Ứng dụng Blockchain: Nhận dạng Kỹ thuật số
Trang chủ
Bài viết
Ứng dụng Blockchain: Nhận dạng Kỹ thuật số

Ứng dụng Blockchain: Nhận dạng Kỹ thuật số

Người mới
Đã đăng Jul 8, 2019Đã cập nhật Dec 11, 2023
5m

Các hình thức ứng dụng công nghệ blockchain trong các hệ thống nhận dạng kỹ thuật số

Về bản chất, khi một tệp được ghi trên hệ thống blockchain, độ tin cậy của thông tin đó được bảo đảm bởi nhiều nút (node) chịu trách nhiệm duy trì mạng đó. Hay nói cách khác, “một chuỗi các lời xác nhận,” từ nhiều người dùng chứng minh cho tính hợp lệ của tất cả các dữ liệu đã ghi.

Trong trường hợp này, các node của mạng có thể được kiểm soát bởi các cơ quan có thẩm quyền hoặc các tổ chức chính phủ, các node này chịu trách nhiệm kiểm tra và xác nhận các hồ sơ kỹ thuật số. Về cơ bản, mỗi node có thể “bỏ một phiếu” về độ tin cậy của dữ liệu để các tệp tin có thể được sử dụng giống như một văn bản chính thức nhưng với mức độ bảo mật cao hơn.


Vai trò của mật mã

Trong hệ thống nhận dạng kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain, không cần phải chia sẻ trực tiếp và chi tiết các thông tin nhạy cảm. Thay vào đó, có thể chia sẻ và xác thực các dữ liệu kỹ thuật số bằng cách sử dụng các kỹ thuật mật mã như các hàm băm, chữ ký số và giao thức chứng minh mà không cần tiết lộ thông tin (zero-knowledge proof).

Bằng cách sử dụng thuật toán băm, bất kỳ văn bản nào cũng có thể được chuyển đổi thành một mã băm bao gồm một chuỗi các ký tự chữ cái và số. Mã băm này đại diện cho tất cả các thông tin được sử dụng để tạo ra mã băm đó, và đóng vai trò như một dấu vân tay số. Ngoài ra, các tổ chức chính phủ hoặc các tổ chức được tin cậy khác có thể cung cấp các chữ ký số để chính thức xác nhận một văn bản là hợp lệ.

Ví dụ, một người có thể cung cấp cho một cơ quan có thẩm quyền văn bản của họ để tạo ra một mã băm duy nhất (dấu vân tay số). Sau đó, cơ quan này có thể tạo ra một chữ ký số để xác nhận tính hợp lệ của mã băm đó, có nghĩa là mã băm đó có thể được sử dụng như một văn bản chính thức.

Ngoài ra, giao thức chứng minh mà không cần tiết lộ thông tin (zero-knowledge proof)  cho phép chia sẻ và xác thực thông tin đăng nhập và danh tính của người dùng mà người dùng không cần tiết lộ thông tin về họ. Điều này có nghĩa là ngay cả khi dữ liệu được mã hóa, vẫn có thể kiểm tra tính hợp lệ của dữ liệu đó. Hay nói cách khác, bạn có thể sử dụng giao thức chứng minh mà không cần tiết lộ thông tin để chứng minh rằng bạn đủ tuổi để lái xe hoặc vào một câu lạc bộ mà không cần tiết lộ ngày sinh của mình.


Hệ thống nhận dạng có chủ quyền

Nhận dạng có chủ quyền là một mô hình trong đó mỗi người dùng cá nhân có toàn quyền kiểm soát các dữ liệu của mình được lưu trữ trên các ví cá nhân (tương tự như ví tiền mã hóa). Khi sử dụng hệ thống này, người dùng có thể quyết định các thông tin của họ được chia sẻ khi nào và bằng cách nào. Ví dụ, một người có thể lưu các thông tin thẻ tín dụng của mình trên ví cá nhân và sử dụng khóa riêng của mình để ký giao dịch, giao dịch đó sẽ gửi các thông tin đi. Việc này sẽ cho phép họ chứng minh mình là chủ sở hữu của thẻ tín dụng đó.

