Web 3.0 Là Gì Và Tại Sao Nó Lại Quan Trọng?
Trang chủ
Bài viết
Web 3.0 Là Gì Và Tại Sao Nó Lại Quan Trọng?

Web 3.0 Là Gì Và Tại Sao Nó Lại Quan Trọng?

Người mới
Đã đăng Jan 8, 2020Đã cập nhật Jun 9, 2023
10m

Tóm lược

Internet không ngừng phát triển và tiếp tục đổi mới. Cho đến nay, chúng ta đã trải nghiệm Web 1.0 và 2.0 và tiếp tục thảo luận về Web 3.0. Web 1.0 cung cấp trải nghiệm tĩnh cho người dùng, khác với các trang web giàu nội dung mà chúng ta thấy ngày nay. Web 2.0 đã đưa chúng ta đến với phương tiện truyền thông xã hội và các trang web động, nhưng với cái giá phải trả là sự tập trung hóa.

Web 3.0 được kỳ vọng sẽ cung cấp cho chúng ta quyền kiểm soát thông tin trực tuyến và tạo ra một web ngữ nghĩa (semantic web). Điều này có nghĩa là máy móc sẽ dễ dàng đọc và xử lý nội dung do người dùng tạo ra. Blockchain sẽ mang lại sự phi tập trung, nhận dạng kỹ thuật số miễn phí với ví tiền mã hóa và các nền kinh tế kỹ thuật số mở.

Với các tùy chọn 3D, cách chúng ta tương tác với mạng sẽ trở nên phong phú hơn. Lợi ích cho người dùng khi sử dụng Web3.0 có thể kể đến là duyệt web trở nên hiệu quả hơn, quảng cáo có liên quan và hỗ trợ khách hàng được cải thiện. Các Web 3.0 được sử dụng rộng rãi nhất là các trợ lý ảo như Siri và Alexa và các ngôi nhà thông minh được kết nối.

Giới thiệu

Trong hơn hai mươi năm, Internet đã thay đổi đáng kể. Chúng ta đã chuyển từ Internet Relay Chat (IRC) sang các nền tảng truyền thông xã hội hiện đại. Thanh toán kỹ thuật số cơ bản đã chuyển thành các dịch vụ ngân hàng trực tuyến phức tạp. Chúng ta thậm chí đã trải nghiệm các công nghệ hoàn toàn mới dựa trên Internet như tiền mã hóa và blockchain. Internet đã trở thành một phần quan trọng việc tương tác và kết nối của con người - và nó luôn tiếp tục phát triển. Cho đến nay, chúng ta đã thấy Web 1.0 và 2.0, vậy thì Web 3.0 là gì? Hãy đi sâu vào chi tiết bằng bài viết này.


Web 3.0 là gì?

Web 3.0 (còn được gọi là Web3) là thế hệ tiếp theo của công nghệ Internet dựa trên máy học, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ blockchain. Thuật ngữ này được tạo ra bởi Gavin Wood, người sáng lập Polkadot và người đồng sáng lập Ethereum. Trong khi Web 2.0 tập trung vào nội dung do người dùng tạo được lưu trữ trên các trang web tập trung, thì Web 3.0 sẽ cho phép người dùng kiểm soát nhiều hơn dữ liệu trực tuyến của họ. 

Phong trào này nhằm mục đích tạo ra các trang web và ứng dụng web mở, được kết nối, thông minh có khả năng hiểu dữ liệu trên máy. Phi tập trung và nền kinh tế kỹ thuật số cũng đóng một vai trò quan trọng trong Web 3.0, vì chúng cho phép chúng ta đặt giá trị vào nội dung được tạo trên mạng. Cũng cần hiểu rằng Web 3.0 là một khái niệm đang thay đổi. Không có định nghĩa duy nhất và ý nghĩa chính xác có thể khác nhau tùy từng người.


Web 3.0 hoạt động như thế nào?

Mục đích của Web 3.0 là cung cấp thông tin được cá nhân hóa và có liên quan nhanh hơn, thông qua việc sử dụng AI và các kỹ thuật máy học tiên tiến. Các thuật toán tìm kiếm thông minh hơn và sự phát triển trong phân tích Dữ liệu lớn có nghĩa là máy móc có thể hiểu và đề xuất nội dung một cách trực quan. Web 3.0 cũng sẽ tập trung vào quyền sở hữu của người dùng đối với nội dung và hỗ trợ cho các nền kinh tế kỹ thuật số có thể truy cập được.

