Nâng Cấp The Merge Trên Ethereum: Tất Cả Những Gì Bạn Cần Biết
Trang chủ
Bài viết
Nâng Cấp The Merge Trên Ethereum: Tất Cả Những Gì Bạn Cần Biết

Nâng Cấp The Merge Trên Ethereum: Tất Cả Những Gì Bạn Cần Biết

Trung cấp
Đã đăng Sep 1, 2022Đã cập nhật Dec 23, 2022
8m


TL;DR

Mạng chính Ethereum sẽ sớm chuyển từ Cơ chế đồng thuận Proof of Work sang Proof of Stake trong một bản nâng cấp có tên là The Merge (Hợp nhất). The Merge là một phần trong một loạt các nâng cấp lớn của hệ sinh thái Ethereum, bao gồm The Surge, The Verge, The Purge và The Splurge. Mục tiêu của những nâng cấp này là làm cho Ethereum có thể mở rộng và tiết kiệm năng lượng hơn. The Merge sẽ kết hợp mạng chính Ethereum với Chuỗi Beacon sử dụng Bằng chứng cổ phần và dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 năm 2022. 

Giới thiệu

Kể từ khi ra mắt vào năm 2015, Ethereum đã thiết lập vị trí của mình trong ngành công nghiệp blockchain như một nền tảng máy tính phi tập trung phổ biến, cho phép hàng nghìn dự án được tạo ra trên blockchain của nó. Mặc dù Ethereum vẫn là một trong những blockchain được biết tới nhiều nhất; nhưng với cơ sở hạ tầng hiện tại, Ethereum không thể mở rộng quy mô hoạt động để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu. Để chống lại việc thiếu khả năng mở rộng, đội ngũ Ethereum đã đề xuất một loạt các nâng cấp để tạo ra một blockchain Ethereum mạnh mẽ hơn. Những nâng cấp này là Beacon Chain, The Merge, The Surge, The Verge, The Purge và The Splurge.

Tại sao Ethereum cần nâng cấp?

Các blockchain thường được thiết kế với nguyên tắc cốt lõi là phi tập trung, thay vì dựa vào một cơ quan trung ương. Lợi ích của blockchain phi tập trung bao gồm: Không cần cấp quyền, không cần niềm tin và an toàn hơn nhờ khả năng chống lại các điểm lỗi duy nhất. 

Khi các blockchain ngày càng phổ biến, các nền tảng phải đảm bảo rằng chúng có thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu về tốc độ xử lý giao dịch, còn được gọi là nhu cầu về khả năng mở rộng. Nếu không làm như vậy, mạng có khả năng tắc nghẽn - dung lượng blockchain bị quá tải bởi số lượng giao dịch đang chờ xử lý. Thông thường, điều này sẽ dẫn đến phí giao dịch cao hơn. 

Tuy nhiên, việc đạt được tính bảo mật và khả năng mở rộng có thể trở nên khó khăn nếu các blockchain muốn duy trì bản chất phi tập trung của chúng. Vấn đề này được giải thích bởi khái niệm về ba vấn đề liên quan đến khả năng mở rộng do Vitalik Buterin đề xuất. Ba vấn đề này mô tả thách thức của việc cân bằng ba thuộc tính quan trọng – khả năng mở rộng, bảo mật và phi tập.

Như Vitalik Buterin thừa nhận, mạng Ethereum trước khi hợp nhất không thể đáp ứng các tiêu chí về khả năng mở rộng do cơ chế đồng thuận của nó - Proof of Work. Một blockchain Proof of Work có xu hướng khó mở rộng hơn bởi một số lý do. Thứ nhất, số lượng giao dịch mà một khối có thể xác thực trong mỗi khối bị giới hạn. Thứ hai, các khối phải được đào với tốc độ không đổi. 

Ví dụ: Bitcoin được thiết kế để có các khối được đào trung bình 10 phút một lần, trong đó độ khó khai thác được điều chỉnh tự động bởi giao thức. Mặc dù thiết kế của Bitcoin có tính bảo mật cao, nhưng thời gian khối kết hợp với giới hạn giao dịch trên mỗi khối có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn mạng trong thời gian nhu cầu giao dịch tăng lên. Điều này thường khiến phí giao dịch và thời gian xác nhận tăng lên đáng kể.

Để khắc phục những hạn chế như vậy của PoW, đội ngũ Ethereum đã đề xuất một bộ nâng cấp được gọi là Ethereum 2.0 (ETH 2.0).

Nâng cấp Ethereum: Tổng quan toàn bộ quá trình

Các bản nâng cấp Ethereum 2.0 gồm: Beacon Chain (đã được triển khai), The Merge (sắp ra mắt), The Surge, The Verge, The Purge và The Splurge. Sau khi tất cả các bản nâng cấp đã được triển khai, blockchain Ethereum mới dự kiến sẽ có khả năng mở rộng, an toàn và bền vững hơn, trong khi vẫn giữ được tính phi tập trung.

