Chỉ báo Chỉ số Sức mạnh Tương đối (RSI)
Chỉ số Sức mạnh Tương đối (RSI) là một chỉ báo PTKT được phát triển vào cuối thập niên bảy mươi, như một công cụ mà các nhà giao dịch chứng khoán có thể sử dụng để kiểm tra diễn biến hoạt động của một cổ phiếu như thế nào trong một khoảng thời gian. Về cơ bản, nó là một bộ dao động động lượng đo độ lớn của biến động giá cũng như tốc độ (vận tốc) của các biến động này. RSI có thể là một công cụ rất hữu ích tùy thuộc vào hồ sơ nhà giao dịch và thiết lập giao dịch của họ.
Trước khi trở thành nhà phân tích kỹ thuật, Wilder từng là kỹ sư cơ khí và nhà phát triển bất động sản. Ông bắt đầu kinh doanh cổ phiếu vào khoảng năm 1972 nhưng không thành công lắm. Vài năm sau, Wilder đã tổng hợp các nghiên cứu và kinh nghiệm giao dịch của mình thành các công thức và chỉ số toán học mà sau này được nhiều nhà giao dịch trên thế giới áp dụng. Cuốn sách chỉ được sản xuất trong vòng sáu tháng, và mặc dù ra đời từ những năm 1970, nó vẫn là tài liệu được nhiều nhà phân tích và giao dịch ngày nay tham khảo.
Chỉ báo RSI hoạt động như thế nào?
Theo mặc định, RSI đo lường các thay đổi về giá của một tài sản trong các giai đoạn thời gian lấy con số 14 (14 ngày theo đồ thị hàng ngày, 14 giờ theo biểu đồ hàng giờ, v.v.). Chỉ số được xác định bằng cách chia trung bình giá tăng cho trung bình giá giảm trong khoảng thời gian tính và sau đó biểu diễn chỉ số này trên thang điểm được đặt từ 0 đến 100.
Như đã đề cập, RSI là chỉ báo động lượng, là một loại công cụ đo lường tốc độ biến động giá (hoặc dữ liệu). Đà tăng cho thấy cổ phiếu đang được tích cực mua trên thị trường. Đà giảm là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của các nhà giao dịch đối với cổ phiếu đang chậm lại.
RSI cũng là một chỉ báo dao động giúp các nhà giao dịch dễ dàng phát hiện các tình trạng quá mua hoặc quá bán trên thị trường. Nó đánh giá giá tài sản trên thang điểm từ 0 đến 100, chia thời gian thành 14 khoảng. Khi RSI có điểm nằm dưới mức 30, nó cho biết giá tài sản có thể gần chạm đáy (quá bán); nếu RSI có điểm nằm trên mức 70, nó cho biết giá tài sản gần mức đỉnh (quá mua) trong khoảng thời gian đó và có khả năng sẽ giảm.
Mặc dù cài đặt mặc định của RSI là 14 khoảng thời gian, các nhà giao dịch có thể điều chỉnh để tăng độ nhạy (các giai đoạn thời gian ngắn hơn) hoặc giảm độ nhạy (các giai đoạn thời gian nhiều hơn). Do đó, RSI 7 ngày sẽ nhạy cảm hơn với các biến động giá hơn là RSI 21 ngày. Hơn nữa, các thiết lập giao dịch ngắn hạn có thể điều chỉnh chỉ báo RSI để đặt 20 và 80 là các mức quá bán và quá mua (thay vì 30 và 70), nhờ vậy sẽ ít có khả năng cung cấp tín hiệu sai.
Cách sử dụng RSI dựa trên phân kỳ
Bên cạnh các điểm số RSI 30 và 70 - cho thấy tình trạng có thể quá bán và quá mua trên thị trường - các nhà đầu tư cũng tận dụng RSI để dự đoán xu hướng đảo chiều hoặc xác định các mức hỗ trợ và kháng cự. Cách tiếp cận như vậy dựa trên cái gọi là phân kỳ âm và phân kỳ dương.
Phân kỳ dương là tình trạng biến động giữa giá và RSI đi theo hai chiều ngược nhau. Trong tình trạng này, RSI tăng tạo đáy cao trong khi giá giảm tạo đáy thấp. Đây được gọi là phân kỳ “dương” và chỉ báo rằng đà đang mạnh lên bất chấp xu hướng giảm giá.
Ngược lại, phân kỳ âm có thể chỉ báo rằng mặc dù giá tăng, thị trường đang mất đà. Do đó, RSI giảm và tạo đỉnh thấp trong khi giá tài sản tăng và tạo đỉnh cao.
Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng phân kỳ RSI không đáng tin cậy khi thị trường có các xu hướng mạnh. Điều này có nghĩa là lúc thị trường có xu hướng giảm mạnh vẫn có thể xuất hiện nhiều phân kỳ dương trước khi chạm đáy thực. Do đó, các phân kỳ RSI sẽ phù hợp hơn với các thị trường ít biến động (có các chuyển động đi ngang hoặc các xu hướng không rõ ràng).
Tổng kết
Có một số yếu tố quan trọng cần xem xét khi sử dụng chỉ báo Chỉ số Sức mạnh Tương đối, chẳng hạn như cài đặt, mức (30 và 70) và phân kỳ dương/âm. Tuy nhiên, bạn nên luôn nhớ rằng không có chỉ báo kỹ thuật nào hiệu quả 100% - đặc biệt nếu sử dụng các chỉ báo một cách riêng lẻ. Do đó, nhà giao dịch nên cân nhắc việc sử dụng chỉ báo RSI cùng với các chỉ báo khác để tránh các tín hiệu sai.