Các trang web hiện tại thường hiển thị thông tin tĩnh hoặc nội dung hướng đến người dùng, như diễn đàn hoặc phương tiện truyền thông xã hội. Mặc dù điều này cho phép dữ liệu được công bố rộng rãi, nhưng nó không phục vụ cho nhu cầu của người dùng cụ thể. Một trang web nên điều chỉnh thông tin mà nó cung cấp cho từng người dùng, tương tự như sự linh hoạt trong giao tiếp của con người trong thế giới thực. Với Web 2.0, một khi thông tin trực tuyến, người dùng xem như đã mất quyền sở hữu và kiểm soát.

Một nhân vật quan trọng khác có ảnh hưởng tới khái niệm Web 3.0 là nhà khoa học máy tính Tim Berners-Lee, người phát minh ra World Wide Web. Từ năm 1999, Tim Berners-Lee đã đưa ra ý tưởng của mình về tương lai của web:

Tôi có một ước mơ về Web [trong đó máy tính] trở nên có khả năng phân tích tất cả dữ liệu trên Web – nội dung, liên kết và giao dịch giữa con người và máy tính. Một "Web ngữ nghĩa (Semantic Web)" có thể giúp điều này được thực hiện được vẫn chưa xuất hiện, nhưng khi nó xuất hiện, các cơ chế hằnng ngày của thương mại, quan liêu và cuộc sống hằng ngày của chúng ta sẽ được xử lý bởi máy nói chuyện với máy.

Từ đó, tầm nhìn của Berners-Lee đã được kết hợp với thông điệp của Gavin Wood. Tại đây, một đại dương thông tin phi tập trung luôn có sẵn cho các trang web và ứng dụng. Các web sẽ hiểu và sử dụng dữ liệu đó một cách có ý nghĩa với người dùng cá nhân. Blockchain hoạt động như một giải pháp để quản lý danh tính, dữ liệu và quyền sở hữu trực tuyến một cách công bằng.


Lịch sử ngắn gọn về sự phát triển của web

Để hiểu rõ hơn về Web 3.0, hãy xem chúng ta đang ở đâu và chúng ta đã phát triển từ đâu. Trong hơn hai thập kỷ, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi to lớn:

Web 1.0

Trải nghiệm ban đầu mà Internet cung cấp được gọi là Web 1.0. Thuật ngữ này được đặt ra vào năm 1999 bởi tác giả và nhà thiết kế web Darci DiNucci khi ông phân biệt giữa Web 1.0 và Web 2.0. Vào đầu những năm 1990, các trang web được xây dựng bằng cách sử dụng các trang HTML tĩnh chỉ có thể hiển thị thông tin. Không có cách nào khác để người dùng thay đổi hoặc tải lên dữ liệu của riêng họ. Tương tác xã hội được giới hạn trong các diễn đàn và phần mềm trò chuyện đơn giản.

Web 2.0

Vào cuối những năm 1990, Internet có khả năng tương tác nhiều hơn bắt đầu hình thành. Với Web 2.0, người dùng có thể tương tác với các trang web thông qua cơ sở dữ liệu, xử lý phía máy chủ, biểu mẫu và phương tiện truyền thông xã hội. Những công cụ này đã thay đổi trải nghiệm web từ tĩnh sang động. 

Web 2.0 tập trung nhiều vào nội dung do người dùng tạo ra và khả năng tương tác giữa các trang web và ứng dụng khác nhau. Web 2.0 có ít điều để quan sát và nhiều hơn về sự tham gia. Vào giữa những năm 2000, hầu hết các trang web đã chuyển sang Web 2.0 và các công nghệ lớn bắt đầu xây dựng các mạng xã hội và các dịch vụ dựa trên lưu trữ đám mây.

