Tóm lược
Không giống như các máy chủ lưu trữ tập trung truyền thống được vận hành bởi một thực thể hoặc tổ chức duy nhất, các hệ thống lưu trữ phi tập trung lưu các tệp dữ liệu trên các node phân tán theo địa lý và được kết nối thông qua mạng ngang hàng (P2P).
Sử dụng blockchain để vận hành các mạng lưu trữ phi tập trung có thể giúp tăng cường bảo mật bằng cách đảm bảo các tệp dữ liệu được bảo vệ khỏi các lỗi, rủi ro đối tác và một điểm lỗi duy nhất.
Giới thiệu
Năm 2006, nhà toán học người Anh Clive Humby đã đặt ra cụm từ "dữ liệu là "vàng đen" mới". Tuyên bố này ngày càng trở nên chính xác hơn trong thời đại mà dữ liệu cá nhân gắn bó sâu sắc với trải nghiệm trực tuyến của chúng ta.
Ngày nay, dữ liệu cá nhân tạo nên định danh số thường được lưu trữ theo cách tập trung. Mặc dù các giải pháp lưu trữ tập trung có thể giúp người dùng dễ tiếp cận hơn nhưng họ sẽ không có toàn quyền kiểm soát dữ liệu họ muốn chia sẻ và cách họ muốn chia sẻ dữ liệu đó; dữ liệu cũng có nhiều khả năng bị mất, bị vi phạm quyền riêng tư và tấn công mạng hơn.
Tuy nhiên, sự ra đời của Web3 đã thay đổi cách chúng ta tương tác trực tuyến với nhau và công nghệ blockchain đóng một vai trò quan trọng trong sự thay đổi này.
Các ứng dụng được xây dựng trên blockchain hoạt động độc lập mà không cần bên thứ ba đáng tin cậy. Từ đó, tạo ra một mạng Internet phi tập trung, nơi người dùng có thể kiểm soát nhiều dữ liệu và trải nghiệm trực tuyến hơn. Hơn nữa, với sự xuất hiện của lưu trữ phi tập trung, người dùng có thể truy cập và lưu trữ dữ liệu của họ theo cách phân tán thay vì trên một máy chủ tập trung duy nhất.
So sánh việc lưu trữ tập trung và lưu trữ phi tập trung
Lưu trữ tập trung
Lưu trữ dữ liệu tập trung đã được mặc định sử dụng trong nhiều năm. Phương pháp lưu trữ này liên quan đến việc nhà cung cấp quản lý và lưu dữ liệu trên một hoặc một nhóm máy chủ, thường ở cùng một nơi.
Phương pháp này giúp cho dữ liệu dễ dàng truy cập và quản lý. Ví dụ: lưu trữ đám mây thường là một giải pháp tập trung, trong đó dữ liệu được lưu trên các máy chủ do một tổ chức duy nhất vận hành, chẳng hạn như Amazon, Google hoặc Dropbox.
Khi nói đến bảo mật trong lưu trữ dữ liệu tập trung, dữ liệu thường được mã hóa bằng công nghệ SSL 128 bit khi truyền từ máy tính của bạn đến máy chủ lưu trữ tập trung. Ngoài ra, dữ liệu cũng có thể được mã hóa bằng mã hóa 256-bit một lần trên máy chủ lưu trữ tập trung.
Lưu trữ phi tập trung
Tuy nhiên, việc lưu trữ dữ liệu tập trung cũng có những hạn chế của nó. Mặc dù các biện pháp bảo mật có nghiêm ngặt đến đâu, nền tảng lưu trữ vẫn giữ các khóa mã hóa . Điều này làm tăng mối lo ngại tiềm ẩn về khả năng tiếp cận, minh bạch và kiểm soát. Bên cạnh đó, tin tặc có thể dễ dàng nhắm mục tiêu vào một điểm lỗi duy nhất để thử và truy cập vào một lượng lớn dữ liệu vì mọi thông tin đều được lưu ở một nơi.
