Tóm lược
Tiền tiết kiệm là phần thu nhập không dùng để chi trả cho các chi phí trước mắt và được dành riêng để sử dụng trong tương lai.
Tiết kiệm là một thói quen cần thiết giúp đảm bảo tương lai tài chính của bạn, cho phép bạn đạt được mục tiêu của mình, đảm bảo an toàn trước những tình huống không lường trước được và tăng cường kỷ luật tài chính.
Một vài chiến lược tiết kiệm đơn giản nhưng hiệu quả bao gồm lập ngân sách thu chi, thiết lập tiết kiệm tự động và giảm chi phí đồng thời tăng thu nhập của bạn.
Bạn có thể cân nhắc đầu tư vào tiền mã hóa để tiết kiệm như một cách để có danh mục đầu tư đa dạng, vì một số coin hàng đầu đã cho thấy khả năng mang lại lợi suất lớn. Nhưng bạn nên thận trọng và hiểu rõ những rủi ro liên quan khi đầu tư tiền mã hóa.
Tiền tiết kiệm là gì?
Trong tài chính cá nhân, tiền tiết kiệm là phần thu nhập không dùng để chi trả cho các chi phí trước mắt và được dành riêng để sử dụng trong tương lai.
Số tiền này có thể được giữ dưới nhiều hình thức khác nhau như tiền mặt, tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư vào các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, tài khoản hưu trí và tiền mã hóa. Mục tiêu của tiết kiệm là bảo toàn và gia tăng tài sản theo thời gian cho các mục tiêu tài chính, trường hợp khẩn cấp hoặc hưu trí trong tương lai.
Tại sao tiết kiệm lại quan trọng?
Tiết kiệm đóng vai trò quan trọng trong tài chính cá nhân, tình trạng tài chính tổng thể và sự đảm bảo về tài chính của bạn. Tiết kiệm là một thói quen cần thiết giúp đảm bảo tương lai tài chính của bạn, đảm bảo an toàn trước những tình huống không lường trước được và tăng cường kỷ luật tài chính.
Bạn có thể hiểu tầm quan trọng của tiết kiệm theo những cách sau:
1. Quỹ cứu trợ khẩn cấp
Tiết kiệm có thể mang lại sự an toàn tài chính trong trường hợp phát sinh những chi phí bất ngờ như cấp cứu hoặc mất thu nhập đột ngột. Khoản đệm này cho phép bạn trang trải chi phí mà không cần dùng đến những lựa chọn vay lãi suất cao như thẻ tín dụng hoặc vay nợ.
2. Độc lập về tài chính
Tiết kiệm thường xuyên có thể giúp bạn đạt được độc lập tài chính theo thời gian. Tiết kiệm giúp bạn có thể tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống như thay đổi công việc, tiếp tục theo học hoặc thậm chí nghỉ hưu sớm mà không bị căng thẳng về tài chính. Bạn cũng có thể đạt được những mục tiêu tài chính cá nhân của mình, cho dù đó là mua nhà, khởi nghiệp, chi trả tiền học cho con hay lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ mơ ước.
3. Kế hoạch nghỉ hưu
Bạn có thể không còn thu nhập thường xuyên khi nghỉ hưu. Vì vậy, điều quan trọng là các cá nhân phải tích lũy đủ tiền tiết kiệm để duy trì một cuộc sống thoải mái. Bạn bắt đầu tiết kiệm cho hưu trí càng sớm, tiền của bạn càng có nhiều thời gian để sinh sôi.
4. Khuyến khích kỷ luật
Việc thực hành tiết kiệm thường xuyên nâng cao kỷ luật tài chính và kỹ năng quản lý tiền bạc. Việc tiết kiệm yêu cầu bạn phải tạo ngân sách và ưu tiên những khoản phí thiết yếu, từ đó thúc đẩy thói quen tài chính lành mạnh.
Những chiến lược hiệu quả để tăng tiền tiết kiệm của bạn
Chiến lược tiết kiệm là những kế hoạch và kỹ thuật giúp các cá nhân để dành một phần thu nhập của họ để sử dụng trong tương lai.
