Tóm lược
Xác thực hai lớp (2FA) là một cơ chế bảo mật yêu cầu người dùng cung cấp hai hình thức xác minh riêng biệt trước khi đạt được quyền truy cập vào một tài khoản hoặc hệ thống.
Thông thường, những yếu tố này gồm thông tin mà người dùng biết (một mật khẩu) và thông tin mà người dùng có (một mã xác thực dùng một lần gửi đến điện thoại di động), nhằm thêm vào một lớp bảo vệ bổ sung để chống lại các truy cập trái phép.
2FA bao gồm các loại mã xác thực gửi qua SMS, các ứng dụng trình xác thực, các token phần cứng (YubiKey), các sinh trắc học (như vân tay hoặc nhận dạng khuôn mặt) và các mã xác thực gửi qua email.
2FA đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ tài khoản tài chính và đầu tư của bạn, bao gồm cả những tài khoản có liên quan đến tiền mã hoá.
Giới thiệu
Ngày nay, không quá phóng đại nếu nói việc bảo mật trực tuyến là rất quan trọng khi mà cuộc sống của chúng ta ngày càng gắn bó với thế giới trực tuyến. Chúng ta không ngừng chia sẻ dữ liệu nhạy cảm của mình, từ địa chỉ, số điện thoại, dữ liệu ID đến thông tin thẻ tín dụng trên nhiều nền tảng trực tuyến.
Tuy nhiên, tuyến phòng thủ cơ bản của chúng ta thường là tên người dùng và mật khẩu, vốn đã được chứng minh là dễ bị tấn công và bị rò rỉ dữ liệu nhiều lần. Đây là lúc mà xác thực hai lớp (2FA) xuất hiện như một biện pháp bảo vệ hữu hiệu giúp chống lại những mối nguy hiểm này.
Xác thực hai lớp (2FA) là một biện pháp bảo mật then chốt vượt xa mô hình mật khẩu truyền thống. Phương pháp này mang tới thêm một lớp bảo mật bổ sung: một rào cản thứ hai giúp củng cố các bức tường bảo vệ sự hiện diện trực tuyến của bạn.
Về cốt lõi, 2FA là lá chắn chắn giữa sự hiện diện trực tuyến của chúng ta và các thế lực xấu tiềm tàng đang tìm cách khai thác nó.
Xác thực 2FA là gì?
2FA là cơ chế bảo mật nhiều lớp được thiết kế để xác minh danh tính của người dùng trước khi cấp quyền truy cập vào hệ thống. Không giống như sự kết hợp truyền thống giữa tên người dùng và mật khẩu, 2FA bổ sung thêm một lớp bảo vệ bằng cách yêu cầu người dùng cung cấp hai hình thức nhận dạng riêng biệt:
1. Điều gì đó bạn biết
Đây thường là mật khẩu của bạn, một bí mật mà chỉ bạn mới biết. Nó đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên, người gác cổng cho danh tính kỹ thuật số của bạn.
2. Điều gì đó bạn có
Lớp thứ hai được giới thiệu là một yếu tố bên ngoài mà chỉ người dùng hợp pháp mới sở hữu. Đây có thể là thiết bị vật lý (như điện thoại thông minh hoặc các token phần cứng như YubiKey, RSA SecurID token và Titan Security Key), mã xác thực một lần được tạo ra bởi các ứng dụng trình xác thực hoặc thậm chí là dữ liệu sinh trắc học (chẳng hạn như vân tay hoặc nhận dạng khuôn mặt) .
Sự kỳ diệu của 2FA nằm ở sự kết hợp của hai yếu tố này, tạo nên khả năng phòng thủ vững chắc trước những truy cập trái phép. Ngay cả khi nếu kẻ xấu có thể lấy được mật khẩu của bạn, chúng vẫn cần yếu tố thứ hai để giành được quyền truy cập.
Cách tiếp cận theo hai hướng như này nâng cao đáng kể rào cản đối với những kẻ tấn công tiềm tàng, khiến việc rò rỉ thông tin của bạn trở nên khó khăn hơn nhiều.
Tại sao bạn cần xác thực 2FA?
Mật khẩu là một hình thức xác thực lâu đời và rất phổ biến, nhưng chúng có những hạn chế rất đáng chú ý. Chúng có thể dễ bị tổn thương trước một loạt các cuộc tấn công, bao gồm cả các cuộc tấn công brute force, trong đó kẻ tấn công sẽ thử nhiều cách kết hợp mật khẩu khác nhau một cách có hệ thống cho đến khi chúng giành được quyền truy cập.
