Nghệ sĩ NFT Beeple là ai và tại sao lại nổi tiếng?
Trang chủ
Bài viết
Nghệ sĩ NFT Beeple là ai và tại sao lại nổi tiếng?

Nghệ sĩ NFT Beeple là ai và tại sao lại nổi tiếng?

Người mới
Đã đăng Sep 29, 2022Đã cập nhật Feb 1, 2023
6m

Tóm lược

Beeple là nhà thiết kế đồ họa người Mỹ và nghệ sĩ số nổi tiếng thế giới. Tác phẩm NFT ông đã được bán tại phòng trưng bày nghệ thuật di sản và ông là một trong ba nghệ sĩ đương đại đắt giá nhất. Nhiều người cho rằng Beeple đã chứng minh nghệ thuật cũng có thể là kỹ thuật số và không nhất thiết phải có các đặc tính vật chất. Bên cạnh việc tác phẩm của ông gây ấn tượng về mặt thẩm mỹ đối với nhiều người, nhiều bước tiến khác trong lĩnh vực NFT và các khía cạnh cấu trúc thị trường cũng có thể góp phần làm tăng sự nổi tiếng của ông.

Giới thiệu

Beeple đã thu hút sự chú ý của nhiều người đối với token không thể thay thế (NFT) thông qua tác phẩm nghệ thuật số của mình. Do đó, ông có thể được coi là một nhân vật quan trọng trong việc áp dụng NFT. Hơn nữa, những sản phẩm sáng tạo của ông là ví dụ sống động về một trong những công dụng của NFT, có thể thúc đẩy các chuyên gia sáng tạo khác có khả năng làm điều tương tự.

Beeple là ai?

Beeple, tên thật là Mike Winkelmann, là nhà thiết kế đồ họa và nghệ sĩ số người Mỹ. Trước khi nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật NFT, tác phẩm của ông đã được trưng bày trong các buổi hòa nhạc của những nhân vật nổi tiếng như Justin Bieber, Nicki Minaj và Childish Gambino.

Danh tiếng của ông không đến từ sự nghiệp lẫy lừng trong các phòng trưng bày nghệ thuật truyền thống hoặc chuyên môn cụ thể về token không thể thay thế (NFT). Con đường đến với NFT của ông giống như một thử nghiệm đột ngột vì ngày càng có nhiều người khuyên ông nên thử cách xuất bản tác phẩm nghệ thuật mới. Hiện nay, Beeple có hơn 2 triệu người theo dõi trên Instagram và là một trong ba nghệ sĩ đương đại đắt giá nhất.

Tác phẩm nghệ thuật NFT của Beeple thường tham chiếu đến các chính trị gia, biểu tượng văn hóa đại chúng và những thứ tương tự để châm biếm các sự kiện đang diễn ra trên thế giới và diễn giải về chính trị và văn hóa hiện đại. Điều thú vị là ông đã tìm ra cách thu hút sự chú ý đối với lĩnh vực nghệ thuật truyền thống bằng NFT nghệ thuật hoạt ảnh đồng thời cung cấp một cách thể hiện bình luận chính trị và xã hội bằng hình ảnh.

Điều gì khiến Beeple trở nên nổi tiếng?

Beeple bắt đầu bán NFT vào tháng 2 năm 2020. Các tác phẩm đầu tiên của ông đã gây ngạc nhiên cho giới nghệ thuật và công nghệ, với doanh số bán tác phẩm nghệ thuật số lên tới hàng chục nghìn đô la. Một trong những NFT đầu tiên mà Beeple bán có tên là Crossroad. Nó đã được thiết kế để thay đổi theo kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 2020. Tác phẩm nghệ thuật được đăng ký trên blockchain này đã được bán với giá 66.666,66 đô la Mỹ và sau đó được bán lại với giá 6,7 triệu đô la Mỹ.

Thời khắc quan trọng của Beeple đến khi nhà đấu giá di sản Christie's công bố bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật NFT của ông, trở thành nhà đấu giá lớn đầu tiên bán một tác phẩm nghệ thuật NFT số. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên Christie's chấp nhận ether làm phương thức thanh toán.

Tác phẩm nghệ thuật này có tên là Everydays – The First 5000 Days và đã được bán với giá hơn 69 triệu đô la Mỹ. Nó trông giống như tập hợp các pixel đầy màu sắc nhưng trên thực tế, nó gồm 5.000 hình ảnh riêng lẻ, mà Beeple đã tạo ra mỗi ngày trong hơn 13 năm.

Beeple trở nên nổi tiếng có thể là do thời điểm. Ông tham gia lĩnh vực NFT ngay khi nó bắt đầu có được đà phát triển. Một lý do có tính hệ thống khác có thể là những thay đổi lớn về kinh tế xã hội trên thế giới như đại dịch COVID-19. Do đó, mọi người bắt đầu dành nhiều thời gian hơn trên các thiết bị kỹ thuật số, làm việc tại nhà và dễ dàng bị thu hút bởi các ứng dụng kỹ thuật số mới hơn.

Beeple bán NFT Everydays trong giai đoạn NFT phát triển bùng nổ. Tuy nhiên, như với mọi "cơn sốt" khác, làn sóng phát cuồng về NFT sau đó đã lắng xuống.

