Cách tạo NFT
Trang chủ
Bài viết
Cách tạo NFT

Cách tạo NFT

Trung cấp
Đã đăng Apr 17, 2023Đã cập nhật Dec 11, 2023
8m

Tóm lược

  • Các tài sản kỹ thuật số như tác phẩm nghệ thuật, đồ sưu tầm, vật phẩm trong trò chơi, v.v. có thể được chuyển đổi thành các token không thể thay thế (NFT).

  • Tạo NFT là một quy trình tương đối đơn giản và dễ tiếp cận. Hiểu rõ công nghệ blockchain và hệ sinh thái tiền mã hóa là yếu tố cần thiết trong quá trình điều hướng phí và định giá NFT.

  • Việc chọn đúng blockchain và thị trường để đúc và bán NFT là vô cùng quan trọng.

NFT Là Gì?

NFT là tài sản kỹ thuật số có thể đại diện cho quyền sở hữu các đối tượng duy nhất trong lĩnh vực kỹ thuật số. NFT được lưu trữ trên một sổ cái phi tập trung có thể kiểm chứng công khai, tức là tài sản này không thể dễ dàng chỉnh sửa, sao chép hoặc nhân bản. 

NFT mang lại cơ hội kiếm tiền mới cho các nhà sáng tạo. Do đó, chúng thúc đẩy sự đổi mới và hỗ trợ các ngành công nghiệp sáng tạo phát triển.

Các trường hợp sử dụng NFT phổ biến

Là một công nghệ mới nổi, NFT liên tục được nhiều người khám phá và ứng dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau. Dưới đây là một số trường hợp sử dụng quan trọng cho NFT:

Nghệ thuật

Nghệ thuật kỹ thuật số — bao gồm hình ảnh, tác phẩm mang tính tương tác và thậm chí cả sáng tạo AI — đều có thể được token hóa dưới dạng NFT. Nhờ đó, các nghệ sĩ có thể tạo, bán và theo dõi các sáng tạo kỹ thuật số của họ.

Video

NFT còn thể hiện được nội dung video như phim, video ca nhạc hay thậm chí là các clip thể thao trực tiếp. Thông qua tài sản này, các nhà sáng tạo video có thể tiếp cận khán giả toàn cầu và kiếm tiền từ tác phẩm của mình.

Âm nhạc

Tương tự, nhạc sĩ và người tạo âm thanh có thể token hóa tác phẩm của mình dưới dạng NFT. Giờ đây, họ có thể bỏ qua các bên thứ ba và bán bài hát, album hoặc thậm chí là vé xem hòa nhạc trực tiếp cho người hâm mộ của mình. Ngoài ra, những nghệ sĩ này có quyền quyết định làm cho những vật phẩm này trở nên độc đáo hoặc có giới hạn.

NFT Game và đồ sưu tầm

Các NFT cũng có thể ở dạng đồ sưu tầm kỹ thuật số, chẳng hạn như thẻ trao đổi, thú cưng ảo hoặc vật phẩm trong trò chơi. Lần đầu tiên kể từ khi NFT ra đời, sự khan hiếm của loại tàn sản có thể được xác minh dễ dàng và được giao dịch theo cách tương tự như các đồ sưu tầm ngoài đời thực. Một số ví dụ phổ biến về các NFT trò chơi bao gồm tiền tệ trong trò chơi, nhân vật và vật phẩm trong trò chơi như vũ khí, áo giáp và skin.

Ai có thể tạo ra NFT?

Hầu như bất kỳ ai có quyền truy cập Internet đều có thể tạo các NFT — một minh chứng cho tính chất mở, phi tập trung và truy cập được của công nghệ blockchain. Khả năng tiếp cận và dân chủ hóa của công nghệ blockchain đã cho phép các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà phát triển trò chơi và thực sự là bất kỳ ai cũng có thể tạo và thử nghiệm với các NFT. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là việc tạo các NFT đòi hỏi một số hiểu biết về blockchain và quy trình đúc NFT.

Cách tạo NFT

Bước 1: Chọn một blockchain

Chọn nền tảng blockchain mà bạn muốn tạo NFT của mình trên đó. Mặc dù Ethereum được sử dụng rộng rãi nhưng vẫn có một số tùy chọn khác chẳng hạn như BNB Chain, Cardano, Solana và EOS. Bạn có thể bắt đầu bằng cách nghiên cứu các yêu cầu cụ thể, phí và ví tương thích của từng nền tảng trước khi đưa ra lựa chọn của mình.

Blockchain mà bạn chọn sẽ lưu giữ hồ sơ vĩnh viễn về NFT của bạn, vì vậy điều quan trọng là chọn một blockchain phù hợp nhất với nhu cầu của bạn. Lưu ý, bạn không thể thay đổi blockchain sau khi NFT của bạn được đúc.