Ngoài ra, người dùng thường sử dụng các mật khẩu yếu hoặc dễ đoán được, điều này càng làm tổn hại đến tính bảo mật của họ. Sự gia tăng của rò rỉ dữ liệu và việc mật khẩu đăng nhập bị chia sẻ trên nhiều dịch vụ trực tuyến cũng khiến cho mật khẩu trở nên kém an toàn hơn.
Một trường hợp liên quan gần đây là vụ hack tài khoản X (trước đây là Twitter) của nhà đồng sáng lập Ethereum - Vitalik Buterin, tài khoản này đã đăng một liên kết tấn công giả mạo, dẫn đến vụ trộm gần 700.000 USD từ ví tiền mã hóa của mọi người.
Mặc dù chi tiết cụ thể về vụ hack vẫn chưa được tiết lộ nhưng nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo mật truy cập. Mặc dù không tránh khỏi các cuộc tấn công nhưng 2FA làm tăng đáng kể độ khó đối với những cá nhân trái phép cố gắng truy cập vào tài khoản của bạn.
Bạn dùng xác thực 2FA ở đâu?
Những nơi sử dụng xác thực 2FA phổ biến nhất bao gồm:
1. Các tài khoản email
Các nhà cung cấp email hàng đầu như Gmail, Outlook và Yahoo cung cấp tùy chọn 2FA để bảo vệ hộp thư đến của bạn khỏi các truy cập trái phép.
2. Mạng xã hội
Các nền tảng như Facebook, X (trước đây là Twitter) và Instagram khuyến khích người dùng kích hoạt 2FA để bảo mật hồ sơ của họ.
3. Các dịch vụ tài chính
Các ngân hàng và tổ chức tài chính thường triển khai 2FA cho ngân hàng trực tuyến, giúp đảm bảo an toàn cho các giao dịch tài chính của bạn.
4. Thương mại điện tử
Các trang web mua sắm trực tuyến như Amazon và eBay cung cấp tùy chọn 2FA để bảo vệ thông tin thanh toán của bạn.
5. Nơi làm việc và các doanh nghiệp
Nhiều công ty bắt buộc sử dụng 2FA để bảo vệ các dữ liệu nhạy cảm và tài khoản của công ty.
Xác thực 2FA ngày càng trở thành một tính năng phổ biến và không thể thiếu, giúp tăng cường bảo mật trên nhiều loại tương tác trực tuyến.
Các loại 2FA khác nhau cùng ưu và nhược điểm của chúng
Có nhiều loại xác thực hai lớp (2FA), mỗi loại đều có những ưu điểm và nhược điểm tiềm ẩn.
1. Xác thực 2FA qua SMS
Xác thực 2FA qua SMS liên quan đến việc nhận mã xác thực một lần qua tin nhắn văn bản trên điện thoại di động đã đăng ký của bạn sau khi bạn nhập mật khẩu.
Ưu điểm của phương pháp này là rất dễ tiếp cận vì hầu hết mọi người đều có điện thoại di động có khả năng nhận tin nhắn văn bản. Việc này cũng dễ dàng vì không yêu cầu phần cứng hoặc các ứng dụng bổ sung.
Nhưng hạn chế là nó dễ bị tấn công bằng cách hoán đổi SIM, khi đó người khác có thể chiếm đoạt số điện thoại và chặn các tin nhắn SMS của bạn. Loại 2FA này cũng phụ thuộc vào mạng di động vì việc gửi SMS có thể bị trì hoãn hoặc không thành công ở những khu vực có vùng phủ sóng mạng kém.
2. Các ứng dụng trình xác thực 2FA
Các ứng dụng trình xác thực như Google Authenticator và Authy tạo ra mật khẩu một lần dựa trên thời gian (OTP) mà không cần đến kết nối internet.
Các lợi ích bao gồm truy cập ngoại tuyến vì chúng hoạt động ngay cả khi không có kết nối internet và hỗ trợ nhiều tài khoản, nghĩa là một ứng dụng có thể tạo OTP cho nhiều tài khoản.
Nhiều hạn chế bao gồm yêu cầu thiết lập, có thể phức tạp hơn một chút so với xác thực 2FA qua SMS. Nó cũng phụ thuộc vào thiết bị vì bạn cần cài ứng dụng này trên điện thoại thông minh hoặc thiết bị khác.
