Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là gì?
Trang chủ
Bài viết
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là gì?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là gì?

Người mới
Đã cập nhật Aug 3, 2024
6m

Các điểm chính

  • Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chỉ số kinh tế theo dõi mức biến động giá trung bình của một số loại hàng hóa và dịch vụ.

  • CPI là thước đo lạm phát chính, cho biết giá đã tăng bao nhiêu trong một khoảng thời gian nhất định. Nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng công cụ này để đưa ra quyết định sáng suốt hơn.

  • Bằng cách theo dõi xu hướng CPI, nhà đầu tư có thể hiểu rõ hơn tình hình kinh tế và đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt hơn.

Giới thiệu

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là một chỉ số kinh tế quan trọng đo lường mức biến động giá trung bình theo thời gian của một số loại hàng hóa và dịch vụ. CPI tác động đến mọi thứ, từ chi phí sinh hoạt cho đến các quyết định về chính sách tiền tệ, ảnh hưởng đến tất cả mọi người, từ người tiêu dùng đến nhà hoạch định chính sách. Bài viết này sẽ giải thích CPI là gì, cách thức hoạt động và mối quan hệ tiềm năng của chỉ số này với thị trường tiền mã hoá.

CPI là gì?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là thước đo được dùng để đánh giá mức độ biến động giá liên quan đến chi phí sinh hoạt. CPI theo dõi những thay đổi trong mức giá của một giỏ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Đây là một trong những chỉ số lạm phát được sử dụng phổ biến nhất, đề cập đến tốc độ tăng giá chung của hàng hóa và dịch vụ, làm xói mòn sức mua.

CPI hoạt động như thế nào?

CPI được tính toán bởi các cơ quan thống kê quốc gia, như Cục Thống kê Lao động (BLS) Hoa Kỳ. Hãy cùng xem chỉ số này hoạt động như thế nào.

1. Chọn hàng hóa và dịch vụ

Một giỏ hàng hóa và dịch vụ đại diện được chọn. Giỏ hàng này bao gồm các mặt hàng thường được các hộ gia đình mua sắm như thực phẩm, quần áo, phương tiện đi lại, chăm sóc y tế và giải trí. Mục đích của việc chọn hàng hóa và dịch vụ là để phản ánh thói quen chi tiêu của người tiêu dùng bình thường.

2. Thu thập dữ liệu

Giá của các mặt hàng trong giỏ hàng được thu thập định kỳ. Dữ liệu này được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các cửa hàng bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ và nền tảng trực tuyến. Giá cả được ghi lại ở nhiều khu vực khác nhau để tính đến sự khác biệt về mặt địa lý.

3. Trọng số

Mỗi mặt hàng trong giỏ hàng được đánh giá theo mức độ quan trọng của mặt hàng đó trong ngân sách trung bình của người tiêu dùng. Ví dụ: nếu người tiêu dùng chi nhiều hơn cho nhà ở so với giải trí thì nhà ở sẽ có trọng số cao hơn trong chỉ số.

4. Cách tính chỉ số

Giá của các mặt hàng trong giỏ hàng được so sánh với một kỳ cơ sở và chỉ số sẽ được tính toán. Kỳ cơ sở thường được đặt là 100 và giá trị CPI cho các kỳ tiếp theo thể hiện phần trăm biến động giá so với kỳ cơ sở này. Ví dụ: CPI là 105 cho thấy mức giá tăng 5% so với kỳ cơ sở.

Sử dụng CPI 

Dữ liệu CPI phục vụ một số chức năng quan trọng:

1. Chỉ số lạm phát

CPI là thước đo lạm phát chính, cho biết mức giá đã tăng bao nhiêu trong một khoảng thời gian nhất định. Nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng công cụ này để đưa ra quyết định sáng suốt hơn.

2. Điều chỉnh chi phí sinh hoạt (COLA)

CPI được sử dụng để điều chỉnh các khoản thanh toán thu nhập, chẳng hạn như trợ cấp An sinh xã hội, để theo kịp lạm phát. Điều này đảm bảo rằng sức mua của những khoản thanh toán này vẫn tương đối ổn định qua từng năm.

3. Phân tích kinh tế

Nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách sử dụng CPI để phân tích tình hình kinh tế và đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ. Ví dụ: các ngân hàng trung ương có thể điều chỉnh lãi suất dựa trên dữ liệu CPI để kiểm soát lạm phát.

