Kiểm Định Bảo Mật Hợp Đồng Thông Minh Là Gì?
Trang chủ
Bài viết
Kiểm Định Bảo Mật Hợp Đồng Thông Minh Là Gì?

Kiểm Định Bảo Mật Hợp Đồng Thông Minh Là Gì?

Trung cấp
Đã đăng Mar 1, 2022Đã cập nhật Apr 27, 2023
8m

Tóm lược

Một cuộc kiểm định sẽ cung cấp phân tích chi tiết về tính an toàn của các hợp đồng thông minh trong dự án. Đây là một quy chuẩn quan trọng phải làm để bảo vệ các khoản tiền được đầu tư thông qua chúng. Vì tất cả các giao dịch trên blockchain đều khó thể hoàn lại, nên không thể lấy lại tiền nếu chúng bị đánh cắp. Thông thường, những người kiểm định sẽ kiểm tra code các hợp đồng thông minh, tạo báo cáo để dự án tiếp tục hoàn thiện. Sau đó, báo cáo cuối cùng về tính an toàn của dự án sẽ được phát hành. Báo cáo này nêu chi tiết các lỗi còn tồn tại và công việc đã được thực hiện để giải quyết các vấn đề về hiệu suất hoặc an toàn, bảo mật.


Giới thiệu

Kiểm định bảo mật hợp đồng thông minh là hoạt động rất phổ biến trong hệ sinh thái Tài chính phi tập trung (DeFi). Nếu bạn đã đầu tư vào một dự án blockchain, kết quả kiểm định code hợp đồng thông minh là một điều bạn cần cân nhắc.

Mặc dù hầu hết mọi người đều hiểu tầm quan trọng của kiểm định (audit) đối với an ninh mạng, nhưng không nhiều người đi sâu vào các dòng code. Hãy cùng tìm hiểu các phương pháp, công cụ và kết quả thường thấy trong quá trình kiểm định hợp đồng thông minh để bạn có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn.


Kiểm định hợp đồng thông minh là hoạt động gì?

Kiểm định bảo mật hợp đồng thông minh (smart contract security audit) là quá trình kiểm tra và nhận xét dựa trên code hợp đồng thông minh của dự án. Thông thường, các hợp đồng này được viết bằng ngôn ngữ lập trình Solidity và được cung cấp qua GitHub. Kiểm định bảo mật đặc biệt quan trọng đối với các dự án DeFi, bởi các dự án này xử lý các giao dịch blockchain trị giá hàng triệu đô-la hoặc với một lượng người dùng lớn. Các cuộc kiểm định thường tuân theo một quy trình gồm bốn bước:

1. Hợp đồng thông minh được cung cấp cho đội ngũ kiểm định để phân tích ban đầu.

2. Đội ngũ kiểm định trình bày những phát hiện của họ cho dự án để dự án tìm cách khắc phục.

3. Đội ngũ dự án thực hiện các thay đổi dựa trên các vấn đề được tìm thấy.

4. Đội ngũ điểm định phát hành báo cáo cuối cùng, xem xét bất kỳ sự thay đổi hoặc các sai sót nào còn tồn tại.

Đối với nhiều người dùng tiền mã hóa, việc xác định dự án đã kiểm định hợp đồng thông minh hay chưa là điều cần thiết trước khi họ quyết định đầu tư vào một dự án DeFi mới. Việc kiểm định đã trở thành một tiêu chuẩn cho các dự án muốn chứng minh rằng mình đang làm việc một cách nghiêm túc. Một số nhà cung cấp dịch vụ kiểm định hợp đồng thông minh được xem là những người dẫn đầu trong ngành. Các cuộc kiểm định của họ được xem là đáng tin cậy hơn trong mắt các nhà đầu tư so với các bên khác.


Tại sao chúng ta cần các cuộc kiểm định hợp đồng thông minh?

Với số lượng lớn giá trị được giao dịch hoặc bị khóa, các hợp đồng thông minh đã trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các cuộc tấn công độc hại từ tin tặc. Các lỗi nhỏ trong code có thể dẫn đến các vụ đánh cắp tiền lớn. Ví dụ: vụ hack DAO trên blockchain Ethereum đã lấy đi số ETH trị giá khoảng 60 triệu đô-la và thậm chí dẫn đến một đợt hard fork của mạng Ethereum.

Vì các giao dịch blockchain là không thể thay đổi, nên việc đảm bảo rằng code của dự án an toàn là điều cần thiết. Với bản chất bảo mật cao cho người dùng, công nghệ blockchain cũng gây khó khăn cho việc truy xuất tiền và giải quyết các vấn đề sau khi thực tế đã xảy ra, vì vậy tốt hơn hết là bạn nên ngăn chặn các lỗ hổng bảo mật bằng mọi giá.