3. Các token phần cứng 2FA
Token phần cứng là các thiết bị vật lý tạo ra mã OTP. Một số loại phổ biến bao gồm YubiKey, RSA SecurID token và Titan Security Key.
Các token phần cứng này thường nhỏ gọn và di chuyển được, giống như móc chìa khóa hoặc các thiết bị giống USB. Người dùng phải mang theo chúng khi sử dụng để xác thực.
Ưu điểm là chúng có độ an toàn cao vì chúng ngoại tuyến và miễn nhiễm với các cuộc tấn công trực tuyến. Những token này thường có thời lượng pin dài vài năm.
Nhược điểm là người dùng cần phải mua chúng và điều này làm phát sinh chi phí ban đầu. Ngoài ra, những thiết bị này có thể bị mất hoặc hư hỏng, việc này đòi hỏi người dùng phải mua thiết bị thay thế.
4. Sinh trắc học 2FA
Sinh trắc học 2FA sử dụng các đặc điểm vật lý độc đáo như dấu vân tay và nhận dạng khuôn mặt để xác minh danh tính.
Ưu điểm của nó bao gồm độ chính xác cao và thân thiện với người dùng, thuận tiện cho những người dùng không muốn nhớ mã.
Những hạn chế tiềm ẩn bao gồm những lo ngại về quyền riêng tư vì dữ liệu sinh trắc học cần phải được lưu trữ an toàn để ngăn chặn việc sử dụng sai mục đích. Hệ thống sinh trắc học đôi khi cũng có thể gây ra lỗi.
5. Xác thực 2FA qua email
Xác thực 2FA qua email sẽ gửi mã một lần đến địa chỉ email đã đăng ký của bạn. Phương pháp này quen thuộc với hầu hết người dùng và không yêu cầu thêm các ứng dụng hoặc thiết bị. Tuy nhiên, nó dễ bị tấn công qua email có thể dẫn đến việc 2FA không được an toàn. Việc gửi email đôi khi cũng bị trì hoãn.
Làm thế nào để chọn đúng loại 2FA?
Việc lựa chọn phương pháp 2FA cần phải xem xét đến các yếu tố như mức độ bảo mật cần thiết, sự thuận tiện cho người dùng và trường hợp sử dụng cụ thể.
Đối với các tình huống cần tính bảo mật cao như tài khoản tài chính hoặc tài khoản giao dịch tiền mã hoá, các token phần cứng hoặc các ứng dụng trình xác thực có thể được ưa thích hơn.
Trong trường hợp ưu tiên cho khả năng truy cập, xác thực 2FA qua SMS hoặc xác thực 2FA qua email có thể phù hợp hơn. Sinh trắc học là giải pháp tuyệt vời cho các thiết bị có cảm biến tích hợp nhưng quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu phải được ưu tiên hàng đầu.
Hướng dẫn từng bước để thiết lập 2FA
Hướng dẫn bạn các bước cần thiết để thiết lập xác thực hai lớp (2FA) trên nhiều nền tảng khác nhau. Các bước có thể khác nhau tùy thuộc vào nền tảng, nhưng chúng thường tuân theo cùng một logic.
1. Chọn phương pháp xác thực 2FA dành cho bạn
Tùy thuộc vào nền tảng và sở thích của bạn, hãy chọn phương pháp 2FA phù hợp nhất với bạn, cho dù đó là xác thực qua SMS, ứng dụng trình xác thực, token phần cứng hay là các phương thức khác. Nếu bạn quyết định sử dụng một ứng dụng trình xác thực hoặc một token phần cứng, trước tiên bạn cần phải mua và cài đặt chúng.
2. Kích hoạt xác thực 2FA trong cài đặt tài khoản của bạn
Đăng nhập vào nền tảng hoặc dịch vụ mà bạn muốn kích hoạt 2FA và điều hướng đến cài đặt tài khoản hoặc cài đặt bảo mật của bạn. Tìm tùy chọn xác thực hai lớp và kích hoạt nó.
3. Chọn một phương thức sao lưu
Nhiều nền tảng cung cấp các phương thức sao lưu trong trường hợp bạn mất quyền truy cập vào phương thức 2FA chính của mình. Bạn có thể chọn phương thức sao lưu như là những mã dự phòng hoặc các ứng dụng trình xác thực phụ nếu có.