Tương lai và Web 3.0

Khi nhìn vào lịch sử của Internet, sự phát triển của một web thông minh về ngữ nghĩa (semantically intelligent web) là một việc thực sự có ý nghĩa. Dữ liệu lần đầu tiên được trình bày tĩnh với người dùng. Sau đó, người dùng có thể tương tác động với dữ liệu đó. Giờ đây, các thuật toán được sử dụng để tất cả dữ liệu đó có thể cải thiện trải nghiệm người dùng và làm cho web được cá nhân hóa và quen thuộc hơn. Bạn chỉ cần nhìn vào YouTube hoặc Netflix để thấy sức mạnh của các thuật toán và chúng đã được cải thiện như thế nào.
Web 3.0, mặc dù chưa được định nghĩa đầy đủ, nhưng chúng có thể tận dụng các công nghệ ngang hàng (P2P) như blockchain, phần mềm mã nguồn mở, thực tế ảo, Internet of Things (IoT), v.v. Mục đích của Web 3.0 là làm cho Internet trở nên cởi mở và phi tập trung hơn. Trong khuôn khổ hiện tại, người dùng có thể dựa vào các nhà cung cấp mạng và mạng di động để truy cập vào dữ liệu và thông tin cá nhân của họ. Với sự ra đời của công nghệ sổ cái phân tán, điều đó có thể sớm thay đổi và người dùng có thể lấy lại quyền sở hữu dữ liệu của họ.

Để xem nhanh sự khác biệt chính giữa Web 1.0, 2.0 và 3.0, hãy tham khảo bảng của chúng tôi bên dưới:


Web 1.0

Web 2.0

Web 3.0

Nội dung

Tương tác thụ động cho người dùng

Nền tảng cộng đồng và nội dung do người dùng tạo

Quyền sở hữu thuộc về người tạo nội dung

Công nghệ

HTML

HTML động, Javascript,

Blockchain, AI, học máy

Môi trường ảo

Không có

3D cơ bản

3D, VR, AR

Quảng cáo

Gây khó chịu (biểu ngữ, v.v.)

Tương tác 

Nhắm mục tiêu dựa trên hành vi của người dùng

Lưu trữ dữ liệu

Được lưu trữ trên máy chủ của từng trang web

Thuộc sở hữu của những gã khổng lồ công nghệ lớn

Được phân phối trên nhiều người dùng

Khán giả

Người dùng cá nhân

Cộng đồng người dùng cụ thể 

Người dùng được kết nối trên nhiều nền tảng và thiết bị

 


Các tính năng chính của Web 3.0

Vẫn còn lâu để Web 3.0 được áp dụng hoàn toàn, nhưng phần lớn các khái niệm cốt lõi của nó đã được xác định. Bốn chủ đề dưới đây thường được xem là những khía cạnh quan trọng nhất của Web 3.0 trong tương lai.

Đánh dấu ngữ nghĩa

Theo thời gian, máy móc đã cải thiện khả năng hiểu dữ liệu và nội dung mà con người tạo ra. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài để tạo ra một trải nghiệm liền mạch nơi ngữ nghĩa được hiểu đầy đủ. Ví dụ, từ "xấu (bad)" trong một số trường hợp, có thể có nghĩa là "tốt (good)". Việc hiểu được điều này với các cỗ máy là cực kỳ khó. Tuy nhiên, với Dữ liệu lớn và nhiều thông tin hơn để nghiên cứu, AI đang bắt đầu hiểu rõ hơn những gì chúng ta viết trên web và trình bày nó một cách trực quan.

Blockchain và tiền mã hóa

Quyền sở hữu dữ liệu, nền kinh tế trực tuyến và phân quyền là những khía cạnh thiết yếu của tương lai Web3 đối với Gavin-Wood. Chúng ta sẽ đề cập chi tiết hơn về chủ đề này ở phần sau, nhưng có thể khẳng định blockchain đã cung cấp một hệ thống đã được thử nghiệm và kiểm chứng để đạt được nhiều mục tiêu trong số này. Sức mạnh để bất kỳ ai cũng có thể mã hóa tài sản, đưa thông tin lên chuỗi và tạo danh tính kỹ thuật số là một sự đổi mới to lớn dựa trên nền tảng của Web 3.0.