Bước 2: Thiết lập một ví kỹ thuật số và nạp tiền mã hóa

Tạo một ví tiền mã hóa tương thích với blockchain đã chọn để quản lý NFT và tiền mã hoá của bạn. Đảm bảo lưu trữ khóa riêng tư hoặc cụm từ hạt giống của bạn một cách an toàn; mất một trong hai thứ trên có thể dẫn đến mất quyền truy cập vào ví và tài sản của bạn.

Bạn cũng cần mua tiền mã hoá gốc của blockchain đã chọn để thanh toán phí gas phát sinh khi đúc NFT. Bạn có thể mua đồng này trên một sàn giao dịch tiền mã hoá hoặc thông qua ví của mình, tùy thuộc vào cách thức hoạt động của ví.

Bước 3: Chọn một nền tảng NFT

Chọn một nền tảng để tạo NFT của bạn và đảm bảo nền tảng này tương thích với blockchain và ví bạn đã chọn. Trên thực tế, ngày càng có nhiều danh sách thị trường NFT cho phép bạn tạo NFT mà không gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, một số trong đó là các thị trường NFT cung cấp đầy đủ dịch vụ, cho phép bạn làm mọi thứ, từ đúc NFT đến niêm yết và bán chúng.

Bước 4: Tạo NFT của bạn

Các tùy chọn và những bước cụ thể để tạo NFT có thể thay đổi tùy theo thị trường NFT mà bạn đã chọn. Do đó, bạn phải tự làm quen với giao diện trước khi tạo một NFT. Tuy nhiên, bạn có thể nhớ các hướng dẫn tổng quát sau để tạo NFT trên một thị trường NFT:

  1. Kết nối ví của bạn: Tìm kiếm tùy chọn để kết nối ví kỹ thuật số của bạn trên thị trường NFT đã chọn.

  2. Tìm tùy chọn “tạo NFT”: Trên thị trường, hãy tìm phần "Tạo" hoặc "Đúc", ở đó sẽ có hướng dẫn về quy trình tạo NFT. Quy trình này thường bao gồm việc tải lên tệp phương tiện của bạn, cài đặt các tính năng của NFT và cung cấp thông tin bổ sung.

  3. Tạo một tệp phương tiện: Các công cụ để tạo một NFT có thể thay đổi tùy theo loại tài sản kỹ thuật số bạn muốn tạo. Ví dụ: Để tạo tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số, bạn nên tìm phần mềm chuyên dụng cho hình ảnh, hình minh họa hoặc hoạt ảnh.

    Các nghệ sĩ cũng có thể sử dụng phần mềm chuyên dụng cho phép họ tạo và điều khiển các đối tượng 3D, thêm kết cấu và vật liệu, đồng thời xuất mô hình cuối cùng ở định dạng chính xác. Tương tự, các nhiếp ảnh gia có thể sử dụng phần mềm chỉnh sửa để tinh chỉnh hình ảnh cuối cùng. Ngoài ra, bạn thậm chí có thể sử dụng AI trong quy trình tạo nghệ thuật NFT chỉ bằng các lời nhắc văn bản.

    Đảm bảo sử dụng đúng tệp phương tiện, chẳng hạn như JPG và PNG cho tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số và GLB cho tác phẩm nghệ thuật 3D.

  4. Tải lên tệp phương tiện của bạn: Tải lên tệp hình ảnh, âm thanh hoặc video hoặc phương tiện khác mà bạn muốn token hóa dưới dạng một NFT.

  5. Điền thông tin chi tiết: Đặt tên và mô tả cho NFT của bạn. Có thể bạn cũng muốn thêm các đặc quyền bổ sung, chẳng hạn như quyền truy cập vào nội dung hoặc lợi ích độc quyền (như video hướng dẫn hoặc lời mời tham gia nhóm chat kín). Giới hạn số lượng NFT có thể được tạo cũng là một tùy chọn phổ biến nhưng tính năng này có thể phù hợp hoặc không, tùy thuộc vào hoàn cảnh.

  6. Tạo NFT đầu tiên của bạn: Sau khi cung cấp tất cả thông tin cần thiết và quyết định cài đặt (bao gồm cả lựa chọn blockchain), hãy nhấp vào nút "Tạo" hoặc "Đúc". Nền tảng sẽ xử lý yêu cầu của bạn và NFT sẽ được tạo ra.

Bước 5: Niêm yết NFT để bán

Sau khi được tạo, NFT của bạn có thể không được tự động niêm yết trong quá trình bán. Nếu bạn muốn bán NFT, hãy tìm tùy chọn niêm yết NFT của mình trên thị trường, sau đó đặt giá mong muốn và các điều khoản khác. Đây là bước không bắt buộc nhưng sẽ cho phép bạn quảng bá và kiếm tiền tốt hơn từ nội dung sáng tạo của mình.

Chi phí để tạo một NFT là bao nhiêu?

