Dự trữ theo tỷ lệ là gì?
Trang chủ
Bài viết
Dự trữ theo tỷ lệ là gì?

Dự trữ theo tỷ lệ là gì?

Người mới
Đã đăng Jan 21, 2019Đã cập nhật Aug 3, 2023
5m

Dự trữ theo tỷ lệ là một hệ thống ngân hàng cho phép các ngân hàng thương mại kiếm lời bằng việc cho vay một phần từ tiền gửi khách hàng, trong đó chỉ một phần nhỏ các khoản tiền gửi này được dự trữ dưới dạng tiền mặt để phục vụ nhu cầu rút tiền của khách hàng. Trên thực tế, hệ thống ngân hàng như vậy có khả năng tạo ra tiền từ chính các khoản tiền gửi của khách tại ngân hàng.

Nói cách khác, các ngân hàng này chỉ phải dự trữ một tỷ lệ tối thiểu (a fraction) trên tổng số tiền được gửi vào các tài khoản tài chính của họ, đồng nghĩa với việc họ có thể sử dụng số tiền còn lại để cho vay. Khi ngân hàng thực hiện một khoản cho vay, cả ngân hàng và người vay tiền đều xem khoản vay này là một dạng tài sản, từ đó khối lượng ban đầu đã được nhân lên 2 lần xét về mặt kinh tế. Khoản tiền này sau đó sẽ được tái sử dụng, tái đầu tư và tái cho vay thêm nhiều lần tạo ra hiệu ứng cấp số nhân, và cuối cùng hình thành phương thức “tạo ra tiền mới” của hệ thống ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ.

Vay và nợ là một phần của hệ thống ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ, và để các ngân hàng thương mại có khả năng cung cấp tiền mặt cho nhu cầu rút của khách hàng, thì thông thường phải có một ngân hàng trung tâm làm nhiệm vụ đẩy tiền tệ mới vào lưu thông. Phần lớn các ngân hàng trung tâm cũng kiêm luôn nhiệm vụ quản lý, có quyền quyết định yêu cầu mức dự trữ tối thiểu, và nhiều chức năng khác. Hiện nay, hầu hết các cơ quan tài chính của các quốc gia đều áp dụng hệ thống ngân hàng này, phổ biến nhất ở Mỹ và rất nhiều các quốc gia tự do mậu dịch. 

 

Sự Hình Thành của Hệ Thống Ngân Hàng Dự Trữ Theo Tỷ Lệ

Hệ thống này ra đời vào khoảng năm 1668, cũng chính là năm Ngân hàng Riksbank Thụy Điển (Sveriges) - ngân hàng trung tâm đầu tiên trên thế giới được thành lập. Tuy nhiên, các dạng cơ bản của hệ thống ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ đã được sử dụng từ trước đó. Ý tưởng cho rằng các khoản tiền gửi có thể tự sinh lời và phát triển, dùng các khoản vay để kích thích kinh tế rất nhanh chóng đã trở nên cực kỳ phổ biến. Việc sử dụng các nguồn lực có sẵn để khuyến khích chi tiêu thực sự có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với việc đem tích trữ trong kho. 

Sau khi Thụy Điển hoàn thành được một vài khâu để có thể chính thức áp dụng được, thì từ đó cấu trúc dự trữ tỷ lệ này được đón nhận và phát triển một cách nhanh chóng. 2 ngân hàng trung tâm được thành lập tại Mỹ, lần lượt vào các năm 1791 và 1816, tuy nhiên cả hai đều không tồn tại được lâu. Năm 1913, Đạo luật Dự trữ Liên bang chính thức thành lập Ngân hàng Dự trữ Liên Bang Mỹ, hiện nay là Ngân hàng Trung ương Mỹ. Mục tiêu chính của các tổ chức tài chính này gồm có ổn định, tối đa hóa và dự báo kinh tế dựa theo các chỉ số giá tiêu dùng, lao động và lãi suất.

Cách thức hoạt động

Giả sử, khi một khách hàng gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của họ, thì số tiền đó sẽ không còn là tài sản của họ nữa, ít nhất về mặt trực quan. Chủ sở hữu hiện tại chính là ngân hàng, và để đổi lại, họ trao lại cho khách hàng một tài khoản tiền gửi có số dư khả dụng. Điều ngày có nghĩa là vị khách hàng đó vấn có quyền truy cập đến số dư trong tài khoản đó bất cứ khi nào họ muốn miễn là tuân thủ đúng theo các quy định và quy trình mà ngân hàng đã đặt ra. 

Tuy nhiên, khi ngân hàng tiếp nhận quyền sở hữu số tiền gửi đó, họ sẽ không dự trữ lại toàn bộ. Thay vào đó, chỉ có một phần nhỏ trong số tiền gửi được dự trữ lại (một tỷ lệ dự trữ). Tỷ lệ này thông thường dao động từ 3%-10%, số tiền còn lại sẽ được sử dụng vào các khoản cho vay dành cho các khách hàng khác. 


