Quỹ dự trữ bitcoin chiến lược là gì?
Trang chủ
Bài viết
Quỹ dự trữ bitcoin chiến lược là gì?

Quỹ dự trữ bitcoin chiến lược là gì?

Người mới
Đã cập nhật Mar 10, 2025
6m

Các điểm chính

  • Quỹ dự trữ bitcoin chiến lược là một cách để chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức tích trữ bitcoin như một phần trong chiến lược tài chính. 

  • Một số coi quỹ dự trữ này là công cụ phòng ngừa lạm phát. Bitcoin có nguồn cung cố định nên có xu hướng duy trì sức mua theo thời gian.

  • Mặc dù đi kèm rủi ro như biến động giá và lo ngại về bảo mật nhưng tiềm năng trở thành tài sản có giá trị dài hạn của bitcoin đang được công nhận nhiều hơn.

Giới thiệu

Cũng giống như các ngân hàng trung ương tích trữ vàng hoặc ngoại tệ, bitcoin cũng được nhiều người coi là một tài sản có giá trị để nắm giữ trong tương lai. Khi mức độ chấp nhận tài sản kỹ thuật số ngày càng tăng, Quỹ dự trữ bitcoin chiến lược và các loại tiền mã hoá khác đang trở thành một chủ đề phổ biến trong lĩnh vực tài chính và hoạch định chính sách.

Quỹ dự trữ bitcoin chiến lược là gì?

Quỹ dự trữ bitcoin chiến lược là kho bitcoin mà các tổ chức giữ như một phần của chiến lược tài chính. Quỹ dự trữ bitcoin chiến lược ở mỗi nơi lại khác nhau nhưng chúng thường được triển khai vì một hoặc nhiều lý do sau:

  • Phòng ngừa lạm phát – Bitcoin có nguồn cung cố định, nghĩa là nó không thể được in như tiền pháp định, do đó nó có xu hướng duy trì sức mua theo thời gian.

  • Đa dạng hóa – Việc nắm giữ bitcoin bổ sung thêm một loại tài sản vào danh mục đầu tư tài chính, khiến nó trở thành giải pháp thay thế phổ biến để đa dạng hóa danh mục đầu tư.

  • Cất trữ giá trị – Nhiều người coi bitcoin là phương tiện cất trữ giá trị hiệu quả vì sự khan hiếm và độ bền vững của nó. Bitcoin còn được gọi là "vàng kỹ thuật số".

Khi ngày càng có nhiều người và tổ chức công nhận giá trị của bitcoin, một số đã bắt đầu tích trữ bitcoin như một khoản dự trữ để củng cố vị thế tài chính của mình.

Tại sao chính phủ và doanh nghiệp lại nắm giữ khoản dự trữ bitcoin

1. Phòng ngừa lạm phát

Các đồng tiền truyền thống có xu hướng mất giá do lạm phát. Tuy nhiên, Bitcoin có tỷ lệ phát hành có thể dự đoán được và nguồn cung hạn chế (chỉ có 21 triệu coin sẽ tồn tại). Sự khan hiếm này làm cho bitcoin trở thành công cụ phòng ngừa hấp dẫn chống lại lạm phát và là phương tiện cất trữ giá trị hiệu quả.

2. Đa dạng hóa tài sản

Chính phủ và các tổ chức thường nắm giữ nhiều loại tài sản như tiền mặt, vàng và trái phiếu. Việc thêm bitcoin vào khoản dự trữ giúp họ phân tán rủi ro và tránh phụ thuộc vào bất kỳ tài sản nào.

3. Tăng cường an ninh kinh tế

Đối với các quốc gia có nền kinh tế không ổn định hoặc đồng tiền yếu, việc nắm giữ bitcoin có thể đóng vai trò như một biện pháp an toàn. Do bitcoin hoạt động trên một mạng lưới toàn cầu phi tập trung nên nó không bị kiểm soát bởi bất kỳ quốc gia hay ngân hàng nào.

4. Chiến lược ngân quỹ doanh nghiệp

Một số doanh nghiệp nắm giữ bitcoin như một phần trong kế hoạch tài chính. Các công ty như MicroStrategy và Tesla đã đầu tư hàng tỷ USD vào bitcoin, coi đây là giải pháp thay thế tốt hơn cho tiền mặt.

Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump về Khoản dự trữ Bitcoin chiến lược

Vào ngày 06/03/2025, Tổng thống Donald J. Trump đã ký Sắc lệnh hành pháp thành lập Quỹ dự trữ bitcoin chiến lượcKho dự trữ tài sản kỹ thuật số của Hoa Kỳ. Mục tiêu là để tăng cường vai trò của đất nước trong lĩnh vực tiền mã hóa và tài sản kỹ thuật số.

Quỹ dự trữ sẽ được tài trợ bằng số bitcoin bị chính phủ tịch thu từ các vụ án hình sự hoặc dân sự. Chính phủ được cho là sẽ coi bitcoin như một tài sản dự trữ và duy trì như một phương tiện cất trữ giá trị (mà không có ý định bán).