Dưới đây là một số chiến lược tiết kiệm phổ biến:
1. Lập ngân sách thu chi
Ngân sách cung cấp cái nhìn rõ ràng về thu nhập và chi tiêu của bạn. Ngân sách giúp xác định bạn đang tiêu tiền vào đâu và bạn có thể cắt giảm những khoản nào. Số tiền tiết kiệm được từ việc cắt giảm các chi phí không cần thiết sau đó có thể được chuyển sang tiết kiệm.
Bạn có thể bắt đầu quá trình này bằng cách theo dõi chi tiết số tiền bạn kiếm được và chi tiêu trong một vài tháng. Chi phí bạn “cần” là tiền thuê nhà, tiền tiện ích và chi phí cho thực phẩm còn chi phí bạn “muốn” là chi phí đi ăn ngoài và giải trí. Bạn có thể dùng bảng tính, nhưng có nhiều ứng dụng có thể tự động liên kết với tài khoản ngân hàng và các danh mục chi tiêu cho bạn.
Hãy coi quy tắc 50/30/20 là cơ sở để lập ngân sách: 50% thu nhập của bạn dành cho những gì bạn cần, 30% dành cho những gì bạn muốn và 20% dành cho tiết kiệm. Tất nhiên, bạn có thể điều chỉnh tỷ lệ này bằng cách phân bổ ít tiền cho những gì bạn muốn và nhiều tiền cho tiết kiệm hơn, từ đó tăng số tiền tiết kiệm của bạn nhanh hơn.
2. Thiết lập các mục tiêu tài chính cụ thể
Các mục tiêu tiết kiệm của bạn phải SMART: Cụ thể (Specific), có thể đo lường (Measurable), có thể đạt được (Achievable), phù hợp (Relevant) và có thời hạn (Time-bound). Ví dụ: thay vì nói "Tôi muốn tiết kiệm để mua một căn nhà", bạn nên lập kế hoạch như "Tôi muốn tiết kiệm 50.000 USD để trả trước cho một căn nhà trong 5 năm".
Chia mục tiêu của bạn thành các mục ngắn hạn (dưới 1 năm), trung hạn (1-5 năm) và dài hạn (trên 5 năm). Sự phân chia này có thể giúp bạn xác định số tiền bạn cần tiết kiệm và cách tiết kiệm hoặc đầu tư tốt nhất cho từng mục tiêu.
3. Xây dựng quỹ khẩn cấp
Trước khi bạn bắt đầu tiết kiệm cho các mục tiêu khác, hãy ưu tiên tạo quỹ khẩn cấp. Thường bạn nên tiết kiệm từ 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt, nhưng số tiền chính xác sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân của bạn. Nếu bạn có thu nhập không ổn định hoặc có người phụ thuộc, bạn có thể muốn tiết kiệm nhiều hơn.
Giữ quỹ này ở dạng thanh khoản và dễ tiếp cận, chẳng hạn như tài khoản tiết kiệm thông thường, mặc dù lợi suất sẽ thấp. Mục đích chính của quỹ này không phải là tăng tiền mà là khả năng tiếp cận trong trường hợp khẩn cấp.
4. Tiết kiệm tự động
Cách dễ nhất để tiết kiệm là tự động hóa việc tiết kiệm. Bạn có thể thiết lập chuyển khoản tự động vào tài khoản tiết kiệm của mình vào ngày lĩnh lương. Có những ứng dụng làm tròn giao dịch mua của bạn đến số nguyên gần nhất và tự động nạp phần chênh lệch vào tài khoản tiết kiệm. Nhiều nền tảng đầu tư cho phép bạn thiết lập đóng góp tự động.
5. Tăng thu nhập và giảm chi tiêu
Bạn có thể tăng khả năng tiết kiệm của mình bằng cách giảm chi tiêu, chẳng hạn như cắt giảm những khoản chi tiêu theo ý thích và giảm thiểu những chi phí định kỳ không cần thiết. Ngoài ra, hãy xem xét tăng thu nhập của bạn. Bạn có thể tăng thu nhập bằng cách kiếm việc làm thêm hoặc thiết lập nhiều nguồn thu nhập thụ động.
Lạm phát ảnh hưởng đến khoản tiết kiệm của bạn như thế nào?
