Validium là gì và chúng hoạt động như thế nào?
Trang chủ
Bài viết
Validium là gì và chúng hoạt động như thế nào?

Validium là gì và chúng hoạt động như thế nào?

Trung cấp
Đã đăng May 24, 2024Đã cập nhật Jun 26, 2024
6m

Các điểm chính

  • Validium là giải pháp mở rộng quy mô cho Ethereum, chuyên xử lý các giao dịch ngoài chuỗi trong khi sử dụng bằng chứng zero-knowledge để đảm bảo tính hợp lệ của giao dịch.

  • Validium giúp xử lý giao dịch hiệu quả bằng cách sử dụng các operator để nhóm các giao dịch lại thành lô và xác thực các giao dịch, từ đó giảm phí lưu trữ dữ liệu trên chuỗi và phí gas.

  • Mặc dù mang lại những lợi ích như tăng tốc độ giao dịch và nâng cao sự riêng tư nhưng validium cũng gặp phải những thách thức, chẳng hạn như rủi ro về tính khả dụng của dữ liệu và các mối lo ngại tiềm ẩn về mô hình tập trung. 

Giới thiệu

Trong những năm qua, công nghệ blockchain đã được cải tiến đáng kể nhưng khả năng mở rộng vẫn là một trong những vấn đề nổi cộm. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về validium, cơ chế hoạt động của validium và cách validium nâng cao khả năng mở rộng của Ethereum.

Validium là gì?

Validium là giải pháp mở rộng quy mô cho Ethereum, sử dụng khả năng tính toán và tính khả dụng của dữ liệu ngoài chuỗi để xử lý các giao dịch hiệu quả hơn. Không giống như các zero-knowledge rollup (zk-rollup) vốn lưu trữ một số dữ liệu trên chuỗi, validium để các giao dịch ngoài chuỗi trong khi sử dụng bằng chứng zero-knowledge (ZKP) để xác minh tính hợp lệ của giao dịch.

Validium hoạt động như thế nào?

Validium hoạt động bằng cách thực hiện giao dịch bên ngoài mainnet của Ethereum, sử dụng hợp đồng thông minh trên Ethereum để đảm bảo tính hợp lệ và tính toàn vẹn của giao dịch. Hãy cùng xem qua một số khía cạnh chính của validium.

Giao dịch

Khi người dùng muốn thực hiện giao dịch bằng validium, họ sẽ gửi giao dịch đó đến một operator. Operator là các node chịu trách nhiệm thực hiện giao dịch trên chuỗi validium. Operator có thể là một thực thể đơn lẻ hoặc một nhóm thực thể được chọn thông qua hệ thống bằng chứng cổ phần (PoS). 

Operator nhóm các giao dịch lại thành một lô rồi xử lý các giao dịch này ngoài chuỗi. Sau khi lô đã sẵn sàng, operator sử dụng một hệ thống đặc biệt gọi là mạch chứng minh để tạo một bằng chứng cho thấy các giao dịch đã được thực hiện chính xác.

Cam kết về trạng thái

Hãy tưởng tượng trạng thái (bản ghi tất cả các tài khoản và số dư trên tài khoản) của Validium giống như một cái cây lớn, được gọi là cây Merkle. Gốc của cây này – được gọi là gốc trạng thái – giống như một dấu vân tay đại diện cho toàn bộ trạng thái. Gốc trạng thái này được lưu trữ trên Ethereum. 

Khi xử lý giao dịch, operator sẽ cập nhật gốc trạng thái để phản ánh số dư và trạng thái tài khoản mới. Sau đó, operator gửi gốc trạng thái mới này cùng với bằng chứng cho thấy mọi thứ đã được thực hiện chính xác đến mainnet của Ethereum. 

Không giống như zk-rollup, nhà sản xuất khối trên validium không cần phải công bố tất cả thông tin giao dịch trên Ethereum. Nếu Ethereum xác minh bằng chứng, trạng thái mới được chấp nhận và validium được cập nhật.

Nạp và rút tiền

Người dùng có thể nạp tiền từ Ethereum vào validium bằng cách gửi ETH hoặc các token khác đến một hợp đồng đặc biệt trên Ethereum. Hợp đồng sẽ truyền số tiền nạp này tới validium ngoài chuỗi và ghi có vào tài khoản ngoài chuỗi của người dùng. 

