Trang chủ
Bảng thuật ngữ
Trái phiếu kho bạc (T-Bill)

Trái phiếu kho bạc (T-Bill)

Người mới

Trái phiếu kho bạc – thường được gọi tắt là T-bill – là một loại công cụ tài chính đặc biệt do các chính phủ phát hành để huy động vốn. Trong thế giới tài chính, T-bill thường được coi là khoản đầu tư có độ rủi ro thấp do có quan hệ chặt chẽ với chính phủ. Tìm hiểu kỹ hơn T-bill là gì, cơ chế hoạt động cũng như tác động tiềm tàng của T-bill đối với thị trường tài chính.

Trái phiếu kho bạc là gì?

Trái phiếu kho bạc là các chứng khoán nợ ngắn hạn do chính phủ phát hành để đáp ứng nhu cầu tức thì về vốn. Chúng được gọi là "trái phiếu" vì thường có thời gian đáo hạn trong vòng chưa đầy một năm, từ vài ngày đến tối đa là một năm. Các chính phủ phát hành T-bill thông qua hình thức đấu giá, trong đó nhà đầu tư trả mức giá mà họ sẵn sàng trả. Giá bán T-bill sẽ quyết định lợi suất của T-bill, thể hiện lợi nhuận mà nhà đầu tư kiếm được.

Trái phiếu kho bạc hoạt động như thế nào?

Nhà đầu tư mua T-bill với giá thấp hơn mệnh giá. Ví dụ: Nếu một T-bill có mệnh giá là 1.000 USD và được bán với giá 950 USD thì nhà đầu tư sẽ trả trước 950 USD. Khi T-bill đáo hạn, nhà đầu tư sẽ nhận được toàn bộ mệnh giá là 1.000 USD, thực tế là kiếm được 50 USD tiền lãi (1.000 USD - 950 USD).

Trái phiếu kho bạc có an toàn không?

Nhìn chung, T-bill được coi là khoản đầu tư an toàn vì T-bill được đảm bảo bằng uy tín của chính phủ phát hành. Điều này nghĩa là nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ nhận được tiền gốc đã đầu tư và tiền lãi như đã cam kết. Ngay cả trong giai đoạn kinh tế bất ổn hoặc thị trường tài chính biến động, T-bill thường được coi là có độ rủi ro thấp. Tuy nhiên, mức độ rủi ro có thể khác nhau tùy vào từng chính phủ và điều kiện kinh tế vĩ mô.

T-bill có khả năng tác động đến thị trường tài chính

Trái phiếu kho bạc (T-bill) có tác động đáng kể đến thị trường tài chính. Ảnh hưởng của T-bill lan sang nhiều khía cạnh của nền kinh tế và hành vi của nhà đầu tư.

Lãi suất và chi phí vay

Một trong những cách chính mà T-bill có thể tác động đến thị trường tài chính là thông qua lãi suất. Khi chính phủ phát hành T-bill, về cơ bản là chính phủ đang vay tiền từ nhà đầu tư. Lợi suất hoặc lợi nhuận từ các T-bill này ảnh hưởng đến lãi suất trên toàn thị trường. Sau đây là cơ chế hoạt động của T-bill:
Nhu cầu T-bill cao: Khi nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn trong giai đoạn kinh tế bất ổn, họ sẽ mua nhiều T-bill hơn. Nhu cầu tăng sẽ đẩy giá T-bill lên cao và kết quả là lợi suất (hoặc lãi suất) giảm. Lợi suất T-bill thấp thường khiến lãi suất của các hình thức vay khác như vay thế chấp, vay mua ô tô và vay kinh doanh trở nên thấp hơn. Điều này là do các lãi suất khác có xu hướng đi theo lãi suất của chứng khoán chính phủ.  
Nhu cầu T-bill thấp: Ngược lại, khi nhà đầu tư tự tin hơn và sẵn sàng chấp nhận các khoản đầu tư rủi ro hơn, nhu cầu T-bill sẽ giảm. Nhu cầu T-bill giảm sẽ làm giá T-bill giảm xuống và lợi suất T-bill tăng lên. Lợi suất T-bill cao có thể khiến lãi suất trên toàn thị trường cao hơn, do đó người tiêu dùng và doanh nghiệp phải trả phí vay cao hơn.

Hành vi của nhà đầu tư và tâm lý thị trường

Trong giai đoạn thị trường hoặc kinh tế bất ổn, nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang T-bill để bảo toàn vốn. Hành vi này có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên toàn bộ thị trường tài chính.

Khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư mua T-bill, nguồn vốn đổ vào các khoản đầu tư rủi ro hơn như cổ phiếu, tiền mã hoá và trái phiếu doanh nghiệp sẽ ít đi. Sự dịch chuyển này có thể khiến giá tài sản giảm và làm tăng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp vì các công ty phải đưa ra mức lợi nhuận cao hơn để thu hút các nhà đầu tư.

Nhu cầu về T-bill cũng có thể báo hiệu niềm tin của nhà đầu tư. Nhu cầu T-bill cao cho thấy nhà đầu tư đang tìm kiếm sự an toàn và lo ngại về nền kinh tế hoặc thị trường tài chính. Ngược lại, nhu cầu T-bill thấp có thể cho thấy mức độ tự tin về triển vọng kinh tế và ổn định tài chính của nhà đầu tư cao hơn.

Tác động đến thị trường tiền mã hoá

Mặc dù chủ yếu tác động đến thị trường tài chính truyền thống nhưng T-bill cũng có thể gián tiếp tác động đến thị trường tiền mã hoá. Trong giai đoạn kinh tế bất ổn hoặc thị trường biến động, các nhà đầu tư có thể chuyển sang các loại tài sản an toàn hơn như T-bill, do đó nguồn vốn dành cho các khoản đầu tư rủi ro hơn như tiền mã hoá sẽ giảm đi. Do đó, giá tiền mã hoá có thể chịu áp lực giảm khi nhu cầu T-bill tăng lên.

Tổng kết

Tóm lại, T-bill là chứng khoán nợ chính phủ ngắn hạn được biết đến vì tính an toàn và ổn định. T-bill đóng vai trò quan trọng trên thị trường tài chính, ảnh hưởng đến lãi suất và tâm lý nhà đầu tư. Mặc dù tác động trực tiếp của T-bill lên thị trường tiền mã hoá có thể hạn chế nhưng sự thay đổi trong hành vi của nhà đầu tư do động lực của T-bill có thể ảnh hưởng gián tiếp đến giá tiền mã hoá.