Ngược lại, các hệ thống phi tập trung lưu trữ dữ liệu trên một mạng máy tính phân tán theo địa lý thay vì ở một địa điểm duy nhất. Điều này giúp hệ thống có thể lưu trữ một lượng lớn dữ liệu mà không cần dựa vào máy chủ trung tâm hoặc nhà cung cấp, giúp loại bỏ các vấn đề kiểm duyệt và xâm phạm quyền riêng tư tiềm ẩn.
Lưu trữ phi tập trung hoạt động như thế nào?
Lưu trữ phi tập trung liên quan đến việc lưu trữ dữ liệu trên nhiều máy tính hoặc các node được kết nối với mạng P2P như BitTorrent hoặc giao thức InterPlanetary File System (IPFS) (IPFS).
Dữ liệu tải lên hệ thống lưu trữ phi tập trung được chia thành các phần nhỏ và gửi đến nhiều node trên mạng để lưu trữ. Nếu bạn cần truy xuất tệp dữ liệu của mình, mạng sẽ ghép các thành phần đã phân mảnh lại với nhau từ các node riêng lẻ lưu trữ tệp đó và tập hợp lại chúng để bạn tải xuống.
Ngoài ra, các node trong hệ thống lưu trữ phi tập trung không thể xem hoặc thay đổi tệp vì cơ chế băm mật mã tự động mã hóa tất cả dữ liệu được lưu trữ trên mạng. Người dùng phải sử dụng khóa riêng để truy cập dữ liệu của họ và ngăn các thực thể trái phép truy xuất thông tin.
Ưu điểm của lưu trữ phi tập trung so với lưu trữ tập trung
Lưu trữ dữ liệu phi tập trung có thể giảm bớt một số vấn đề mà các máy chủ lưu trữ tập trung truyền thống gặp phải. Dưới đây là một số lợi ích mà các mạng lưu trữ phi tập trung có được so với phương án lưu trữ tập trung.
Cải thiện bảo mật và quyền riêng tư
Các mạng lưu trữ tập trung truyền thống dễ bị tấn công hơn vì tất cả dữ liệu được lưu giữ ở một vị trí duy nhất. Ngược lại, các hệ thống lưu trữ phi tập trung cung cấp khả năng bảo mật mạnh mẽ hơn vì dữ liệu được trải rộng trên nhiều node thay vì nằm trên một máy chủ.
Điều này khiến tin tặc khó đột nhập vào các mạng lưu trữ phi tập trung và trích xuất thông tin hơn. Hơn nữa, người dùng không phải gửi thông tin cá nhân để lưu trữ dữ liệu trong một hệ thống phi tập trung, do đó, mô hình này có thêm một lớp ẩn danh.
Không có điểm lỗi duy nhất
Mặc dù các mạng lưu trữ dữ liệu tập trung dễ dàng truy cập và quản lý hơn nhưng chúng cũng dễ xảy ra lỗi truyền dẫn có khả năng dẫn đến mất dữ liệu. Một mạng lưu trữ phi tập trung bao gồm nhiều node được kết nối, cung cấp khả năng dự phòng và khả năng chịu lỗi cao hơn giúp người dùng vẫn có thể truy cập dữ liệu từ các node khác trên mạng ngay cả khi một node đã ngừng hoạt động.
Tốc độ tải về nhanh hơn
Lưu trữ tập trung có thể gặp phải tắc nghẽn nếu lưu lượng lớn hơn những gì mạng có thể xử lý. Nhờ công nghệ blockchain, lưu trữ phi tập trung có khả năng giảm mức sử dụng băng thông vì các node lưu trữ tệp dữ liệu được trải rộng trên toàn cầu.
Chi phí thấp
Với nhiều node lưu trữ dữ liệu, hệ thống phi tập trung sẽ có nhiều dung lượng lưu trữ hơn so với hệ thống tập trung. Điều này thường dẫn đến chi phí thấp hơn so với các nền tảng lưu trữ tập trung hiện có, đặc biệt là đối với những người dùng nhỏ hơn không thể hưởng lợi từ quy mô kinh tế.
