LayerZero (ZRO) là gì?
Trang chủ
Bài viết
LayerZero (ZRO) là gì?

LayerZero (ZRO) là gì?

Trung cấp
Đã đăng Jun 21, 2024Đã cập nhật Jul 26, 2024
11m

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Bài viết này chỉ nhằm mục đích chia sẻ kiến thức. Thông tin được cung cấp qua Binance Academy không phải là lời khuyên hoặc khuyến nghị đầu tư hoặc giao dịch. Binance không chịu trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ quyết định đầu tư nào của bạn. Hãy tự mình nghiên cứu và tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia trước khi chấp nhận rủi ro tài chính.

Các điểm chính

  • LayerZero là một dự án nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các mạng lưới blockchain khác nhau. Mục tiêu của dự án này là hỗ trợ giao tiếp chuỗi chéo liền mạch, cho phép tài sản và dữ liệu di chuyển tự do trên các chuỗi khác nhau.

  • Sử dụng các node ultra light (ULN), bộ chuyển tiếp và oracle, LayerZero có thể cung cấp giải pháp khả năng tương tác hiệu quả, an toàn và có thể mở rộng.

  • LayerZero có tiềm năng bổ trợ cho các lĩnh vực Web3 khác nhau như DeFi, NFT và game bằng cách cải thiện trải nghiệm người dùng và tạo ra một hệ sinh thái thống nhất hơn cho các ứng dụng phi tập trung (DApp).

Giới thiệu

Công nghệ blockchain đã cách mạng hóa thế giới kỹ thuật số bằng cách giới thiệu các hệ thống phi tập trung. Tuy nhiên, hệ sinh thái lại bị phân mảnh, với nhiều blockchain khác nhau hoạt động độc lập. Điều này đã tạo ra một nhu cầu đáng kể cho các giải pháp tương tác có thể kết nối các mạng lưới khác nhau. LayerZero là một trong những dự án như vậy, hướng tới thu hẹp khoảng cách giữa các blockchain khác nhau. 

Bài viết này sẽ tìm hiểu xem LayerZero là gì, cách thức hoạt động và tác động tiềm năng của dự án này đối với bối cảnh blockchain. LayerZero cũng sẽ khám phá những điều cơ bản về token gốc (ZRO) của LayerZero và chương trình airdrop token ZRO.

LayerZero là gì?

LayerZero là một giao thức có khả năng tương tác được thiết kế để hỗ trợ hoạt động giao tiếp liền mạch giữa các blockchain khác nhau. Mục đích của giao thức này là tạo ra một hệ sinh thái blockchain thống nhất, được kết nối với nhau, giúp tài sản và dữ liệu có thể di chuyển tự do trên các mạng lưới khác nhau. Khả năng này rất quan trọng đối với sự phát triển của các ứng dụng phi tập trung (DApp) cần tương tác với nhiều blockchain để sử dụng các tính năng và tài nguyên độc đáo của chúng.

Các tính năng chính của LayerZero

1. Khả năng tương tác

Mục tiêu chính của LayerZero là hỗ trợ giao tiếp chuỗi chéo. Điều này có nghĩa là những người dùng có thể dễ dàng chuyển tài sản và dữ liệu trên các blockchain khác nhau. Chẳng hạn, người dùng có thể chuyển token từ Ethereum sang BNB Smart Chain (BSC) mà không cần sử dụng sàn giao dịch tập trung hoặc quy trình swap phức tạp.

2. Node Ultra Light (ULN)

Một trong những tính năng nổi bật của LayerZero là sử dụng các node Ultra Light (ULN). Các cầu nối blockchain truyền thống thường dựa vào các node đầy đủ hoặc các light client, vốn có thể tốn nhiều tài nguyên. Mặt khác, ULN giúp đảm bảo bảo mật cần thiết mà không yêu cầu nhiều về khả năng tính toán và băng thông. Điều này khiến LayerZero trở nên hiệu quả hơn và có thể mở rộng.