Cách Beeple thay đổi nhận thức của mọi người về NFT

Beeple đã và đang thu hút sự chú ý của nhiều người đối với nghệ thuật số thông qua nhiều dự án NFT thành công. Ví dụ, thông báo công khai của Christie's về việc bán tác phẩm nghệ thuật số đã cho thấy cách NFT có thể trở thành một phần của văn hóa tinh hoa. Nó cũng chứng minh cho nhiều đối tượng khán giả rằng nghệ thuật cũng có thể là kỹ thuật số và không nhất thiết phải có các đặc tính vật chất. Ngoài ra, nó đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ blockchain cùng các tiềm năng mới.

Nhiều nghệ sĩ bắt đầu cân nhắc NFT trong đại dịch vì chúng cho phép nghệ sĩ kiếm sống mà không cần biểu diễn thực. Ngoài ra, NFT còn mang đến cách mới để thể hiện sự theo đuổi sáng tạo. Không chỉ các nghệ sĩ độc lập nhỏ mà những người nổi tiếng như Paris Hilton, Edward Snowden và Eminem cũng đã bắt đầu xuất bản các dự án NFT.

Ví dụ: Snoop Dogg đã thông báo bộ sưu tập NFT đầu tiên có tên là "A Journey with the Dogg" để thể hiện những ký ức ban đầu của mình dưới dạng tác phẩm nghệ thuật NFT. Ngoài ra, nhạc sĩ người Canada Grimes đã tạo ra một bộ sưu tập nghệ thuật NFT gồm 10 tác phẩm khám phá thế giới tương lai và kiếm được hàng triệu đô la chỉ trong vài giây.

Khi tất cả các tên tuổi lớn tham gia lĩnh vực NFT, tác phẩm của Beeple có thể đóng vai trò then chốt để NFT được công chúng chấp nhận. Thứ nhất, ông đã trở thành một trong những nghệ sĩ được trả thù lao cao nhất thế giới và cho thấy rằng người sáng tạo có thể kiếm tiền mà không cần phụ thuộc vào các nhà xuất bản và phương tiện truyền thống. Thứ hai, những tác phẩm nghệ thuật đầu tay của ông đã thể hiện những phong cách nghệ thuật chỉ có thể có ở dạng kỹ thuật số. Cuối cùng, ông đã sáng tạo nghệ thuật từ rất lâu trước khi NFT được mọi người biết đến, do đó, tác phẩm nghệ thuật số của ông chứng minh rằng lĩnh vực mới này không chỉ đem lại tiền bạc mà còn mở ra những cách mới để nghệ sĩ giới thiệu tác phẩm của mình.

Bước đi tiếp theo của NFT

Beeple trở nên nổi tiếng thế giới nhờ tác phẩm nghệ thuật NFT. Tuy nhiên, sự khan hiếm và tính độc đáo của NFT khiến chúng trở nên phù hợp với nhiều công dụng khác nhau như chơi game, âm nhạc và tài chính. Ví dụ: NFT chơi game cho phép người dùng chứng minh tính nguyên bản của các vật phẩm độc đáo trong game như súng và đất. Ngoài ra, các tựa game NFT chơi để kiếm tiền cho phép người dùng tạo thu nhập bằng cách chơi game.

Ngoài ra, tương tự như tác phẩm nghệ thuật, bạn có thể gắn âm thanh vào NFT để tạo ra một bản nhạc sưu tầm. Mọi người đều biết rằng chỉ có một số ít nhạc sĩ có thể kiếm tiền từ âm nhạc và NFT có tiềm năng làm cho mô hình kinh doanh của ngành công nghiệp âm nhạc trở nên công bằng hơn. NFT có thể giải quyết vấn đề này với các nền tảng phát trực tuyến dựa trên blockchain hoặc theo dõi tiền bản quyền trên blockchain.

NFT cũng có thể đóng vai trò là vé tham dự các buổi hòa nhạc và sự kiện, tạo ra thị trường thứ cấp cho NFT dựa trên quyền truy cập mà chúng cung cấp.

Mặc dù thị trường NFT và sự phát triển vượt bậc có phần chậm lại vào năm 2022, nhưng lĩnh vực NFT vẫn tiếp tục phát triển và tự cải tiến. Chúng ta có thể sẽ thấy nhiều phiên bản và công dụng mới của NFT.

Trên thực tế, bạn cũng có thể trở thành người tạo NFT. Nếu bạn đã là nghệ sĩ hoặc người sáng tạo, NFT có thể cho phép bạn kiếm tiền bản quyền mà không cần qua công ty hoặc người quản lý. Ngoài ra, không giống như các phòng trưng bày nghệ thuật truyền thống, nhiều thị trường NFT cho phép tất cả mọi người tham gia. Công nghệ blockchain làm cho NFT trở nên dễ tiếp cận hơn. Ngoài ra, do NFT là kỹ thuật số, nên bạn có thể thể hiện khả năng sáng tạo của mình ở mọi nơi trên thế giới. Giống như Beeple, có lẽ bạn có thể được công nhận chỉ sau một đêm bằng cách đăng tác phẩm của mình cho mọi người xem.

Tổng kết

Beeple đã cho thấy NFT là một phương tiện khả thi để phân phối và sở hữu tác phẩm nghệ thuật. Ngoài nghệ thuật số, NFT còn cung cấp một cách để cải tiến các ngành hiện tại như game, âm nhạc và tài chính. Hệ sinh thái NFT có thể sẽ chứng kiến các dự án mới với các công dụng và cách tạo ra giá trị độc đáo.