Hình ảnh 3D và trình bày tương tác

Nói một cách đơn giản, giao diện của web sẽ thay đổi rất nhiều. Chúng ta đã chứng kiến sự chuyển dịch sang môi trường 3D, thậm chí kết hợp cả thực tế ảo. Metaverse là một lĩnh vực tiên phong với những trải nghiệm này và chúng ta đã quen thuộc với việc giao lưu thông qua các trò chơi điện tử 3D. Các lĩnh vực UI và UX cũng hướng tới việc trình bày thông tin theo những cách trực quan hơn cho người dùng web.

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Trí tuệ nhân tạo là chìa khóa để biến nội dung do con người tạo ra thành dữ liệu mà máy móc có thể đọc được. Chúng ta đã quen dùng AI trong các chương trình dịch vụ khách hàng, nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu. AI có thể trình bày và sắp xếp dữ liệu cho chúng ta, khiến nó trở thành một công cụ đa năng cho Web 3.0. Hơn hết, AI sẽ tự học hỏi và cải thiện, làm giảm bớt công việc cần thiết cho sự phát triển của con người trong tương lai.


Điều gì làm cho Web 3.0 vượt trội hơn so với các phiên bản tiền nhiệm?

Về lý thuyết, sự kết hợp các tính năng chính của Web 3.0 sẽ dẫn đến nhiều lợi ích. Đừng quên rằng tất cả những điều này sẽ phụ thuộc vào sự thành công của công nghệ cơ bản:

1. Không có trung tâm kiểm soát - Vì người trung gian sẽ bị loại bỏ khỏi phương trình, họ sẽ không kiểm soát dữ liệu người dùng nữa. Quyền tự do này làm giảm nguy cơ kiểm duyệt của các chính phủ hoặc tập đoàn và giảm hiệu quả của các cuộc tấn công Từ chối Dịch vụ (DoS).
2. Tăng tính liên kết thông tin - Khi nhiều sản phẩm được kết nối với Internet hơn, các tập dữ liệu lớn hơn cung cấp các thuật toán với nhiều thông tin hơn để phân tích. Điều này có thể giúp họ cung cấp thông tin chính xác hơn, đáp ứng nhu cầu cụ thể của người dùng.
3. Duyệt web hiệu quả hơn - Khi sử dụng công cụ tìm kiếm, việc tìm kiếm kết quả tốt nhất đôi khi cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm qua các công cụ này đã trở nên tốt hơn trong việc tìm kiếm các kết quả có liên quan đến ngữ nghĩa dựa trên bối cảnh tìm kiếm và siêu dữ liệu. Điều này dẫn đến trải nghiệm duyệt web thuận tiện hơn và có thể giúp mọi người dễ dàng tìm thấy thông tin chính xác họ cần.
4. Cải thiện quảng cáo và tiếp thị - Không ai thích bị tấn công bởi các quảng cáo trực tuyến. Tuy nhiên, nếu quảng cáo có liên quan đến nhu cầu của bạn, chúng có thể hữu ích thay vì gây khó chịu. Web 3.0 có thể cải thiện quảng cáo bằng cách tận dụng các hệ thống AI thông minh hơn và nhắm mục tiêu vào các đối tượng cụ thể dựa trên dữ liệu người tiêu dùng.
5. Hỗ trợ khách hàng tốt hơn - Dịch vụ khách hàng là một mảng rất quan trọng để tăng trải nghiệm người dùng cho các trang web và ứng dụng web. Tuy nhiên, do chi phí quá lớn, nhiều dịch vụ web đã gặp khó khăn trong việcmở rộng quy mô hoạt động dịch vụ chăm sóc khách hàng. Các chatbot thông minh hơn có thể đồng thời nói chuyện với nhiều khách hàng, người dùng có thể tận hưởng trải nghiệm vượt trội so với trao đổi cùng các nhân viên hỗ trợ.


Tiền mã hóa sẽ hỗ trợ Web 3.0 như thế nào?

