Ethereum Plasma là gì?
Trang chủ
Bài viết
Ethereum Plasma là gì?

Ethereum Plasma là gì?

Nâng cao
Đã đăng Dec 17, 2018Đã cập nhật Aug 17, 2023
5m

Khả năng mở rộng là một trong những vấn đề lo ngại chính của blockchain Ethereum. Những hạn chế hiện tại về năng suất và tốc độ mà mạng này gặp phải ngăn cản nó được áp dụng ở quy mô trên toàn cầu.

Ethereum Plasma được đề xuất bởi Vitalik Buterin cùng với Joseph Poon, những người đồng sáng lập Ethereum. Khái niệm này được khai sinh vào tháng 8 năm 2017 như là một kỹ thuật giải pháp mở rộng cho blockchain Ethereum. Cùng với Thaddeus Dryja, Joseph Poon cũng chịu trách nhiệm về khái niệm Lightning Network, một giải pháp mở rộng được đề xuất cho Bitcoin vào năm 2015. Mặc dù Plasma và Lightning Network đều được đề xuất như là giải pháp mở rộng cho blockchain, mỗi cơ chế đều có cơ chế và đặc thù riêng. 

Bài viết này sẽ giới thiệu ngắn gọn về Ethereum Plasma, nhưng hãy nhớ rằng Plasma không phải chỉ là một dự án, nó là một kỹ thuật mở rộng không trực tiếp trên trên blockchain (hay còn gọi là off-chain scaling), có thể được thực hiện bằng những cách thức riêng biệt bởi các nhóm nghiên cứu hoặc công ty khác nhau.

  

Plasma hoạt động như thế nào?

Ý tưởng chính của Ethereum Plasma là thiết lập một kết cấu gồm các chuỗi nhánh sẽ giao tiếp và tương tác với chuỗi chính (trong trường hợp này là blockchain Ethereum). Một kết cấu như này được thiết kế để hoạt động như một cây blockchain, được sắp xếp theo thứ bậc theo cách thức phân nhánh mà trong đó nhiều chuỗi nhỏ hơn được liên kết với một chuỗi gốc. Những chuỗi nhỏ hơn này được gọi là chuỗi Plasma hoặc chuỗi con.

Cấu trúc Plasma được xây dựng dựa trên việc ứng dụng hợp đồng thông minh và cây Merkle, cho phép việc tạo ra vô số các chuỗi con - về bản chất, chúng là các bản sao nhỏ hơn của blockchain Ethereum gốc. Từ đỉnh của mỗi chuỗi con, nhiều chuỗi con nhỏ hơn có thể được tạo ra, do đó tạo thành một cấu trúc cây.

Về cơ bản, mỗi chuỗi con Plasma là một hợp đồng thông minh có thể tùy chỉnh, có thể được thiết kế để hoạt động theo một cách thức đặc biệt nhằm phục vụ các nhu cầu khác nhau. Điều này có nghĩa là các chuỗi có thể cùng tồn tại và hoạt động độc lập. Các doanh nghiệp và các công ty có thể dùng nó để thực hiện các giải pháp mở rộng theo nhiều cách khác nhau, tùy theo bối cảnh và nhu cầu cụ thể của họ.

Do đó, nếu Plasma được phát triển và triển khai thành công vào mạng Ethereum, chuỗi gốc sẽ ít có khả năng bị tắc nghẽn bởi vì mỗi chuỗi con sẽ được thiết kế để hoạt động theo một cách riêng biệt nhằm hướng tới các mục tiêu cụ thể - không nhất thiết liên quan đến các mục tiêu của chuỗi chính. Kết quả là các chuỗi con sẽ giúp làm giảm bớt công việc của chuỗi chính.

 

Bằng chứng gian lận

Giao tiếp giữa các chuỗi con và chuỗi gốc được bảo đảm bằng bằng bằng chứng gian lận, do đó chuỗi gốc chịu trách nhiệm giữ an toàn cho mạng và trừng phạt các tác nhân độc hại.