3. Bộ chuyển tiếp và oracle

LayerZero sử dụng sự kết hợp độc đáo giữa các bộ chuyển tiếp và oracle để xác thực các thông điệp chuỗi chéo. Các bộ chuyển tiếp chịu trách nhiệm gửi bằng chứng giao dịch, trong khi các oracle cung cấp dữ liệu cần thiết để xác thực. Cơ chế kép này đảm bảo rằng không có thực thể đơn lẻ nào có quyền kiểm soát toàn bộ quá trình giao dịch, từ đó tăng cường bảo mật và mức độ tin cậy.

4. Bảo mật

Kiến trúc của LayerZero tăng cường đáng kể bảo mật bằng cách phân bổ sự tin tưởng giữa nhiều thực thể. Cả bộ chuyển tiếp và oracle phải đồng ý thì một giao dịch mới được xác thực. Điều này làm giảm nguy cơ gian lận hoặc bị tấn công, vì các thực thể này phải thông đồng với nhau thì mới có thể xâm nhập hệ thống.

5. Khả năng mở rộng

Thiết kế hiệu quả cho phép các giao thức xử lý một số lượng lớn các giao dịch chuỗi chéo mà không bị tắc nghẽn. Khả năng mở rộng này rất quan trọng để hỗ trợ nhu cầu tương tác chuỗi chéo ngày càng tăng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như tài chính phi tập trung (DeFi) và token không thể thay thế (NFT).

6. Thân thiện với nhà phát triển

LayerZero cung cấp một bộ công cụ phát triển phần mềm (SDK) và giao diện lập trình ứng dụng (API) để giúp các nhà phát triển dễ dàng tích hợp các chức năng chuỗi chéo vào DApp của họ. Điều này giúp đơn giản hóa quá trình phát triển và thúc đẩy việc áp dụng giao thức rộng rãi hơn.

Cách thức hoạt động của LayerZero

Để hiểu được cách thức hoạt động của LayerZero, bạn phải đi sâu vào kiến trúc của giao thức này và vai trò của các thành phần chính: các node Ultra Light, bộ chuyển tiếp và các oracle.

Node siêu nhẹ (ULN)

ULN (Ultra Light Nodes) là các node nhẹ cung cấp bảo mật cho các node đầy đủ mà không cần dùng đến tài nguyên của chúng. Các node này thực hiện việc này bằng cách dựa vào các thực thể ngoài chuỗi (bộ chuyển tiếp và oracle) để thực hiện các công việc tính toán nặng và xác thực các giao dịch.

  • Hiệu quả: ULN không cần lưu trữ hoặc xử lý một lượng lớn dữ liệu, nên mang đến hiệu quả cao.

  • Bảo mật: Bằng cách giảm tải các tác vụ xác thực cho các thực thể ngoài chuỗi đáng tin cậy, các ULN có thể duy trì bảo mật mà không ảnh hưởng đến hiệu suất.

Bộ chuyển tiếp

Các bộ chuyển tiếp chịu trách nhiệm truyền bằng chứng giao dịch giữa các blockchain. Khi một giao dịch xảy ra trên một blockchain, bộ chuyển tiếp sẽ gửi bằng chứng về giao dịch này đến blockchain đích.

  • Phi tập trung: Nhiều bộ chuyển tiếp độc lập có thể hoạt động trong mạng lưới LayerZero, giúp giảm nguy cơ tập trung.

  • Xác minh: Bộ chuyển tiếp không có quyền tự hoàn tất các giao dịch; vai trò của thành phần này là cung cấp các bằng chứng cần thiết.

Oracle

Oracle cung cấp dữ liệu cần thiết để xác thực các giao dịch chuỗi chéo. Oracle hoạt động cùng với các bộ chuyển tiếp để đảm bảo rằng các bằng chứng giao dịch là chính xác và đáng tin cậy.

  • Độ chính xác của dữ liệu: Oracle lấy dữ liệu từ các nguồn đáng tin cậy để xác nhận chi tiết giao dịch.

  • Xác thực kép: Cả bằng chứng của bộ chuyển tiếp và dữ liệu của oracle phải khớp nhau thì giao dịch mới được xác thực.