4. Lập chỉ mục các công cụ tài chính

Một số công cụ tài chính như Trái phiếu chính phủ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (TIPS) được lập chỉ mục theo CPI. Các công cụ này có thể giúp nhà đầu tư bảo vệ sức mua của mình khỏi lạm phát.

CPI ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào

1. Chi tiêu của người tiêu dùng

CPI tăng cho thấy giá cả cao hơn, có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng vì mọi người có thể mua ít hàng hóa và dịch vụ hơn. Ngược lại, CPI ổn định hoặc giảm có thể khuyến khích mọi người chi tiêu nhiều hơn.

2. Lãi suất

Các ngân hàng trung ương, như Cục Dự trữ Liên bang, theo dõi CPI để đặt ra lãi suất. Thông thường, lạm phát cao sẽ khuyến khích các ngân hàng trung ương hạ nhiệt nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất. Mặt khác, lạm phát thấp có thể dẫn đến lãi suất thấp hơn để kích thích tăng trưởng kinh doanh và kinh tế.

3. Tiền lương và tiền công

Người sử dụng lao động có thể điều chỉnh tiền lương dựa trên CPI để giúp người lao động duy trì sức mua của mình. Các công đoàn thường sử dụng dữ liệu CPI trong đàm phán tiền lương.

4. Chính sách của chính phủ

Các chương trình của chính phủ, chẳng hạn như phúc lợi và mức thuế suất, thường được điều chỉnh theo lạm phát bằng CPI. Điều này đảm bảo các chương trình này vẫn có hiệu quả thực tế.

CPI và thị trường tiền mã hoá

Do mối quan hệ với lãi suất, CPI có thể ảnh hưởng đến mọi loại thị trường tài chính, bao gồm cả tiền mã hoá. Mặc dù ảnh hưởng của nó lên thị trường tiền mã hoá rất phức tạp và đa dạng nhưng vẫn có một số điểm đáng lưu ý.

1. Công cụ chống lại lạm phát

Khi CPI tăng theo từng năm, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các tài sản tài chính có thể bảo vệ tài sản và sức mua của họ. Mặc dù không ổn định nhưng ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc thêm Bitcoin và các loại tiền mã hoá lớn khác vào danh mục đầu tư dài hạn của mình để phòng ngừa lạm phát.

2. Chính sách tiền tệ và tâm lý thị trường

Như chúng ta đã biết, những thay đổi về CPI ảnh hưởng đến chính sách của ngân hàng trung ương. Ví dụ: nếu dữ liệu CPI cho thấy lạm phát cao, các ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất. Lãi suất cao hơn có thể khiến các kênh đầu tư truyền thống trở nên hấp dẫn hơn, có khả năng làm cho giá tiền mã hoá giảm. Ngược lại, lãi suất thấp hơn có xu hướng ảnh hưởng tích cực đến thị trường tiền mã hoá.

3. Việc chấp nhận và sử dụng

Tiền mã hoá được coi là tài sản có độ rủi ro cao và có thể biến động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, lạm phát cao liên tục có thể làm xói mòn niềm tin vào tiền pháp định, từ đó có khả năng làm cho mức độ chấp nhận và sử dụng tiền mã hoá tăng lên.

Tổng kết

Việc hiểu rõ CPI rất quan trọng để nắm bắt được tác động của biến động giá đối với nền kinh tế và quyết định tài chính của cá nhân. Là thước đo lạm phát chính, CPI ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng, lãi suất, tiền lương và chính sách của chính phủ. Ảnh hưởng của chỉ số này còn lan rộng đến thị trường tiền mã hóa nơi mà chỉ số này có thể chi phối hành vi của nhà đầu tư và động lực thị trường.

Bằng cách theo dõi xu hướng CPI, nhà đầu tư có thể hiểu rõ hơn tình hình kinh tế và đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt hơn, trong đó có cả thị trường tiền mã hoá đầy biến động.

Đọc thêm:

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và hướng dẫn, không phải là sự cam đoan hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không nên coi nội dung này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Đây cũng không phải khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn chuyên môn phù hợp. Trong trường hợp bài viết do cộng tác viên bên thứ ba đóng góp, xin lưu ý rằng những quan điểm được đưa ra thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Không nên coi tài liệu này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụngCảnh báo rủi rocủa chúng tôi.