Việc tạo một NFT có mất một số chi phí, chủ yếu liên quan đến mạng lưới blockchain mà NFT được tạo ra. Ví dụ: Khi đúc một NFT, bạn phải trả phí giao dịch cho mạng lưới blockchain để xử lý và xác thực giao dịch của bạn. Các khoản phí này được thanh toán bằng tiền mã hóa gốc của mạng và có thể thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu và độ tắc nghẽn mạng lưới.

Tương tự, một số thị trường NFT tính phí để tạo NFT. Phí này có thể là một số tiền cố định hoặc một tỷ lệ phần trăm của giá bán NFT. Nếu bán NFT của mình trên thị trường, bạn cũng có thể phải trả phí nền tảng hoặc hoa hồng.

Cuối cùng, tương tự như chi phí lưu trữ tác phẩm nghệ thuật truyền thống, NFT có thể phát sinh chi phí lưu trữ kỹ thuật số. Khi lập kế hoạch tạo NFT, bạn nên tính đến chi phí lưu trữ và lưu trữ nội dung của mình bằng dịch vụ lưu trữ tập trung hoặc phi tập trung.

Cách định giá NFT của bạn

Giá của NFT phụ thuộc vào các yếu tố như độ hiếm, tiện ích, danh tiếng của người sáng tạo, tính thẩm mỹ, câu chuyện và sự tham gia của cộng đồng. Có một vài bước khả thi mà bạn có thể bắt đầu để xác định mức giá phù hợp cho NFT của mình. Đầu tiên, hãy đánh giá tính độc đáo và chức năng sử dụng của NFT trong các hệ sinh thái ảo.

Thứ hai, so sánh NFT của bạn với những loại tương tự và nghiên cứu xu hướng thị trường hiện tại. Ví dụ: Bạn có thể sử dụng giá sàn NFT của các bộ sưu tập tương tự làm tiêu chuẩn để xác định giá khởi điểm hợp lý cho NFT của riêng mình và đảm bảo rằng tài sản này có vị thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc định giá NFT vừa dựa trên yếu tố nghệ thuật, vừa dựa trên yếu tố khoa học. Do đó, bạn nên sẵn sàng sửa đổi giá dựa trên phản hồi của cộng đồng và điều kiện thị trường. Việc tham khảo ý kiến của những người tạo NFT khác cũng có thể mang đến thông tin có giá trị — tiền mã hóa có một cộng đồng mạnh mẽ ủng hộ, vì vậy sẽ không khó để tìm được những người sẵn sàng giúp đỡ.

Bản quyền và ăn cắp nội dung NFT

Bản quyền cho NFT cũng giống như bản quyền cho bất kỳ tác phẩm sáng tạo nào khác và việc sử dụng tác phẩm của người khác mà không được phép có thể dẫn đến hậu quả pháp lý. Do đó, để giảm thiểu rủi ro, người sáng tạo nên đảm bảo rằng họ có quyền sử dụng nội dung cho NFT.

Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và NFT của bạn là đảm bảo quyền sử dụng nội dung cho NFT. Nói cách khác, nhà sáng tạo phải sở hữu các quyền đối với nội dung hoặc được nhà sáng tạo gốc cho phép.

Ăn cắp tác phẩm của người khác không chỉ khiến bạn có nguy cơ phải chịu hậu quả pháp lý mà còn gây thiệt hại cho nhà sáng tạo gốc. Do đó, phải luôn tôn trọng thành quả của người khác và xin phép thích hợp trước khi sử dụng bất kỳ nội dung gì không phải của bạn để tạo một NFT.

Tổng kết

Các NFT đang tạo ra một cuộc cách mạng đối với nội dung kỹ thuật số bởi tài sản này mang lại một cách dễ dàng để thể hiện quyền sở hữu và chứng minh tính xác thực của các nội dung kỹ thuật số khác nhau - từ tranh ảnh, âm nhạc hay video.

Vì việc tạo các NFT ngày càng trở nên dễ tiếp cận nên ngày càng có nhiều nhà sáng tạo tham gia phong trào và khám phá công nghệ đằng sau nó. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc tạo NFT thành công không chỉ đòi hỏi kỹ năng tạo ra một tài sản kỹ thuật số mà mọi người muốn xem và sử dụng — hoạt động này còn đòi hỏi sự hiểu biết về các yếu tố như chi phí và định giá.

Đọc thêm:

Tuyên bố từ chối trách nhiệm và Cảnh báo rủi ro: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích thông tin chung và giáo dục, không có bất kỳ hình thức đại diện hay bảo đảm nào. Nó không nên được hiểu là tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên nghiệp khác, cũng như không nhằm khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên của riêng bạn từ các cố vấn chuyên nghiệp thích hợp. Trong trường hợp bài viết được đóng góp bởi cộng tác viên bên thứ ba, xin lưu ý rằng những quan điểm thể hiện đó thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc tuyên bố từ chối trách nhiệm đầy đủ của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ tổn thất nào mà bạn có thể phải gánh chịu. Tài liệu này không nên được hiểu là tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên nghiệp khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụng Cảnh báo rủi rocủa chúng tôi.