Quỹ Chỉ Số Tiền Mã Hóa Là Gì?
Trang chủ
Bài viết
Quỹ Chỉ Số Tiền Mã Hóa Là Gì?

Quỹ Chỉ Số Tiền Mã Hóa Là Gì?

Trung cấp
Đã đăng Dec 9, 2022Đã cập nhật Aug 24, 2023
5m

Tóm lược

Quỹ chỉ số tiền mã hóa được lấy ý tưởng từ các quỹ chỉ số truyền thống — một phương tiện đầu tư được thiết kế để theo dõi hiệu suất của một chỉ số thị trường được chỉ định — và thay thế các tài sản cơ bản hay cổ phiếu của công ty bằng các token tiền mã hóa.

Giới thiệu

Để hiểu các quỹ chỉ số tiền mã hóa, bạn cần phải làm quen với các chỉ số thị trường. Tóm lại, chỉ số thị trường là một cách sử dụng dữ liệu để theo dõi và đo lường hiệu suất của thị trường chứng khoán, hoặc một nhóm công ty cụ thể và các cổ phiếu liên quan của họ.

Quỹ chỉ số tiền mã hóa chỉ đơn giản lấy ý tưởng về một quỹ chỉ số truyền thống và thay thế các tài sản cơ bản bằng các token tiền mã hóa, thay vì cổ phiếu của công ty. Tuy nhiên, các quỹ chỉ số tiền mã hóa vẫn là một sự phát triển mới và hiện có rất ít quỹ chỉ số dạng này.

Quỹ chỉ số truyền thống là gì?

Trước khi xem xét các quỹ chỉ số tiền mã hóa, tốt nhất bạn nên hiểu cơ bản về các quỹ chỉ số truyền thống (Traditional Index Fund). Nói một cách đơn giản nhất, quỹ chỉ số là một danh mục đầu tư được thiết kế để theo dõi một rổ tài sản cơ bản cụ thể. 

Cụ thể hơn, quỹ chỉ số truyền thống thường được mô tả là một loại quỹ tương hỗ được cấu trúc để phù hợp với thành phần và hoạt động của một chỉ số thị trường tài chính cụ thể, chẳng hạn như S&P 500 hoặc Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones.

 Vậy quỹ tương hỗ là gì? Điều gì thúc đẩy các thị trường tài chính? 

Quỹ tương hỗ là một công cụ tài chính để mọi người gom tiền của họ lại với nhau và tạo thành một quỹ được quản lý, quỹ này sau đó tìm cách kiếm lợi nhuận cho những người tham gia bằng cách đầu tư vào các tài sản như cổ phiếu và trái phiếu. Danh mục đầu tư của quỹ tương hỗ được thiết lập để phù hợp với các mục tiêu đầu tư nhất định do quỹ và người quản lý của quỹ thiết lập. 

Trong khi đó, chỉ số thị trường là một cách sử dụng dữ liệu để theo dõi và đo lường hiệu suất của thị trường chứng khoán hoặc một phần của thị trường chứng khoán. S&P 500, Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và FTSE 100 đều là những ví dụ về chỉ số thị trường.

  • S&P 500 theo dõi hiệu suất cổ phiếu của 500 công ty giao dịch công khai lớn và quan trọng ở Hoa Kỳ.

  • Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones theo dõi hiệu suất cổ phiếu của 30 công ty đặc biệt nổi bật được niêm yết tại Hoa Kỳ.

  • FTSE 100 theo dõi hiệu suất cổ phiếu của 100 công ty lớn nhất theo vốn hóa thị trường trên Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn.  

Và do đó, trong trường hợp quỹ chỉ số, danh mục đầu tư được thiết lập để bắt chước thành phần của một chỉ số thị trường cụ thể (do quỹ chỉ định). Mục tiêu của quỹ chỉ đơn giản là phù hợp với hiệu suất của chỉ số thị trường nói chung.

Trong khi đó, quỹ tương hỗ là nơi danh mục đầu tư được thiết kế bởi người quản lý quỹ dựa trên quan điểm của họ về những gì nên tích cực đầu tư vào — mục tiêu là vượt trội so với thị trường.

Ưu và nhược điểm của quỹ chỉ số truyền thống

Các quỹ chỉ số được biết đến như một chiến lược đầu tư thụ động mang lại lợi nhuận phù hợp với thị trường chứng khoán rộng lớn hơn. Mục tiêu không phải là đánh bại các chuyển động của thị trường mà chỉ đơn giản là sao chép các chuyển động của chỉ số thị trường. Các nghiên cứu cho thấy quỹ thụ động có xu hướng hoạt động tốt hơn quỹ chủ động trong dài hạn.

Do đó, một trong những lợi thế chính của quỹ chỉ số là chúng được cho là mang lại kết quả dài hạn tốt hơn so với các quỹ được quản lý tích cực. Ví dụ: lợi nhuận trung bình hàng năm của S&P 500 từ năm 1957 (khi chỉ số này lần đầu tiên được mở rộng để bao gồm 500 cổ phiếu) cho đến cuối năm 2021 là 11,88%. 

