Các điểm chính
Appchain là các blockchain chuyên biệt được thiết kế để phục vụ nhu cầu của các ứng dụng riêng lẻ.
Các appchain có thể nâng cao khả năng mở rộng thông qua phân bổ tài nguyên dành riêng cho ứng dụng và mang lại sự linh hoạt hơn thông qua kiến trúc mô-đun.
Một số ví dụ về các appchain bao gồm các parachain Polkadot, các subnet Avalanche và các zone Cosmos.
Giới thiệu
Appchain nổi lên như các blockchain được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của những ứng dụng riêng biệt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá về appchain, nêu ra một số lợi ích của appchain, so sánh với các blockchain lớp 1 và xem một vài ví dụ về appchain.
Appchain là gì?
Appchain là các blockchain chuyên biệt được thiết kế cho một chức năng cụ thể. Khác với các blockchain có mục đích chung vốn cung cấp nhiều ứng dụng khác nhau, appchain tập trung vào những ứng dụng riêng lẻ. Cách tiếp cận này cho phép xử lý giao dịch, phí, chức năng hợp đồng thông minh và nhiều yếu tố khác phù hợp với nhu cầu của các ứng dụng cụ thể.
Appchain hoạt động như thế nào?
Các appchain hoạt động dựa trên các nguyên tắc chính yếu của công nghệ blockchain nhưng với những thay đổi khiến chúng phù hợp với nhu cầu của các ứng dụng riêng lẻ. Mỗi appchain dành tài nguyên của mình cho một nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo rằng tài nguyên không bị sử dụng cho các ứng dụng không liên quan.
Appchain có thể triển khai các cơ chế đồng thuận khác nhau, chẳng hạn như Bằng chứng xử lý (PoW) hoặc Bằng chứng cổ phần (PoS) sao cho phù hợp nhất với các ứng dụng riêng lẻ. Ví dụ: Một appchain cho một ứng dụng tài chính có thể chọn sử dụng một cơ chế đồng thuận khác với cơ chế được thiết kế để quản lý chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, các hợp đồng thông minh trên các appchain có thể được thiết kế đặc biệt để đáp ứng nhu cầu của những ứng dụng riêng lẻ. Điều này giúp hỗ trợ logic hợp đồng phức tạp hơn nhằm nâng cao chức năng và hiệu quả của các ứng dụng riêng lẻ.
Thông thường, kiến trúc của các appchain chính thức bao gồm năm lớp:
1. Lớp mạng lưới. Lớp này quản lý các chức năng mạng lưới ngang hàng (P2P). Lớp này cho phép các node trong blockchain giao tiếp, trao đổi dữ liệu và tham gia vào các quy trình xác thực giao dịch.
2. Lớp ứng dụng. Lớp này lưu trữ các ứng dụng chạy trên blockchain. Lớp này cung cấp các giao diện mà các nhà phát triển có thể sử dụng để xây dựng, triển khai và giám sát hoạt động của các ứng dụng phi tập trung (DApp).
3. Lớp dữ liệu. Lớp dữ liệu chịu trách nhiệm tổ chức và lưu trữ thông tin blockchain. Điều này bao gồm duy trì trạng thái của blockchain, ghi lại chi tiết giao dịch và xử lý dữ liệu hợp đồng thông minh.
4. Lớp đồng thuận. Lớp này triển khai thuật toán đồng thuận của appchain. Lóp này có thể kết hợp các thuật toán đồng thuận khác nhau, chẳng hạn như Bằng chứng xử lý (PoW) hoặc Bằng chứng cổ phần (PoS).
5. Lớp hợp đồng thông minh. Lớp này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự động hóa, xác minh và thực thi các hợp đồng thông minh.
Lợi ích của appchain
Khả năng mở rộng
Appchain phân bổ nguồn lực để tập trung vào một nhiệm vụ hoặc chức năng cụ thể. Sự chuyên môn hóa này có thể dẫn đến thông lượng giao dịch cao hơn và giảm độ trễ cho các ứng dụng riêng lẻ. Điều này giúp giải quyết các thách thức về khả năng mở rộng của các blockchain có mục đích chung.
Tính mô-đun
Đặc trung của các appchain là kiến trúc mô-đun, giúp phân biệt chúng với các blockchain có mục đích chung vốn thường có thiết kế nguyên khối. Cấu trúc mô-đun cung cấp cho các nhà phát triển sự linh hoạt để tùy chỉnh các chức năng của blockchain theo nhu cầu cụ thể của từng DApp.