Khi rút lại tiền về Ethereum, người dùng sẽ gửi một yêu cầu rút tiền cho operator. Operator này đưa yêu cầu này vào một lô (batch) và sau khi lô được xác minh trên Ethereum, người dùng có thể rút tiền của mình.

Validium và khả năng tương thích với EVM

Ứng dụng đơn giản 

Validium hiệu quả với các ứng dụng đơn giản, chẳng hạn như hoán đổi token và thanh toán do validium có thể nhanh chóng xử lý nhiều giao dịch mà không cần phải lưu trữ tất cả dữ liệu trên mainnet của Ethereum. Do đó, validium là lựa chọn lý tưởng với các ứng dụng có giao dịch đơn giản và không yêu cầu tính toán phức tạp. 

Những thách thức với hợp đồng thông minh 

Hợp đồng thông minh là các chương trình chạy trên blockchain và thường liên quan đến các hoạt động phức tạp. Validium gặp khó khăn với hợp đồng thông minh vì việc chứng minh rằng các hoạt động phức tạp đã được thực hiện chính xác đòi hỏi nhiều công suất tính toán hơn. Điều này làm cho validium gặp khó khăn hơn trong việc hỗ trợ nhiều chức năng mà hợp đồng thông minh có thể cung cấp. 

Giải pháp tiềm năng

Một số dự án đang tìm cách để làm cho validium tương thích nhiều hơn với chức năng hợp đồng thông minh của Ethereum. Có một phương pháp là tạo ra các phiên bản ngôn ngữ lập trình đặc biệt như Solidity (được sử dụng để viết hợp đồng thông minh Ethereum) vốn được tối ưu hóa cho validium. Tuy nhiên, điều này có thể bị hạn chế vì nó có thể không hỗ trợ tất cả các tính năng của môi trường lập trình Ethereum thông thường.

Lợi ích của validium

Hiệu năng

Validium có thể xử lý tới 9.000 giao dịch mỗi giây (TPS), giúp giảm bớt công việc lưu trữ dữ liệu và tính toán cho mainnet của Ethereum. Điều này rất quan trọng với các ứng dụng như sàn giao dịch phi tập trung (DEX), nơi mà tốc độ và hiệu quả chi phí rất quan trọng.

Giảm chi phí

Validium có thể giảm đáng kể phí gas bằng cách không đăng dữ liệu giao dịch trên chuỗi, nhờ đó chi phí giao dịch của người dùng thấp hơn.

Tăng cường bảo mật

Với khả năng lưu trữ dữ liệu ngoài chuỗi, validium có thể tăng sự riêng tư cho các giao dịch và cung cấp một lớp bảo mật bổ sung mà không ảnh hưởng đến khả năng mở rộng quy mô.

Những thách thức của validium

Rủi ro về tính khả dụng của dữ liệu

Sự phụ thuộc của Validium vào tính khả dụng của dữ liệu ngoài chuỗi cũng gây ra rủi ro. Nếu operator hoặc người quản lý tính khả dụng của dữ liệu giữ lại dữ liệu giao dịch thì việc tạo bằng chứng cần thiết để người dùng rút tiền có thể không khả thi.

Rủi ro tập trung hóa

Nhu cầu về phần cứng chuyên dụng để tạo ra bằng chứng về tính hợp lệ có thể dẫn đến sự tập trung hóa. Nếu chỉ một số thực thể có đủ khả năng cung cấp tài nguyên cần thiết thì các thực thể đó có thể thống trị mạng lưới, làm suy yếu tính chất phi tập trung của nó.

Tổng kết

Validium là giải pháp mở rộng quy mô được thiết kế để nâng cao mạng lưới Ethereum bằng cách xử lý các giao dịch ngoài chuỗi mà vẫn đảm bảo tính toàn vẹn của giao dịch thông qua bằng chứng zero-knowledge. Bằng cách giải quyết các mặt hạn chế của mô hình lưu trữ dữ liệu trên chuỗi, các validium có thể cải thiện thông lượng giao dịch, đánh dấu một bước quan trọng hướng tới việc giải quyết vấn đề mở rộng quy mô của blockchain.

Đọc thêm:

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và hướng dẫn, không phải là sự cam đoan hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không nên coi nội dung này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác, cũng như khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên cho mình từ các cố vấn chuyên môn phù hợp. Trong trường hợp bài viết do cộng tác viên bên thứ ba đóng góp, xin lưu ý rằng những quan điểm được đưa ra thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Không nên coi tài liệu này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem qua Điều khoản sử dụngCảnh báo rủi ro.