Beacon Chain

Nâng cấp này từng được gọi là là Giai đoạn 0. Beacon Chain đánh dấu lần nâng cấp đầu tiên trong chuỗi các nâng cấp lớn của Ethereum. Chuỗi Beacon được ra mắt vào ngày 01/12/2020 và nó mang cơ chế đồng thuận Proof of Stake vào hệ sinh thái Ethereum. Người dùng có thể tương tác với Beacon Chain theo hai cách: stake trên ETH hoặc chạy một ứng dụng khách đồng thuận để tham gia bảo mật mạng. Chuỗi Beacon hiện đang chạy song song với mạng chính Ethereum.

The Merge

The Merge (hợp nhất) là bước quan trọng tiếp theo để Ethereum giải quyết các vấn đề về khả năng mở rộng. Nói một cách đơn giản, nó tích hợp hai chuỗi độc lập hiện có trong hệ sinh thái Ethereum: lớp thực thi và lớp đồng thuận (Beacon Chain). 

Mạng chính Ethereum dự kiến sẽ hợp nhất vào hệ thống Proof of Stake do Beacon Chain điều phối vào tháng 9 năm 2022. Sau The Merge, hệ sinh thái sẽ chỉ sử dụng cơ chế Proof of Stake để bảo mật mạng của nó.

Cơ chế đồng thuận

Khi sự kiện hợp nhất xảy ra, cơ chế đồng thuận Proof of Work của Ethereum sẽ được thay thế bằng Proof of Stake. Thay vì đào, các khối sẽ được đúc (hoặc rèn) bởi các node được gọi là các trình xác thực. Một node được chỉ định ngẫu nhiên theo định kỳ để xác nhận một khối ứng viên. Những trình xác thực này được khuyến khích làm như vậy bằng một khoản phí giao dịch và phần thưởng stake. Vì không có node nào cạnh tranh để thêm một khối mới, PoS chiếm ít tài nguyên hơn đáng kể so với PoW, giúp cho mạng phát triển bền vững hơn.

Các giao dịch mạng chính

Hiện tại, Beacon Chain chỉ xử lý một phần các giao dịch mạng. Với The Merge, Beacon Chain sẽ là điểm lõi tạo ra sự đồng thuận.

“Sau khi Hợp nhất, Beacon Chain sẽ là công cụ đồng thuận cho tất cả dữ liệu mạng, bao gồm các giao dịch lớp thực thi và số dư tài khoản.” –Ethereum.org

Token

Lịch sử giao dịch của Ethereum sẽ được hợp nhất với Beacon Chain, nhưng đồng tiền ether (ETH) sẽ vẫn như cũ. ETH sẽ vẫn có thể được truy cập được sau The Merge và người dùng token ETH không bắt buộc phải thực hiện bất kỳ hành động nào để chuẩn bị cho việc nâng cấp.

Mô hình hiện tại có khả năng phân phối khoảng 13.000 ETH mỗi ngày bằng phần thưởng đào và phần thưởng stake. Sau khi The Merge được triển khai, sẽ không còn phần thưởng đào, từ đó giảm việc phát hành ETH mới xuống còn khoảng 1.600 ETH mỗi ngày và chỉ còn thông qua phần thưởng stake. 

Ngoài The Merge còn có điều gì khác?

Mặc dù không có thông báo chính thức về các nâng cấp Ethereum khác nhưng The Surge, The Verge, The Purge và The Splurge, Sharding chắc chắn đang trong quá trình thực hiện và dự kiến diễn ra vào khoảng năm 2023 sau The Merge.

Sharding

Ethereum sẽ tăng khả năng mở rộng với mô hình sharding để tăng thông lượng, từ đó có khả năng giảm chi phí và thời gian giao dịch. Sharding mang tới các chuỗi phân đoạn, tương tự như các blockchain thông thường - ngoại trừ việc mỗi chuỗi chỉ chứa một phần dữ liệu blockchain. Nhờ vào tập hợp con dữ liệu cụ thể được cung cấp bởi chuỗi phân đoạn, các node có thể xác minh các giao dịch hiệu quả hơn.

Sharding là một giải pháp mở rộng quy mô đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực để thực hiện. Tuy nhiên, nó có thể là một trong những chiến thắng lớn nhất của blockchain về khả năng mở rộng nếu được thực hiện tốt, cho phép Ethereum lưu trữ và truy cập dữ liệu tốt hơn. 

Quá trình Sharding sẽ là một quá trình gồm nhiều giai đoạn, với chuỗi phân đoạn của phiên bản 1 sẽ giúp cung cấp thêm dữ liệu cho mạng và chuỗi phân đoạn phiên bản 2 sẽ giúp lưu trữ và thực thi code. Giao tiếp chéo giữa cả hai phiên bản sẽ được kích hoạt. 