Quy trình xác thực

1. Bắt đầu giao dịch: Một người dùng khởi tạo giao dịch trên blockchain nguồn.

2. Tạo bằng chứng: Bộ chuyển tiếp tạo bằng chứng về giao dịch.

3. Cung cấp dữ liệu qua oracle: Oracle cung cấp dữ liệu cần thiết để xác thực giao dịch.

4. Xác thực chuỗi chéo: Cả bằng chứng của bộ chuyển tiếp và dữ liệu của oracle đều được gửi đến blockchain đích.

5. Hoàn tất giao dịch: Blockchain đích xác thực giao dịch nếu cả bằng chứng và dữ liệu khớp nhau, hoàn tất quá trình chuyển tiền chuỗi chéo.

Ví dụ: Chuyển token từ Ethereum sang BNB Smart Chain (BSC)

1. Bắt đầu: Người dùng gửi 100 token từ ví Ethereum đến hợp đồng thông minh LayerZero trên Ethereum.

2. Khóa: Hợp đồng thông minh LayerZero khóa 100 token trên Ethereum.

3. Tạo bằng chứng: Một bộ chuyển tiếp tạo bằng chứng về giao dịch này và gửi đến BSC.

4. Dữ liệu oracle: Oracle truy xuất và xác minh các chi tiết giao dịch từ Ethereum.

5. Xác thực chuỗi chéo: BSC nhận bằng chứng và dữ liệu để xác minh giao dịch.

6. Đúc/mở khóa: Hợp đồng thông minh của LayerZero trên BSC đúc 100 token được bọc hoặc mở khóa 100 token đã khóa từ trước.

7. Hoàn tất: Người dùng nhận được 100 token trong BSC.

Tại thời điểm này, bạn có thể tự hỏi: giao thức này có gì khác với các cầu nối blockchain thông thường? Hãy cùng tìm hiểu ngay bây giờ.

So sánh LayerZero với các cầu nối blockchain

Cách tiếp cận của LayerZero đối với chuyển tiền chuỗi chéo khác với các cầu nối truyền thống ở nhiều điểm, đặc biệt là về kiến trúc, bảo mật và tính hiệu quả. Dưới đây là một số điểm khác biệt chính giữa LayerZero và các cầu nối blockchain truyền thống.

1. Kiến trúc:

  • LayerZero: Sử dụng các node Ultra Light (ULN), giúp giảm nhu cầu về tài nguyên tính toán nặng bằng cách dựa vào các thực thể ngoài chuỗi (bộ chuyển tiếp và oracle) để xác thực.

  • Cầu nối truyền thống: Thường phụ thuộc vào các node đầy đủ hoặc light client, vốn cần sử dụng nhiều tài nguyên hơn.

2. Bảo mật:

  • LayerZero: Sử dụng cơ chế kép gồm bộ chuyển tiếp và các oracle, phân bổ niềm tin và giảm nguy cơ xảy ra các điểm lỗi đơn lẻ. Cả hai phải thông đồng thì mới có thể xâm nhập vào hệ thống.

  • Cầu nối truyền thống: Thường dựa vào người xác thực tập trung hoặc một bên, khiến chúng dễ bị tấn công hơn nếu thực thể trung tâm bị xâm phạm.

3. Tính hiệu quả:

  • LayerZero: Được thiết kế để thu được hiệu quả cao, với yêu cầu tính toán và băng thông thấp hơn, dẫn đến các giao dịch chuỗi chéo hiệu quả về chi phí.

  • Cầu nối truyền thống: Thường có mức tiêu thụ tài nguyên cao hơn, dẫn đến mất nhiều phí giao dịch hơn.

Lợi ích của LayerZero:

  • Khả năng tương tác tổng quát: Có thể kết nối bất kỳ blockchain nào, cung cấp giải pháp linh hoạt và có thể mở rộng.

  • Thân thiện với nhà phát triển: Cung cấp SDK và API để dễ dàng tích hợp chức năng chuỗi chéo vào DApp.

  • Giảm khả năng bị tấn công: Mô hình niềm tin phi tập trung giúp tăng cường bảo mật hơn so với các cầu nối tập trung.

Cách tiếp cận sáng tạo của LayerZero giúp đảm bảo các tương tác chuỗi chéo hiệu quả, an toàn và linh hoạt hơn, giải quyết nhiều hạn chế của các cầu nối blockchain truyền thống.