Xét ví dụ sau, ta sẽ dễ dàng nhận thấy cách thức các khoản vay này “đẻ” ra tiền mới: 

  1. Khách A gửi $50,000 vào Ngân hàng 1. Ngân hàng 1 cho Khách B vay $45,000.
  2. Khách B gửi $45,000 vào Ngân hàng 2. Ngân hàng 2 cho Khách C vay $40,500.
  3. Khách C gửi $40,500 vào Ngân hàng 3. Ngân hàng 3 cho Khách D vay $36,450.
  4. Khách D gửi $36,450 vào Ngân hàng 4. Ngân hàng 3 cho Khách E vay $32,805.
  5. Khách E gửi $32,805 vào Ngân hàng 5. Ngân hàng 3 cho Khách F vay $29,525.

Với yêu cầu tỷ lệ dự trữ là 10%, khoản tiền gửi $50,000 ban đầu đã tăng lên thành khoản tiền $234,280 khả dụng, là tổng cộng tất cả các khoản tiền gửi của khách hàng. Đây chỉ là một ví dụ hết sức đơn giản về cách thức tạo ra tiền theo hiệu ứng cấp số nhân của các ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ.

Cần nhớ rằng quy trình này dựa trên nguyên lý nợ. Các tài khoản tiền gửi đại diện cho số tiền mà ngân hàng nợ khách hàng của họ (nghĩa vụ nợ), và các khoản cho vay có lãi suất sẽ mang lại phần lớn doanh thu cho ngân hàng, và nó cũng chính là tài sản của ngân hàng. Nói một cách đơn giản, ngân hàng sẽ kiếm được tiền khi nó tạo ra nhiều tài sản cho vay hơn là nợ tài khoản tiền gửi. 


Đột biến rút tiền gửi (Bank runs)

Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra khi tất cả mọi người có tài khoản tiền gửi tại một ngân hàng nào đó đồng loạt muốn rút hết số tiền gửi của họ? Sự kiện này được gọi là “đột biến rút tiền gửi”, và vì ngân hàng chỉ phải dự trữ một phần trên tổng số tiền gửi của khách hàng, khi đó có vẻ như các nghĩa vụ tài chính của nó sẽ không thể nào thực hiện được.  

Điều kiện tiên quyết để hệ thống ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ có thể hoạt động được đó là tất cả khách hàng không được đồng thời rút toàn bộ tiền gửi của họ. Mặc dù sự kiện này đã từng xảy ra trong quá khứ, nhưng đó không phải là hành vi thông thường của khách hàng. Bình thường, chỉ khi nào khách hàng thấy rằng ngân hàng gặp phải vấn đề thực sự nghiêm trọng thì họ mới tìm cách rút hết tiền gửi của mình. 

Tại Mỹ, cuộc Đại Suy Thoái là một ví dụ điển hình về sức tàn phá khủng khiếp gây ra bởi tình trạng rút tiền gửi ồ ạt. Ngày nay, dự trữ ngân hàng là một trong các phương pháp được sử dụng để giảm thiểu khả năng xảy ra sự kiện này. Một số ngân hàng thường đặt ra mức dự trữ cao hơn mức yêu cầu tối thiểu để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu rút tiền của khách hàng. 


Ưu và nhược điểm của hệ thống này

Trong hệ thống sinh lợi cao như vậy, ngân hàng là người hưởng hầu hết các ưu điểm của nó, tuy nhiên, khách hàng cũng sẽ được hưởng lợi một phần nhỏ bằng phần lãi suất họ nhận được trên khoản tiền gửi của họ. Chính phủ, là một phần trong hình thái này, thường biện hộ rằng hệ thống ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ sẽ khuyến khích chi tiêu, giúp ổn định và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học tin rằng hình thái dự trữ theo tỷ lệ là không bền vững và khá rủi ro - đặc biệt nếu chúng ta xem xét trong bối cảnh hệ thống tiền tệ hiện tại được áp dụng ở phần lớn các quốc gia đều dựa trên hình thức tín dụng/nợ mà không phải tiền thật. Hệ thống kinh tế chúng ta đang có phụ thuộc vào một tiền đề là con người phải tin tưởng tuyệt đối vào cả ngân hàng và tiền pháp định - phương tiện thanh toán hợp pháp được chính phủ thiết lập. 


Ngân hàng Dự trữ theo Tỷ lệ và Tiền mã hóa

Trái ngược với hệ thống tiền pháp định, Bitcoin là một loại tiền số phi tập trung, đặt nền móng cho một hình thái kinh tế mới hoạt động theo một phương pháp hoàn toàn khác biệt. 

Cũng giống như phần lớn các loại tiền mã hóa, Bitcoin được duy trì bằng các node mạng phân tán. Toàn bộ dữ liệu được bảo mật bằng các bằng chứng mật mã và được ghi lại trên một sổ cái phân tán công khai được gọi là blockchain. Do đó, tiền mã hóa không cần ngân hàng trung tâm, và cũng không có sự can thiệp của chính phủ. 

Ngoài ra, số lượng Bitcoin được phát hành là có hạn với lượng cung tối đa là 21 triệu đơn vị, một khi số lượng này được khai thác hết, sẽ không có thêm đơn vị Bitcoin mới nào được sinh ra nữa. Do đó, điều kiện hoàn cảnh ở đây là hoàn toàn khác biệt, không có cái gọi là dự trữ theo tỷ lệ trong thế giới của Bitcoin và tiền mã hóa. 

Chia sẻ bài đăng
Đăng ký tài khoản
Áp dụng kiến thức vào thực tế bằng cách mở tài khoản Binance ngay hôm nay.