Việc kiểm định hợp đồng thông minh diễn ra như thế nào?

Quy trình kiểm định hợp đồng thông minh đã được các công ty kiểm định đưa vào một tiêu chuẩn. Mặc dù cách tiếp cận của mỗi bên kiểm định có thể khác nhau một chút, nhưng quy trình này thường diễn ra như sau:

1. Xác định phạm vi kiểm định. Hợp đồng thông minh và các thông số kỹ thuật được xác định bởi dự án (mục đích dự kiến của chúng) và kiến trúc tổng thể. Bản đặc tả giúp nhóm kiểm định hiểu được mục tiêu của dự án khi viết và sử dụng code.

2. Đưa ra báo giá ban đầu dựa trên các công việc cần thiết.

3. Chạy thử nghiệm (test). Bản chất chính xác của chúng sẽ thay đổi tùy thuộc vào nhóm kiểm định, công cụ phân tích và phương pháp của họ. Thông thường, cả kiểm thử thủ công và tự động đều được thực hiện.

4. Tạo bản nháp báo cáo đầu tiên với các lỗi được tìm thấy và cung cấp cho đội ngũ dự án để phản hồi và tiếp tục sửa chữa.

5. Xuất bản báo cáo cuối cùng, xem xét bất kỳ hành động nào do đội ngũ dự án thực hiện để giải quyết các vấn đề đã nêu.


Các phương pháp kiểm định hợp đồng thông minh

Hiệu suất gas 

Kiểm toán hợp đồng thông minh không chỉ tập trung vào bảo mật blockchain. Nhóm kiểm định cũng xem xét hiệu quả và sự tối ưu hóa. Một số hợp đồng thực hiện một loạt các giao dịch phức tạp để hoàn thành chức năng dự kiến của chúng. Với phí gas trên các mạng như Ethereum tương đối tốn kém, các hợp đồng hiệu quả có thể tiết kiệm rất nhiều chi phí giao dịch.

Tối ưu hóa hiệu suất cũng là một chỉ số để đánh giá kỹ năng của nhà phát triển. Các bước không hiệu quả cung cấp nhiều điểm cho sự thất bại và nên được tránh. Khi chi phí gas cao, các hợp đồng thông minh có thể không được thực hiện, thậm chí còn nhiều hơn so với khi giới hạn gas thấp được sử dụng.

Lỗ hổng tiềm ẩn trong hợp đồng

Hầu hết công việc trong các cuộc kiểm định liên quan đến việc kiểm tra các hợp đồng để tìm ra các lỗ hổng bảo mật. Mặc dù có thể dễ dàng nhận thấy một số vấn đề, nhưng nhiều vụ khai thác lỗ hổng liên quan đến các kỹ thuật và chiến lược rút tiền. Ví dụ, thao túng thị trường có thể được sử dụng với các hợp đồng thông minh yếu kém qua các cuộc tấn công cho vay chớp nhoáng (flash loan). Để tìm ra những vấn đề này, kiểm định viên bắt đầu quá trình kiểm tra phá vỡ và mô phỏng các cuộc tấn công độc hại vào hợp đồng thông minh. Các lỗ hổng phổ biến bao gồm:

1. Các vấn đề nhập lại (reentrancy): Khi một hợp đồng thông minh thực hiện lệnh gọi bên ngoài tới một hợp đồng bên ngoài khác trước khi bất kỳ tác động nào được thực hiện. Sau đó, hợp đồng bên ngoài có thể gọi đệ quy hợp đồng thông minh ban đầu và tương tác với nó theo những cách mà nó không thể thực hiện được, vì số dư của hợp đồng ban đầu chưa được cập nhật.
2. Tràn số nguyên: Khi hợp đồng thông minh thực hiện một phép toán số học, nhưng kết quả đầu ra vượt quá dung lượng lưu trữ (thường là 18 chữ số thập phân). Điều này có thể dẫn đến việc tính toán số tiền không chính xác.
3. Cơ hội chạy trước: Code có cấu trúc không hợp lệ có thể cung cấp thông tin báo trước về các giao dịch mua hoặc bán trên thị trường. Điều này có thể cho phép người khác sử dụng thông tin và giao dịch vì lợi ích của họ.

