Các điểm chính
Bitcoin là loại tiền mã hóa đầu tiên từng được tạo ra. Bitcoin được tạo ra vào năm 2008 và ra mắt vào năm 2009 bởi người có biệt danh là Satoshi Nakamoto.
Bitcoin chạy trên công nghệ blockchain - hoạt động giống như một sổ cái công khai. Tất cả các giao dịch Bitcoin được xác minh bởi một mạng lưới các node trải rộng trên toàn thế giới.
Bitcoin là một đồng tiền phi tập trung, minh bạch và có mã nguồn mở. Những đặc tính này khiến Bitcoin trở thành một giải pháp thay thế phổ biến cho các hệ thống tài chính truyền thống.
Bitcoin là gì?
Về cơ bản, Bitcoin là tiền kỹ thuật số. Bitcoin là loại tiền mã hóa đầu tiên từng được tạo ra, được công bố vào năm 2008 (và ra mắt vào năm 2009). Bitcoin cho phép người dùng gửi và nhận tiền kỹ thuật số gọi là đồng bitcoin (chữ b viết thường hoặc viết tắt là BTC).
Không giống như các loại tiền pháp định truyền thống do chính phủ phát hành (như đô la hoặc euro), Bitcoin có tính phi tập trung, nghĩa là không chịu sự kiểm soát của bất kỳ tổ chức, chính phủ hoặc pháp nhân đơn lẻ nào. Các giao dịch được thực hiện ngang hàng (P2P), không cần đến các ngân hàng hay tổ chức tài chính đóng vai trò trung gian.
Điều khiến Bitcoin trở nên hấp dẫn là khả năng chống kiểm duyệt vốn có của đồng tiền này, đặc tính không thể lặp chi và khả năng thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi.
Bitcoin hoạt động như thế nào?
Bitcoin hoạt động trên công nghệ blockchain, một sổ cái công khai ghi lại tất cả các giao dịch. Điều này nghĩa là mọi giao dịch Bitcoin đều minh bạch, có thể xác minh và an toàn.
Hãy tưởng tượng blockchain như một chuỗi các block, trong đó mỗi block đều chứa thông tin về các giao dịch. Mỗi khi ai đó sử dụng Bitcoin, giao dịch của họ sẽ được thêm vào blockchain và hồ sơ này được lưu trữ trên một mạng lưới máy tính toàn cầu (được gọi là các node).
Mạng lưới phân bổ này đảm bảo rằng không bên nào có thể thao túng dữ liệu. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào hệ sinh thái bằng cách tải xuống phần mềm mã nguồn mở của Bitcoin.
Phi tập trung: Blockchain của Bitcoin được duy trì bởi một mạng lưới máy tính phân bổ, đảm bảo không có cơ quan trung ương nào kiểm soát sổ cái.
Tính bất biến: Sau khi thêm một giao dịch vào blockchain, không ai có thể thay đổi hoặc xóa giao dịch này.
Bảo mật: Các giao dịch được mã hóa bằng mật mã và việc xác minh từng block đòi hỏi phải giải các câu đố toán học phức tạp. Quá trình này được gọi là đào.
Ví dụ về giao dịch BTC
Khi Alice gửi giao dịch BTC cho Bob, cơ sở dữ liệu blockchain sẽ cập nhật số dư của họ (ví dụ: trừ 1 BTC từ số dư của Alice và thêm 1 BTC vào số dư của Bob). Việc này giống như Alice đang viết trên một tờ giấy (mà mọi người đều có thể thấy) rằng cô ấy sẽ gửi cho Bob 1 BTC.
Khi Bob gửi số tiền tương tự cho Carol, mạng lưới có thể dễ dàng kiểm tra xem anh ta có đủ số dư BTC hay không. Blockchain này hoạt động giống như một sổ cái kỹ thuật số theo dõi tất cả các giao dịch Bitcoin và cập nhật số dư của người dùng.
Do mạng lưới có tính phi tập trung nên tất cả những bên tham gia (các node) đều có một bản sao cơ sở dữ liệu giống hệt nhau (sổ cái blockchain) được lưu trữ trên các thiết bị của họ. Vì vậy, các node phải giao tiếp liên tục để đồng bộ hóa thông tin mới.
Đào Bitcoin
Đào Bitcoin là quá trình bảo mật mạng lưới Bitcoin và xác nhận các giao dịch. Khi người dùng thực hiện một giao dịch BTC, họ sẽ phát giao dịch lên mạng lưới, nơi giao dịch được xác minh bởi các node khác gọi là "thợ đào".
Nói cách khác, đào là quá trình xác minh các giao dịch và ghi lại các giao dịch này vào cơ sở dữ liệu blockchain (sổ cái). Để làm được như vậy, các thợ đào cạnh tranh để giải quyết một vấn đề toán học phức tạp, đòi hỏi nhiều sức mạnh tính toán.
Thợ đào đầu tiên giải được câu đố sẽ thêm được một block giao dịch mới vào blockchain. Đổi lại, họ được thưởng bằng các bitcoin mới. Chi phí đào cao là một trong những yếu tố giữ an toàn cho mạng lưới và phần thưởng khối trao cho những thợ đào là nguồn bitcoin "mới" duy nhất. Mỗi block được đào sẽ thêm một lượng coin nhất định vào nguồn cung token.
Proof of Work (PoW)
Để duy trì tính bảo mật và tính toàn vẹn của blockchain, Bitcoin sử dụng cơ chế đồng thuận gọi là Bằng chứng xử lý (PoW). Cơ chế này là một phần thiết yếu của quá trình đào được mô tả ở trên.
Bằng chứng xử lý (PoW) là một cơ chế được tạo ra cùng với Bitcoin để ngăn chặn việc lặp chi trong các hệ thống thanh toán kỹ thuật số. Bên cạnh Bitcoin, nhiều loại tiền mã hoá sử dụng PoW như một phương pháp để bảo mật mạng lưới blockchain của mình.
Khi chúng ta nói về một "vấn đề toán học phức tạp" mà các thợ đào phải giải quyết, về cơ bản chúng ta đang nói về PoW. PoW được thiết kế để việc tạo block trở nên tốn kém, nhưng việc xác minh block hợp lệ lại rẻ. Giả sử ai đó cố gắng gian lận bằng một block không hợp lệ. Trong trường hợp đó, mạng lưới ngay lập tức từ chối block đó và thợ đào không thể thu hồi chi phí đào.
Bitcoin dùng để làm gì?
Bitcoin chủ yếu được sử dụng như một loại tiền kỹ thuật số và lưu trữ giá trị. Bitcoin có thể được sử dụng để mua hàng trực tuyến hoặc trực tiếp, tương tự như các loại tiền tệ truyền thống. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp chấp nhận Bitcoin làm phương thức thanh toán. Từ các nhà bán lẻ trực tuyến đến các cửa hàng truyền thống.
Bạn cũng có thể sử dụng Bitcoin để gửi tiền cho bất kỳ ai trên toàn cầu một cách nhanh chóng và với phí giao dịch tương đối thấp so với các ngân hàng và dịch vụ chuyển tiền truyền thống.
Là một khoản đầu tư, nhiều người mua Bitcoin với hy vọng giá trị của nó sẽ tiếp tục tăng. Mặc dù giá BTC có thể biến động, nhưng một số nhà đầu tư coi đó là cách để đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình và phòng ngừa lạm phát trong dài hạn.
Ai đã tạo ra Bitcoin?
Bitcoin được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2008 khi Satoshi Nakamoto xuất bản một sách trắng có tựa đề "Bitcoin: Hệ thống tiền mặt điện tử ngang hàng" ("Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System"). Sách trắng này đã giới thiệu một loại tiền kỹ thuật số mới, hoạt động trên một hệ thống phi tập trung mà không cần dựa vào chính phủ hoặc hệ thống ngân hàng.
Vào tháng 1/2009, giao thức Bitcoin đã được phát hành và giao dịch bitcoin đầu tiên diễn ra giữa Satoshi Nakamoto và một lập trình viên tên là Hal Finney. Trong giao dịch này, Nakamoto đã gửi 10 bitcoin cho Finney.
Sau giao dịch đầu tiên, nhiều người bắt đầu tìm hiểu về Bitcoin và tham gia vào mạng lưới này. Đồng tiền kỹ thuật số này đã trở nên phổ biến trong một cộng đồng nhỏ những người đam mê công nghệ bằng cách chứng minh rằng Bitcoin có thể hoạt động mà không cần cơ quan trung ương hoặc trung gian.
Bitcoin Pizza là một cột mốc quan trọng khác trong lịch sử của Bitcoin, vì nó đánh dấu lần đầu tiên bitcoin được sử dụng làm phương tiện trao đổi cho một giao dịch trong thế giới thực. Vào ngày 22/05/2010, một lập trình viên tên Laszlo Hanyecz đã tạo nên lịch sử khi sử dụng 10.000 bitcoin để mua hai chiếc bánh pizza. Giao dịch này được gọi là "Ngày Bitcoin Pizza" và hiện được kỷ niệm hàng năm vào ngày 22/05.
Satoshi Nakamoto Là Ai?
Danh tính của Satoshi Nakamoto vẫn còn là một bí ẩn. Satoshi có thể là một người hoặc một nhóm các nhà phát triển ở bất cứ đâu trên thế giới. Cái tên Satoshi có nguồn gốc từ Nhật Bản, nhưng sự thành thạo tiếng Anh của Satoshi đã khiến nhiều người tin rằng người đó đến từ một quốc gia nói tiếng Anh.
Có phải Satoshi đã phát minh ra công nghệ blockchain?
Bitcoin kết hợp nhiều công nghệ hiện có đã tồn tại trong một thời gian dài, bao gồm cả công nghệ blockchain. Việc sử dụng các cấu trúc dữ liệu bất biến có thể bắt nguồn từ đầu những năm 1990, khi Stuart Haber và W. Scott Stornetta đề xuất một hệ thống đóng dấu thời gian cho các tài liệu. Giống như các blockchain ngày nay, Bitcoin sử dụng các kỹ thuật mã hóa để bảo mật dữ liệu và ngăn chặn việc sử dụng dữ liệu giả mạo. Nhưng Bitcoin là sáng kiến mang tính cách mạng khi giải quyết vấn đề lặp chi đang gây khó khăn cho các hệ thống thanh toán kỹ thuật số khác vào thời điểm đó.