Lạm phát làm giảm sức mua của đồng tiền theo thời gian, nghĩa là số tiền bạn tiết kiệm được hôm nay có thể không mua được nhiều đồ như vậy trong tương lai. Điều này đặc biệt đúng khi lạm phát ở mức cao. Dưới đây là một số điều cần xem xét cho khoản tiết kiệm của bạn trong thời kỳ lạm phát cao:
1. Chú ý đến tỷ suất lợi nhuận thực
Tỷ suất lợi nhuận thực là tỷ suất lợi nhuận trên các khoản đầu tư của bạn sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Chẳng hạn, nếu tài khoản tiết kiệm của bạn mang lại lợi suất 2% nhưng lạm phát là 3%, thực tế bạn đang mất sức mua. Hãy tìm kiếm các khoản đầu tư có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận thực cao hơn.
2. Cân nhắc các tài sản không bị ảnh hưởng bởi lạm phát
Cân nhắc đầu tư vào các công cụ tài chính có khả năng bảo vệ bạn khỏi lạm phát. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, Trái phiếu chính phủ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (TIPS) là trái phiếu chính phủ điều chỉnh theo lạm phát, đảm bảo rằng khoản đầu tư của bạn điều chỉnh tương ứng với chi phí sinh hoạt.
3. Đa dạng hóa danh mục tiết kiệm của bạn
Bạn có thể đa dạng hóa danh mục tiết kiệm của mình để giảm bớt sự biến động tổng thể và giúp bạn ổn định hơn. Về lâu dài, một số tài sản như bất động sản, cổ phiếu, vàng và Bitcoin vẫn luôn là một hàng rào tốt chống lại lạm phát.
4. Tăng lợi suất cho khoản tiết kiệm của bạn
Bạn có thể xem xét đầu tư tiền tiết kiệm của mình vào các tài sản có thể mang lại lợi suất cao để bù đắp lạm phát. Đó có thể là tài khoản tiết kiệm lợi suất cao, nợ chính phủ chất lượng có tính thanh khoản cao và chứng chỉ tiền gửi. Nếu bạn gửi tiết kiệm với thời hạn lâu hơn (nhiều tháng hoặc nhiều năm), hãy đảm bảo rằng nó không ảnh hưởng đến chi tiêu hàng ngày hoặc nhu cầu chi tiêu khẩn cấp của bạn.
Hãy nhớ rằng tình hình tài chính của mỗi người là khác nhau. Vì vậy, điều gì là phù hợp nhất với bạn sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh cá nhân của bạn. Nếu bạn không chắc chắn về cách điều chỉnh chiến lược tiết kiệm của mình để đối phó với lạm phát cao, bạn nên trao đổi với cố vấn tài chính.
Bạn có nên đầu tư tiền mã hóa để tiết kiệm?
Tiền mã hóa có thể là một phần trong chiến lược tiết kiệm của bạn vì chúng đã thể hiện hiệu suất ấn tượng trong quá khứ, bất chấp sự biến động mạnh của thị trường. Những coin hàng đầu, đặc biệt là bitcoin (BTC) và ethereum (ETH), đều đã thể hiện khả năng mang lại lợi suất lớn kể từ khi ra mắt.
Nếu bạn đầu tư 100 USD vào bitcoin vào tháng 7/2010, khi mức giá ở khoảng 0,06 USD, khoản đầu tư này sẽ có giá trị khoảng 50 triệu USD vào giữa năm 2023. Nếu bạn đã đầu tư 100 USD vào ether trong đợt phát hành coin lần đầu (ICO) vào năm 2014 ở mức 0,31 USD cho mỗi coin, danh mục đầu tư của bạn sẽ có tổng giá trị khoảng 580.644 USD vào giữa năm 2023.
Mặc dù hiệu suất trong quá khứ không phải là dấu hiệu cho thấy kết quả trong tương lai, nhưng bạn có thể cân nhắc đầu tư vào tiền mã hóa nếu bạn có thể chấp nhận rủi ro và sự biến động. Trước khi bắt đầu, hãy dành thời gian để hiểu về khái niệm tiền mã hóa, cách thức hoạt động, các trường hợp sử dụng tiềm năng và những rủi ro liên quan.
Sau đó, bạn có thể bắt đầu với một khoản đầu tư nhỏ mà dù bị mất bạn cũng thấy không vấn đề gì. Khi bạn có thêm kinh nghiệm và kiến thức, bạn có thể điều chỉnh khoản đầu tư của mình cho phù hợp. Ví dụ: tương tự như các phương pháp tiết kiệm truyền thống, bạn có thể thiết lập một hệ thống, trong đó bạn thường xuyên mua một lượng bitcoin hoặc ether nhất định.