Khả năng tương tác
Appchain được thiết kế để hỗ trợ khả năng tương tác cũng như giao tiếp giữa các DApp khác nhau. Điều này cho phép người dùng của một ứng dụng dễ dàng tiếp cận những lợi thế của một ứng dụng khác.
So sánh Appchain với Blockchain Lớp 1
Kiến trúc
Kiến trúc này của các appchain có thể thay đổi, thích ứng và điều chỉnh được cho các lớp blockchain khác nhau. Do đó, appchain có thể được xây dựng trên các mạng lưới hiện có hoặc hoạt động độc lập. Ngược lại, các blockchain lớp 1 có cấu trúc thống nhất với một bộ quy tắc định sẵn mà những người tham gia mạng lưới phải tuân theo, hạn chế khả năng điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể của từng DApp.
Thuật toán đồng thuận
Appchain có thể triển khai các cơ chế đồng thuận phù hợp nhất với từng trường hợp sử dụng cụ thể. Những cơ chế này có thể thay đổi tùy thuộc vào việc cơ chế được xây dựng trên lớp cơ sở nào hoặc nếu cơ chế hoạt động tự chủ. Ngược lại, các blockchain lớp 1 thường bị ràng buộc với các mô hình đồng thuận sẵn có, chẳng hạn như PoW hoặc PoS. Các mô hình này có thể không thích ứng được với những ứng dụng cụ thể nhưng lại cung cấp một phương thức ổn định và thống nhất để đạt được sự đồng thuận.
Khả năng mở rộng
Các appchain được thiết kế để ưu tiên khả năng mở rộng trong bối cảnh của các ứng dụng riêng lẻ, cung cấp thông lượng giao dịch cao và độ trễ thấp. Ngược lại, các blockchain lớp 1 thường phải đối mặt với các vấn đề về khả năng mở rộng vì có nhiều ứng dụng khác nhau.
Appchain so với sidechain
Mặc dù cả appchain và sidechain đều giao tiếp với chuỗi chính, các sidechain được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Vì vậy, khác với appchain, sidechain phục vụ cho nhiều mục đích và không phù hợp với một ứng dụng cụ thể.
Ví dụ về appchain
Parachain Polkadot
Parachain của Polkadot là các blockchain riêng lẻ chạy song song trong hệ sinh thái Polkadot. Chúng được kết nối với Relay Chain của Polkadot, hưởng lợi từ cơ chế bảo mật của mạng lưới này. Parachain tương tự với appchain vì parachain có thể sở hữu mô hình token hóa, mô hình quản trị và chức năng riêng nên có thể được điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể của các ứng dụng riêng lẻ.
Subnet Avalanche
Các subnet Avalanche đại diện cho các blockchain riêng biệt được tạo trong mạng lưới Avalanche. Chúng tạo điều kiện phát triển các blockchain dành riêng cho ứng dụng, với mỗi subnet được hỗ trợ bởi tập hợp người xác thực duy nhất đồng ý về trạng thái của một tập hợp các blockchain.
Zone Cosmos
Các zone của Cosmos hoạt động như các blockchain độc lập được liên kết với Cosmos Hub, đóng vai trò tương đương với các appchain trong hệ sinh thái Cosmos. Chúng sử dụng giao thức Truyền thông liên blockchain (IBC) để truyền dữ liệu trên mạng lưới.
Tổng kết
Appchain là các blockchain được thiết kế để phục vụ các nhu cầu cụ thể của các ứng dụng riêng biệt, cung cấp khả năng mở rộng và linh hoạt cao hơn so với các blockchain có mục đích chung. Chúng có thể tùy chỉnh, cho phép các nhà phát triển chọn các thông số cụ thể phù hợp với ứng dụng của họ. Do đó, các appchain có thể giúp nâng cao hiệu suất và hiệu quả của các ứng dụng riêng lẻ đồng thời giảm tải cho các chuỗi có mục đích chung.
Đọc thêm:
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và hướng dẫn, không phải là sự cam đoan hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không nên coi nội dung này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác, cũng như khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên cho mình từ các cố vấn chuyên môn phù hợp. Trong trường hợp bài viết do cộng tác viên bên thứ ba đóng góp, xin lưu ý rằng những quan điểm được đưa ra thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Không nên coi tài liệu này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem qua Điều khoản sử dụng và Cảnh báo rủi ro.