Có bao nhiêu Bitcoin?
Giao thức đặt nguồn cung bitcoin tối đa ở mức 21 triệu coin. Tính đến tháng 9/2024, số lượng bitcoin đã được đào chiếm hơn 94% nguồn cung tối đa, nhưng sẽ mất hơn 100 năm để sản xuất số còn lại. Điều này là do các sự kiện định kỳ gọi là Bitcoin halving, được tổ chức khoảng mỗi bốn năm một lần để giảm phần thưởng đào.
Bitcoin Halving là gì?
Bitcoin halving là các sự kiện halving định kỳ làm giảm phần thưởng khối được cung cấp cho các thợ đào. Đợt Bitcoin halving tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2028, khoảng bốn năm sau đợt halving gần nhất diễn ra vào ngày 19/4/2024.
Bitcoin halving là hoạt động cốt lõi trong mô hình kinh tế của Bitcoin vì nó đảm bảo rằng các coin được phát hành với tốc độ ổn định, trở nên ngày càng khó khăn với tốc độ có thể dự đoán được. Tỷ lệ lạm phát tiền tệ được kiểm soát là một trong những điểm khác biệt chính giữa Bitcoin và các loại tiền pháp định truyền thống có nguồn cung vô hạn.
Bitcoin có an toàn không?
Một trong những rủi ro chính liên quan đến Bitcoin là khả năng bị hack và trộm cắp. Ví dụ: trong các trò lừa đảo tấn công giả mạo, tin tặc sử dụng các kỹ thuật tấn công phi kỹ thuật để lừa người dùng tiết lộ thông tin đăng nhập hoặc khóa riêng tư của họ. Khi tin tặc có quyền truy cập vào tài khoản hoặc ví tiền mã hóa của người dùng, chúng có thể chuyển bitcoin của nạn nhân sang ví của mình.
Một cách khác mà tin tặc có thể dùng để đánh cắp bitcoin là thông qua các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại hoặc ransomware. Tin tặc có thể lây nhiễm phần mềm độc hại vào máy tính hoặc thiết bị di động của người dùng, cho phép chúng truy cập vào ví Bitcoin của họ. Trong một số trường hợp, tin tặc cũng có thể sử dụng ransomware để mã hóa các tệp của người dùng và yêu cầu thanh toán bằng bitcoin để mở khóa tệp.
Bởi vì các giao dịch bitcoin là không thể đảo ngược và không được đảm bảo bởi bất kỳ cơ quan chính phủ nào, người dùng phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ số bitcoin họ nắm giữ. Điều này bao gồm việc sử dụng mật khẩu mạnh, xác thực hai yếu tố (2FA) và lưu trữ bitcoin trong một ví tiền mã hóa an toàn mà tin tặc không thể truy cập được. Một điều quan trọng nữa là chỉ tải xuống phần mềm liên quan đến Bitcoin từ các nguồn đáng tin cậy.
Một rủi ro khác liên quan đến bitcoin là biến động giá. Giá trị của bitcoin có thể dao động mạnh trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này khiến bitcoin trở thành một khoản đầu tư rủi ro cho những người không chuẩn bị cho biến động giá và khả năng thua lỗ.
Tổng kết
Bitcoin đã đi được một chặng đường dài từ khởi đầu khiêm tốn, phát triển thành một loại tiền mã hóa được công nhận trên toàn cầu với nhiều trường hợp sử dụng. Cho dù bạn đang cân nhắc sử dụng Bitcoin cho các giao dịch hàng ngày, đầu tư cho tương lai hay chỉ đơn giản là quan tâm đến công nghệ đằng sau đồng tiền này, việc hiểu cách hoạt động của Bitcoin là điều cần thiết.
Tương lai của Bitcoin vẫn đang được viết tiếp, nhưng rõ ràng Bitcoin sẽ tồn tại lâu dài. Khi ngày càng có nhiều công ty chấp nhận Bitcoin và nhiều người sử dụng Bitcoin để đầu tư hơn, Bitcoin tiếp tục thay đổi cách nhìn nhận của mọi người về tiền bạc.
Đọc thêm:
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm và Cảnh báo rủi ro: Nội dung này được trình bày với bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và chia sẻ kiến thức, không có bất cứ hình thức cam đoan hay bảo đảm nào. Không nên coi đây là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Nội dung này cũng không nhằm khuyến nghị mua bất cứ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên dành riêng cho mình từ các cố vấn chuyên nghiệp phù hợp. Trong trường hợp bài viết có sự đóng góp từ cộng tác viên bên thứ ba, xin lưu ý rằng những quan điểm đó thuộc về cộng tác viên bên thứ ba đó và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào mà bạn có thể gặp phải. Không nên coi đây là tài liệu tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụng và Cảnh báo rủi ro của chúng tôi.