Một quỹ chỉ số cũng đa dạng hóa danh mục đầu tư vì về cơ bản nó được tạo thành từ nhiều phần nhỏ của mọi công ty trong chỉ số. Điều này có nghĩa là khoản đầu tư của bạn không phụ thuộc vào sự thành công của một công ty đơn lẻ mà theo dõi hiệu suất của toàn bộ chỉ số nói chung. Nói tóm lại, một quỹ chỉ số cung cấp khả năng tiếp cận thị trường rộng hơn. 

Ngoài ra, vì một quỹ chỉ số chỉ sao chép thành phần của chỉ số mà nó đang theo dõi, nên cấu trúc danh mục đầu tư của bạn hiếm khi thay đổi, điều này dẫn đến chi phí vận hành và giao dịch thấp hơn cũng như phí thấp hơn.

Tuy nhiên, nhược điểm là nó có rất ít tính linh hoạt. Một quỹ được quản lý tích cực có thể loại bỏ các cổ phiếu hoạt động kém và với sự quản lý tốt sẽ vượt trội so với thị trường rộng lớn hơn. Nếu chỉ số đi xuống, một quỹ chỉ số cũng sẽ bị lỗ, trong khi một quỹ được quản lý tích cực vẫn có thể mang lại lợi nhuận trong thời kỳ suy thoái.

Quỹ Chỉ Số Tiền Mã Hóa Là Gì?

Bây giờ bạn đã biết quỹ chỉ số truyền thống là gì và có thể dễ dàng hình dung quỹ chỉ số tiền mã hóa. Có rất nhiều sự phát triển trong lĩnh vực tiền mã hóa như các bản cập nhật Web3 trên các thị trường và quỹ chỉ số tiền mã hóa cũng không ngoại lệ. Quỹ chỉ số tiền mã hóa lấy ý tưởng và cấu trúc của một quỹ chỉ số truyền thống và thay thế các tài sản cơ bản bằng các token tiền mã hóa thay vì cổ phiếu và trái phiếu của công ty.

Ví dụ: Quỹ chỉ số S&P 500 đầu tư số tiền gộp vào quỹ vào một rổ cổ phiếu đại diện cho 500 công ty trên chỉ số thị trường S&P 500. Trong khi đó, một quỹ chỉ số tiền mã hóa sẽ đầu tư số tiền đặt vào đó vào một rổ các loại tiền mã hóa khác nhau.

Nói một cách đơn giản, quỹ chỉ số tiền mã hóa là một phương tiện đầu tư mà bạn có thể đầu tư vào một quỹ, quỹ này sẽ đầu tư số tiền đó vào một chỉ số cụ thể của tiền mã hóa. Khi làm như vậy, quỹ chỉ số tiền mã hóa cung cấp quyền truy cập vào danh mục tài sản kỹ thuật số đa dạng mà bạn không cần phải mua từng token trong quỹ riêng lẻ.

Quỹ chỉ số tiền mã hóa có gì khác biệt?

Tất nhiên, sự khác biệt chính giữa quỹ chỉ số truyền thống và quỹ chỉ số tiền mã hóa vẫn là loại tài sản mà chúng đầu tư. 

Một điểm khác biệt chính nữa là thị trường tiền mã hóa có thể gặp nhiều biến động hơn so với thị trường truyền thống. Kết quả là các quỹ chỉ số tiền mã hóa có thể trải qua biến động giá lớn hơn so với các quỹ chỉ số truyền thống, vì vậy ai đó đầu tư vào quỹ chỉ số tiền mã hóa có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn nhưng cũng có thể bị lỗ nhiều hơn.

Bên cạnh rủi ro và phần thưởng tiềm ẩn cao hơn, sự khác biệt khác cần lưu ý giữa quỹ chỉ số truyền thống và tiền mã hóa là số lượng sản phẩm có sẵn và khả năng tiếp cận cơ bản dễ dàng cho người tiêu dùng. Có hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn quỹ chỉ số truyền thống có sẵn, theo dõi tất cả các loại chỉ số thị trường khác nhau. Tuy nhiên, các quỹ chỉ số tiền mã hóa vẫn là một sự phát triển tương đối mới, nên hiện có rất ít quỹ đã ra mắt công chúng.

Tổng kết

Khi lĩnh vực tiền mã hóa tiếp tục phát triển và trưởng thành, có khả năng chúng ta sẽ thấy nhiều quỹ chỉ số tiền mã hóa ra đời và trở thành cơ hội đầu tư cho người dùng phổ thông. Các quỹ này sẽ dần phổ biến trong giao dịch truyền thống và phù hợp với nhiều nhà giao dịch. Tiền mã hóa tiếp tục vươn tới những "lãnh địa" mới và thu hút nhiều người dùng nhơn, vì vậy các quỹ chỉ số dành cho tiền mã hóa có thể sẽ dần trở nên phổ biến trong tương lai.

Đọc thêm: