khổng lồ để phục vụ cho chiến tranh, với niềm tin tuyệt đối rằng họ sẽ dành phần thắng trong cuộc chiến và sẽ thu được chiến phí từ phía phe Đồng Minh để trả lại các khoản nợ kia. Tuy nhiên, họ không chỉ thua trận mà còn phải chịu thêm hàng tỷ đô la tiền chiến phí nữa.
Mặc dù nguyên nhân dẫn tới siêu lạm phát ở Đức vẫn còn gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên một số nguyên nhân được công nhận gồm có đầu tiên là sự sụp đổ của chế độ bản vị vàng, đền bù chiến phí và việc in tiền vô tội vạ. Quyết định chấm dứt chế độ bản vị vàng lúc bắt đầu chiến tranh mang ý nghĩa rằng lượng tiền trong lưu thông sẽ không phải chịu ràng buộc với khối lượng vàng dự trữ của quốc gia đó nữa. Bước đi gây tranh cãi này đã dẫn tới việc sụt giá đồng tiền của Đức, buộc phe Đồng Minh phải đòi hỏi chiến phí phải được trả bằng bất cứ loại tiền tệ nào cũng được, trừ đồng Mác Đức. Nước Đức đã đáp trả lại động thái này bằng cách in ra một số lượng tiền giấy khổng lồ để mua lại ngoại tệ, làm cho giá trị đồng Mác Đức càng trở nền thải hại hơn bao giờ hết.
Một số thời điểm trong thời kỳ này, tỷ lệ lạm phát đã từng giữ mức tăng trưởng hơn 20% một ngày. Đồng tiền tệ của Đức trở nên vô giá trị đến nỗi mà người ta còn mang đi đốt thay củi để sưởi ấm, vì củi còn đắt hơn!
Siêu lạm phát ở Venezuela
Venezuela, đất nước với trữ lượng dầu mỏ cực lớn đã duy trì được một nền kinh tế ổn định trong suốt thế kỷ 20. Tuy nhiên, tình trạng thừa thãi quá mức về nguồn cung dầu vào những năm 1980 do quản lý kinh tế yếu kém và tham nhũng vào đầu thế kỷ 21 đã tạo ra khủng hoảng lớn về chính trị và nền kinh tế xã hội. Cuộc khủng hoảng chính thức nổ ra vào năm 2010, và hiện đang là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.
Tỷ lệ lạm phát ở Venezuela tăng một cách chóng mặt, từ khoảng 69% năm 2014 lên tới 181% vào năm 2015. Thời kỳ siêu lạm phát bắt đầu vào năm 2016, đánh dấu bằng việc tỷ lệ lạm phát đạt mức 800% vào cuối năm, và sau đó là 4,000% năm 2017 và tới đầu năm 2019 đã đạt mức hơn 2,600,000%.
Năm 2018, tổng thống Nicolás Maduro tuyên bố đồng tiền tệ mới (Đồng Boliva Chủ Quyền) sẽ được phát hành để chống chọi lại lạm phát, thay thế cho đồng Boliva hiện hành với tỷ giá quy đổi 1/100,000. Từ đó, 100,000 boliva sẽ đổi được 1 Boliva Chủ Quyền. Tuy nhiên, độ hiệu quả của nỗ lực này vẫn mang lại một dấu hỏi lớn. Nhà kinh tế học Steve Hanke chỉ ra rằng bỏ đi một vài số 0 chỉ mang ý nghĩa “trang trí” và “không có giá trị gì cả trừ khi phải thay đổi toàn bộ chính sách kinh tế”.
Siêu lạm phát ở Zimbabue
Sau khi giành độc lập vào năm 1980, nền kinh tế của Zimbabue giữ được mức ổn định trong những năm đầu. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Robert Mugabe đã phát động một chương trình vào năm 1991 với tên gọi ESAP (Chương trình điều chỉnh cấu trúc kinh tế), đây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế Zimbabue. Song song với ESAP, việc cải cách ruộng đất do chính quyền thực hiện cũng gây ra tình trạng khan hiếm lương thực, là nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng lớn về kinh tế xã hội.
Đồng đô-la Zimbabue (ZWN) bắt đầu cho thấy sự bất ổn vào cuối những năm 1990, và các thời kỳ siêu lạm phát bắt đầu xảy ra vào đầu những năm 2000. Tỷ lệ lạm phát thường niên đạt mức 624% vào năm 2004, 1,730% vào năm 2006 và chạm mức 231,150,888% vào tháng 7 năm 2008. Do việc ngân hàng trung ương quốc gia này không cung cấp đầy đủ dữ liệu, nên con số thống kê về tỷ lệ này từ sau tháng 7 chỉ có thể dựa trên ước tính.
Theo các tính toán của giáo sư Steve H. Hanke, siêu lạm phát của Zimbabue đã đạt đỉnh vào tháng 11 năm 2008, với tỷ lệ lạm phát hàng năm là 89,7x1021 %, tương đương với 79,6 tỷ % mỗi tháng, hay 98% một ngày.
Zimbabue là đất nước đầu tiên trải qua siêu lạm phát trong thế kỷ 21 và hiện đang nắm giữ kỷ lục là thời kỳ lạm phát tồi tệ thứ 2 trong lịch sử (sau Hungary). Năm 2008, đồng ZWN chính thức bị loại bỏ, thay thế giao dịch bằng các đồng ngoại tệ khác.
Việc sử dụng tiền mã hóa
Do Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác không bị phụ thuộc vào các hệ thống tập trung, nên giá trị của nó không bị quyết định bởi chính phủ hay các tổ chức tài chính. Công nghệ blockchain đảm bảo rằng việc phát hành các đồng coin mới buộc phải tuân theo lịch trình định sẵn và mỗi đơn vị tiền tệ đều mang tính duy nhất, không bị làm giả.
Đây chính là các lý do làm cho tiền mã hóa đang ngày càng trở nên phổ biến - đặc biệt là ở các nước đang phải đối mặt với siêu lạm phát như Venezuela và Zimbabue. Hiện tại ở Zimbabue, các hoạt động thanh toán ngang hàng bằng tiền mã hóa số đang ngày càng sôi nổi hơn bao giờ hết.
Kết Luận
Mặc dù các ví dụ về siêu lạm phát là không nhiều và rải rác, nhưng rõ ràng là chỉ cần một giai đoạn bất ổn tương đối ngắn trong chính trị xã hội có thể nhanh chóng dẫn tới việc sụt giảm giá trị của tiền tệ truyền thống. Thâm hụt xuất khẩu của một quốc gia cũng có thể là một nguyên nhân gây ra tình trạng này. Một khi đồng tiền bị mất giá trị, thì giá cả đã tăng phi mã, cuối cùng sẽ tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn. Nhiều chính phủ đã nỗ lực ngăn chặn vấn đề này bằng cách in thêm tiền, nhưng chỉ riêng phương pháp này đã được thực tế chứng minh là vô tác dụng và chỉ có thể làm cho giá trị đồng tiền ngày càng đi xuống mà thôi. Cần lưu ý rằng khi niềm tin vào một loại tiền tệ truyền thống giảm xuống, thì niềm tin vào tiền mã hóa sẽ có xu hướng gia tăng. Đây có thể là một ám chỉ nào đó trong tương lai khi mà tiền tệ được khái quát và nhận xét dưới góc nhìn toàn cầu hóa.