Token ZRO

Token ZRO là token quản trị gốc của LayerZero. Token này dùng để khuyến khích sự tham gia và ra quyết định trong cộng đồng LayerZero. Những người nắm giữ token ZRO có thể bình chọn cho những thay đổi và cải tiến quan trọng đối với giao thức LayerZero.

Token ZRO đã được niêm yết trên Binance với thẻ hạt giống vào ngày 20/06/2024. Vui lòng tham khảo thông báo niêm yết chính thức để biết thêm chi tiết.

Airdrop Token ZRO

Đợt airdrop token ZRO đã phân bổ 8,5% tổng nguồn cung token cho các ví đủ điều kiện. Bao gồm 5% cho cộng đồng cốt lõi, 3% cho Đề nghị mời thầu (RFP) và 0,5% cho nhóm cộng đồng.

Điều kiện tham gia

1. Đề nghị mời thầu (RFP). Các ví được liệt kê trong bản đệ trình RFP của Giao thức đã được phê duyệt đủ điều kiện, với mức phân bổ tối thiểu là 5 ZRO và tối đa là 10.000 ZRO. Việc phân bổ giao thức cụ thể được xác định dựa trên nhiều yếu tố, chẳng hạn như:

  • Số lượng tin nhắn được gửi trước và sau khi thu thập dữ liệu.

  • Số ngày kể từ khi tin nhắn đầu tiên được gửi trên LayerZero.

  • Danh mục ứng dụng (OApp, OFT, ONFT).

Phân bổ cho nhà phát triển nhằm mục đích phân chia theo tỷ lệ 90/10, với tối đa 100.000 ZRO cho mỗi nhóm nhà phát triển. Mọi khoản dư sẽ được phân phối cho các nhà phát triển khác.

2. Cốt lõi. Tất cả người dùng đã giao dịch trên giao thức LayerZero trước khi thu thập dữ liệu đều đủ điều kiện, với mức phân bổ tối thiểu là 25 ZRO và tối đa là 25.000 ZRO. Việc phân bổ dựa trên phí giao thức đã trả và một số yếu tố bổ sung, chẳng hạn như:

  • Các giao dịch dưới 1 USD và các giao dịch token không thể thay thế (NFT) không có giá trị đã giảm 80% để ưu tiên tương tác thực sự.

  • Hệ số nhân đã được trao cho người dùng trước và sau khi thu thập dữ liệu để ghi nhận sự tham gia liên tục vào giao thức.

Làm cách nào để tham gia airdrop ZRO?

Hãy cảnh giác với các trang web giả mạo và các cuộc tấn công lừa đảo. Đảm bảo rằng bạn đang sử dụng các trang web và kênh chính thức. 

Hãy làm theo các bước sau để kiểm tra xem bạn có đủ điều kiện không và nhận token ZRO:

1. Truy cập trang web airdrop chính thức

2. Kết nối ví EVM hoặc Aptos của bạn và kiểm tra xem bạn có đủ điều kiện nhận airdrop hay không. Nếu bạn đủ điều kiện, trang sẽ hiển thị số lượng token bạn có thể nhận.

3. Chọn một mạng lưới để nhận token từ các tùy chọn có sẵn.

4. Để nhận token, bạn sẽ cần quyên góp 0,10 USD bằng USDC, USDT hoặc ETH gốc cho mỗi ZRO.

5. Nhấp vào [Nhận] để nhận token ZRO của bạn.

Tác động tiềm ẩn của LayerZero

Khả năng hỗ trợ giao tiếp chuỗi chéo liền mạch của LayerZero có ý nghĩa lớn đối với hệ sinh thái blockchain.

1. Tài chính phi tập trung (DeFi) nâng cao

Các nền tảng DeFi có thể được hưởng lợi đáng kể từ khả năng tương tác của LayerZero. Hiện tại, người dùng DeFi thường gặp phải những thách thức trong việc chuyển tài sản trên các blockchain khác nhau, dẫn đến tính thanh khoản bị phân mảnh và các chi phí giao dịch cao hơn. LayerZero có thể đơn giản hóa các quy trình này, hỗ trợ các ứng dụng DeFi được tích hợp sẵn và hiệu quả hơn.