Nâng cao tính toàn vẹn dữ liệu
Tính toàn vẹn của dữ liệu đề cập đến khả năng dữ liệu duy trì chất lượng giống nhau trong suốt thời gian tồn tại của nó. Việc duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu là một thách thức đối với các hệ thống lưu trữ tập trung vì dữ liệu sẽ không khả dụng nếu có điều gì đó xảy ra với máy chủ hoặc khi trang web được chuyển đến một vị trí khác. Với việc lưu trữ phi tập trung, dữ liệu vẫn có thể truy cập được vô thời hạn và thông qua cơ chế băm, dữ liệu vẫn còn nguyên vẹn.
Hạn chế của việc lưu trữ phi tập trung là gì?
Mặc dù lưu trữ dữ liệu phi tập trung có thể có nhiều ưu điểm so với các hệ thống tập trung, nhưng phương pháp này cũng có một số hạn chế có thể mâu thuẫn với những lợi thế được liệt kê ở trên. Ví dụ: do các hệ thống lưu trữ phi tập trung dựa trên mạng lưới các node để lưu trữ và truy xuất dữ liệu nên thời gian truy cập có thể chậm hơn so với các hệ thống lưu trữ tập trung.
Tương tự, việc lưu trữ phi tập trung có thể an toàn hơn các hệ thống tập trung từ quan điểm sở hữu dữ liệu, nhưng nó cũng không tránh khỏi các rủi ro bảo mật và các rủi ro khác. Các node độc hại có thể làm tổn hại đến tính bảo mật của dữ liệu được lưu trữ trên mạng. Ngoài ra, các hệ thống lưu trữ phi tập trung phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng mạng để hoạt động chính xác. Do đó, tính khả dụng của dữ liệu được lưu trữ trên mạng có thể bị ảnh hưởng trong trường hợp mất mạng.
Bên cạnh đó, mô hình lưu trữ phi tập trung vẫn còn thiếu sự tiêu chuẩn hóa. Các giao thức khác nhau có thể sử dụng các phương thức mã hóa và cơ chế xác thực khác nhau, gây khó khăn cho việc đảm bảo khả năng tương tác. Ngoài ra, các rủi ro liên quan đến mã hóa và quản lý khóa trong các hệ thống lưu trữ phi tập trung vẫn chưa được giải quyết.
Tổng kết
Mặc dù lưu trữ phi tập trung vẫn là một công nghệ mới nổi chưa được áp dụng rộng rãi, nhưng nó có thể thúc đẩy cuộc cách mạng Web3. Khi người dùng tìm kiếm một cơ chế lưu trữ dữ liệu an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng hơn, các nền tảng phi tập trung như BitTorrent có thể được phổ biến sớm hơn dự kiến.
Ngoài ra, với sự phổ biến của việc vi phạm dữ liệu, chi phí lưu trữ tăng và sự kiểm duyệt trong không gian lưu trữ dữ liệu truyền thống có thể khiến nhiều người chuyển sang các sản phẩm phi tập trung hơn. Tuy nhiên, mặc dù lưu trữ phi tập trung có thể giúp giải quyết một số vấn đề so với lưu trữ tập trung, nhưng giải pháp này vẫn có những hạn chế riêng. Hiện tại, lưu trữ tập trung vẫn là một giải pháp hấp dẫn đối với nhiều người và nó sẽ giữ được thị phần đáng kể ngay cả khi xu hướng lưu trữ phi tập trung trở nên phổ biến hơn.
Đọc thêm
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm và Cảnh báo rủi ro: Nội dung này được trình bày trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích thông tin chung và giáo dục, không có bất kỳ hình thức đại diện hay bảo đảm nào. Tài liệu này không nên được hiểu là tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên nghiệp khác, cũng như không nhằm khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên của riêng bạn từ các cố vấn chuyên nghiệp thích hợp. Trong trường hợp bài viết được đóng góp bởi cộng tác viên bên thứ ba, xin lưu ý rằng những quan điểm thể hiện đó thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc tuyên bố miễn trừ trách nhiệm đầy đủ của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ tổn thất nào mà bạn có thể phải gánh chịu. Tài liệu này không nên được hiểu là tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên nghiệp khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụng và Cảnh báo rủi ro của chúng tôi.