4. Làm theo hướng dẫn thiết lập để xác minh thiết lập của bạn
Làm theo hướng dẫn thiết lập cho phương pháp 2FA bạn đã chọn. Điều này thường bao gồm việc quét mã QR bằng ứng dụng trình xác thực, liên kết số điện thoại của bạn để xác thực 2FA qua SMS hoặc đăng ký một hardware token. Hoàn tất quá trình thiết lập bằng cách nhập mã xác minh được cung cấp bởi phương thức 2FA mà bạn đã chọn.
5. Mã dự phòng an toàn
Nếu bạn nhận được các mã dự phòng, hãy lưu trữ chúng ở nơi an toàn và dễ tiếp cận, tốt nhất là ngoại tuyến. Bạn có thể in hoặc viết chúng ra và giữ chúng trong ngăn kéo có khóa hoặc lưu trữ chúng một cách an toàn trong trình quản lý mật khẩu. Các mã này có thể được sử dụng nếu bạn mất quyền truy cập vào phương thức 2FA chính của mình.
Khi bạn đã thiết lập 2FA, điều quan trọng là phải sử dụng nó một cách hiệu quả đồng thời tránh những cạm bẫy phổ biến và đảm bảo mã dự phòng của bạn được an toàn.
Mẹo sử dụng 2FA hiệu quả
Thiết lập 2FA chỉ là bước khởi đầu để giữ an toàn cho tài khoản của bạn. Bạn cần tuân theo các phương pháp hay nhất khi sử dụng chúng.
Chúng bao gồm việc cập nhật thường xuyên ứng dụng trình xác thực của bạn, cho phép xác thực 2FA trên tất cả các tài khoản đủ điều kiện để ngăn chặn các mối đe dọa bảo mật đối với các tài khoản trực tuyến khác của bạn và tiếp tục sử dụng mật khẩu mạnh và duy nhất.
Bạn cũng cần phải thận trọng trước những cạm bẫy hoặc sai lầm tiềm ẩn. Điều này bao gồm việc không bao giờ chia sẻ mã OTP của bạn với bất kỳ ai, luôn cảnh giác với các hành vi lừa đảo và luôn xác minh tính xác thực của các yêu cầu mà bạn nhận được.
Nếu bạn bị mất một thiết bị được sử dụng cho 2FA, bạn phải thu hồi ngay quyền truy cập và cập nhật cài đặt 2FA của mình trên tất cả các tài khoản.
Tổng kết
Xác thực 2FA không phải là một lựa chọn mà là một điều cần thiết.
Tỷ lệ vi phạm bảo mật ngày càng phổ biến, cùng những tổn thất do chúng mang lại là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về việc cần áp dụng xác thực hai lớp (2FA) cho các tài khoản của bạn. Điều này trở nên đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ các tài khoản tài chính và đầu tư, bao gồm cả các tài khoản liên quan đến tiền mã hoá.
Vì vậy, hãy truy cập vào máy tính, nhấc điện thoại lên hoặc mua một token phần cứng và thiết lập xác thực 2FA cho bạn ngay bây giờ. Điều này giúp bạn kiểm soát sự an toàn kỹ thuật số và bảo vệ các tài sản có giá trị của mình.
Nếu bạn đã thiết lập xác thực 2FA, hãy nhớ rằng việc giữ an toàn trực tuyến là một quá trình luôn tiến triển. Các công nghệ mới và các cuộc tấn công mới sẽ tiếp tục xuất hiện. Bạn phải luôn cập nhật thông tin và cảnh giác để giữ an toàn.
Đọc thêm:
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm và cảnh báo rủi ro: Nội dung này được cung cấp cho bạn trên cơ sở “nguyên trạng” chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và giáo dục mà không có sự đại diện hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Nó không nên được hiểu là lời khuyên về tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác, cũng như không nhằm mục đích khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên của riêng bạn từ các cố vấn chuyên môn thích hợp. Trong trường hợp bài viết được đóng góp bởi người đóng góp bên thứ ba, xin lưu ý rằng những quan điểm thể hiện đó thuộc về người đóng góp bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc tuyên bố từ chối trách nhiệm đầy đủ của chúng tôi ở đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể giảm hoặc tăng và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất nào mà bạn có thể phải gánh chịu. Tài liệu này không nên được hiểu là lời khuyên về tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụng và Cảnh báo rủi rocủa chúng tôi.