2. Phạm vi sử dụng NFT rộng rãi hơn

Không gian NFT là một lĩnh vực khác mà LayerZero có thể tạo ra tác động đáng kể. Bằng cách cho phép NFT di chuyển trên các blockchain khác nhau, LayerZero có thể nâng cao tiện ích và phạm vi tiếp cận của NFT. Các nghệ sĩ và nhà sáng tạo có thể tận dụng các tính năng độc đáo của nhiều blockchain khác nhau, chẳng hạn như phí thấp hơn hoặc khả năng mở rộng tốt hơn, để tối ưu hóa các dự án NFT của họ.

3. Game và metaverse được kết nối

Trong lĩnh vực gamemetaverse, LayerZero có thể hỗ trợ tạo ra các trải nghiệm được kết nối với nhau. Game thủ có thể chuyển tài sản và vật phẩm trong game trên nhiều nền tảng khác nhau, tạo ra trải nghiệm liền mạch và nhập vai hơn. Khả năng tương tác này có thể thúc đẩy sự đổi mới và thu hút nhiều người dùng hơn vào các game trên blockchain và các dự án metaverse.

4. Trải nghiệm người dùng tối ưu

Một trong những mục tiêu chính của LayerZero là cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách cung cấp các giao dịch chuỗi chéo nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm chi phí. Người dùng không còn phải sử dụng nhiều ví hoặc trải qua các quy trình phức tạp để chuyển tài sản giữa các blockchain. Quy trình đơn giản này có thể thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi hơn công nghệ blockchain.

5. Hệ sinh thái DApp hợp nhất

Bằng cách cho phép giao tiếp liền mạch giữa các blockchain khác nhau, LayerZero có thể giúp tạo ra một hệ sinh thái DApp thống nhất hơn. Các nhà phát triển có thể xây dựng các ứng dụng với thế mạnh của nhiều blockchain, tạo ra các DApp mạnh mẽ và linh hoạt hơn.

Các thách thức

Mặc dù LayerZero là một giải pháp đầy hứa hẹn cho khả năng tương tác blockchain nhưng giao thức này cũng vấp phải một số khó khăn. Việc đảm bảo tính bảo mật và độ tin cậy của bộ chuyển tiếp và oracle là rất quan trọng. Ngoài ra, để được áp dụng rộng rãi, sẽ cần phải thuyết phục được các nhà phát triển và người dùng về các lợi ích của giao thức.

Mức độ bảo mật

Mặc dù cơ chế kép của bộ chuyển tiếp và oracle giúp tăng cường bảo mật nhưng cũng tạo ra các điểm thất bại tiềm ẩn. Cần phải đảm bảo rằng các thực thể này vẫn hoạt động trung thực và đáng tin cậy. Kiểm toán thường xuyên, quản trị phi tập trung và cơ chế khuyến khích có thể giúp giảm thiểu những rủi ro này.

Tiếp nhận và tích hợp

Việc thuyết phục các nhà phát triển tích hợp LayerZero vào DApp của họ có thể mất thời gian. Để tăng khả năng chấp nhận cần cung cấp tài liệu đầy đủ, cơ chế hỗ trợ và khuyến khích. Việc cộng tác với các dự án và mạng lưới blockchain hiện có cũng có thể đẩy nhanh quá trình này.

Tổng kết

Bằng cách hỗ trợ giao tiếp liền mạch giữa các blockchain khác nhau, LayerZero giải quyết một trong những thách thức cấp bách nhất trong không gian blockchain. Việc sử dụng sáng tạo các node Ultra Light, bộ chuyển tiếp và oracle khiến LayerZero trở nên khác biệt so với các cầu nối blockchain truyền thống, cung cấp một giải pháp hiệu quả, an toàn và có thể mở rộng tốt hơn.

Đọc thêm:


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và hướng dẫn, không phải là sự cam đoan hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không nên coi nội dung này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác, cũng như khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn chuyên môn phù hợp. Trong trường hợp bài viết do cộng tác viên bên thứ ba đóng góp, xin lưu ý rằng những quan điểm được đưa ra thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Không nên coi tài liệu này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụngCảnh báo rủi ro của chúng tôi.