Ngoài ra, Kho dự trữ tài sản kỹ thuật số của Hoa Kỳ có thể sẽ bao gồm altcoin và các tài sản kỹ thuật số khác có được từ việc tịch thu, trong đó Bộ trưởng Tài chính được ủy quyền quyết định các chiến lược quản lý chúng. Sáng kiến này nhằm mục đích tập trung hóa và quản lý hiệu quả các tài sản kỹ thuật số thuộc kiểm soát của Hoa Kỳ.

Các ý kiến chỉ trích

Trong khi việc thành lập Quỹ dự trữ bitcoin chiến lược được một số người ca ngợi là động thái tài chính có tầm nhìn xa thì Sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Trump ký ngày 06/03/2025 cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích. 

Phe phản đối cho rằng việc nắm giữ bitcoin như một tài sản dự trữ quốc gia sẽ khiến chính phủ Hoa Kỳ phải chịu sự biến động giá cực độ, có thể dẫn đến bất ổn nếu thị trường sụp đổ. 

Những người khác đặt câu hỏi liệu việc chính phủ giữ lại số Bitcoin bị tịch thu từ các vụ kiện tụng có đúng hay không. Một số cho rằng số tiền này nên được trả lại cho chủ sở hữu ban đầu hoặc đem bán qua các kênh hợp pháp thay vì đưa vào quỹ dự trữ.

Ngoài ra, một số nhà hoạch định chính sách lo ngại việc ưu tiên đưa bitcoin vào quỹ dự trữ quốc gia có thể làm suy yếu niềm tin vào đồng đô la Mỹ và hệ thống tài chính truyền thống. Những người chỉ trích cũng chỉ ra việc thiếu hướng dẫn rõ ràng về cách quản lý quỹ dự trữ và liệu quỹ này có được Quốc hội giám sát chặt chẽ hay không, làm dấy lên mối lo ngại về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Các ví dụ thực tế về việc dự trữ bitcoin

1. MicroStrategy

MicroStrategy, một công ty phân tích kinh doanh, nắm giữ một trong những lượng bitcoin doanh nghiệp lớn nhất. Kể từ năm 2020, công ty này đã liên tục mua bitcoin như một phần của chiến lược ngân quỹ vì cho rằng đây là phương tiện cất trữ giá trị tốt hơn tiền mặt.

Tính đến tháng 3 năm 2025, MicroStrategy nắm giữ 499.096 BTC trị giá khoảng 42,9 tỷ USD.

2. Dự trữ bitcoin của El Salvador

El Salvador đã làm nên lịch sử vào năm 2021 khi hợp pháp hóa bitcoin. Từ đó, chính phủ đã tích lũy bitcoin như một phần của quỹ dự trữ quốc gia, sử dụng bitcoin để tăng cường tài chính toàn diện và tăng trưởng kinh tế.

Tính đến tháng 3 năm 2025, El Salvador nắm giữ 6.105 BTC có giá trị hơn 525 triệu USD.

3. Số bitcoin mà Tether nắm giữ

Tether, công ty đứng sau stablecoin USDT, nắm giữ bitcoin như một phần tài sản dự trữ của mình. Công ty coi bitcoin là phương tiện cất trữ giá trị hiệu quả và đáng tin cậy.

Tính đến tháng 3 năm 2025, Tether nắm giữ 83.759 BTC trị giá khoảng 7,2 tỷ USD.

Tương lai của Quỹ dự trữ bitcoin chiến lược

Ý tưởng nắm giữ bitcoin như một khoản dự trữ chiến lược đang ngày càng được ưa chuộng. Ngày càng nhiều ngân hàng trung ương và chính phủ nghiên cứu cách thức đưa bitcoin vào hệ thống tài chính của mình. Ngoài ra, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào bitcoin như một tài sản dài hạn. Khi mức độ chấp nhận bitcoin tiếp tục tăng, nhiều tổ chức và chính phủ có thể coi đây là một phần có giá trị trong chiến lược tài chính của họ.

Tổng kết

Quỹ dự trữ bitcoin chiến lược là một cách để chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức tích trữ bitcoin như một phần trong chiến lược tài chính. Quỹ dự trữ bitcoin chiến lược giúp bảo vệ chống lại lạm phát, đa dạng hóa tài sản và tăng cường an ninh kinh tế. Mặc dù đi kèm rủi ro như biến động giá và lo ngại về bảo mật nhưng tiềm năng trở thành tài sản có giá trị dài hạn của bitcoin đang được công nhận nhiều hơn.

Đọc thêm:

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này chỉ nhằm mục đích phổ biến kiến thức. Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở “nguyên trạng” chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và phổ biến kiến thức mà không phải là sự cam đoan hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Nội dung này không nên hiểu là lời khuyên tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác, cũng như không nhằm khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn chuyên môn phù hợp. Sản phẩm đề cập trong bài viết này có thể không được cung cấp tại khu vực của bạn. Trong trường hợp bài viết do cộng tác viên bên thứ ba đóng góp, xin lưu ý rằng những quan điểm thể hiện đó thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và có thể bạn sẽ không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Tài liệu này không nên hiểu là lời khuyên tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụngCảnh báo rủi ro của chúng tôi.