Thắt chặt định lượng (QT) là gì?
Trang chủ
Bài viết
Thắt chặt định lượng (QT) là gì?

Thắt chặt định lượng (QT) là gì?

Trung cấp
Đã đăng Jul 3, 2024Đã cập nhật Aug 14, 2024
7m

Các điểm chính

  • Thắt chặt định lượng (QT) là một công cụ chính sách tiền tệ được các ngân hàng trung ương sử dụng để giảm cung tiền và kiểm soát lạm phát bằng cách thu hẹp bảng cân đối tài sản.

  • QT khiến lãi suất cao hơn, do đó có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và giảm giá cổ phiếu do chi phí đi vay của người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng lên.

  • QT tác động đến thị trường tài chính và thị trường tiền mã hóa bằng cách giảm thanh khoản, tăng lãi suất trái phiếu và gây ra biến động thị trường khi nhà đầu tư điều chỉnh theo các điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn.

Giới thiệu

Trong những năm gần đây, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã triển khai nhiều công cụ chính sách tiền tệ phi truyền thống để quản lý sự ổn định và tăng trưởng kinh tế. Một công cụ như vậy là nới lỏng định lượng (QE), liên quan đến việc mua tài sản tài chính quy mô lớn để bơm thanh khoản vào nền kinh tế. 

Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi và lạm phát tăng lên, các ngân hàng trung ương thường chuyển sang một chính sách đối lập được gọi là thắt chặt định lượng (QT). Mục đích của QT là giảm thanh khoản dư thừa để kiểm soát lạm phát và bình thường hóa các điều kiện tiền tệ. 

Bài viết này trình bày chi tiết về cơ chế của QT, mục tiêu của QT và những tác động đáng kể của QT đối với các ngành kinh tế khác nhau.

Thắt chặt định lượng (QT) là gì?

Thắt chặt định lượng là một công cụ chính sách tiền tệ được các ngân hàng trung ương sử dụng để giảm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế. Công cụ này thường được triển khai sau giai đoạn nới lỏng định lượng, là giai đoạn mà các ngân hàng trung ương bơm tiền vào nền kinh tế để kích thích tăng trưởng.

Trong giai đoạn QE, các ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ và các tài sản tài chính khác để tăng cung tiền và giảm lãi suất, từ đó thúc đẩy hoạt động vay và đầu tư. Về cơ bản, QT là phiên bản ngược lại của quy trình này, nhằm mục đích thắt chặt cung tiền để ngăn nền kinh tế tăng trưởng nóng và kiểm soát lạm phát.

Mục tiêu của thắt chặt định lượng

Các mục tiêu chính của QT là:

  • Kiểm soát lạm phát: Bằng cách giảm cung tiền, QT giúp hạ nhiệt nền kinh tế tăng trưởng nóng và kiểm soát lạm phát.

  • Bình thường hóa chính sách tiền tệ: Sau giai đoạn QE mở rộng, QT đặt mục tiêu đưa quy mô và thành phần bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương trở về mức bình thường.

Thắt chặt định lượng hoạt động như thế nào?

Thắt chặt định lượng bao gồm một số bước và cơ chế mà theo đó các ngân hàng trung ương giảm cung tiền. Đây là cách nó hoạt động:

1. Ngừng mua

Bước đầu tiên trong QT là ngân hàng trung ương ngừng mua chứng khoán mới. Trong giai đoạn QE, ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ và các tài sản khác để bơm tiền vào nền kinh tế. Trong QT, các giao dịch mua này bị tạm dừng.

2. Để chứng khoán đáo hạn

Các ngân hàng trung ương nắm giữ nhiều loại tài sản tài chính có ngày đáo hạn cố định. Khi các chứng khoán này đáo hạn, ngân hàng trung ương có thể chọn tái đầu tư số tiền thu được vào chứng khoán mới (để giữ cho bảng cân đối tài sản ổn định) hoặc ngừng tái đầu tư (để loại bỏ tiền khỏi lưu thông một cách hiệu quả).

Trong QT, ngân hàng trung ương chọn không tái đầu tư số tiền thu được này. Thay vào đó, ngân hàng trung ương bán chứng khoán khỏi bảng cân đối tài sản, từ đó làm giảm dần cung tiền.

3. Bán tài sản

Trong một số trường hợp, các ngân hàng trung ương có thể chủ động bán chứng khoán trong danh mục đầu tư của mình để đẩy nhanh quá trình QT. Bằng cách bán các tài sản này, ngân hàng trung ương có thể giảm bớt tài sản trong bảng cân đối tài sản và tổng cung tiền nhanh hơn.

4. Điều chỉnh lãi suất dự trữ

Các ngân hàng trung ương cũng có thể sử dụng lãi suất trả cho các khoản dự trữ làm công cụ để triển khai QT. Bằng cách tăng lãi suất trả cho số tiền mà các ngân hàng thương mại gửi tại ngân hàng trung ương, nhiều khả năng các ngân hàng thương mại sẽ giữ khoản dự trữ của mình hơn là cho vay, việc này cũng làm giảm cung tiền.

Tác động của thắt chặt định lượng

Thắt chặt định lượng có thể có tác động đáng kể đến các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế, bao gồm lãi suất, thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế.

1. Lãi suất

QT thường khiến lãi suất trở nên cao hơn. Khi ngân hàng trung ương giảm lượng chứng khoán nắm giữ, cung tiền trong nền kinh tế sẽ giảm. Giảm cung tiền sẽ khiến chi phí đi vay tăng lên. Lãi suất cao hơn làm cho khoản vay của người tiêu dùng và doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn, việc này có thể làm chậm tốc độ chi tiêu và đầu tư.