Mỗi chuỗi con có cơ chế riêng để xác thực các khối và có cách thực thi bằng chứng gian lận riêng, có thể được xây dựng dựa trên các thuật toán đồng thuận khác nhau. Phổ biến nhất là Proof of Work, Proof of Stake, và Proof of Authority.

Bằng chứng gian lận đảm bảo rằng trong trường hợp có hoạt động độc hại, người dùng có thể báo cáo các node không trung thực, bảo vệ tiền của họ và thoát khỏi giao dịch (việc này bao gồm việc tương tác với chuỗi chính). Theo thứ tự, bằng chứng gian lận được sử dụng như một cơ chế mà qua đó một chuỗi con Plasma gửi đi một khiếu nại đến chuỗi bố mẹ của nó hoặc đến chuỗi gốc.


MapReduce

Sách trắng của Plasma cũng trình bày một ứng dụng rất thú vị gọi là tính toán MapReduce. Về cơ bản, MapReduce là một tập hợp các hàm rất hữu ích trong việc tổ chức và tính toán dữ liệu trên nhiều cơ sở dữ liệu.

Trong bối cảnh của Plasma, các cơ sở dữ liệu này là các blockchain và cấu trúc cây của các chuỗi cho phép MapReduce được áp dụng như một cách hỗ trợ việc xác minh dữ liệu trong cây, làm tăng đáng kể hiệu quả của mạng.


Sự cố Mass Exit 

Một trong những vấn đề lo ngại chính của Plasma là Mass Exit. Sự cố này mô tả một kịch bản mà trong đó nhiều người dùng thoát khỏi chuỗi Plasma cùng một lúc, gây ra sự cố tràn chuỗi gốc và gây tắc nghẽn mạng lớn. Vấn đề này có thể được kích hoạt bởi hoạt động gian lận, tấn công mạng, hoặc bất kỳ loại lỗi nghiêm trọng nào khác mà một chuỗi con Plasma, hoặc một nhóm các chuỗi, có thể có.


Kết luận

Plasma, về cơ bản, là một giải pháp mở rộng không trực tiếp trên blockchain giúp tăng đáng kể hiệu suất tổng thể của mạng Ethereum bằng cách tạo ra một cấu trúc cây gồm nhiều chuỗi nhỏ hơn. Những chuỗi này sẽ làm giảm bớt công việc của chuỗi chính, nhờ đó giúp xử lý nhiều giao dịch hơn mỗi giây.

Một mô hình phân cấp gồm các blockchain liên kết như Plasma có tiềm năng lớn và hiện đang được thử nghiệm bởi nhiều nhóm nghiên cứu. Nếu được phát triển đúng cách, Plasma có thể sẽ làm tăng hiệu quả của chuỗi khối Ethereum và đưa ra một kết cấu tốt hơn cho việc triển khai các ứng dụng phi tập trung. Hơn nữa, ý tưởng này cũng có thể được điều chỉnh và thực hiện bởi các mạng tiền điện tử khác như một cách để tránh các vấn đề về khả năng mở rộng trong tương lai.

Ethereum Plasma là một dự án mã nguồn mở với kho lưu trữ công cộng có thể được tìm thấy trên GitHub. Ngoài Ethereum, còn có rất nhiều tiền điện tử khác và kho lưu trữ mã nguồn trên GitHub hiện đang làm việc với Plasma, ví dụ như OmiseGO, Loom Network và FourthStateLabs. Để biết thêm thông tin chi tiết và kỹ thuật, bạn có thể tham khảo sách trắng chính thức của Plasma hoặc đến trang web LearnPlasma.

Hãy theo dõi để đọc thêm các tin khác và đừng quên kiểm tra các video khác của chúng tôi trên Binance Academy.

Chia sẻ bài đăng
Đăng ký tài khoản
Áp dụng kiến thức vào thực tế bằng cách mở tài khoản Binance ngay hôm nay.