Các lỗi bảo mật nền tảng

Hầu hết các cuộc kiểm định bao gồm việc xem xét mạng lưu trữ các hợp đồng và thậm chí cả API được sử dụng để tương tác với DApp. Một dự án có thể dễ bị tấn công DDoS hoặc bị xâm phạm từ giao diện người dùng trang web, có nghĩa là người dùng sẽ có rủi ro kết nối ví của họ với các ứng dụng blockchain độc hại.


Báo cáo kiểm định là gì?

Báo cáo kiểm định được tạo ra vào cuối quá trình kiểm định. Để minh bạch, các dự án được kỳ vọng sẽ chia sẻ thông tin trong báo cáo với cộng đồng của họ. Hầu hết các báo cáo phân loại các vấn đề theo mức độ nghiêm trọng, chẳng hạn như rất nghiêm trọng (critical), vấn đề lớn (major), vấn đề nhỏ (minor), v.v. Báo cáo cũng sẽ liệt kê trạng thái của vấn đề, vì các dự án sẽ có thời gian để giải quyết chúng trước khi phát hành báo cáo cuối cùng.

Cùng với bản tóm tắt, một báo cáo tiêu chuẩn sẽ chứa các khuyến nghị, ví dụ về code dự phòng và phân tích đầy đủ về vị trí tồn tại các lỗi mã hóa. Dự án có thời gian để khắc phục các phát hiện của báo cáo trước khi phiên bản cuối cùng của nó được phát hành.


Tôi có thể xem kết quả kiểm định hợp đồng thông minh dự án ở đâu?

Một số dịch vụ kiểm định hợp đồng thông minh đã trở nên nổi tiếng nhờ dịch vụ của họ. Trong đó, có hai công ty đặc biệt phổ biến và báo cáo của họ cung cấp khá nhiều thông tin.

CertiK

CertiK là công ty hàng đầu trong ngành khi nói đến kiểm định hợp đồng thông minh. Họ đã kiểm định hợp đồng thông minh của hàng trăm dự án. PancakeSwap, nền tảng tạo lập thị trường tự động (AMM) lớn nhất của BSC là một ví dụ. Dưới đây là kết quả kiểm tra của PancakeSwap trên Certik.


Ngoài ra, phần lớn các dự án được Binance Labs hỗ trợ đều được kiểm định hợp đồng bằng CertiK. CertiK đã tạo ra một bảng xếp hạng các dự án đã được kiểm định và cho phép bạn so sánh số điểm an toàn của từng dự án. Lưu ý rằng, ngoài Ethereum, CertiK còn kiểm định các dự án trên BSC và Polygon.


ConsenSys Diligence

Được điều hành bởi Joseph Lubin, người đồng sáng lập Ethereum, ConsenSys là một trong những tên tuổi lớn nhất của ngành công nghiệp tiền mã hóa trong việc phát triển blockchain. Theo ConsenSys Diligence, công ty cung cấp dịch vụ kiểm định hợp đồng thông minh Ethereum. Họ cũng cung cấp một dịch vụ tự động kiểm tra các hợp đồng Máy ảo Ethereum (EVM) để tìm các lỗi thường thấy.


Chi phí kiểm định các hợp đồng thông minh là bao nhiêu?

Chi phí chính xác của việc kiểm định phụ thuộc vào số lượng hợp đồng thông minh cần kiểm tra. Thông thường, một cuộc kiểm định sẽ có giá hàng nghìn đô-la. Một dự án lớn cụ thể có thể dễ dàng tiêu tốn hơn 10.000 đô-la cho mỗi cuộc kiểm định. Công ty kiểm định và danh tiếng của nó cũng sẽ ảnh hưởng đến số tiền bạn phải trả.


Tổng kết

May mắn thay cho các nhà đầu tư và người dùng, kiểm định hợp đồng thông minh đã trở thành một tiêu chuẩn bắt buộc với nhiều dự án. Tuy nhiên, khi mọi dự án đều trải qua kiểm định thì kết quả của nó không còn là một chỉ báo dễ dàng về giá trị. Đây là lý do tại sao việc tự mình đọc bản đánh giá kiểm định là vô cùng quan trọng. Ngay cả khi bạn không có kiến thức kỹ thuật, bằng việc đọc các nhận xét và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề tiềm ẩn, các báo cáo vẫn sẽ rất hữu ích cho bạn.

Sau bài viết này, nếu bắt gặp một báo cáo kiểm định, ít nhất bạn có thể hiểu nội dung của nó một cách dễ dàng hơn. Như mọi khi, hãy đảm bảo rằng bất kỳ quyết định đầu tư nào cũng cần phải xem xét toàn cảnh và cân nhắc tất cả các thông tin.