2. Tăng trưởng kinh tế chậm hơn

QT có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế. Lãi suất cao hơn và cung tiền giảm đi có thể dẫn đến mức chi tiêu dùng và đầu tư kinh doanh thấp hơn. Việc này có thể khiến tăng trưởng kinh tế chậm hơn khi nền kinh tế điều chỉnh theo các điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn.

3. Thị trường tài chính

Thắt chặt định lượng (QT) tác động đáng kể đến thị trường tài chính thông qua việc giảm mua trái phiếu, từ đó làm giảm nhu cầu và tăng lợi suất trái phiếu chính phủ và các chứng khoán có thu nhập cố định khác. 

Lãi suất cao hơn có thể làm giảm giá cổ phiếu khi các công ty phải đối mặt với chi phí đi vay tăng, từ đó có khả năng làm giảm lợi nhuận và đầu tư. Ngoài ra, việc chuyển từ QE sang QT có thể khiến thị trường biến động mạnh hơn khi các nhà đầu tư điều chỉnh theo điều kiện kinh tế mới.

Chúng ta hãy cùng xem kỹ hơn tác động tiềm tàng của QT đối với thị trường tài chính và thị trường tiền mã hóa.

Tác động tiềm tàng của QT đối với thị trường tài chính

Thị trường trái phiếu

Trên thị trường trái phiếu, QT có thể dẫn đến lợi suất cao hơn. Khi ngân hàng trung ương giảm mua các trái phiếu chính phủ, nhu cầu về các trái phiếu này giảm dẫn đến giá thấp hơn và lợi suất cao hơn. Lợi suất cao hơn có thể thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận hấp dẫn hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với việc chi phí đi vay mà các chính phủ và tập đoàn phải chịu sẽ cao hơn.

Thị trường chứng khoán

Đối với thị trường chứng khoán, QT có thể gây ra lãi suất cao hơn, có xu hướng làm giảm lợi nhuận của công ty, dẫn đến giá cổ phiếu thấp hơn. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu cao hơn có thể làm cho các khoản đầu tư có thu nhập cố định trở nên hấp dẫn hơn so với các cổ phiếu, khiến nhà đầu tư chuyển từ cổ phiếu sang trái phiếu. Sự dịch chuyển này có thể gây thêm áp lực lên giá cổ phiếu.

Ổn định tài chính

QT cũng có thể tác động đến ổn định tài chính. Quá trình chuyển đổi từ QE sang QT có thể tạo ra sự bất ổn và biến động trên thị trường tài chính. Các nhà đầu tư có thể phản ứng với những thay đổi về chính sách của ngân hàng trung ương bằng cách nhanh chóng điều chỉnh danh mục đầu tư của họ, khiến giá tài sản biến động mạnh. Các ngân hàng trung ương cần quản lý thận trọng công tác truyền thông và triển khai QT để tránh gây ra sự hỗn loạn trên thị trường.

Tác động tiềm ẩn đến thị trường tiền mã hóa

Tác động của QT đối với thị trường tiền mã hoá là một chủ đề ngày càng được quan tâm. Các đồng tiền mã hóa như bitcoin (BTC) và ether (ETH) đã trở nên nổi bật như một loại tài sản thay thế. Sau đây là cách QT có thể ảnh hưởng đến thị trường tiền mã hóa:

1. Thanh khoản

QT làm giảm thanh khoản trong hệ thống tài chính. Khi các ngân hàng trung ương quyết định ngừng bơm tiền vào nền kinh tế, thanh khoản để đầu tư vào các loại tài sản khác nhau, bao gồm cả tiền mã hóa sẽ ít đi. Thanh khoản giảm có thể khiến khối lượng giao dịch thấp hơn và thị trường tiền mã hóa biến động mạnh hơn, điển hình là xu hướng giảm giá.

2. Dịch chuyển đầu tư

Lãi suất cao hơn do QT có thể làm cho các tài sản tài chính truyền thống như trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản rủi ro như tiền mã hóa. Những nhà đầu tư đang tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn hơn có thể rút vốn khỏi tiền mã hóa, khiến giá tiền mã hóa có khả năng giảm.

3. Tâm lý thị trường

Thị trường tiền mã hóa bị ảnh hưởng nặng nề bởi tâm lý thị trường. QT có thể tạo ra tâm lý e ngại rủi ro khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng với lãi suất cao hơn và điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn. Sự thay đổi tâm lý này có thể làm tăng mức độ biến động và dẫn đến áp lực giảm giá tiền mã hoá.

Tổng kết

Thắt chặt định lượng là một công cụ quan trọng được các ngân hàng trung ương sử dụng để quản lý cung tiền và kiểm soát lạm phát. Bằng cách thu hẹp bảng cân đối tài sản, các ngân hàng trung ương có thể tác động đến lãi suất, thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế. Mặc dù mục đích của QT là mang lại môi trường kinh tế cân bằng và ổn định hơn nhưng việc triển khai QT có thể gây ra tác động đáng kể đến các thị trường khác nhau, trong đó có cả thị trường tiền mã hoá.

Khi ứng phó với sự phức tạp của quy trình QT, các ngân hàng trung ương cần quản lý thận trọng công tác truyền thông và triển khai chính sách để giảm thiểu sự hỗn loạn trên thị trường và đảm bảo việc chuyển đổi suôn sẻ từ các chính sách tiền tệ mở rộng của QE.

Đọc thêm:


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và phổ biến kiến thức, mà không phải là sự cam đoan hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không nên coi nội dung này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác, cũng như khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn chuyên môn phù hợp. Trong trường hợp bài viết do cộng tác viên bên thứ ba đóng góp, xin lưu ý rằng những quan điểm được đưa ra thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và có thể bạn sẽ không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Không nên coi tài liệu này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem Điều khoản sử dụngCảnh báo rủi ro của chúng tôi.