Tất nhiên, như với bất cứ khoản đầu tư nào, đừng dùng hết tiền của bạn để mua chỉ một loại tiền mã hóa. Bạn có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư tiền mã hóa của mình bằng cách phân bổ tiền cho nhiều loại coin khác nhau.
Cuối cùng, hãy luôn chọn các nền tảng an toàn và đáng tin cậy để mua và giao dịch tiền mã hóa của bạn. Tìm kiếm các nền tảng cung cấp các biện pháp bảo mật mạnh mẽ, hồ sơ theo dõi dài hạn, danh sách ưu tiên rút tiền và có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt.
Hãy nhớ rằng mặc dù tiền mã hóa có tiềm năng mang lại lợi suất cao, chúng cũng đi kèm với rủi ro cao, bao gồm cả việc mất hoàn toàn khoản đầu tư. Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu rõ các rủi ro trước khi bắt đầu đầu tư vào tiền mã hóa. Luôn đầu tư một cách khôn ngoan và chỉ đầu tư số tiền bạn có thể chấp nhận mất.
Tổng kết
Tiết kiệm cá nhân là đóng vai trò quan trọng trong tình trạng tài chính của bạn. Tiết kiệm cho phép bạn chuẩn bị cho các khoản phí phát sinh bất ngờ, hoàn thành các mục tiêu tài chính và đạt được sự độc lập về tài chính. Việc nuôi dưỡng thói quen tiết kiệm nhất quán là cực kỳ quan trọng.
Trong bối cảnh tài chính không ngừng phát triển ngày nay, có vô số chiến lược giúp bạn tối đa hóa khoản tiết kiệm của mình. Các phương pháp truyền thống, chẳng hạn như tạo ngân sách hoặc thiết lập chuyển tiền tự động vào tài khoản tiết kiệm của bạn, vẫn có hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cũng nên xem xét các lựa chọn thức thời hơn như đầu tư vào tiền mã hóa để có danh mục đầu tư đa dạng.
Mặc dù vậy, chiến lược tiết kiệm tốt nhất là chiến lược phù hợp với hoàn cảnh và mục tiêu tài chính của bạn. Nếu mức lạm phát cao, bạn có thể cần thực hiện thêm một số bước để bảo vệ khoản tiết kiệm của mình, chẳng hạn như đầu tư vào các tài sản có xu hướng hoạt động hiệu quả trong thời kỳ lạm phát.
Hãy nhớ rằng mỗi đồng bạn tiết kiệm được đều đáng giá. Dù số tiền có nhỏ, nhưng nếu tích lũy đều đặn cũng có thể biến thành khoản tiết kiệm đáng kể theo thời gian nhờ sức mạnh của lãi kép. Dù việc tiết kiệm cho những nhu cầu trong tương lai là vô cùng quan trọng, nhưng việc lập một quỹ khẩn cấp cho những chi phí bất ngờ cũng quan trọng không kém.
Đọc thêm:
Bạn có nên thêm Tiền mã hoá vào Kế hoạch nghỉ hưu của mình?
Cách bảo vệ và để lại tài sản tiền mã hoá sau khi qua đời
Những Điều Cần Xem Xét Khi Xây Dựng Một Danh Mục Đầu Tư
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm và Cảnh báo rủi ro: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và mang tính giáo dục, không phải là tuyên bố hay bảo đảm nào. Tài liệu này không nên được hiểu là lời khuyên tài chính, pháp lý hoặc chuyên nghiệp khác, cũng như không nhằm khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn phù hợp. Trong trường hợp bài viết được đóng góp bởi cộng tác viên bên thứ ba, xin lưu ý rằng những quan điểm thể hiện trong bài viết đó thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc tuyên bố miễn trừ trách nhiệm đầy đủ của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm cho bất kỳ tổn thất nào bạn có thể phải chịu. Tài liệu này không nên được hiểu là lời khuyên tài chính, pháp lý hoặc chuyên nghiệp khác. Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo Điều khoản sử dụng và Cảnh báo rủi ro của chúng tôi.