Mặc dù công nghệ blockchain được sử dụng chủ yếu để lưu và giao dịch tiền mã hóa, nó cũng có thể được sử dụng để chia sẻ và xác thực các tài liệu và chữ ký cá nhân. Ví dụ, người dùng có thể yêu cầu một cơ quan nhà nước phê duyệt tư cách của họ như một nhà đầu tư được chứng nhận, sau đó chuyển xác nhận đó tới một nhà môi giới thông qua giao thức chứng minh mà không cần tiết lộ thông tin. Nhờ vào đó, nhà môi giới có thể đảm bảo rằng nhà đầu tư đã được chứng nhận chính thức, cho dù họ không biết thông tin chi tiết về giá trị tài sản ròng hay thu nhập của nhà đầu tư.


Ưu điểm tiềm năng

Việc ứng dụng mật mã và công nghệ blockchain trong các hệ thống nhận dạng kỹ thuật số có ít nhất hai lợi ích lớn. Đầu tiên, người dùng có thể kiểm soát tốt hơn về cách thức và thời gian sử dụng thông tin cá nhân của họ. Điều đó sẽ giảm các rủi ro từ việc lưu các thông tin nhạy cảm trên các cơ sở dữ liệu tập trung. Ngoài ra, mạng blockchain đem lại quyền riêng tư cao hơn nhờ việc sử dụng các hệ thống mật mã. Như đã đề cập, giao thức chứng minh mà không cần tiết lộ thông tin cho phép người dùng chứng minh tính hợp lệ của các văn bản của mình và không cần chia sẻ chi tiết về chúng.

Ưu điểm thứ hai là các hệ thống nhận dạng kỹ thuật số dựa trên blockchain có thể đáng tin cậy hơn những hệ thống truyền thống. Ví dụ, sử dụng các chữ ký số có thể giúp dễ dàng kiểm tra lời xác nhận về một người dùng đến từ nguồn nào. Ngoài ra, các hệ thống blockchain khiến việc làm giả thông tin trở nên khó khăn hơn, và có thể bảo vệ một cách hiệu quả tất cả các dữ liệu trước các nguy cơ gian lận.


Nhược điểm tiềm năng

Cũng giống như các chức năng khác của blockchain, việc sử dụng công nghệ này cho các hệ thống nhận dạng kỹ thuật số cũng có thể có một số thử thách. Vấn đề khó khăn nhất là các hệ thống này dễ bị tấn công bởi một hoạt động gây hại được gọi là đánh cắp danh tính tổng hợp.

Một danh tính tổng hợp kết hợp nhiều thông tin hợp lệ từ nhiều người khác nhau để tạo thành một danh tính hoàn toàn mới. Do danh tính tổng hợp được tạo nên từ các thông tin chính xác, nên các hệ thống nhận dạng có thể bị đánh lừa và không nhận ra các danh tính giả. Kiểu tấn công này được sử dụng rộng rãi bởi các tên tội phạm trong các vụ gian lận thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách sử dụng các chữ ký số để đảm bảo rằng blockchain sẽ không chấp nhận một tập hợp các văn bản như một hồ sơ. Ví dụ, một cơ quan chính phủ có thể cấp các chữ ký số cá nhân cho từng văn bản đồng thời một chữ ký số chung cho tất cả các văn bản được đăng ký bởi cùng một người dùng đó.

Một điểm khác cần chú ý là nguy cơ các cuộc tấn công 51 phần trăm, các cuộc tấn công này có khả năng xảy ra trên các mạng blockchain nhỏ. Một cuộc tấn công 51% có khả năng tổ chức lại blockchain, về cơ bản thay đổi các hồ sơ của nó. Vấn đề này đặc biệt đáng lo ngại ở các mạng blockchain công cộng, nơi mà bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào quá trình kiểm tra và xác nhận các khối. Thật may mắn là các mạng blockchain riêng tư có thể giảm nguy cơ của các cuộc tấn công này bởi vì ở các mạng đó, chỉ các tổ chức đã được tin cậy mới có thể tham gia vào quá trình xác thực. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ khiến các mạng này trở thành các mô hình tập trung hơn và ít dân chủ hơn.


Kết luận

Bất chấp những nhược điểm và hạn chế, công nghệ blockchain có tiềm năng rất lớn để thay đổi cách thức xác thực, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu số. Mặc dù nhiều công ty và công ty khởi nghiệp đã đang thử nghiệm các tiềm năng này, vẫn còn rất nhiều việc cần làm. Tuy nhiên, chắc chắn chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến sự ra đời của nhiều dịch vụ quản lý nhận dạng kỹ thuật số trong những năm tới. Và rất có khả năng công nghệ blockchain sẽ đóng một vai trò trung tâm trong các dịch vụ đó.