Đối với các nâng cấp khác, vẫn chưa có gì được đặt ra. Trong một tweet, Vitalik Buterin đã nói rõ quan điểm của mình rằng các nâng cấp ở trên không nên được xem là các giai đoạn, vì chúng là các nâng cấp chạy song song với The Merge. Người đọc nên đăng ký Binance BlogBinance Academy để biết thêm thông tin cập nhật, theo dõi The Merge và các nâng cấp Ethereum tiếp theo.

Tại sao có rất nhiều giải pháp mở rộng quy mô?

Có vẻ như Ethereum đang chuẩn bị cho một tương lai xa, trong đó có việc đảm bảo xử lý lượng lớn giao dịch khi nó được áp dụng hàng loạt. Càng có nhiều giải pháp, thì khả năng tắc nghẽn mạng tổng thể càng giảm. Ngoài ra, điều này cũng có thể ngăn chặn các điểm lỗi đơn lẻ nếu một giải pháp mở rộng quy mô được xem là không đáp ứng đủ. Có một số giải pháp mở rộng quy mô, không chỉ để tăng tốc độ mạng và thông lượng giao dịch mà còn giúp người dùng tránh được phí giao dịch cao.

Tác động của The Merge đối với ETH

Là một trong những dự án blockchain thế hệ thứ hai nổi bật nhất, Ethereum đã ra mắt với nguồn cung ban đầu là 72 triệu ether (ETH). Theo mô hình PoW ban đầu, một phần lớn nguồn cung token ETH này được sử dụng để khuyến khích các thợ đào bảo mật mạng.

Khi chuyển sang PoS, phần thưởng thợ đào sẽ không còn được trao nữa. Do đó, sẽ có mức giảm ròng khoảng 90% trong việc phát hành ETH hàng năm. Nếu quy luật cung và cầu diễn ra, điều này có thể dẫn đến sự tăng giá của ETH. Tuy nhiên, thị trường tài chính không thể đoán trước và chưa đựng đầy biến động do các yếu tố khác tác động.

Tác động của The Merge đối với BETH

BETH là một phiên bản được token hóa của ETH đã tham gia stake trên Binance. Theo The Merge, những thợ đào sẽ không thể kiếm được phần thưởng Proof of Work nữa. Thay vào đó, những trình xác thực sẽ được thưởng bằng phần thưởng stake cũng như phí giao dịch đã được cung cấp cho những thợ đào trước The Merge. Ngoài ra, các trình xác thực sẽ nhận được một phần phần thưởng Giá trị có thể trích xuất tối đa (MEV) sau khi hợp nhất và APR sẽ tăng lên khi BETH áp dụng khái niệm này. Do đó, tỷ lệ phần trăm hàng năm (APR) dự kiến sẽ tăng lên đáng kể. 

Tác động của The Merge đối với người dùng và các sản phẩm của Binance

Đối với các chủ sở hữu token ETH và người dùng Binance, hầu hết các sản phẩm của Binance sẽ không bị ảnh hưởng. Nếu có, sẽ chỉ là việc hủy bỏ dịch vụ đào với ETH trên Binance và việc tạm dừng cho vay, gửi và rút ETH trong giây lát.

Nếu bạn là người nắm giữ ETH, bạn có thể đọc bài blog Điều gì sẽ xảy ra với Ethereum của tôi sau The Merge để chuẩn bị cho sự kiện này.

Tổng kết

The Merge là sự kiện thứ hai trong một loạt các nâng cấp quan trọng đối với mạng Ethereum. Nó được đề xuất để giúp Ethereum tăng khả năng mở rộng. Sau khi hoàn thành tất cả các nâng cấp được liệt kê, Ethereum có thể sẽ sẵn sàng để đảm nhận nhiều giao dịch hơn mà không ảnh hưởng đến khả năng bảo mật hay sự phi tập trung.


Cảnh báo rủi ro: Giá tài sản kỹ thuật số chịu sự ảnh hưởng lớn của rủi ro thị trường và biến động giá. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể giảm xuống cũng như tăng lên và bạn có thể không nhận lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất nào bạn có thể phải chịu. Hiệu suất trong quá khứ không phải là chỉ số đáng tin cậy để xác định hiệu suất trong tương lai. Bạn chỉ nên đầu tư vào những sản phẩm quen thuộc và hiểu rõ những rủi ro liên quan. Bạn nên xem xét cẩn thận kinh nghiệm đầu tư, tình hình tài chính, mục tiêu đầu tư và khả năng chấp nhận rủi ro của mình đồng thời tham khảo ý kiến của cố vấn tài chính độc lập trước khi thực hiện bất kỳ khoản đầu tư nào. Tài liệu này không nên được hiểu là lời khuyên tài chính. Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo Điều khoản sử dụngCảnh báo rủi ro của chúng tôi.