Khi nói đến Web 3.0, Blockchain và tiền mã hóa có tiềm năng thể hiện vai trò rất lớn. Các mạng phi tập trung tạo ra các động lực thúc đẩy quyền sở hữu dữ liệu, quản trị và sáng tạo nội dung có trách nhiệm hơn. Một số khía cạnh phù hợp nhất của nó đối với Web 3.0 bao gồm:

1. Ví tiền mã hóa kỹ thuật số - Bất kỳ ai cũng có thể tạo ví cho phép bạn thực hiện các giao dịch và hoạt động như một danh tính kỹ thuật số. Không cần phải lưu trữ thông tin chi tiết của bạn hoặc tạo tài khoản với nhà cung cấp dịch vụ tập trung. Bạn có toàn quyền kiểm soát ví của mình và thường thì một ví có thể được sử dụng cho nhiều blockchain khác nhau.
2. Phi tập trung - Với blockchain, việc truyền bá thông tin và quyền lực một cách minh bạch trên một tập hợp rộng lớn mọi người diễn ra khá đơn giản. Điều này trái ngược với Web 2.0, nơi những gã khổng lồ công nghệ lớn thống trị các lĩnh vực rộng lớn trong cuộc sống "online" của chúng ta.
3. Nền kinh tế kỹ thuật số - Khả năng sở hữu dữ liệu trên blockchain và sử dụng các giao dịch phi tập trung tạo ra nền kinh tế kỹ thuật số mới. Những điều này cho phép chúng ta dễ dàng định giá và giao dịch hàng hóa, dịch vụ và nội dung trực tuyến mà không cần thông tin chi tiết về ngân hàng hoặc cá nhân. Sự cởi mở này giúp cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và cho phép người dùng bắt đầu kiếm tiền.
4. Khả năng tương tác - DApp và dữ liệu trên chuỗi ngày càng trở nên tương thích hơn. Các blockchain được xây dựng bằng Máy ảo có thể dễ dàng hỗ trợ các DApp, ví và các token của nhau. Điều này giúp cải thiện mức độ phổ biến cần thiết cho trải nghiệm Web 3.0 được kết nối.


Các trường hợp sử dụng của Web 3.0

Mặc dù Web 3.0 vẫn đang được phát triển, chúng ta có một số ví dụ đã được sử dụng ngày nay:

Trợ lý ảo Siri & Alexa

Cả Siri của Apple và Alexa của Amazon đều cung cấp trợ lý ảo rất giống với những khái niệm về Web 3.0. AI và xử lý ngôn ngữ tự nhiên giúp cả hai dịch vụ hiểu rõ hơn các lệnh thoại của con người. Càng nhiều người sử dụng Siri và Alexa, AI của họ càng cải thiện các đề xuất và tương tác của nó. Điều này làm cho nó trở thành một ví dụ hoàn hảo về một ứng dụng web thông minh về mặt ngữ nghĩa trong thế giới Web 3.0.

Các căn nhà thông minh được kết nối

Một đặc tính năng quan trọng của Web 3.0 là tính phổ biến ở khắp mọi nơi. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể truy cập dữ liệu và các dịch vụ trực tuyến của mình trên nhiều thiết bị. Giờ đây, các hệ thống kiểm soát hệ thống sưởi, điều hòa không khí và các tiện ích khác trong ngôi nhà bạn có thể làm được như vậy một cách thông minh và được kết nối. Ngôi nhà thông minh của bạn có thể cho biết khi nào bạn rời đi, đến nơi và mức độ nóng hay lạnh mà bạn thích trong ngôi nhà của mình. Nó có thể sử dụng thông tin này và hơn thế nữa, để tạo ra trải nghiệm được cá nhân hóa. Sau đó, bạn có thể truy cập dịch vụ này từ điện thoại của mình hoặc các thiết bị trực tuyến khác, bất kể bạn ở đâu.


Tổng kết

Sự phát triển của Internet đã là một hành trình dài và chắc chắn sẽ tiếp tục hướng tới những lần phát triển xa hơn nữa. Với sự bùng nổ của dữ liệu có sẵn, các trang web và ứng dụng đang chuyển hướng sang mang lại những trải nghiệm web phong phú hơn. Mặc dù vẫn chưa có định nghĩa cụ thể cho Web 3.0, nhưng những đổi mới đã được đưa ra. Chúng ta có thể thấy hướng đi rõ ràng trong tương lai và blockchain dường như sẽ là một phần quan trọng của Web 3.0 trong tương lai.